Ngày xưa, có một gia đình người nông dân nghèo khó, nhà chỉ có một mảnh ruộc nhỏ, nhưng lại có đến sáu người con. Sau này, mảnh ruộng đó sẽ về tay người con cả TaRô (TaRô). Nhưng với mảnh ruộng đó thì thật khó mà nuôi nổi cả một gia đình đông đúc. Cha mẹ bèn quyết định cho đứa con thứ hai đi tu, cậu ta là DiRô (Djiro), mười tuổi. Dù cậu ta không thích đi nữa, thì gia đình cũng bớt đi một miếng ăn. Họ biết nhà sư trụ trì tại một ngôi chùa nhỏ nằm ở ngoài ngôi làng bên cạnh, nhà sư này bằng lòng nhận DiRô vào tu học với mình.
Ngôi chùa nhỏ, nghèo nhất trong vùng, và nhà sư khả kính ở đây sống không được sung túc gì lắm. Thế nhưng ông muốn giúp bố mẹ của DiRô, mặt khác, ông ta cũng đã già rồi, ông cần có người giúp đỡ việc lặt vặt trong chùa, đó là chưa kể ông phải nghĩ dần đến việc tìm người thay ông để trụ trì ngôi chùa này.
Thế là một hôm, chú bé DiRô cạo đầu, mặc áo chùng đen, vào chùa làm môn sinh.
Ngôi nhà nhỏ xây bằng gỗ nằm tách ra khỏi làng một chút, gần cái hồ ở bìa rừng, muốn đến chùa, phải đi trên một con đường băng qua ruộng lúa chạy theo các đường đê trong ruộng. Ngôi chùa xưa cũ, mưa gió thường xuyên đã làm bạc màu các bức vách và gần như xóa hết hàng chữ trên cổng. DiRô rất thích cảnh chùa, nhưng hấp dẫn chú ta nhất là cánh rừng. Hễ rảnh việc được giây phút nào là chú chạy vào rừng, hái hoa thơm hay nằm lên trên cỏ, nhàn nhã đưa mắt nhìn trời qua đám cành cây rậm lá.
Vị sư khả kính là người rất mẫu mực, ông không bắt DiRô phải làm việc nhiều. Công việc của chú là đi lượm củi, xách nước, lau quét chùa, lau bụi bặm các tượng gỗ trong thánh thất và lau kinh điển trong thư phòng, rồi thỉnh thoảng giúp việc dưới bếp. Việc nghiêm trọng nhất là học tập. Không những DiRô thấy việc tập đọc tập viết là khó khăn mà việc học nhớ kinh điển cũng thật khó hiểu, mặc dù chú đã có thiện tâm, là điều rất khó cho chú, mà chú lại còn không thích việc học hành. Khi nhà sư giảng kinh hay muốn chú học thuộc kinh, thì chú không chịu nghe, nhưng khi ngồi học một mình, chú lại thích chạy vào rừng.
Nhà sư đã khuyên giải, la mắng, nhưng chẳng ăn thua gì. Cứ cầm cuốn kinh lên tay là DiRô lại nhìn cây cối ở bên ngoài, cây cối như gọi chú ra, chú cảm thấy cây cối như tỏa mùi thơm quyến rũ, chú lắng nghe chim chóc ca hót. Thế là đi đời việc học, chỉ đợi lúc thuận tiện là chú chuồn ra ngoài ngay.
Cả một mùa hè trôi qua như thế, nhà sư mất hết kiên nhẫn. Nhiều lần DiRô để quyển kinh trên cỏ, rồi thay vì học, chú chạy vào rừng.
