Thuở xưa, tại miền Nam Việt Nam có nhà sư Nguyễn Được tu hành rất khổ hạnh, đệ tử của ông cũng khá đông, điều hoài mong độc nhất của nhà sư Nguyễn Được là làm thế nào có được kinh Phật để truyền bá cho nhân gian cứu người qua bể khổ.
Một hôm, sư Nguyễn Được nằm thiu thiu ngủ, bỗng có một vị Bồ Tát đến gọi tên ông và bảo rằng:
- Ngày mai người cùng các môn đệ hãy đi sáng phương Tây. Nếu vượt qua được những gian lao trên đường thiên lý, tất ngươi sẽ tìm thấy chân kinh và đọc được chân kinh ngươi sẽ thành chánh quả.
Nhớ lời báo mộng của Bồ tát, hôm sau sư Nguyễn Được hội các đệ tử nói rõ mục đích đi tìm chân kinh và bảo nếu ai muốn đi theo mình thì hãy sửa soạn hành trang.
Ngày thứ, sư Nguyễn Được và hai mươi đệ tử nhắm phương Tây mà thẳng tới. Họ không ngại nắng mưa, cứ cúi đầu rảo bước. Tới đâu thì các đệ tử khuyến giáo để lấy miếng ăn cho thầy và cho mình. Gặp những đường rừng núi mênh mông thì họ ăn hoa quả đỡ lòng, gối đất nằm sương rất là vất vả.
Con đường đi tới xứ Phật hãy còn xa mịt mù, các đệ tử của sư Nguyễn Được phần bệnh hoạn, phần không chịu nổi sự nhọc nhằn gian khổ, nên lần lượt xa thầy quay trở lại. Bấy giờ trên đường thiên lý đi thỉnh kinh, chỉ còn một mình nhà sư Nguyễn Được.
Ông không nản lòng thối chí, lặn suối trèo non mà đi, dốc lòng thỉnh được chân kinh. May nhờ thần thánh hiện ra giúp đỡ dọc đường nên sư ông vượt qua được nhiều núi cao rừng rậm tiến gần tới cõi Phật.
Ngày nọ, sư ông đi đến bờ biển sóng bủa chập chùng, mây nước bao la không còn thấy đâu là bờ bến nữa. Muốn đế Tây phương tất phải vượt qua biển rộng, nhà sư không có thuyền bè làm sao vượt biển được. Suy tới tính lui, nhà sư đành đánh liều bước đại xuống nước mà đi, lòng những tin tưởng thần thánh sẽ phù hộ độ trì cho mình vượt qua biển rộng.
Vào lúc đó, một con cá Kình to lớn từ đáy biển thẳm trồi lên, đỡ sư ông trên lưng rồi bơi ra biển rộng êm như ghe thuyền lướt sóng. Nhà sư mải nhắm mắt tham thiền nhập định, cứ tưởng có thuyền Bát nhã độ mình qua biển khổ, chớ không biết rằng cá Kình đang độ mình qua biển. Ban ngày cá Kình nhắm theo hướng mặt trời lặn mà bơi tới, ban đêm thì nhắm theo hướng trăng sao mà đưa sư ông đi.
Ngày kia, gần tới bờ, cá Kình bỗng lên tiếng nói với nhà sư:
- Mô Phật, nhà sư đi tìm chân kinh để cứu nhân độ thế, đắc thành chánh quả, có thể nghe lời thỉnh nguyện của tôi không?
Mặc dầu chưa biết cá Kình thỉnh nguyện điều gì, nhà sư vẫn sẵn lòng đáp một tiếng: "Được." quên rằng đã phạm vào lời phát nguyện giữ sự im lặng trước khi tìm được chân kinh.
Được nhà sư nhận lời, cá Kình mừng rỡ tiếp lời:
- Từ cả ngàn năm nay tôi bắt buộc phải trường chay khổ hạnh để chuộc lại tội lỗi trước kia. Vậy mà tôi bị bắt buộc phải ăn thịt sống cá tươi, lòng lấy làm kinh sợ. Vậy xin sư ông hãy tâu với đức Phật cho tôi được thoát vòng khổ ải này có được chăng?
Nhà sư lại đáp: "Được." tức là phạm vào lời phát nguyện lần thứ hai.
Thế rồi, khi tới bờ, nhà sư lên bộ, cá Kình từ giã và hẹn đón chờ nhà sư trở về để đưa qua biển. Nhà sư liền nhắm về hướng Tây mà đi tới. Chẳng bao lâu nhà sự đến được xứ Phật, vào một ngôi chùa, trong đó có nhiều chồng kinh sách. Nhà sư tìm được cuốn chân kinh, song vì đã hai lần phạm vào lời phát nguyện nên khi dở chân kinh ra nhà sư chỉ đọc được có một câu đầu: "Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật".
Nhà sư không nản chí, xếp chân kinh lại bỏ vào tay nải rồi quay gót trở về. Tới bờ biển, Kình ngư y hẹn đón rước nhà sư qua biển. Nhà sư mãi mê nghiền ngẫm lời kinh đã đọc mà không thấy vẻ buồn rầu của cá Kình. Lúc gần tới bờ bên kia, cá Kình không còn kiên nhẫn được nữa, nên lên tiếng hỏi:
- Bạch sư ông, sư ông đã đạt những lời thỉnh nguyện của tôi lên đức Phật chưa? Ngài phán thế nào? Tôi còn phải chịu trong vòng khổ ải này bao lâu nữa?
Nhà sư đang tham thiền, nghe hỏi thì giật mình để rơi tay nải đựng kinh xuống biển.
Cá Kình tưởng là vật cứu rỗi của Phật ban cho nên đớp lấy nuốt vào bụng, có cả quyển chân kinh.
Nhà sư lảo đảo lên bờ, miệng vẫn lẩm nhẩm câu kinh đã thuộc lòng. Lên tới bờ rồi, nhà sư mới nhận ra mình về tới đảo Phú Quốc. Nhà sư liền ở đó tu hành. Ngày đêm nhà sư vẫn nghĩ đến quyển chân kinh nhưng không làm sao lấy lại được. Về sau, khi gần chết, sư Nguyễn Được khắc lên núi Bãi Sập và Thạch Động câu kinh của mình học được.
Theo lời truyền tụng, để ghi nhớ việc đi tìm chân kinh, các đệ tử của Nguyễn Được bèn lấy gỗ chạm trổ hình con cá Kình để làm cái mõ tụng kinh. Cũng từ đó, các nhà tu hành mỗi lần tụng kinh đều gõ vào đầu mõ cá Kình để nhắc lại câu mở đầu "Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật".