Về thân thế và sự nghiệp của Mạc Đĩnh Chi, Đại Việt sử ký toàn thư đã ghi lại một vài điểm chính như sau:
- Niên hiệu Hưng Long thứ 12 (Giáp thìn 1304) đời Trần Anh Tông, "tháng ba, thi kẻ sĩ trong nước, ban cho Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi chức Thái học sinh hoả dũng thủ, sung làm nội thư gia".
- Niên hiệu Hưng Long thứ 16 (Mậu thân 1308), "Sứ Nguyên là Thượng thư An Lỗ Khôi sang báo tin Vũ Tông lên ngôi. Vua (Trần Anh Tông) sai Mạc Đĩnh Chi sang (sứ) Nguyên. Đĩnh Chi người thấp bé, người Nguyên khinh ông. Một hôm viên Tể tướng mời ông vào phủ cho cùng ngồi. Lúc ấy, đương hồi tháng 5, tháng 6. Trong phủ có bức trướng mỏng thêu hình con chim sẻ vàng đậu trước cành trúc. Đĩnh Chi vờ ngỡ là chim sẻ thực sự, vội chạy đến bắt. Người Nguyên đều cười ồ, cho là người phương xa bỉ lậu. Đĩnh Chi kéo bức trướng xuống xé đi. Mọi người đều lấy làm lạ, hỏi tại sao. Đĩnh Chi trả lời:
- Tôi nghe người xưa vẽ cành mai và chim sẻ, chứ chưa thấy chim sẻ đậu cành trúc bao giờ. Nay trong bức trướng của Tể tướng lại thêu cành trúc với chim sẻ. Trúc là bậc quân tử, chim sẻ là kẻ tiểu nhân. Tể tướng thêu như vậy là để tiểu nhân ở trên quân tử, sợ rằng đạo của tiểu nhân sẽ mạnh, đạo của quân tử sẽ suy. Tôi vì thánh triều mà trừ giúp bọn tiểu nhân.
Mọi người đều phục tài của ông. Đến khi vào chầu, gặp lúc nước ngoài dâng quạt, vua Nguyên sai làm bài minh, Đĩnh Chi cầm bút viết xong ngay, lời bài minh như sau:
"Lưu kim thước thạch, thiên địa vi lô, nhĩ ư tư thi hề, Y, Chu cự nho Bắc phong kỳ lương, vũ tuyết tái đồ, nhĩ ư tư thi hề, Di Tề ngã phu. Y! Dụng chi tắc hành, xả chi tắc tăng, duy ngã dữ nhĩ, hữu như thi phù". Nghĩa: "Chảy vàng tan đá, trời đất như lò, ngươi bấy giờ là Y, Chu đại nho, Gió bấc căm căm, mưa tuyết mịt mù, ngươi bấy giờ là Di, Tề đói xo. Ôi! Được dùng thì làm, bị bỏ thì nằm co, chỉ ta cùng ngươi là như thế ru!
Người Nguyên lại càng thán phục."
- Niên hiệu Đại Khánh thứ mười (Quí Hợi - 1323) đời Trần Minh Tông, tức là sau hai mươi năm kể từ khi Mạc Đĩnh Chi thi đỗ và làm quan dưới hai triều Anh Tông và Minh Tông, Đại Việt sử ký toàn thư còn ghi thêm: "Đĩnh Chi là người liêm khiết, sống rất đạm bạc. Vua rất hiểu ông, sai người ban đêm đem 10 quan tiền bỏ vào nhà ông. Hôm sau Đĩnh Chi vào chầu, tâu vua hay chuyện đó. Vua bảo: "Không ai đến nhận, cho khanh lấy mà tiêu".
Tuy chính sử chỉ ghi như vậy, nhưng trong dân gian, trải qua nhiều thế hệ và nhiều thế kỷ, còn lưu truyền nhiều câu chuyện, bao gồm cả truyền thuyết, dã sử và giai thoại, đã được một vài nhà nho ghi chép lại, như trong các sách Nam tư sử ký, Thiên nam sự tích (đều khuyết danh) về nguồn gốc xuất sứ, về các lần đối đáp trong đợt đi sứ Nguyên của Mạc Đĩnh Chi. Tuy nhiên, các sách này mới chép ở mức độ sơ sài. Dưới đây, chúng tôi xin sắp xếp và trình bày lại, có giải thích cho rõ thêm, các sự việc xảy ra xung quanh Mạc Đĩnh Chi, theo trình tự thời gian.
