TruyệnXưaTíchCũ.cOm

Cho tôi một vé về với tuổi thơ.

Trước Tiếp theo

Đánh giá: 3/5 - 27 phiếu
An Dương Vương (ngọc trai, giếng nước)

Xem thêm: Trọng Thủy, Mỵ Châu

Thục Phán, sau khi Hùng Vương thứ 18 trị vì đất nước, tiếp tục xưng vương, đặt tước hiệu là An Dương.

An Dương Vương có người con gái tên gọi Mỵ Châu, thực là một trang giai nhân tuyệt sắc. Nàng được vua cha rất mực nâng niu, chiều chuộng, và lúc bấy giờ cũng đã bước vào tuổi lấy chồng.

Là vị vua hết sức chăm lo đến việc triều chính, nên sau khi mở mang bờ cõi, An Dương Vương đã nghỉ ngay đến việc củng cố và phòng thủ quốc gia, mà trước hết phải xây dựng một Kinh đô mới, để làm kế bền vững lâu dài.

Thấy Phong Châu không thích hợp nữa, An Dương Vương tìm đến miền Cổ Loa (thuộc Đông Anh, Hà Nội ngày nay) để chọn đất xây dựng Kinh đô . Khi chọn xong, Ngài truyền lệnh đi khắp cả nước, triệu tập đinh tráng, thay phiên nhau về Cổ Loa đắp lũy xây thành.

Thời ấy, vì không hiểu kết cấu nền móng, lại chưa biết sản xuất gạch nung và sử dụng vôi vữa, nên thành xây đến đâu bị đổ đến ấy, vì lượng đất quá lớn đã đè xuống nền đất mềm phía dưới.

Cả triều đình họp lại, nhưng chẳng ai tìm ra được kế sách gì. Nhà vua sai lập đàng tràng, rồi tự mình trai giới đủ mười ngày, sau đó bày biện lễ vật cầu cúng.

Nghi lễ thật trọng thể. Lễ vật thật chu đáo.Có đủ thịt tam sinh đến sôi chè, hoa quả và các thứ cao lương mỹ vị. Rượu bày ra lũ lượt hàng vò. Đèn nến thắp sáng trưng. Khói hương trầm nghi ngút.

Nhà vua mặc đại lễ phục, tóc để xõa, chắp hai tay, nghiêm trang đứng trước đàn tràng, đọc lời cầu khẩn.

Đêm hôm ấy, An Dương Vương nằm mộng, thấy một cụ già râu tóc bạc phơ, đi từ phía biển lên, báo cho biết: Sáng mai sẽ có thần Kim Quy là sứ giả của thần Thanh Giang đến giúp.

Sáng hôm sau, theo lệnh nhà vua, tất cả văn võ bá quan cùng thị vệ đứng trực ở ngoài cổng thành. Đúng đầu giờ Thìn, từ phía biển, một rùa vàng rất lớn hiện ra, rồi vươn cao đầu, tiến vào. Bốn thị vệ vội vàng quỳ xuống, đặt chiếc mâm bằng đồng cực lớn cho rùa trèo lên, rồi khiêng vào trong trướng phủ.

Nhà vua ra tận ngoài thềm để đón thần Kim Quy (rùa vàng) và thi lễ rất mực cung kính. Sau khi chủ khách tề tựu trong phòng, thần lên tiếng trước:

- Thành sở dĩ không xây cao được là do có nhiều loài yêu quái đến quấy phá. Ở dưới thủy cung, thấy dân chúng và quân lính mệt nhọc, lại có lời thỉnh cầu của nhà vua, nên Đức Thanh Giang đã phái tôi đến đây để trị giúp Ngài. Tôi sẽ vì quân dân Âu Lạc mà ra tay tiểu trừ bằng hết lũ yêu quái này. Yêu quái diệt xong, chẳng mấy chốc nhà vua sẽ có thành trì thật như ý.

An Dương Vương vô cùng mừng rỡ, sai đặt tiệc chiêu đãi thần thật đặc biệt, rồi đích thân dẫn thần đến ở trong một cung thật kín đáo đã được trang hoàng lộng lẫy. Trước khi chia tay, thần hẹn nhà vua sau ba ngày nữa sẽ quay lại.

Trong ba ngày, thần Kim Quy đã làm ra không biết cơ man nào là bùa pháp! Chúng được xếp làm ba đống lớn xung quanh chỗ thần nằm. Đống thứ nhất, nhỏ nhất, xếp ở bên ngoài, được nhuộm màu đỏ. Đống thứ hai, ở giữa, nhiều gấp bốn lần, được nhuộm màu xanh. Đống thứ ba, ở trong cùng, lại nhiều gấp mươi lần của đống thứ nhất, được nhuộm màu vàng.

Từ trước đến nay, có lẽ chưa ai khám phá ra được điều bí mật nằm ở bên trong mỗi đạo bùa pháp ấy! Tuy nhiên, nhìn bên ngoài có thể thấy chúng là hình vặn thừng, như những bùa pháp mà các thầy phù thủy, thầy cúng vẫn làm ngày nay. Chứa đựng bên trong bùa pháp có lẽ là chút vảy, chút móng hay một chút gì đó trong cỏ thể của thần, nhưng đó chỉ là những điều phỏng đoán. Chỉ biết trong ba ngày mà thần làm được nhiều bùa như vậy thì quả là một kỳ tích!

