Nguyễn Quán Nho (1637 - 1708) quê ở làng Văn Hà, huyện Thụy Nguyên, nay là làng Vạn Hà, xã Thiệu Hưng, huyện Thiệu Hóa - Thanh Hóa. Ông mồ côi cha từ nhỏ, nhà lại nghèo, bà mẹ ở vậy nuôi con mặc dù khi ấy tuổi hãy còn khá trẻ.
Ngoài hơn sào ruộng cấy, nguồn sống của hai mẹ con còn trông cậy vào khoảnh ao, mảnh vườn nhỏ trước nhà, để thả bèo nuôi lợn và trồng rau màu, ngoài ra, những khi rảnh rỗi, không lúc nào bà mẹ ngơi tay bện thừng bện chão, để kiếm thêm tiền nuôi con ăn học, ròng rã suốt hơn hai chục năm trời.
Năm 30 tuổi, Nguyễn Quán Nho đi thi đỗ đại khoa, hôm vinh qui về làng thì bà mẹ vẫn còn đang vớt bèo. Điều này có thể giải thích: vì nhà bà nghèo, lại làng xóm cũng nghèo chưa thể chuẩn bị nhà cửa tươm tất cho quan tân khoa được, vậy nên các vị chức dịch muốn tổ chức đón tiếp ông ngay tại đình làng để vừa khang trang lại vừa tiện lợi. Thế nhưng như thế đã làm cho bà mẹ cảm thấy bị "sái": bà muốn con bà phải về nhà gặp bà trước rồi cúng lễ gia tiên, sau đó mới ra đình, như vậy mới là đúng với nghi thức và nề nếp.
Bởi vậy, khi kiệu của Nguyễn Quán Nho hạ xuống trước sân đình, không nhìn thấy bà mẹ, ông đã hiểu sự tình, liền bảo với các vị chức dịch nói dân làng hãy chờ, rồi rảo bước về nhà. Ông xắn quần xắn áo vớt bèo cùng bà mẹ rồi rửa bèo, đoạn mang đặt vào bếp, xong xuôi đi rửa ráy chân tay, lên nhà trên châm đèn thắp hương cùng với ít trái cây hái trong vườn để làm lễ gia tiên, rồi sau đó mới cùng bà mẹ đi ra đình dự lễ.
Thời gian đầu, Nguyễn Quán Nho làm quan ở vùng Ninh Bình, bà mẹ không đi theo. Ông cần cù chăm chỉ, tận tụy với công việc. Cuối năm, không về quê ăn Tết được, ông gửi biếu bà mẹ một chiếc áo lụa, sai người hầu mang về tận nhà. Mấy hôm sau, người này trở ra, tay mang một gói nhỏ trong đựng nắm tro, với lời bẩm báo: đó là tro bà mẹ đã đốt chiếc áo gửi trả lại, và những điều bà dặn phải nói lại với ông như sau:
- Con mới ra làm quan chưa đầy năm mà đã có áo lụa gửi về, vậy nếu con làm quan mười năm thì sẽ gửi về bao nhiêu? Lại còn việc sai người lặn lội đường xa chỉ vì việc riêng của mình? Mẹ ở nhà làm lụng đủ ăn, không bao giờ cần đến những của phi nghĩa. Con đã học sách thánh hiền, sao không nhớ lấy câu: "Lương bồng của quan là do mồ hôi, công sức của dân góp lại"?
Nguyễn Quán Nho cả sợ, tự hứa không bao giờ dám tơ hào một đồng một cắc của dân, lại cũng không dám tuỳ tiện sử dụng người làm việc công vào việc riêng. Còn chiếc áo lụa, mặc dù do tiền dành dụm của ông mà có, nhưng ông hiểu bà mẹ làm như vậy là để nhắc ông phòng ngừa, không được lợi dụng quyền chức mà phải luôn luôn sống trong sạch.
Do thanh liêm chính trực, xử đoán các việc công minh, lại tận tâm với công việc, nên tên tuổi của Nguyễn Quán Nho càng ngày càng hay được nhắc tới trong giới quan trường. Chúa Trịnh biết tiếng, triệu ông ra Kinh đô, cho thăng lên chức Phó đô ngự sử, khi ông 47 tuổi. Chín năm sau, Chúa lại thăng cho ông lên Binh bộ Thượng thư, cùng Lê Hy (Thượng thư bộ Hình) vào làm Tham tụng (tức Tể tướng) trong 5 năm. Do vô tình mắc sơ suất nhỏ, Chúa giáng ông xuống làm Đô ngự sử trong 7 năm, rồi lại tái thăng Thượng thư bộ Lễ và Tham tụng.
23 năm giữ những cương vị chủ chốt, Nguyễn Quán Nho luôn là mẫu mực để bách quan nhìn vào, còn trong dân gian thời ấy có câu: "Tể tướng Văn Hà, thiên hạ âu ca".