*
* *
Mạc Đĩnh Chi, tự là Tiết Phu, người làng Lũng Động xã Bàng Hà, huyện Chí Linh - Hải Dương, sinh năm 1272, mất năm 1346, thọ 75 tuổi. Ông là cháu xa đời (khoảng 10 - 12 đời) của Thượng thư Mạc Hiển Tích, triều Lý Nhân Tông.
(Đại Việt sử ký toàn thư ghi: "Mùa thu, tháng tám năm Quảng Hựu thứ hai (Bính Dần - 1086) thi người có văn học trong nước, sung làm quan ở Hàn lâm viện. Mạc Hiển Tích trúng tuyển (có sách ghi: đỗ đầu, như Trạng nguyên), bổ làm Hàn lâm học sĩ").
Cách ngoài 200 năm, lại trải qua những biến động xã hội lớn (nhà Trần thay thế nhà Lý, quân Nguyên - Mông hai lần sang xâm chiếm...) nên các cháu chắt của Mạc Hiển Tích cũng đã trở thành thường dân, hoặc nếu có thì chỉ giữ những chức quan ở thứ bậc thấp.
Quê hương của Mạc Đĩnh Chi vào thời ấy (xã Bàng Hà huyện Chí Linh) dân cư hãy còn thưa thớt, làng xóm ở xen lẫn với rừng, lại có nhiều gò đống, cây cối um tùm. Một lần bà mẹ (khi ấy chưa sinh Mạc Đĩnh Chi) vào rừng kiếm củi, bị một con khỉ độc bắt giữ, toan giở trò hãm hiếp. May mà bà là người khoẻ mạnh, đã chống đỡ lại quyết liệt và thoát ra được, chạy thẳng về nhà nhưng sống áo tơi tả. Bà kể lại sự việc ấy với chồng. Người chồng vô cùng tức giận, rồi sau vài đêm suy tính, đã nghĩ ra được một kế để diệt trừ khỉ.
Một hôm, ông ăn mặc quần áo của bà, lại độn ngực chít khăn cho thật giống phụ nữ, rồi quẩy quang gánh vào rừng kiếm củi. Ở dưới làn áo chỗ cạp quần, ông thủ sẵn một con dao nhọn, đã mài thật sắc. Khi đi ngang qua nơi bà bị khỉ giữ lần trước, ông đặt gánh xuống rồi kiếm củi. Một lát sau, con khỉ độc chạy ra, ôm chầm lấy ông. Trong khi một tay khỉ giữ, còn tay kia thì xé quần áo, ông đã rút nhanh dao nhọn ra, rồi đâm thật mạnh vào ngực vào bụng khỉ. Con khỉ rú lên, rồi gục xuống, chết ngay tại chỗ. Ông đẩy xác khỉ ra cạnh đấy, đoạn cởi khăn lau hết các vết máu vấy trên mặt, trên chân tay mình, rồi quẩy quang gánh về nhà. Sáng hôm sau, hai ông bà lại quẩy quang gánh cùng vào rừng kiếm củi. Cũng là cách nhân thể, để ông chỉ cho bà, biết con khỉ đã bị giết như thế nào. Nhưng lạ thay, đến chỗ xác khỉ gục xuống hôm qua, nay chỉ thấy một đống mối đùn to tướng. Là người có học, lại ít nhiều biết được thuật phong thuỷ, nên đến lúc bấy giờ ông mới để tâm quan sát từ chỗ đứng ra khắp bốn xung quanh. Ông vô cùng kinh ngạc khi nhận ra xác khỉ đã được "thiên táng" và một thế đất rất "vượng". Đó là giữa một gò đất thấp, phía trước có dòng suối uốn lượn chảy qua, còn ba bề xung quanh, là những gò đất cao đều châu tuần vào đấy. Ông nói với bà: "Xác khỉ đã bị mối đùn rồi", đoạn hai người cùng ở lại kiếm củi, đến gần trưa, khi đã đầy cả hai gánh, mới về.
