TruyệnXưaTíchCũ.cOm

Cho tôi một vé về với tuổi thơ.

Trước Tiếp theo

Đánh giá: 5/5 - 0 phiếu
Ông trạng mười hai tuổi

Ông Nguyễn Hiền, người làng Hà Dương, tỉnh Nam Định, nổi tiếng là thần đồng từ lúc sáu, bảy tuổi. Thầy dạy học cho ông là một nhà sư ở chùa. Mỗi ngày nhà sư dạy cho ông mười tờ giấy, học trong chốc lát là ông thuộc cả mười.

Năm mười một tuổi, Nguyễn Hiền đỗ Thủ khoa, đến năm sau, nhằm đời Trần Thánh Tôn, ông vào thi Đình, được được Trạng nguyên. Lúc bấy giờ ông chỉ mới mười hai tuổi.

Được đưa vào chầu vua, vua thấy một đứa bé loắt choắt thì không khỏi ngạc nhiên về tài học nên hỏi:

- Trạng học với ai mà giỏi thế?

Trạng tâu rằng vừa sanh ra thì giỏi liền, chỉ cần học thêm đôi ba điều là tinh thông tất cả.

Vua thấy Nguyễn Hiền thiếu khiêm tốn, lại ăn nói không được lễ phép, nên cho về học lại lễ nghĩa đúng ba năm mới được ra làm quan.

Chẳng bao lâu, sứ Tàu đem sang Thăng Long một bài thơ ngũ ngôn để thử tài nước Nam. Bài thơ như vầy:

Lưỡng nhật bình đầu nhật,
Tứ sơn điên đảo sơn,
Lưỡng vương tranh nhất quốc,
Tứ khẩu tung hoành gian.

Sứ Tàu đem bài thơ dâng lên vua Trần, nhà vua đem hỏi triều thần thì chẳng một ai hiểu được nghĩa lý bài thơ. Các quan tâu rằng:

- Bệ hạ thử mời quan Trạng đến xem.

Vua Trần liền cho sứ giả đi triệu Nguyễn Hiền về kinh. Sứ giả đến làng Hà Dương, vào nhà Trạng Hiền thì thấy đứa trẻ đang lui cui dưới bếp liền bỡn cợt rằng:

- Ngô văn quân tử viễn bào trù; hà tu my táo. (Tôi nghe quân tử xa chỗ bếp núc, lọ là phải nịnh vua Bếp).

Trạng liền ứng khẩu đáp lại:

- Ngã bản hữu quan cư đỉnh nại; khả tạm điều canh. (Ta cốt có chức làm được Tể tướng, nhưng còn tạm nấu nồi canh).

Sứ giả thấy ứng đối cao thâm càng phục tài Trạng Hiền. Bây giờ mới bày tỏ ý vua mời Trạng về kinh.

Trạng lắc đầu bảo rằng:

- Lúc trước thiên tử bảo ta không thông lễ nghĩa phải về học lại, đến nay mới biết thiên tử cũng chưa biết lễ nghĩa gì cả, thì làm sao ta lai kinh cho đặng.

Sứ giả về thuật lại, vua biết lỗi liền sai đem cờ quạt, lọng táng đến rước, bấy giờ Trạng mới chịu về kinh. Vua trao cho Trạng xem bài thơ ngũ ngôn. Trạng liền cầm bút lông viết ra một chữ "Điền." rồi giải nghĩa rằng:

- Câu thứ nhất có chữ "Nhật." ngược xuôi bằng đầu nhau. Câu thứ nhì bốn chữ "Sơn." ngược xuôi cũng là chữ "Sơn." cả. Câu thứ ba, hai chữ "Vương." tranh nhau ở trong một nước. Câu thứ tư có bốn chữ "Khẩu." ngang dọc cũng thành chữ "Khẩu." cả, rốt lại chỉ là một chữ "Điền" (Tra Tự Điển Hán Việt: Nhật = 日, Sơn = 山, Vương = 王, Khẩu = 口. Đem ráp mấy chữ trên lại thì ta có chữ Điền = 田.).

Sứ Tàu phải chịu phục tại của Trạng Hiền. Vua Trần lấy làm đẹp ý phong Nguyễn Hiền làm Kim Tử Vinh Lộc đại phu. Sau làm đến Công Bộ Thượng Thư, được ít lâu thì mất.

Vua thấy người tuổi trẻ mà tài cao nên lấy làm thương tiếc, lấy tên huyện Thượng Hiền đổi ra là Thượng Nguyên để kỷ niệm bực hiền tài và cũng để cữ tên ông vậy.

Xem ngay truyện hay khác

  1. Sự tích hoa cẩm chướng (Tạo lúc: 05/03/2015)
  2. Công chúa ngủ trong rừng (Tạo lúc: 05/03/2015)
  3. Nàng công chúa và hạt đậu (Tạo lúc: 06/03/2015)
  4. Những bông hoa của cô bé Ida (Tạo lúc: 06/03/2015)
  5. Hai Bà Trưng (Tạo lúc: 08/03/2015)
  6. Bát Nàn công chúa (Tạo lúc: 08/03/2015)
  7. Bình Khôi công chúa (Tạo lúc: 08/03/2015)
  8. Khâu Ni Công Chúa (Tạo lúc: 08/03/2015)
  9. Hòn vọng phu (Tạo lúc: 08/03/2015)
  10. Đức Thánh Gióng (Tạo lúc: 08/03/2015)

Bình luận hoặc góp ý về nội dung

Tìm kiếm


Danh mục

Chủ đề hay bạn quan tâm

Hài hước - vui nhộn