Ngày xửa ngày xưa, trong một ngôi làng nọ, có một người cha có ba cậu con trai. Người anh cả và anh thứ đều khôi ngô tuấn tú; lại siêng năng và nhanh nhẹn, họ cứ luôn tay luôn chân, chẳng ngơi nghỉ phút nào. Bởi thế, dân làng ai ai cũng hết lòng khen ngợi và nắc nỏm rồi đây hai cậu sẽ trở thành những nông dân tốt biết chắt chiu dè sẻn.
Ấy thế mà người em út, chú Djinrokou, thì lại thật trái tính trái nết. Chú cũng chẳng phải hạng lười biếng hay xấu tính gì, không hề; nhưng chú có cái tật mê nghe chuyện, và chú đặt hết lòng dạ vào những gì người ta kể đến mức quên khuấy cả công việc. Tai hại nhất là khi có gánh hát về làng. Lúc ấy, chú sẵn sàng vét đến đồng cắc cuối cùng trong nhà hòng kiếm được một chỗ ngồi xem, và lỡ vào lúc đương thiếu tiền thì có gì vào tay là chú bán hết. Cha có tìm cách nhốt chú vào đâu cũng vô ích mà thôi; trăm lần như một, Djinrokou vẫn trốn được và lại mò ra ven sông cạn nơi gánh hát dựng rạp. Một khi đã đến, chú mê mải ngồi xem người ta diễn đến quên cả thở. Đến khi quay về nhà rồi, chú vẫn còn trầm trồ ngưỡng mộ, dẫu cha với các anh có quở mắng, chế nhạo, thì chú cũng chỉ ôn tồn:
- Giá như cả nhà biết được câu chuyện đó hấp dẫn đến thế nào! Phải để con kể cho nghe cơ. Nhưng mà tiếc quá, con lại không tài kể chuyện bằng những người ở gánh hát.
Dứt lời, chú lại cười hiền lành với tất cả mọi người, chẳng hề bận tâm mình đã làm cả nhà phiền muộn.
- Ta thật không biết rồi mai này tương lai cái thằng Djinrokou rồi sẽ ra sao. - người cha thường tự nhủ. - Nó hảo tâm thật đấy, có cái gì cũng sẵn lòng cho, và để được nghe những câu chuyện hay, thì kể cả cái áo cuối cùng nó cũng đem cho được.
Thời gian thấm thoắt trôi đi, người cha mỗi ngày thêm già yếu, và rồi một hôm ông cho gọi các con lại căn dặn:
- Các con yêu quý, giờ các con đã đến cái tuổi cần phải đi xem thiên hạ thế nào, trước khi yên tâm lập thân. Hãy nghĩ xem các con muốn đi đâu và hãy tìm con đường có vẻ tốt nhất với các con. Ta chẳng có gì nhiều nhặn, nhưng ta sẽ chia đều mỗi con vài đồng vàng mà ta đã dành dụm bấy lâu để ít ra các con cũng có chút phòng thân mà lên đường. Ta thực lòng mong mỏi các con sẽ gặp vận may và bằng an trở về với ta.
Sau đó ông chia cho mỗi người ba đồng vàng và để họ đi. Ba anh em gói ghém đồ đạc, xỏ những đôi giày chắc chắn nhất và rời làng ra đi. Họ vui vẻ tiến bước dưới mây trắng, cho đến khi tới một ngã rẽ. Tại đây, anh cả bảo:
- Này các em, dù gì cũng phải chia tay, thế sao chúng ta không nhân lúc này mà tạm biệt. Kể từ đây, mỗi chúng ta đi theo con đường riêng của mình, giống như cha đã dặn dò.
Hai người em đồng ý liền. Họ chúc nhau gặp nhiều may mắn, cúi chào nhau rồi, anh cả theo con đường bên trái, anh thứ men theo đường bên phải còn cậu út cứ thẳng đường mà tiến. Chú hát khe khẽ và khoan khoái nghĩ tới những ngạc nhiên mà thiên hạ sắp dành cho mình, và đặc biệt là những câu chuyện thú vị mà chắc chắn mình sẽ được nghe.
Con đường ngày càng khó đi, mặt trời đã xuống dần nơi đường chân trời, và cuối cùng lặn hẳn. Djinrokou lúc ấy đã vào tới trong rừng, và để tới được ngôi làng gần nhất thì hẵng còn xa lắm, phải băng qua một ngọn núi cao. Vì chưa mấy trải đời nên chú tự nhủ:
- Ngủ trong rừng thì đã làm sao, mình sẽ kiếm bãi cỏ nào làm chỗ ngả lưng và cứ thế đánh thẳng một giấc dưới gốc cây.