Ông giữ kín chuyện đất cát, phong thuỷ... trong lòng, không nói lộ ra với ai, sợ người ta đến "chiếm" mất. Còn bà, cũng chỉ hay là con khỉ độc đã bị giết, tuy trong bụng có hả hê đôi phần, nhưng nhiều khi trong giấc chiêm bao, hình ảnh của nó vẫn hiện về, như những gì thật gớm ghê, kinh khủng nhất.
Mấy tháng sau thì bà có mang, rồi sinh ra một bé trai. Ông đặt tên cho con là Mạc Đĩnh Chi.
Có thể trong thời gian mang thai, bà mẹ đã thường xuyên bị hình ảnh của con khỉ độc ám ảnh, nên khi sinh ra Mạc Đĩnh Chi có dáng người gày gò, thấp bé, còn mặt thì lại hao hao giống khỉ: Miệng rộng, trán dô, mũi tẹt, tai vểnh, nhưng hai con mắt nhỏ lại đặc biệt tinh anh. Các thầy tướng số bảo đó là "cổ tướng" - tức cũng là một dạng của "quí tướng", để giải thích những tài năng đặc biệt của Mạc Đĩnh Chi sau này...
Sự "giải thích" ấy lại có phần huyền bí hơn khi vào khoảng hai chục năm sau đó, lúc ông bố của Mạc Đĩnh Chi sắp mất, đã dặn lại vợ con hãy đem "táng" ông vào bên trên của đống đất có xác con khỉ độc nằm ở dưới.
Chẳng biết có phải vì như vậy, mà ngôi mộ của dòng họ Mạc, kể từ đấy, được mối đùn cho to thêm ra mãi, đã "phù hộ" cho con cái cháu chắt sau này ngày càng hiển đạt, đến mức nhiều người đã làm đến công hầu, khanh tướng, rồi đế vương... Các thầy địa lý đời sau nói như vậy, và họ còn "giải thích" thêm, là dòng nước ở phía trước chảy đi (tức là có "tán" mà không có "tụ" để tạo thành minh đường), nên con cái cháu chắt (tính từ đời Mạc Đĩnh Chi trở đi) chỉ "sang" thôi chứ không "giàu" lên được!
Bây giờ, nếu giở lần lại lịch sử, ta thấy rằng những lời bình và luận kể trên, kể ra cũng đã đúng nhiều phần. Như việc ba người cháu của Mạc Đĩnh Chi là Mạc Định, Mạc Thuý và Mạc Viễn đầu hàng giặc Minh (vào thời nhà Hồ) được chúng ban cho phẩm tước, nhưng về sau cũng bị triều hậu Lê trừng phạt, của cải, do vậy, cũng bị mất theo. Hay như việc Mạc Đăng Dung (cháu 7 đời của Mạc Đĩnh Chi) cướp ngôi nhà Lê để lập ra vương triều Mạc, nhưng về sau cũng bị họ Trịnh (phù Lê) đánh bại, cung điện, của cải vì thế cũng tan tành cùng với việc trong dòng họ có nhiều người bị giết, hoặc phải thay tên đổi họ phiêu bạt khắp nơi.
Cũng có thể cho rằng các thầy địa lý thời trước, đã căn cứ vào chính lịch sử để chứng minh cho sự đúng đắn của thuyết phong thuỷ của họ. Nhưng dẫu sao mặc lòng, thì điều đến nay có thể ghi nhận được, là dòng họ Mạc, tính từ Mạc Hiển Tích trở đi, đã có nhiều nhân tài xuất chúng và cũng là dòng họ có truyền thống văn học lớn, mà tiêu biểu là hai vị Trạng nguyên, đặc biệt là Mạc Đĩnh Chi, trong lần đi sứ tới Yên kinh, đã làm cho cả triều Nguyên phải nể phục. Hoặc như việc trong 67 năm trị vì, vương triều Mạc đã mở tới 21 khoa thi Hội, lấy đỗ tới 460 Tiến sĩ thì quả là một đóng góp rất lớn vào việc chấn hưng đất nước trên phương diện văn hoá - giáo dục.
