Ngày xưa, Ngưu Lang vì say mê nhan sắc của nàng Chức Nữ mà bỏ phế việc chăn trâu, để trâu đi nghinh ngang vào điện Ngọc hư, khiến Ngọc Hoàng cả giận; đồng thời Chức Nữ lại vì say mê tiếng tiêu của Ngưu Lang nên trễ nải việc dệt vải. Ngọc Hoàng vô cùng phẫn nộ, bắt tội cả hai đày ra đầu sông Ngân, cuối sông Ngân.
Đến sau, Ngọc Hoàng nghĩ thương tình nên ra ơn cho Ngưu Lang, Chức nữ mỗi năm gặp nhau một lần vào ngày mùng bảy tháng bảy.
Thuở bấy giờ, trên sông Ngân không có thuyền bè chi cả, Ngọc Hoàng mới ra lịnh làm một chiếc cầu bắt ngang sông Ngân. Các phường thợ mộc ở trần giới được mời lên lo việc làm cầu.
Thế rồi, các phường thợ mộc mạnh ai nấy làm, không ai chịu sự chỉ huy của ai, thành ra kẻ muốn làm theo kiểu này, người muốn làm theo kiểu nọ, rốt cuộc mỗi người một ý, gần đến hạn kỳ mà chiếc cầu vẫn không xong.
Ngọc Hoàng lấy làm bực tức, bắt tội tất cả mấy phương thợ mộc, hóa làm kiếp quạ, lấy đầu sắp lại thành cầu cho Ngưu Lang, Chức Nữ bước lên đó đi qua sông để gặp nhau.
Bị hóa làm quạ, các phường thợ mộc không dám oán trời trách đất, mà lại thù ghét nhau, xông vào cắm mổ nhau cho hả lòng căm tức ... Vì vậy, trước ngày mùng bảy tháng bảy tức trước cái ngày phải làm chuyện khổ dịch trên sông Ngân, lũ quạ thường đuổi đánh nhau, cắn mổ nhau chí tử, xác xơ cả lông cánh và trụi cả lông đầu.
Đã vậy loài quạ ăn ở chẳng được sạch sẽ, lông cánh đen thui thủi trông rất xấu xí dơ dáy, mỗi lần chàng Ngưu, ả Chức bước lên đầu chúng để qua sông, trông xuống dưới chân thấy một đám đen ngỏm lúc nhúc thì không khỏi gớm ghiếc, ghê tởm, nên chàng Ngưu, ả Chức ra lịnh cho đàn chim ô thước mỗi khi lên trời, phải nhổ cho sạch lông đầu để được trắng đẹp.
Thường ngày oán ghét nhau, cắn mổ nhau xơ xác cả lông rồi, đến ngày đi bắc cầu sông Ngân lại phải nhổ trụi cả lông thì bảo sao lũ quạ không sói đầu cho được.
Ngày nay, mỗi độ tháng bảy là đầu quạ tự nhiên rụng lông sói sọi.