Vừa đặt lưng xuống đám lá khô được vun vào thành đống cho đỡ lạnh, chú đã thiếp đi ngay và chỉ thức dậy khi những tia nắng đầu tiên của mặt trời lọt qua kẽ lá. Chú vẫn còn mắt nhắm mắt mở thì nghe thấy ai đó ở bên cạnh mình đang nói:
- Cuối cùng cũng dậy rồi; cậu dùng một chút đồ ăn rồi lên đường chứ!
Djinrokou nhỏm dậy và trông thấy phía chân mình có hai người ăn mày đang ngồi cạnh đống lửa. Một trong hai người quay sang bảo với Djinrokou:
- Hôm qua, chúng tôi vào rừng thì trời đã tối và đang lúc tìm một chỗ tạm để ngủ qua đêm thì thấy cậu vô tư đánh giấc trên cỏ. Cậu hẳn là chẳng có kinh nghiệm gì mới dại dột ngủ một mình trong rừng mà không mảy may nghĩ rằng lũ thú hoang có thể đến xé xác cậu ra. Chúng tôi ở lại đây để trông cậu. Cậu ngủ say như chết và chẳng hề biết chúng tôi đã nhóm lửa.
Người thứ hai thêm vào:
- Phải đấy, và rồi chúng tôi bảo nhau là một chàng trai trẻ như cậu chắc là đói lắm sau một đêm lạnh như thế trong rừng, và chúng tôi đã nấu sẵn ít cơm đây. Hãy đến ăn với chúng tôi. May cho cậu là chúng tôi chứ không phải lũ thú hoang đã tìm thấy cậu.
Nói xong, anh ta đưa cho Djinrokou một nắm cơm. Djinrokou không biết làm sao để đền ơn những người ăn xin.
- Các anh tử tế quá! - cuối cùng chú cũng lên tiếng. - Các anh biết không, cha tôi đã cho tôi ba đồng vàng lúc ra đi; bởi chúng ta có ba người, nên chúng ta chia đều thôi, mỗi người một đồng tiền vàng. Phải đó, đúng là ý hay.
Chú vui vẻ vừa nói vừa mở bị và lấy ra chiếc khăn tay trong đó gói cẩn thận những đồng vàng. Những người ăn mày nhìn nhau ngạc nhiên, và khi thấy cậu trai trẻ này quả không đùa, thì họ vui sướng quá. Người ăn mày đầu tiên bảo:
- Cậu thật là hảo tâm, cậu trai trẻ xa lạ; món tiền mà cậu biếu chắc chắn sẽ khiến chúng tôi vô cùng sung sướng. Nhưng chúng tôi chẳng thể nhận không của cậu được. Chúng tôi cũng có thứ này biếu cậu đây; dù cho chẳng phải nhiều nhặn gì, tuy nhiên có thể hữu ích với cậu một ngày nào đó.
Nói rồi, anh ta đưa cho Djinrokou một cây kim; người ăn mày thứ hai cho chú một cuộn chỉ.
- Đừng cho đó là kim thường - người ăn mày đầu tiên còn dặn thêm - Cây kim này có thể khâu tất tật những gì cậu muốn.
- Còn chỉ này cũng chẳng phải tầm thường - người ăn mày thứ hai nói thêm - Cậu có thể khâu đến khi nào tùy thích, sẽ chẳng bao giờ hết chỉ.
Djinrokou cảm ơn hai người ăn mày, cúi chào họ rồi tiếp tục lên đường. Con đường đưa chú trèo bao núi cao, lội bao thung sâu, rồi một ngày, tại một thung lũng hẹp, chú gặp một cụ ông lưng đã còng. Cụ đội một cái mũ dệt từ chỉ vàng, mình vận áo dài thêu những bông hoa lớn sặc sỡ, và chân đi đôi dép sợi bện. Nhưng thứ lạ lùng nhất chính là khuôn mặt của ông cụ, chẳng chút nào hòa hợp với bộ dạng lòng khòng và chòm râu dài bạc phơ kia, bởi nó hồng hào và láng mịn. Ông cụ mang theo một cái túi to đã sờn trên lưng và đi lại nhanh nhẹn hơn là người ta có thể tưởng tượng ở độ tuổi của ông. Trông thấy Djinrokou khoan thai lại gần, ông dừng lại có ý chờ. Đợi cậu trai trẻ bắt kịp mình, ông cụ mới liếc sang dò xét và từ tốn bảo:
- Này cậu, ta có cảm tưởng cậu thích nghe những câu chuyện hấp dẫn.
- Ồ vâng, cụ ơi, cháu thích nhất trên đời là được nghe chuyện hay - Djinrokou mừng rỡ đáp, bụng bảo dạ chắc sẽ học được điều gì hay đây.
