Đời xưa ở nước ta có ông Cống Quỳnh tục gọi là Trạng Quỳnh, tài giỏi mưu cao, nhưng có cái tật ưa đùa giỡn. Từ vua, quan cho chí dân giả, ông muốn đùa bỡn chế nhạo ai thì đùa chứ không hề biết kiêng nể, lại nhờ có đùa bỡn một cách khéo léo tài tình nên Cống Quỳnh không bị ai thù oán hay ghét nhơ gì cả.
Một bữa nọ, nhân qua bến đò, nghe bọn chèo đò than thở với nhau về nỗi ế khách không kiếm đủ ăn, Cống Quỳnh liền hỏi:
- Nè tụi bây có muốn đắt khách không?
Được Trạng hỏi đến, các gã chèo đò đều mừng rỡ đáp rằng:
- Muốn lắm!
Cống Quỳnh nhìn ra giữa sông thấy có một cái cồn, liền bảo các gã chèo đò ra đó dựng lên một cái chòi, rồi đánh trống khua chiêng inh ỏi. Bên ngoài, Cống Quỳnh cho dán lên cửa một tờ giấy có mấy chữ do ông viết ra: "Đ. cha đứa nào đi coi về nói lại."
Những kẻ háo kỳ trong làng nghe thấy rùm beng ở ngoài cồn, không biết là chuyện gì nên rủ nhau đi coi đông như đám hội, bọn đưa đò chèo chống mỏi cả hai tay mà khách qua lại vẫn nườm nượp. Lạ một cái là những kẻ đi coi rồi, về nín thinh, có ai hỏi thì chỉ lắc đầu chớ không đáp.
Bọn chèo đò kiếm được khá tiền, không còn than thở nữa, riêng người đi xem rất tức nhưng sau khi biết đó là mưu của Cống Quỳnh thì ai nấy đều nín khe, không dám trách. Bọn chèo đò được một dịp kiếm tiền nên càng phục tài Cống Quỳnh và cám ơn rối rít.
Một lần nọ, trời vừa hừng sáng, Cống Quỳnh lơn tơn ra chợ, rảo qua các hàng thịt nói rằng nhà mình có đám giỗ lớn, đãi nhiều người ăn, nên bảo các hàng thịt thái nhỏ thịt ra để sẵn đố, ông sẽ cho người nhà đến lấy.
Tin bằng lời, các hàng thịt đua nhau xắt thịt để đó, tưởng chắc là trúng mối lớn. Chẳng ngờ, thịt thái ra để cả thớt, đợi từ sớm mai tới chiều chẳng thấy ai đến lấy. Chẳng lẽ cứ chờ đợi mãi thịt sẽ thúi mất, nên các người hàng thịt đồng kéo tới nhà ông Cống Quỳnh nhắc lại chuyện mua thịt hồi sáng.
Thản nhiên như không, Cống Quỳnh nói với các người bán thịt:
- Này, tôi có làm gì đâu mà mua thịt?
Các hàng thịt đều nói:
- Hồi sáng ông có bảo thái thịt để làm giỗ.
Cống Quỳnh lắc đầu:
- Bậy lắm. Ai bảo thái thịt thì các người cứ chửi nó, ta vô can.
Các hàng thịt tức mình ráp nhau chửi bới kẻ nào bảo thái. Lúc bấy giờ nhằm niên hiệu Bảo Thái, Nhà vua nghe xôn xao ngoài chợ và lại nghe các hàng thịt chửi bới kẻ nào bảo thái, mới sai quân hầu đi dọ hỏi. Chừng vỡ lẽ ra, nhà vua mới hiểu Cống Quỳnh bày mưu cho các hàng thịt có cớ hài tên mình. Biết vậy mà không giận, nhà vua truyền mua hết cả thịt đã thái rồi và cho mời Cống Quỳnh vào cung trách khéo. Cống Quỳnh chỉ cười hì hì.