Tuồng "Hồ Nguyệt Cô hóa cáo" hay còn gọi là "Tiết Giao đoạt ngọc", "Võ Tam Tư chém Nguyệt Cô" nguyên là một vở tuồng cung đình Huế do nhà viết tuồng Đào Tấn sáng tác dựa trên tích truyện thời nhà Đường mới thành lập của Trung Hoa nằm trong bộ truyện Đường Chinh Tây. Hồ Nguyệt Cô hóa cáo cùng với Tiết Đinh San cầu Phàn Lê Huê, Thần Nữ dâng ngũ linh kỳ, chính là những tích cổ của Đường Chinh Tây được tuồng cổ cung đình Việt Nam tiếp thu và đưa lên sân khấu. Ngày nay các tác phẩm này thường xuất hiện trên sân khấu hát bội và cải lương Nam Bộ.
Hồ Nguyệt Cô vốn là một con cáo sống ngàn năm hấp thụ linh khí thiên địa mà tu luyện thành người (một số dị bản về sau diễn rằng Bồ Tát Quan Âm ân điểm cho con hồ tiên đi giúp đỡ dân lành). Nàng có sắc đẹp và sức mạnh vô song bởi phép thần của viên ngọc quý, đó là ngọc người. Hồ Nguyệt Cô bỏ rừng núi đi về phía thôn làng đông đúc, ai nhìn thấy cô gái nhan sắc tuyệt mỹ cũng lấy lòng mến mộ. Vừa lột xác thành người, vẫn chưa quen với nhân tình thế thái, đầu óc còn ngỡ ngàng với những thứ gọi là yêu đương luyến ái thì nàng đã gặp Võ Tam Tư bị bại trận lánh nạn. Qua đôi điều trò chuyện Nguyệt Cô đã vội đồng ý làm vợ của Võ Tam Tư. Với pháp lực vô song, nàng thay chồng lãnh binh đánh nhà Đại Đường, thuật lực cao cường nên Nguyệt Cô bách chiến bách thắng, quân đội nhà Đường đi vào tình thế ngàn cân treo sợi tóc.
Tướng nhà Đường là Tiết Giao (Tiết Đinh San) cầm quân diệt giặc, ra trận cứ ngỡ giao chiến không tha nhưng Tiết Giao tuổi trẻ ngời ngời, gương mặt tuấn tú, thân thể phi phàm khiến Nguyệt Cô động lòng cảm mến. Nàng quên đi cương vị nữ tướng, trong lúc giao chiến vốn dĩ với cường pháp của mình đã có thể hạ gục Tiết Giao nhưng nàng lại chơi đùa, dọa dẫm chàng. Hồ Nguyệt Cô tìm cách đưa đẩy tình ý nhưng Tiết Giao oai phong lẫm liệt chẳng động lòng nam nhi. Khi chiến trận bất ổn, Tiết Giao tháo chạy vào rừng, Hồ Nguyệt Cô đuổi theo dùng mê hồn pháp khiến chàng ba hồn bảy vía đều say đắm nàng. Do Hồ Nguyệt Cô vốn là hồ ly tu luyện nên bản tính phóng đãng, tình ái vô cùng mãnh liệt. Nàng và Tiết Giao hai người giao hoan đến tận chiều tối, lúc này Nguyệt Cô đã hút hết nam khí khiến cho chàng như một cái xác không hồn, nằm bất động như cô hồn dạ quỷ. Hồ Nguyệt Cô trở về bản doanh báo cho phu tướng biết rằng đã hạ được Tiết Giao, Võ Tam Tư vui mừng chiêu đãi yến tiệc cho ba quân tướng sĩ. Trong lúc quân của Võ Tam Tư đang vui mừng thì sư phụ của Tiết Giao là Thác tháp thiên vương Lý Tịnh vén mây nhìn thấy, ông đằng vân đến nơi bỏ một viên linh đơn vào miệng chàng, sinh lực của Tiết Giao hồi phục nhờ thần dược, không những cứu được mạng chàng mà sức lực tăng thêm bội phần. Lý Tịnh bày kế cho Tiết Giao tìm cách thu phục Hồ Nguyệt Cô, ngày hôm sau Tiết Giao đã kéo quân đến bản doanh của Võ Tam Tư.
Không biết giải thích thế nào, Hồ Nguyệt Cô hứa cùng chồng lần này sẽ tìm cách lấy thủ cấp Tiết Giao mang về. Lúc giao chiến Tiết Giao dùng "nam nhân kế" khiến Nguyệt Cô mê mẩn, nàng lén bảo rằng: "Để thiếp giả bại, và chàng hãy rượt theo..." Tiết Giao đuổi theo Nguyệt Cô đến cánh rừng hôm qua, nhờ linh dược cao cường tráng dương hôm nay Tiết Giao truy hoan đến chiều tối vẫn không xuống ngựa. Chàng thấy Hồ Nguyệt Cô đang hồi mê mẩn, tâm trí không tỉnh táo trong lúc ăn nằm đã vờ ôm bụng la đau, kêu la thảm thiết. Nguyệt Cô lo lắng cho người tình đã tìm cách cứu chữa, chàng bảo trước kia cũng bị bệnh này may nhờ một vị tiên cô tặng cho ngọc người mà mới chữa khỏi. Nguyệt Cô tin lời Tiết Giao liền lấy ngọc người trao cho chàng nhưng không ngờ Tiết Giao cướp ngọc chạy đi mất. Hồ Nguyệt Cô đau đớn, "uổng ngàn năm thâu góp bán cầu khôn, sẩy một chút tan tành trường phong nguyệt". Nàng dần mất đi lớp da người, phải trở về kiếp súc sinh mang lông đội sừng. Con hồ ly chạy về dinh phủ của Võ Tam Tư, ông bước vào buồng ngửi thấy mùi hôi tanh của loài chồn cáo. Võ Tam Tư vừa phát hiện con dã thú hồ ly trong khuê phòng đã vung một đao chém chết không chừa, vậy là một kiếp hồng nhan chấm dứt chỉ vì si dại hai chữ ái tình.
Vở tuồng Hồ Nguyệt Cô hóa cáo được các nhà viết tuồng mượn tích Trung Hoa để ngầm nhắc nhở vua chúa triều Nguyễn không nên trót dại tin tưởng bọn gian thần mà trao "ngọc người" cho chúng, nếu không thì triều chính quốc gia sẽ có ngày "hóa cáo".
Tranh vẽ "Hồ Nguyệt Cô hóa cáo" của họa sĩ Phạm Quang Phúc thuộc triển lãm "Vẽ về hát bội"