*
* *
Như ở phần trên đã nói, thuở nhỏ tuy Mạc Đĩnh Chi thấp bé, xấu xí, nhưng lại ham học và có đầu óc thông minh sáng láng, nên "học một biết mười" và tài ứng đối cũng thực hơn người. Thuở ấy Trần Ích Tắc, con thứ của Thượng hoàng Thái Tông, em của Hoàng đế Thánh Tông, được phong tước Chiêu quốc vương mở trường dạy học ở miền Chí Linh, thì Mạc Đĩnh Chi cũng đến đấy theo học. Đại Việt sử ký toàn thư đã ghi về nhân vật này: "Trần Ích Tắc thông minh hiếu học, thông hiểu lịch sử, lục nghệ, văn chương nhất đời. Dù nghề vặt như đá cầu, đánh cờ, không nghề gì không tinh thạo; từng mở học đường ở bên hữu phủ đệ, tập hợp văn sĩ bốn phương cho học tập, cấp cho ăn mặc, đào tạo thành tài, như bọn Mạc Đĩnh Chi ở Bàng Hà, Bùi Phóng ở Hồng Châu v.v... gồm 20 người, đều được dùng cho đời".
Quả là Trần Ích Tắc "văn chương nhất đời" nên đã góp phần đào tạo được người học trò giỏi là Mạc Đĩnh Chi. Tuy nhiên khi Mạc Đĩnh Chi đỗ Trạng nguyên vào năm Giáp Thìn (1304) dưới triều Trần Anh Tông, thì Trần Ích Tắc đang chết già vì sầu muộn ở Yên kinh bên cạnh triều đình nhà Nguyên, với chức "An nam quốc vương" hờ. (Trước đó 20 năm, vào năm 1285 khi quân Nguyên xâm chiếm nước ta lần thứ nhất, Trần Ích Tắc đã đem cả gia thuộc đầu hàng giặc, và từ đó vẫn ở Yên Kinh).
Tương truyền, khi Mạc Đĩnh Chi vào thi Đình, tuy nhà vua (Trần Anh Tông) thấy văn chương của ông không ai bì kịp, lại nghe những lời đối đáp của ông cũng thực sắc sảo, thông minh, nhưng nhìn vào mặt ông, thấy hình dung cổ quái xấu xí, đã không muốn cho được đỗ đầu. Biết ý, ông bèn làm ngay bài phú "Hoa sen giếng ngọc" để dâng lên nhà vua "ngự lãm"(đọc). Trong bài phú, tuy ông chỉ nói đến một loài hoa cao quí mặc dù phải sống trong bùn, nhưng nhà vua cũng hiểu ý ông định nói gì. Nhà vua có phần cảm động, do vậy, vẫn cho ông đỗ Trạng.
Sau khi Mạc Đĩnh Chi thi đỗ (năm ông 33 tuổi) được sung làm Nội thư gia rồi đường quan tước thăng tiến dần dần. Bốn năm sau, vào năm Mậu Thân 1308, ông được nhà vua phong làm Chánh sứ đi sang Nguyên, để đáp lễ về việc vua Nguyên Vũ Tông vừa mới lên ngôi, có mang theo nhiều lễ vật. Khi đến quan ải chỗ tiếp giáp giữa hai nước, viên quan trấn giữ người phương Bắc sai lính chốt chặt cánh cửa không cho đoàn sứ bộ đi qua, lấy cớ là đoàn đã sai hẹn. Chánh sứ Mạc Đĩnh Chi đến trình bày là do mưa gió nên không thể đến sớm, nhưng họ vẫn không nghe. Cuối cùng, viên quan này bèn ra một vế đối, bảo nếu đối được thì mới mở cửa. Vế đối ấy như sau:
Quá quan từ, quan quan bế, nguyện quá khách quá quan. (Quan ải muộn, cửa ải đóng, mời khách qua đường cứ qua).
Mạc Đĩnh Chi lập tức đối lại:
Xuất đối dị, đối đối nan, thỉnh tiên sinh tiên đối. (Ra đối dễ, đối lại khó, xin tiên sinh đối trước).
Vế ra khá hiểm, lấy ngay sự việc đang diễn ra mà lập ý, còn vế đối cũng thực tài tình lại dùng chính lời nói của người ra đối để đối lại, nhưng không những thế, về thanh điệu cũng đối nhau thật chỉnh. Viên quan trấn giữ do không thể bắt bẻ hạch sách thêm được gì, bèn mở cửa ải.
Khi đến Kinh đô nhà Nguyên, bọn quan lại ở công quán thấy Mạc Đĩnh Chi thấp bé lại mặt mũi xấu xí, nên tỏ ý coi thường. Chúng đặt một chiếc trống lớn ở dưới đất, chờ khi Mạc Đĩnh Chi cưỡi ngựa đến gần mới bất ngờ đánh mạnh, làm cho con ngựa giật mình, hất ông ngã xuống đất.
