Xưa có người nghèo đói đi ăn xin đã bao lâu, nay mới được một hôm, có một nhà giàu bố thí cho bát gạo. Anh ăn mày mừng rỡ, hí hửng đem gạo xuống vo dưới cầu ao. Chẳng may lúc đem vo, gió đâu nổi tứ tung, làm lật giá gạo đổ cả xuống ao. Anh ăn mày khóc lóc thảm thiết, không biết bắt đền ai. Càng nghĩ, càng giận trận gió, anh ta bèn làm đơn lên kiện tại Thiên đình. Đơn rằng :
Nay tôi đói khát,
Ở quận Hà Đoài,
Đi khắp mọi nơi
Kiếm ăn độ khẩu,
Hôm nay mới thấu,
Đến cửa nhà giàu,
Nói hết trước sau,
Cho được đấu lúa
Cửa nhà không có,
Chẳng biết vo đâu,
Ra đến cái cầu,
Ngồi mà vo đó
Phút đầu trận gió,
Lúa đổ xuống ao,
Không vợt, không lao,
Làm sao vớt được ?
Vậy nên đến trước
Gác phượng lầu rồng,
Tấu lạy Cửu Trùng,
Thương cho kẻo khổ
Trời chấp đơn. Rồi sai quỷ sứ đòi Thần làm gió lên tra hỏi. Lời Thần gió khai rằng:
- Vì có người lái buôn, buôn mấy thuyền thóc gặp phải độ không gió, không sao về được, mới làm lễ cầu phong, cho nên tôi phải thổi gió cho thuyền nó chạy.
- Người làm việc nhà Trời như thế thật là bất công, bất chính. Kẻ đói người cùng, thì không thấu tình thương đến nó. Còn đứa giàu nó đem lễ vật nó dâng, thì tham của tối mắt lại, nó bảo làm chi cũng làm.
Đoạn Trời phạt tội Thần gió, bảo phải bắt người phú thương kia đền trả người ăn mày một bát gạo. Người phú thương cũng chịu đền. Nhưng nó không khỏi oán Thần gió. Nên mới có câu người ta vẫn thường ví rằng:
Ăn mày đánh đổ cầu ao,
Vì lời Phong suy cho tao phải đền.
(Phong suy hay phong ba là Thần làm gió)
Truyện này, còn có người kể rằng Thần gió khai với Trời là phải buổi đi vắng, đứa con ở nhà làm gió thổi chơi. Trời sai đánh chết đứa con ấy. Hồn nó xuống hạ giới không biết làm nghề gì, phải đi chăn trâu, chăn bò cho người ta. Sau lại chết mà hóa ra cây ngải gió. Bởi vậy mà người ta nghiệm khi cây ngải gió cuốn bông cuốn lá lại, là Trời sắp có gió vì cây ấy biết trước. Người ta lại thường dùng cây ấy để chữa bệnh cho trâu bò, bởi vì trước anh Ngải gió làm nghề chăn trâu bò