Nhà sư chán nản thấy rằng không bao giờ DiRô thuộc nổi một câu kinh, cho nên nhân ngày đại lễ "cầu phúc” sắp đến, ông gọi chú bé lại và nói:
- Này con, ta rất buồn phải nói cho con rõ điều này: chắc con sẽ không trở thành nhà sư tốt được đâu. Vì một nhà sư mà không biết lễ nghĩa và không thuộc kinh điển thì không ra gì hết, không giúp gì được cho người đời hết, mà chỉ là gánh nặng cho đạo hữu thôi. Nên ta định trả con về lại cho cha mẹ con, mặc dù làm thế ta rất đau lòng. Vậy con hãy trở về với gia đình đi, kẻo mất thì giờ.
Quyết định của nhà sư như sét đánh ngang tai DiRô, chú ta chảy nước mắt. Nếu không có việc học chán ngấy này, thì chắc chú rất muốn trở thành tu sĩ.
Nhà sư thấy chú bé bị xúc động mạnh cũng thương tình. Ông bèn lấy trong cái rương sơn mài ra bốn cuộn giấy, đưa cho DiRô và nói:
- Ta không biết làm gì được cho con, nhưng để con hiểu là ta không giận, ta cho con bốn cuộn giấy này. Trên mỗi cuộn có vẽ hình ngôi chùa này và một đoạn kinh. Đấy là lời Phật dạy, những cuộn kinh sẽ giúp con khi lo buồn thất vọng. Hãy giữ những cuộn kinh này, và bây giờ thì con hãy đi đi.
DiRô không dám cãi lời nhà sư. Chú lấy bốn cuộn kinh bỏ vào dưới áo choàng, cúi người cám ơn nhà sư, rồi nước mắt dầm dề, chú bước ra cửa, lấy đôi dép rơm đi về.
Lòng quá giao động, DiRô nghĩ: "Cha mẹ sẽ nói gì khi thình lình thấy mình quay về như thế này nhỉ?” - nghĩ thế, nước mắt chú lại tuôn ra như mưa.
Nhưng, vừa đi được vài bước, nghe tiếng lá cây xào xạc, ngửi thấy mùi thơm ngào ngạt của hoa rừng, chú lại quên hết sầu muộn trong lòng. Rồi, thay vì đi về nhà, chú chạy vào rừng thân yêu. Vì bây giờ chú có vô số thì giờ để chơi, được mặc sức vào sâu trong rừng, đến những nơi mà trước đây chú chưa bao giờ để chân tới.
DiRô đuổi bướm thơm, rồi nấp sau bụi cây để nhìn một con thằn lằn nằm phơi nắng trên tảng đá, chú lắng tai nghe tiếng chim hót trên cành. Khi cảm thấy đã đến lúc phải tìm đường ra khỏi rừng, vì chú nghĩ chắc trời sắp trưa, thì bỗng nhiên trời tối sầm một cách thật lạ lùng, như thể sắp có giông bão vậy. Tất cả mọi âm thanh quanh chú đột nhiên im lặng hết, sự thay đổi đột ngột này làm cho chú run sợ.
Chú nhìn quanh và khó khăn lắm mới nhận ra được một khoảng trống trong rừng. Chú tự nhủ:
- Chắc trời đã tối rồi? Ôi, ước gì ta gặp được người nào ở đằng kia.
Bỗng chú thấy ở bên kia khoảng trống có một bà già nhỏ nhắn, bà ta đang khập khiễng đi về phía chú. Chắc là bà đã già lắm rồi vì lưng bà khòm quá thấp. Trên đầu, bà đội cái mũ vải rộng, cái váy vá chằng vá đụp, quanh lưng thắt sợi dây lưng nhỏ xíu.
Bà già nhìn chú, toét miệng cười, hai hàm răng sún hết, bà nói:
- Gặp được cháu ở đây thật may cho ta quá! Trông cái đầu trọc và cái áo chùng đen cháu mặc, ta biết ngay cháu là một chú tiểu. Trước sau gì rồi cháu cũng thành nhà sư. Ta thì già rồi, chân cẳng yếu, chắc không đi nổi ra tận chùa của nhà sư khả kính ở ngoài làng được. Hôm nay là ngày giỗ đầu của chồng ta, ta muốn nhờ nhà sư khả kính tụng kinh cầu nguyện cho vong linh ông ấy được siêu thoát. Nhưng bây giờ gặp được cháu ở đây, ta nhờ cháu đến tụng kinh cầu nguyện cho vong linh của ông ấy trước bàn thờ tại nhà ta. Chắc cháu không từ chối lời yêu cầu của một bà già khốn khổ như ta chứ.