- Nếu thế, hẳn là cậu cũng biết kể những câu chuyện hấp dẫn chứ? - ông cụ hỏi tiếp.
Thế là, Djinrokou trở nên buồn rười rượi, bởi tiếc làm sao, chú chẳng có tài này.
- Cụ nhầm rồi cụ ạ, cháu chẳng biết kể chuyện. Cháu đã nghe không biết bao nhiêu là chuyện hay, ấy vậy mà, hễ định cất lời kể lại, là y như rằng, chuyện thành ra tẻ ngắt.
Ông cụ lắc đầu tiếc nuối nói:
- Thế thì tiếc thật, bởi đi hết khu rừng này là đến vùng đất của một lãnh chúa say mê nghe kể những câu chuyện kỳ lạ và hấp dẫn. Đến nỗi ngài đã hứa sẽ gả con gái cho ai kể được chuyện nào độc nhất vô nhị. Mà thôi, đừng buồn, ta cho cậu một lời khuyên. Ta bán những câu chuyện; cậu có muốn mua một chuyện không?
- Cháu sẵn lòng thưa cụ, nhưng một chuyện thì giá bao nhiêu?
- Chà, tiếc thay, những chuyện rẻ ta bán hết rồi. Giờ ta chỉ còn duy nhất một chuyện trong túi; đó là câu chuyện đắt nhất. Nó trị giá một đồng tiền vàng. Nhưng cũng bõ, đó thực là câu chuyện hay nhất trong tất cả các câu chuyện.
Djinrokou vui mừng nói:
- Thế cháu gặp may rồi. Cháu vẫn còn một đồng vàng bố cháu cho đây.
Nhưng vừa dứt lời chú lại do dự:
- Nếu cháu đưa cụ rồi, cháu chẳng còn đồng nào nữa. Cụ nghĩ là chuyện này có mang lại may mắn cho cháu không?
Ông cụ trấn an cậu trai trẻ và giải thích rằng không việc gì phải lo lắng, bởi một câu chuyện trị giá cả một đồng vàng thì chắc chắn sẽ không làm ai thất vọng. Vậy là, việc mua bán xong xuôi. Djinrokou đưa ông cụ đồng vàng cuối cùng; ông liền mở cái túi, ghé nó sát vào tai Djinrokou và bóp khẽ. Vậy là, một tiếng thì thầm nổi lên và câu chuyện bắt đầu trườn từ đáy túi sang tai của Djinrokou. Sau đó, ông cụ thắt miệng túi lại và hỏi:
- Thế nào, câu chuyện hay chứ?
Djinrokou gật đầu ngạc nhiên và đáp:
- Đó thực là một câu chuyện lạ.
Thế rồi, chú lễ phép cúi chào ông cụ rồi tức tốc chạy tới thành có dinh thự của lãnh chúa. Trên đường chú cứ vấp ngã liên tục đến sưng cả đầu bởi chẳng chú ý gì đến đường sá, mà chỉ mải lắng nghe câu chuyện lạ đang ong ong trong đầu.
Cuối cùng, chú cũng tới nơi.
- Ai đến đấy? - lính gác quát hỏi khi Djinrokou đập cổng.
- Tôi là Djinrokou và tôi biết câu chuyện tuyệt vời nhất toàn cõi Nhật Bản; tôi muốn kể nó cho lãnh chúa!
Djinrokou được đưa vào gặp lãnh chúa. Ngài chào người lạ thế này:
- Nghe nói ngươi biết một câu chuyện kỳ lạ. Vậy hãy mau kể cho ta để ta xem có thật thế không, hay ngươi chỉ là phường bịp bợm. Phần thưởng thì ngươi biết rồi đấy. Có điều ngươi nên nhớ, nếu làm ta phát chán, ta sẽ cho chặt đầu ngươi! Nào kể đi!
Nghe những lời này, Djinrokou chột dạ, nhưng chuyện đã đến nước này thì chẳng còn đường rút, vậy là chú đánh liều kể lại câu chuyện đã mua của ông cụ:
- Ngày xửa ngày xưa, cách đây rất lâu rồi, có một cây sồi. Đó là cây sồi đặc biệt cao lớn mà ngày nay không đâu còn thấy lại nữa. Cành của nó vươn từ tỉnh Etchigo tới tận đảo Sado, còn thân cây đường kính tới ba trăm ba mươi ba nghìn thước, ba bước và ba tấc...
Lãnh chúa gật gù thốt lên:
- Quả là một cây sồi không bình thường.
Djinrokou không bị sao lãng mà vẫn tiếp tục:
- Nhưng, cây sồi này không chỉ đặc biệt lớn, mà nó còn đặc biệt cao, cao tới ba trăm ba mươi ba dặm...
