Vào đời nhà Lê, tại huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa có người nho sĩ tên Lê Hiếu Chân rất ham mộ đạo Phật, sống thanh bạch như kẻ tu hành, thường giúp đỡ người nghèo khó, bắt cầu, giẫy cỏ, dạy trẻ học không lấy tiền.
Một hôm vào khoảng canh một, Lê Hiếu Chân đang ngồi đọc sách bên ngọn đèn sáp, bỗng có hai tên quỷ sứ đầu trâu mặt ngựa xông tới bắt đem đi.
Trước hết, bọn quỷ sứ đưa chàng tới gặp Thổ Địa, sau đó tới Thành hoàng, rồi áp giải chàng xuống địa ngục.
Trước tòa Đô thống của Âm ty, chàng thấy vô số người mang cùm xích, quần áo tả tơi, tóc tai dã dượi, mặt mày thiểu não, trước ngực mỗi người đều có mang một tấm bảng hài danh hài tánh và tội trạng khi còn ở dương trần.
Không khí thật là lạnh lẽo thê lương tối mờ mờ, đầy những tiếng kêu la than khóc. Quỷ sứ từng bầy hung hăng như lang sói. Đứa cầm chĩa, đứa cầm chùy, đứa cầm móc sắt, lồng lộn lên la hét từng chập. Bỗng có tiếng pháp quan gọi:
- Lê Hiếu Chân, đồ tể!
Lê Hiếu Chân nghe gọi liền bước ra trình diện, pháp quan rất lấy làm kinh ngạc khi thấy trên trán Hiếu Chân có một vừng hào quang sáng rực rỡ, pháp quan liền hỏi:
- Lê Hiếu Chân, trong đời anh đã giết hại bao nhiêu trâu bò anh có biết không?
Hiếu Chân rất lấy làm ngạc nhiên, kính cẩn thưa:
- Bẩn phán quan, tôi là kẻ tu hành không hề sanh sinh hại vật, vả lại tôi có làm nghề đồ tể bao giờ đâu?
Phán quan chưa hết kinh ngạc:
- Anh không phải làm đồ tể như bảng đã ghi trên ngực kia sao?
- Dạ không!
- Quê quán anh ở đâu?
- Dạ, tôi ở làng Trường Xuân.
- Chớ không phải Thường Xuân à?
- Dạ không, Trường Xuân với Thường Xuân khác nhau.
- Anh bao nhiêu tuổi? Sinh vào giờ nào, ngày nào?
- Dạ, tôi bốn mươi mốt tuổi, sanh ngày mồng một, tháng giêng, giờ thìn.
Vị phán quan bèn tra xét lại sổ bộ về tất cả mọi người ở cõi trần, thì thấy có sự lầm lẫn vì trùng tên người. Phán quan liền đòi hai tên quỷ sứ đầu trâu mặt ngựa đến quở trách:
- Hai người đã làm mọt việc lầm lẫn rất tai hại. Người này là Lê Hiếu Chân ở làng Trường Xuân khác với Lê Hiếu Chân ở làng Thường Xuân.
Người này có tâm đạo tu nhân tích đức nên số thọ đến bảy mươi tám tuổi.
Còn Lê Hiếu Chân ở làng Thường Xuân chuyên sát sinh hại vật, nên trời giảm kỷ chỉ sống được cớ ba mươi bốn tuổi và phải chịu hình phạt của ba từng địa ngục.
Khi hai tên quỷ sứ bị quở vì bắt lầm người lui ra rồi, pháp quan liền nói với Hiếu Chân:
- Anh là người chân tu hiền đức, quỷ sứ vì vô ý mà bắt lầm anh xuống đây, thật là sự sơ sót đáng tiếc, rồi đây chúng sẽ bị trị tội. Bây giờ anh hãy đến Tây Sơn, ta sẽ tâu với Diêm Vương đưa anh trở lại cõi trần.
Lê Hiếu Chân liền theo quỷ tốt vào ra mắt Diêm Vương. Cung điện của Diêm chúa trang hoàng bằng những chữ đỏ chói như máu. Hiếu Chân đọc thấy những chữ: "Người ác thường run sợ. Người thiện hãy yên tâm." Giữa điện có tấm bảng lớn như vầy:
Không xót thương những kẻ tội lỗi,
Gương nghiệp trong suốt soi thấu tâm can.
Cửa địa ngục mở rộng trước tội ác,
Không một ai tội lỗi khỏi hình phạt.
Vào lúc đó, Diêm Vương gọi Hiếu Chân và bảo:
- Số anh chưa chết mà bị bắt lầm, ta sẽ cho anh trở lại cõi trần.
Phán quan tâu:
- Người này chết đã năm hôm rồi, bụng đã lạnh, có lẽ người nhà đem chôn rồi, làm cho y sống lại e khó khăn. Thêm nỗi Ngọc Hoàng hay chuyện sẽ quở phạt chúng ta.
Diêm Vương liền phán:
- Không sao đâu! Ta có hườn (hườn :viên (đọc trại từ "hoàn")) thuốc hồi sinh sẽ cho nho sĩ uống vào lấy sinh khí, cho xác còn nguyên vẹn để ít hôm nữa cũng chẳng sao. Nhân thấy thiên hạ đời nay càng ngày càng làm nhiều việc ác, bỏ đường ngay nẻo chánh nên ta muốn cho nho sĩ viếng qua ba từng địa ngục để sau này trở về dương thế, có dịp khuyên răn người trần, có phải là việc tốt không.
Nói rồi, Diêm Vương truyền đem thuốc hồi sinh cho Hiếu Chân uống và truyền đưa chàng đi xem mười tám tầng địa ngục ở Âm ty. Tới đâu Hiếu Chân cũng thấy cảnh khảo tra của quỷ sứ, hỏi ra thì những kẻ chịu hình phạt đều làm nhiều việc ác ở cõi trần.
Đến ngày thứ tám, Hiếu Chân được đưa về trần. Diêm Vương căn dặn chàng đã thấy những gì ở cõi Âm ty nên thuật lại cho người trần được biết để họ sớm tu nhân tích đức cho cái chết được nhẹ nhàng. Hiếu Chân ngỏ lời cám ơn Diêm chúa, bỗng thấy mình bay bổng trở lại nhà, hồn nhập vào cái xác đã lạnh tanh.
Cả nhà đều kinh sợ. Vì thấy chàng chết đã liệm xác rồi, bỗng nhiên đội áo quan ngồi dậy.
Hiếu Chân liền kêu cả nhà thuật lại chuyện mình xuống Âm phủ cho họ nghe. Cả thảy đều vui mừng khôn xiết. Dân làng nghe Hiếu Chân chu du Âm phủ trở về liền kéo nhau đến xin chàng thuật chuyện cho nghe, rồi truyền tụng lại câu chuyện "Hồi dương nhân quả." cho đến đời bây giờ.