Trong thời gian làm quan ở Ninh Bình, nhiều lần Nguyễn Quán Nho ngỏ ý muốn đón bà mẹ ra ở cùng để phụng dưỡng, nhưng bà nhất định không nghe, nói là ở nhà để chăm nom mộ phần và thờ cúng tổ tiên. Đến khi nghe tin ông ra Kinh đô làm đến Tể tướng, thì bà con làng xóm dục giã: Bà hãy thử lên Kinh đô một chuyến xem sao? Nể lời bà con nhưng đồng thời cũng muốn được tận mắt chứng kiến xem cách xử sự của Tể tướng thì như thế nào, nên một ngày kia, bà khăn gói lên đường.
Lặn lội hơn một tháng trời, khi mẹ con gặp nhau chưa kịp đôi hồi, thì bà đã nói ngay:
- Nghe nói bây giờ con làm quan to đang giàu có lắm mà ở quê ta thì hay đói kém, mất mùa. Vậy mẹ lặn lội ra đây xin con ít tiền để về làm của dự trữ, sinh sống về sau cho nó an nhàn.
Nguyễn Quán Nho vội vàng quỳ xuống:
- Lạy mẹ. Mẹ đã già rồi. Xin mẹ hãy ở lại đây, không nên về quê nữa cho khổ.
Bà mẹ gạt đi:
- Khổ thì khổ, nhưng mẹ không thể bỏ quê cha đất tổ được. Còn con có cho mẹ các thứ hay không là tuỳ.
Do hiểu rất rõ tính tình và cách thức dạy dỗ của mẹ, nên Nguyễn Quán Nho chỉ thưa:
- Vâng, nếu mẹ đã nói vậy thì con xin chiều theo ý mẹ.
Nói đoạn, ông bảo người hầu đưa bà mẹ vào phòng trong để nghỉ...
Sáng hôm sau, quan Tể tướng cho thuộc hạ đến một dãy phố buôn bán giàu có nói với mọi người rằng nhà nước sắp sửa mở rộng thêm con đường đi qua đây.
Lạ thay, khi chưa có lệnh chính thức phát ra mà ngay buổi chiều rồi cả buổi tối hôm ấy, đã thấy dân chúng lũ lượt mang phong bao, lễ vật đến tận dinh quan Tể tướng, để xin cho mở rộng con đường ở dãy phố khác, chứ không phải ở dãy phố của họ.
Quan Tể tướng gật đầu với tất cả, bảo người hầu ra nhận lễ vật, lại bảo nhỏ viên thư lại: ghi chép tất cả các thứ của từng người cho thật rõ ràng.
Đến sáng ngày hôm sau, ông cho kiểm lại, đã thấy vô số là tiền, vàng bạc, lụa là, xếp thành một đống trên bàn. Ông bảo người hầu vào mời bà mẹ ra, đoạn chỉ vào đống lễ vật mà nói:
- Đây là các thứ con định biếu mẹ, xin mẹ nhận cho.
Bà mẹ bỗng ngạc nhiên:
- Trên bàn này hôm qua có thấy gì đây, sao hôm nay tự dưng lại có? Đấy là của con để dành mang ra, hay là của con mới lấy ở đâu về?
Nguyễn Quán Nho nén lòng, kể lại sự việc. Nghe xong, bà mẹ nổi trận lôi đình, đập bàn chỉ mặt mà mắng:
- A... Tao tưởng mi có tiền bằng cách nào, chứ bằng cách ấy mà cũng đòi làm người, làm quan được à?
Đến mức ấy thì Nguyễn Quán Nho cầm lòng chẳng được. Ông gục đầu xuống, nức nở khóc. Một lúc sau trấn tĩnh được, ông thưa lên với mẹ:
- Lời mẹ dặn từ những năm xưa, bao nhiêu năm nay con đâu dám trái. Đấy mẹ xem, chỉ bằng một mẹo nhỏ mà con đã được như thế này, vậy mà, thề có vong linh của tổ tiên, trước sau không bao giờ con dám làm như thế. Lần này con làm cũng là để thử cho mẹ biết, xem mẹ xử trí thế nào. Bây giờ con xin thưa thực với mẹ: Bấy lâu nay tuy lương có cao, nhưng con cũng giữ lại tạm đủ dùng, còn đâu thì đều đưa đi phát chẩn cho những nơi mất mùa cả.
Bà mẹ đỡ con đứng dậy:
- Mẹ ra đây cũng chẳng phải để xin tiền bạc của con, mà chỉ cốt để xem cách ăn ở, cư xử của con thế nào. Nghe con nói vậy là mẹ đã cảm thấy yên lòng rồi.
Ngay ngày hôm ấy, quan Tể tướng sai viên thư lại theo sổ sách ghi chép đem trả lại hết lễ vật cho dân chúng. Còn bà mẹ, sau đó ít bữa cũng trở về quê, vui sống cùng bà con xóm làng, cho đến lúc mãn chiều xế bóng.
Triều đại Lê - Trịnh tuy không phải là thời vẻ vang trong lịch sử dân tộc, nhưng trong hơn 200 năm tồn tại của triều đại này, vẫn có những điểm khả thủ, như việc cất nhắc những vị quan lại có phẩm cách, mà Tể tướng Nguyễn Quán Nho là một ví dụ tiêu biểu... Tấm gương của hai mẹ con ông, cũng như của một số nhân vật lịch sử khác, nếu có dịp nhìn lại, chúng ta vẫn có thể rút ra được những bài học thật sự bổ ích.