DiRô phân vân không biết xứ sự ra sao. Chú rất sung sướng thoát khỏi cảnh một mình trơ trọi trong rừng âm u tối tăm như thế này. Nhưng còn việc tụng kinh cầu nguyện thì sao? Chú có nên thưa thật là mình không biết tụng kinh cầu nguyện không? Không thể nói cho bà già hay là chú không biết tụng kinh. Vì nếu có thú thật thì chắc bà ta sẽ nghĩ là chú thoái thác thôi. Cho nên chú bằng lòng chấp nhận đi theo bà qua khoảng trống trong rừng, đến một cái chòi nhỏ, mà lạ lùng thay là mới trước đây, chú không thấy gì cả. Cái chòi rất nhỏ đến nỗi hai người đi vào là đã thấy chật rồi. Chú thấy trong một góc nhà, có tấm ván đóng vào vách dùng làm bàn thờ, và trong góc kia là bếp lửa của chủ nhà. DiRô quì xuống trước bàn thờ, chú nhớ lại tất cả những gì chú còn nhớ trong các buổi lễ cầu nguyện trước đây ở chùa. Chú tụng kinh cầu nguyện cho vong hồn của người chết, rồi khó khăn lắm chú mới tụng kinh được, chữ được chữ mất. Chú toát mồ hôi hột và mặt mày đỏ gay, nhưng bà già thì lại lắng tai nghe rất chăm chú. Trông bà có vẻ rất hài lòng về buổi cầu nguyện này.
Khi DiRô tụng kinh cầu nguyện xong, bà già cúi đầu, nói:
- Cậu thật tốt. Tôi thành thật cám ơn cậu. Chắc ông chồng của tôi rất mãn nguyện vì cảm thấy không bị quên lãng. Nhưng bây giờ thì trời đã tối mà đường về làng thì xa, cậu sẽ dễ bị lạc lắm. Hãy ngủ lại đêm ở đây đi. Tôi chẳng có gì để mời cậu ngoài cháo lúa mạch, nhưng tôi nghĩ cậu sẽ thích cho mà xem.
DiRô quá đói cho nên chú ăn cháo lúa mạch thấy ngon thật. Ăn xong bà già dọn chỗ ngủ trên nền nhà- chỗ ngủ vừa đủ cho hai người- DiRô vừa nằm xuống là ngủ liền. Nhưng chú ngủ không ngon giấc, có lẽ vì chú ăn cháo quá nhiều, cũng có lẽ vì cái chòi thiếu không khí, cho nên dù cố gắng, nhưng chú cứ trăn qua trở lại hoài, thức lại ngủ, ngủ rồi lại thức, cho đến khi bỗng thình lình chú hoàn toàn tỉnh giấc. Chú quay người, bàn tay chạm phải chân một con thú. Rõ ràng là chú chạm phải đám lông và những cái vuốt. Nhờ ánh sáng lờ mờ của bếp lửa chiếu ra, chú thấy rõ cái chân, đúng là cái chân của bà già.
DiRô sợ đến nỗi tê liệt cả người, vì chú nghĩ chắc bà già không phải là người, mà có lẽ là một con cáo hay một con lửng đã tìm cách kéo chú vào hang để ăn thịt. Chú nghĩ phải tìm cách trốn thoát cho nhanh thôi. Chú cẩn thận, từ từ ngồi dậy. Nhưng khi chú định bước qua người bà già, bỗng bà thức dậy hỏi chú: