Ngày xưa, tại một làng kia, có một nhà cự phú thích ăn ngon. Trên mâm cơm bao giờ cũng có món ngon vật lạ, trong nhà lại nuôi heo, gà vịt, ngỗng rất nhiều, để khi nao cần thì bắt đem ra "thịt" liền.
Ngày nọ, chủ nhà đi xa về có dắt theo một người khách quý, liền bảo gia nhân làm tiệc đãi đằng. Ăn uống xong, chủ nhà đưa khách đi dạo ngoài sân. Lúc bấy giờ, có đôi ngỗng trắng dắt bầy con đi ngang. Chủ nhà liền chỉ cho người khách xem và nói:
- Bạn có thấy đôi ngỗng đó không? Trông mạnh khỏe sơn sơ, lại mập mạp nhiều thịt nữa. Ngày nay tôi sẽ thịt một con để đãi bạn.
Thuở bấy giờ, ngỗng biết nghe tiếng người. Đôi ngỗng trắng, khi nghe chủ nhà bảo vậy thì lo lắng buồn bã vô cùng. Chúng đang sống có đôi với nhau, vậy mà có con phải chết, thì làm sao chúng còn vui vẻ thản nhiên được.
Đêm đến, trở về chuồng, đôi ngỗng nhắc lại lời của chủ, rồi ngỗng đực bảo ngỗng cái:
- Chủ nhà đã hứa với bạn như vậy, thì thế nào họ cũng giết mình. Vậy em hãy để cho anh chết, em ở lại ráng tần tảo nuôi con.
Ngỗng mái cãi lại:
- Anh phải sống để cho em chết. Anh cứng cỏi, mạnh khỏe hơn em, anh đủ sức nuôi dưỡng đàn con bé dại, còn em chân yếu tay mềm, có chết cũng chẳng sao, vậy anh hãy để cho em chết.
Con ngỗng đực nhất định không chịu, cãi nhau dành lấy cái chết gần suốt đêm. Đến gần sáng, ngỗng đực và ngỗng cái đồng thỏa thuận như vầy: Hai con cùng ra nằm ngang nhau ở cửa, nếu gã đầu bếp bắt trúng ai thì nấy chịu.
Tình cờ phòng của người khách lại ở kế bên chuồng ngỗng, khách lại biết nghe tiếng nói của loài vật. Đêm đó giữa lúc thao thức, khách nghe đôi ngỗng tranh luận bàn bạc với nhau, con nào cũng dành lấy cái chết để hy sinh cho nhau. Khách không khỏi cảm động về sự chung tình của ngỗng. Khách tự nghĩ: vì mình mà đôi ngỗng đang sống yên ổn với nhau, bỗng phải chia lìa, con mất con thấy không buồn sao được?
Muốn cho đôi ngỗng được sống bên nhau, chẳng còn cách gì hơn, từ chối bữa ăn mà chủ nhà định làm thịt ngỗng đãi mình. Nghĩ như vậy rồi, khách đợi trời sáng, bảo với chủ nhà.
- Anh đừng làm thịt ngỗng, tôi đã thưởng thức món thịt ngỗng một lần rồi, thịt ngỗng có ngon lành gì đâu.
Chủ nhà nghe khách nói vậy, vị nể khách nên bảo người đầu bếp đừng làm thịt ngỗng.
Thế là đôi ngỗng được thoát chết. Lời bịa đặt của khách đã cứu dược đôi ngỗng, không phải vì khách chán ngán không muốn ăn thịt ngỗng, nhưng vì xót thương đôi ngỗng chung tình, lúc bình yên cũng như lúc nguy nàn, bị cái chết hăm dọa, đôi ngỗng cũng không hề bỏ nhau.