Cụ Phan Thanh Giản là quan Kinh lược ba tỉnh phía Tây (An Giang, Hà Tiên, Long Hồ). Làm quan lớn có địa vị quyền thế, vậy mà cụ sống cuộc đời thanh đạm, bình dân.
Khi cha qua đời, cụ Phan bưng từng món ăn dâng cúng và đích thân làm cỏ, gánh đất đắp mộ để báo hiếu.
Sản nghiệp của cụ không có gì cả. Phu nhân thì đích thân cấy lúa, trồng bông vải. Nhà thờ tổ tiên thì phên tre, cột dựng bằng cây mấm.
Năm đó, cụ về chịu tang cha, đi bằng ghe nhỏ như thường dân. Qua sông Bà Lai, viên cai đồn kêu kêu xét gắt gao; đích thân cụ lên trình và năn nỉ. Sau cụ đòi viên cai đồn tới dinh. Anh nọ hoảng sợ, xin cụ tha tội vô lễ hôm trước.
Cụ đáp:
- Đó là ngươi làm đúng phận sự. Ta khen ngợi.
Rồi thăng anh nọ lên chức chánh đội, thưởng một trăm quan tiền.
Ngày nọ cụ đi thăm mộ. Có tên Cang đi phía trước vác cây tre chưa trẩy nhánh. Chừng qua khúc quẹo, ngọn tre quơ đụng nhầm cụ làm trầy da rách áo.
Cụ nói:
- Chú kia! Hạ cây tre xuống lập tức. Đưa cây mác cho ta!
Tên Cang hoảng sợ, e bị trừng phạt nặng nề.
Dè đâu, cụ cầm mác, trẩy nhánh tre cho sạch rồi nói:
- Như vậy có gọn hơn không? Vác về nhà đi. Từ rày về sau phải có ý tứ, kẻo thiệt hại đến người đi đường.
Bình sinh, cụ rất thích bông quỳ. Theo cụ, vì bông quỳ có sắc tự nhiên, lòng dạ ngay thẳng nên nó dám nhìn vào mặt trời mà không e thẹn với lương tâm mình.
Năm 1867, quân Pháp kéo đến Vĩnh Long. Thừa lúc cụ đang thương thuyết trên chiến hạm, bọn giặc đổ bộ chiếm thành. Cụ Phan nhịn đói mười bảy ngày nhưng không chết. Sau rốt cụ bưng chén thuốc độc mà uống.
Năm đó cụ được bảy mươi mốt tuổi.