Một lần nữa, lãnh chúa lại ngắt lời:
- Làm sao ngươi biết được chiều cao của cái cây; nhà ngươi đã đo à?
- Thần không tự đo, mà ngọn cây mất hút ở vùng đất láng giềng. Và ở đó, có một cậu cực kỳ tò mò. Cậu này rất thắc mắc về cái cây và một ngày nọ, đã nhảy lên cành cây rồi tụt xuống xem sao. Phải mất nhiều năm ròng cậu mới có thể xuống được hết cành cây; và lúc đó trời đã sang thu. Khi trèo xuống như vậy, cậu ta đã làm rụng hết hạt sồi này đến hạt sồi khác. Một hạt rơi xuống mái đền Senkodji, ở phía Bắc; hạt thứ hai rơi xuống miệng núi lửa trứ danh của chúng ta, đỉnh Phú Sỹ; hạt thứ ba rơi xuống hồ Biwa, ở phương Nam...
- Rồi, rồi, ta hiểu rồi; thế rồi sao?
- Thế rồi, một hạt sồi khác rơi xuống đảo Shikokou, trúng cái chuông nhỏ của người hành hương đang đi từ đền này sang đền khác. Cái chuông đánh tiếng làm chàng hành hương sợ chết khiếp. Hạt thứ năm...
Lại lần nữa, lãnh chúa sốt ruột cắt ngang câu chuyện:
- Thế có bao nhiêu hạt sồi tất cả?
- Ồ, có nhiều lắm - Djinrokou mất bình tĩnh - Có cả thảy là ba triệu ba trăm ba mươi ba nghìn ba trăm ba mươi ba hạt sồi. Và mỗi một trong số ba triệu ba trăm ba mươi ba nghìn ba trăm ba mươi ba hạt sồi này lại có câu chuyện riêng.
Vậy là, lãnh chúa hỏi, giọng hoài nghi:
- Làm sao ngươi có thể đếm được số hạt sồi nhiều đến như thế?
Bị hỏi vặn, Djinrokou khựng lại, bối rối. Chú có thể kể tốt từng câu chuyện của từng hạt sồi, nhưng trong số tất cả những câu chuyện mà cái túi đã thì thầm vào tai chú chẳng có chuyện nào giải thích làm sao người ta đếm được chừng ấy hạt sồi cả. Chú chắc mẩm phen này thì mất đầu thật rồi, chợt may sao, chú nhớ đến món đồ những người ăn mày tặng.
- Ồ, dễ thôi, thưa lãnh chúa đáng kính; thần xỏ kim xâu thành một chuỗi, vừa xỏ vừa đếm.
Thế này thì quá lắm, kể cả với lãnh chúa. Ngài quát lên giận dữ:
- Chuyện ngu xuẩn gì thế, chẳng có sợi chỉ nào trên đời này đủ dài mà xâu được cả triệu hạt sồi.
Djinrokou không hề nao núng, rút từ trong túi ra cây kim và sợi chỉ rồi dâng nó cho lãnh chúa:
- Thưa lãnh chúa, đây chính là kim và chỉ, nếu ngài không tin, thần sẽ đếm tất tật số hoa trong vườn của ngài!
Đoạn chú ném cây kim cùng sợi chỉ qua cửa sổ lên ngọn cây anh đào đang nở hoa. Liền đó, người ta nghe thấy trong vườn có tiếng thét khủng khiếp rồi nghe uỵch một tiếng như thể có vật gì nặng rơi xuống đất. Bá quan nháo nhác nhào ra cửa sổ để xem có chuyện gì. Dưới gốc cây đương hoa, một tên trộm ác ôn nằm chết giấc. Hóa ra cây kim Djinrokou lẳng qua cửa sổ đã xuyên thấu tim hắn, làm hắn bổ nhào khỏi ngọn cây đang ẩn náu. Đó chính là tên trộm khét tiếng hoành hành bấy lâu, cả đến lãnh chúa cũng luôn nơm nớp lo sợ. Và dù có ráo riết truy đuổi, người ta vẫn chưa thể tóm nổi hẳn. Tình cờ thế nào, hôm nay hắn lẻn vào dinh thự âm mưu ám sát lãnh chúa cùng cả gia tộc. Ấy vậy mà, cây kim của chàng trai trẻ đã chấm dứt mãi mãi hành động bất lương của hắn. Để tỏ lòng biết ơn, lãnh chúa gả con gái cho Djinrokou.
Vậy là, chính trái tim nhân hậu và niềm đam mê các câu chuyện hay đã mang lại may mắn cho người em út trong ba anh em.