Ngày xưa, khi người Thượng chưa biết làm ra lửa, họ vẫn phải đi mua đãy. Mỗi lần mua mất một cái ché bằng vàng, bên ngoài sơn đủ màu sắc của các con vật trên rừng núi, tốn kém lắm.
Một hôm, dân làng ngồi trong nhà dài (Nơi hội họp của làng) bỗng nghe gió đưa về tiếng chim kêu: "Ót ô! Ót ọ" và trong ngọn gió có những tia lửa lập lòe nhấp nháy.
Dân làng rủ nhau đi tìm nơi sinh ra những tia lửa ấy. Họ đi vào rừng sâu, núi thẳm. Đi năm ngày, năm đêm thì gặp một con ruồi. Họ hỏi ruồi:
- Ruồi ơi! Mày có thấy ai làm "Ót ô! Ót ọ!" Mà lại ra lửa không?
- Tôi không biết đâu. Nhưng tôi sẽ đi tìm hộ dân làng.
Nói rồi, ruồi bay đi.
Ruồi bay đi mãi tới một cái hang thì thấy con chim dá ố (Một loài chim lông đỏ như lửa, kêu: Ót ô! Ót ọ) đang ngồi kéo gỗ làm lửa. Ruồi sợ dá ố trông thấy bèn nhóm mắt ở đằng khác để xem trộm, dá ố lấy cây da dàn (Một loại cây thân xốp, cọ nóng lên thì ra lửa) và một sợi lạt, phía dưới để lá khô, rồi cầm hai đầu kéo lên kéo xuống một lúc thì tia lửa bắn ra, rơi xuống lá khô, bén thành ngọn.
Ruồi học được cách làm lửa thích chí quá, bay vù ra. Dá ố thấy động quay lại, biết ruồi xem trộm được cách làm lửa của mình, tức lắm. Vì ruồi sẽ vẽ bày cho dân làng, người ta sẽ không mua lửa của dá ố nữa.
Dá ố đuổi bắt ruồi, đuổi lên tận trời, đuổi tận xuống đất nhưng không bắt được.
Ruồi bay về bày cho dân làng cách đánh lửa của chim dá ố. Để trả ơn ruồi, người ta cho nó được đốt trâu. Từ đó có loài ruồi trâu, và cũng từ đó người Thượng đánh được lửa, biết làm bếp để nấu nước và dùng củi đốt sưởi trong những ngày đông tháng giá.
***
(Truyện cổ dân tộc Hơ-rê)
Nguồn: Tuyển tập văn học dân gian Việt Nam,
Phan Trọng Thưởng và Nguyễn Cừ biên soạn và tuyển chọn,
Nxb. Giáo dục, H., 2001