Mạc Đĩnh Chi lập tức đứng dậy rồi điềm nhiên nói:
- Bây giờ mà có tiếng sấm đất là không đúng thời, vậy nên ta phải cúi xuống để nghe đó.
Bọn quan lại đang cười, bỗng nhiên đều im bặt. Chúng hiểu là trong lời chống chế của ông, còn ngầm ý cả một lời cảnh cáo (nếu sự việc đến tai vua Nguyên).
Sau mấy ngày nghỉ ngơi ở công quán. Mạc Đĩnh Chi được dẫn vào ra mắt quan Tể tướng rồi Hoàng đế triều Nguyên. Ở cả hai lần gặp này, thơ phú và tài ứng đối của ông đã làm cho cả triều Nguyên phải nể phục mà Đại Việt sử ký toàn thư có ghi lại. Tuy nhiên, ngoài những điều được viết trong chính sử ấy, còn có những điểm bổ sung cho đầy đủ thêm của dã sử, cụ thể như sau:
Mạc Đĩnh Chi (sứ thần Đại Việt) cùng sứ thần Cao Ly (Triều Tiên) vào chầu Hoàng đế nhà Nguyên gặp lúc khí trời nóng bức, viên quan Thái giám dâng quạt, nói là quạt của nước ngoài tiến cống. Vua Nguyên cầm chiếc quạt ngắm nghía, đoạn nảy ra ý định thử tài hai vị sứ thần, bảo mỗi người hãy làm một bài "tán".
Sứ thần Cao Ly cúi xuống bàn, trịnh trọng viết:
Uẩn long trùng trùng, Y Doãn Chu Công
Bắc Phong thê thê, Bá Di Thúc Tề.
(Lúc nóng nực oi bức thì ngươi đắc dụng như Y Doãn, Chu Công
Khi gió rét lạnh lùng thì ngươi lại nằm co như Bá Di, Thúc Tề).
Ở bàn đối diện, tuy cách nhau khá xa, nhưng chỉ liếc nhìn đầu ngọn bút thấy hai chữ Y Doãn, Chu Công là Mạc Đĩnh Chi đã hiểu ngay sứ thần Cao Ly định ngụ ý gì. Ông khẽ mỉm cười: "Như thế thì chưa tỏ được cốt cách và cái chí minh", bèn sửa lại, rồi viết hẳn thành ba câu dài, như Đại Việt sử ký toàn thư đã chép.
Khi viên quan Thái giám thu "bài" của hai vị sứ thần trình lên vua Nguyên, Mạc Đĩnh Chi đã hiểu rằng ông sẽ nắm phần thắng. Quả nhiên, vua Nguyên sau khi đọc cả hai bài, chỉ dùng bút "khuyên son" vào bài của ông, rồi đưa xuống cho các triều thần cùng xem. Bài của sứ thần Cao Ly chỉ nói được công dụng của cái quạt. Sau đó vua Nguyên ôn tồn bảo:
- Bài của sứ thần An Nam đã tỏ được chí khí của một kẻ trượng phu, thật đáng ngợi khen. Trẫm phong cho làm Trạng Nguyên của cả hai nước.
Mấy ngày sau, vào lúc triều Nguyên mở khoa thi Đông Các (thi giữa các vị đã đỗ kỳ thi Hội, hiện đang làm quan), quan Tể tướng muốn "thẩm tra" lại học vấn của vị Lưỡng quốc Trạng Nguyên, bèn bảo Mạc Đĩnh Chi vào thi. Và ngay cả lần này, ông cũng thật không hổ danh là "Lưỡng quốc Trạng nguyên", mặc cho các vị giám khảo triều Nguyên đã cố để mắt săm soi, nhưng cũng chẳng thể nào tìm ra được một lỗi nhỏ. Cuối cùng, họ nói với nhau rằng Hoàng đế của họ đã không nhận lầm người, bèn nhất loạt "khuyên son", rồi phê vào đấy hai chữ "trúng cách".
(Xem tiếp phần 2: http://truyenxuatichcu.com/truyen-thuyet-viet-nam/luong-quoc-trang-nguyen-mac-dinh-chi-p2.html)