Trong lời ca, bài hát thời xưa, người ta thường dùng bốn chữ "Gương vỡ lại lành" để chỉ những trường hợp tái ngộ, giữa đôi tình nhân hoặc vợ chồng.
"Gương" là miếng đồng đen, hình tròn, một mặt có chạm bông lúa, một mặt thì đánh trơn láng để soi mặt. Thời xưa, lúc chưa tìm ra loại kiếng thủy tinh, các cô thiếu nữ tạm soi mặt để điểm trang nhờ tấm gương bằng đồng, giống như ngày nay chúng ta nhìn vào cái mâm thau chùi sáng thì có thể thấy nhiều chi tiết trên mặt.
Gương bằng đồng tiêu biểu cho lời thề chung thủy, sống chết không rời, đó là món đặc biệt của đàn bà.
Chuyện gương vỡ lại lành nhắc lại mối tình giữa Lạc Xương công chúa và phò mã Từ Đức Ngôn, đời Trần Hậu chúa bên Trung Hoa.
Phò mã và công chúa sống yên vui trong hạnh phúc, thì bỗng đâu nhà Tùy kéo quân đến tàn phá. Trong lúc tán loạn, để dễ bề tẩu thoát khi giả dạng thường dân, hai vợ chồng đành tạm biệt. Nhưng Từ Đức Ngôn vẫn tin tưởng vào ngày đoàn tụ nên bảo rằng:
- Công chúa hãy trao cho ta một vật gì để sau này làm tin.
Công chúa Lạc Xương đem tấm gương đồng, đập bể thành hai rồi trao cho Từ Đức Ngôn một mảnh.
- Chàng nên giữ thật kỹ.
Từ Đức Ngôn bèn nghĩ ra một kế:
- Rằm tháng giêng năm sau, ta tìm gặp nhau tại Trường An, đem nửa mảnh gương ra bán.
Nói xong, Từ Đức Ngôn tẩu thoát trong khi địch quân tràn vào cung điện, công chúa Lạc Xương bị tướng Dương Tố bắt sống.
Tuy nhiên Dương Tố là người hiền đức, ông ta ăn ở với công chúa, chẳng bao giờ dùng lời lẽ thô bạo. Công chúa sầu thảm vô cùng, nàng vẫn nhớ đến người chồng cũ, không biết sống chết hay lưu lạc phương nào.
Rằm tháng giêng năm sau, Từ Đức Ngôn trở thành kẻ sĩ bần hàn, chàng vẫn đến Trường An, dạo tới dạo lui để mong gặp người vợ hiền. Chàng thất vọng vì không gặp công chúa, nhưng ở cuối chợ có một thiếu nữ ngồi ngóng, để nửa mảnh gương trong cái thúng. Chàng đến gần, xin xem thử mảnh gương. Lúc đầu, thiếu nữ không cho chàng sờ vào và đòi hỏi chàng phải trả giá cao.
Đoán chừng đó là người tín cẩn của công chúa, chàng mời thiếu nữ vào quán thết tiệc rồi yêu cầu nói sự thật. Để chứng minh lòng mình, chàng đưa nửa mảnh gương ra.
Bấy giờ thiếu nữ trao mảnh gương cho chàng, thử ráp lại thì thấy rất khít khao.
Chàng làm bài thơ nhờ thiếu nữ đem về cho công chúa. Công chúa làm thơ đáp lại. Nhận ra người chồng xưa, công chúa Lạc Xương khóc lóc, thân thể hao mòn. Dương Tố hỏi, nàng nói đầu đuôi tự sự: Để tỏ lòng mình là khách hào hoa, Dương Tố nói:
- Nàng cứ mời chồng cũ đến đây.
Phò mã Từ Đức Ngôn vào dinh Dương Tố.
Thấy phò mã là người đứng đắn, Dương Tố bằng lòng cho công chúa Lạc Xương và phò mã tái hợp như trước.
Người đời sau khen ngợi Dương Tố là quân tử.
Trên đây là sự tích gương vỡ lại lành. Ở nước ta, theo dã sử thì lúc tẩu quốc, vua Gia Long và hoàng hậu đã cùng nhau thế ước, tấm gương bị đập làm hai, mỗi người giữ một mảnh.