TruyệnXưaTíchCũ.cOm

Cho tôi một vé về với tuổi thơ.

Trước Tiếp theo

Đánh giá: 4/5 - 3 phiếu
Con thằng mõ làm quan trạng

Thuở xưa, tại tỉnh Thái Bình có một "thằng Mõ." tên là lão Đốp. Đã nghèo lại hiếm hoi, vợ chồng lào Đốp chỉ sanh được một trai đặt tên là Bé Con.

Vì nhà nghèo nên Bé Con không được học hành chi cả. Năm hai mươi tuổi, Bé Con giúp cha làm nghề "thằng Mõ đi rao."

Bấy giờ, ở Thái Bình có quan Thượng họ Lê vừa về hưu, được dân làng mến đức cử làm tiên chỉ. Quan Thượng có người con gái đến tuổi cập kê, tên là Hồng Ngọc. Đã nhiều nơi môn đăng hộ đối đi nói, nhưng Hồng Ngọc không chịu ưng ai. Ngày kia thấy Bé Con mang phần quà biếu cửa chức sắc làng đến dâng quan Thượng, tiểu thư Hồng Ngọc sanh bụng yêu thương, rồi tương tư đến mang bệnh.

Thấy con tiều tụy ưu sầu, quan Thượng gạn hỏi mãi, ban đầu Hồng Ngọc còn giấu giếm, cuối cùng cũng phải thú thật vì yêu thương Bé Con mà sinh bệnh tương tư. Nghe qua, quan Thượng nổi trận lôi đình, mắng nhiếc con gái thậm tệ. Đời nào quan Thượng lại chịu gả con cho con của "thằng Mõ."

Nhưng thấy con gái ngày càng héo hon, quan Thượng không biết phải làm sao, đành kêu Bé Con đến gả Hồng Ngọc và buộc một điều là quan Thượng không nhìn con gái nữa. Bé Con và Hồng Ngọc muốn dắt đi đâu thì đi không được phép ở trong làng.

Hồng Ngọc thâu vén hết tư trang quần áo, rồi đưa người yêu vào Thanh Hóa, quyết tâm cho chồng đi học. Hồng Ngọc đưa Bé Con đến trường của cụ Thượng Phùng, nói dối là em trai của mình đến nhờ cụ chỉ dạy.

Cụ Thượng Phùng vốn có quen với cụ Thượng Lê, lại biết tiểu thư Hồng Ngọc từ thuở nhỏ, nên bằng lòng thâu nhận Bé Con làm học trò. Và cho dọn một cái buồng riêng tại nhà cho Hồng Ngọc ở đặng buôn bán nuôi em ăn học, đợi chừng nào thành tài sẽ dắt về trình diện với cha. Riêng Bé Con thì ở nhà ngoài với các cậu học trò cho tiện việc sách đèn.

Lần lửa ngày tháng trôi qua, sau thời kỳ khai tâm, Bé Con học đâu nhớ đó, tỏ ra người thông minh chăm học. Chẳng bao lâu, Bé Con trở thành nho sinh văn chương thơ phú hay nhất trường. Hàng trăm thư sinh ít có ai theo kịp.

Bấy giờ cụ Thượng Phùng mới gọi tiểu thơ Hồng Ngọc mà nói rằng:

- Cậu bé của tiểu thư học hành đã giỏi rồi đấy, khoa nầy chắc chắn thế nào cũng thi đỗ. Vậy tiểu thư hãy về báo cho phụ thân biết để tiện bề loại khai cho câu em đi học để đến kỳ vào thi mới hợp lệ, kẻo trễ thì tiếc lắm.

Tiểu thơ Hồng Ngọc chẳng biết liệu sao, đành phải khai thật chuyện của mình, và cho biết Bé Con là chồng chứ không phải em ruột. Hồng Ngọc lại thưa:

- Nay chồng của con chưa làm nên danh phận gì, làm sao con dám trở về nhà thưa chuyện với mẹ cha. Vậy xin cụ cho chồng con nhập tịch dân làng và nhờ thầy nói hộ với làng ...

Cụ Thượng Phùng thấy tình cảnh của đôi trẻ như vậy thì cũng động lòng thương, nên sau lúc suy nghĩ chín chắn, cụ bèn viết thơ cho quan Thượng Lê thuật rõ tự sự và mời sang Thanh Hóa để liệu định cho chàng rể học giỏi đi thi. Quan Thượng Lê, đọc thơ động lòng xót thương con gái, bàn tính với quan Thượng bà, rồi đi sang Thanh Hóa cho rõ thực hư.

Đến nơi, sau cuộc han huyên của đôi bạn già, cụ Thượng Phùng trao tập văn của Bé Con cho quan Thượng Lê xem. Quan Thượng xem xong lấy làm khen ngợi, nhưng nghĩ thầm: "Không chừng cụ Thượng Phùng gạ bài cho nên chuyện." Vậy muốn rõ trắng đen, chính quan Thượng phải thử tài Bé Con mới được. Đó rồi, quan Thương cho gọi Bé Con đến trước mặt, bảo làm bài thơ vịnh chiếc mõ.

Bé Con lãnh ý, hươi bút làm tám câu thơ như vầy:

Vì thiên hạ điếc đã lâu ngày,
Trời mới sanh ra chiếc mõ thầy.
Phép nước vang lừng ran cửa miệng,
Lệnh làng thét lẹt khét trong tay.
Việc quan thúc bách ba dùi đốp,
Lộc thánh gia ban mấy hộc đầy.
Lốc cốc tre già măng lại mọc,
Đầu đình chót vót bổng tầng mây.

Quan Thượng Lê xem xong bài thơ, lấy làm thích quá, vỗ đùi khen:

- Rõ ra khẩu khí con nhà "thằng Mõ" mà văn chương Trạng nguyên.

Rồi bảo tiếp rằng:

- Con ở làng Hữu Thanh, vậy để ta đặt tên con là Hữu Thanh họ Khiếu. Để rồi ta về nhờ lý trưởng loại khai cho mà đi thi.

Đoạn gọi tiểu thơ Hồng Ngọc khen ngợi:

- Con quả có mắt tinh đời, cha đành chịu cái lỗi không biết xét người. Bây giờ con hãy an lòng ở đây nuôi chồng con ăn học chờ đến ngày thi. Chừng nào chồng con thi đỗ sẽ vinh quy và vu quy một thể cho rạng rỡ tông đường.

Đến khoa thi Hương năm ấy, quả nhiên Khiếu Hữu Thanh giựt giải nguyên. Khi xướng danh ban yến, quan Thượng Lê nghe tin liền viết thơ giục về vinh quy, song Khiếu Hữu Thanh chưa chịu trở về làng mà lại ở luôn Thanh Hóa tiếp tục dồi mài kinh sử chờ năm sau thi Hội, thi Đình chiếm được bảng vàng rồi sẽ vinh quy bái tổ.

Tới kỳ thi, Khiếu Hữu Thanh đỗ Hội nguyên, vào thi Đình lại đỗ luôn. Vua Lê ban sắc tứ phong "Đệ nhất giáp Tiến sĩ cấp cấp đệ nhất danh." Được mời vào dự yến, cưỡi ngựa xem hoa, chàng tân Trạng Nguyên dâng biểu xin về vinh quy. Vua Lê ngỏ ý muốn gả công chúa Quỳnh Hoa cho Hữu Thanh, nhưng vì chàng nghĩ đến tiểu thơ Hồng Ngọc bấy lâu khốn khổ vì mình, nên thật tình tâu bày đã có vợ nhà, nên không thể xe duyên với công chúa. Vua Lê khen chàng có nghĩa, ban cho biểu vàng: "Ân tứ vinh quy." và ban cho "Ngự tứ hôn."

Hàng tỉnh, hàng quận được sức đi đón Tân Trạng, từ thành Nam trở về cờ xí rợp trời, trống chiêng dậy đất, ngựa chàng đi trước, võng nàng theo sau.

Quan Thượng Lê được tin vui mừng khôn xiết cho kết lầu hoa để đón rể và con gái. Những người trước kia chê tiểu thơ Hồng Ngọc lấy con "thằng Mõ." đều mắc cỡ hổ thầm không dám ló mặt ra ngoài.

Cu Thượng Hà bạn đồng liêu với quan Thương Lê, đến dự tiệc mừng Trạng Khiếu vinh quy, trong lúc cao hứng ngỏ ý muốn gả con gái làm thứ thiếp cho Hữu Thanh, chàng cười đáp:

- Việc đó tùy tiểu thơ Hồng Ngọc có bằng lòng cho tôi lấy thứ thiếp thì tôi mới dám. Chớ công chúa Quỳnh Hoa mà tôi cũng xin từ vì đã có nơi rồi.

Hồng Ngọc nghe thế mới bảo rằng:

- Công chúa Quỳnh Hoa vì sang đẹp hơn tôi mà cậu không chịu, chứ tiểu thơ Bích Châu con cụ lớn đây thì tài sắc cũng bằng nhau, lại là chỗ bạn gái trong làng, tôi thiết tưởng cậu nên nhận lời, để về đỡ tôi cùng gánh vác việc nhà càng hay.

Bấy giờ Hữu Thanh mới thuận. Mấy hôm sau, Hồng Ngọc đón Bích Châu về ở chung, cùng lo việc nhà. Cả hai trên thuận dưới hòa, mến thương nhau như chị em ruột.

Hữu Thanh làm quan được vua tin cậy, không đầy mười năm lên đến chức Thượng thơ, về sau lại vinh thăng lên chức Tể tướng, sự nghiệp hiển hách một thời. Đến khi cáo lão về trí sĩ, dân làng cảm đức lập sinh từ, ngày nay là đền quan Trạng Khiếu tại Đồng Thạnh. Con cháu họ Khiếu ngày càng đông đúc, kể có mấy trăm người đều vinh hiển.

Xem ngay truyện hay khác

  1. Vàng lấy con vua (Tạo lúc: 05/03/2015)
  2. Công chúa ngủ trong rừng (Tạo lúc: 05/03/2015)
  3. Chó sói và bảy chú dê con (Tạo lúc: 05/03/2015)
  4. Nàng công chúa và hạt đậu (Tạo lúc: 06/03/2015)
  5. Bát Nàn công chúa (Tạo lúc: 08/03/2015)
  6. Đền Cờn (Tạo lúc: 08/03/2015)
  7. Bình Khôi công chúa (Tạo lúc: 08/03/2015)
  8. Khâu Ni Công Chúa (Tạo lúc: 08/03/2015)
  9. Một bà mẹ (Tạo lúc: 11/03/2015)
  10. Con lợn ống tiền (Tạo lúc: 12/03/2015)

Bình luận hoặc góp ý về nội dung

Tìm kiếm


Danh mục

Chủ đề hay bạn quan tâm

Hài hước - vui nhộn