Đúng sáng thứ tư, An Dương Vương đến trước cung thất. Thần Kim Quy thong thả "bước" ra. Thần dẫn nhà vua ra khỏi trướng phủ, đến khu thành trì xây dựng cũ. Thần lắc đầu, rồi ra hiệu cho nhà vua theo mình. Thần lại bảo nhà vua mang theo năm mươi lính hộ vệ, mỗi người ôm một bó cọc tre gồm năm mươi chiếc, đi theo. Hễ thần Kim Quy đi tới đâu là An Dương Vương và lính hộ vệ lại đi tới đó và được đánh dấu bằng những chiếc cọc.

Hết ngày thứ nhất, thần và nhà vua trở về trướng phủ. Thần bảo nhà vua chuẩn bị một vạn cọc tre để đóng xuống bốn xung quanh những cọc đã đánh dấu. Mỗi cọc tre sẽ là một gốc tre già, thẳng và lớn, dài đúng năm thước (bằng 2m bây giờ), ở đầu dưới có vạc nhọc. Trước khi đóng xuống đất, bùa phép mầu đỏ sẽ được "yểm" vào trong đốt cuối cùng, ở chỗ có vạc nhọn.

Từ ngày thứ hai trở đi, giai đoạn " thi công" lần nhất bắt đầu. Hàng vạn tráng đinh và binh lính đi làm cọc tre, rồi gánh đất đá đổ lên những phần đất đã đóng cọc. Chỏ ba ngày sau, mộ bức tường đất hình vòng tròn hiện ra.

Giai đoạn "thi công" lần thứ hai liền được tiếp tục. Bốn vạn tráng đinh và binh lính được huy động làm bốn vạn cọc tre, ở phần vạn nhọn sẽ "yểm" bùa pháp màu xanh vào. Trong ba ngày này, thần Kim Quy lại dẫn An Dương Vương và hai trăm lính hộ vệ, mỗi người ôm một bó cọc năm mươi chiếc, đi theo. Hễ thần "đi" đến đâu, là nhà vua và quân lính lại đi tới đó, rồi cọc nhọn đánh dấu. Cọc tre đã "yểm" bùa màu xanh liền được đóng tiếp vào bốn xung quanh, rồi theo đó, đất đá lại được gánh, đổ xuống và nện chặt. Bảy ngày nữa, lại một tường hình tròn, ở bên ngoài và ôm lấy bức tường lần trước hiện ra.

An Dương Vương cho tráng đinh và binh lính nghỉ ngơi ba ngày đề lấy sức, chuẩn bị bước vào giai đoạn "thi công" lần cuối. Cũng trong ba ngày đó, đinh tráng và cả dân cúng nữa, lại được huy động thêm, vì lần này số nhân lực sẽ phải cần đến rát nhiều.

Đến ngày thứ tư, tức là ngày thứ mười sáu, kể từ khi bắt đầu "thi công", mười vạn tráng đinh, binh lính và dân chúng đã có mặt, mỗi ngưòi làm một cọc tre có "yểm" bùa màu vàng. Trong lúc mọi người làm cọc thì thần Kim Quy lại dẫn An Dương Vương cùng năm trăm lính hộ vệ vẫn mang theo mỗi người năm mươi cọc nhỏ, đánh dấu. Mỗi khi cọc nhỏ đóng xong, thì cọc lớn có có "yểm" bùa, liềm được đóng vào bốn xung quanh, và đất đá cũng được đỗ xuống, nện chặt.

Lần này, vì số lượng nhiều gấp hai lần rưỡi lần thứ hai, nên thời gian "thi công" phải mất nhiều hơn. Nhưng cũng chỉ mười bốn ngày sau, búc tường đất thứ ba cũng hoàn thành, ở bên ngoài và bao quanh bức tường lần trước.

Thế là thành đã được xây xong, vì lũ yêu quái đã bị bùa pháp và cọc nhọn tiêu diệt rồi.! Tính ra, chỉ trong vòng chưa đầy một tháng mà đã xây dựng được ba bức tường coa chu vi lớn như thế (có dấu vết còn lại đến ngày nay) thì quả là một lỳ tích ở vào thời bấy giờ. Qua sự kiện này cũng còn có thể thấy thêm: quân dân ta trong thời kỳ nước Âu Lạc, khi cần thì có thể tập trung được một lực lượng hùng hậu như thế nào.

Thành lúc ấy chưa có tên gọi, vì vùng đất Cổ Loa cũng chưa có tên, nhưng do có ba lớp tường đất, mà lớp bên trong, theo thứ tự, lại có hơn lớp bên ngoài, nên từ xa nhìn vào, thành giống hình một vỏ ốc khổng lồ. Tên "thành Ốc" do vậy mà có. Các nhà chép sử đời sau gọi và viết là "Loa thành" cho sang trọng hơn, nhưng thực ra chỉ là phiên âm từ từ Việt sang từ gốc Hán. Về sau này, khi vùng đất Cổ Loa có tên gọi, thì thành cũng được mang tên là thành Cổ Loa.

Khi xây thành xong, An Dương Vương vô cùng sung sướng, cho binh lính và dân chúng ăn mừng suốt ba ngày liền. Lại khoản đãi thần Kim Quy rất hậu tình và chu đáo. Thế nhưng cũng đã đến lúc phải chia tay. Nhà vua đặt tiệc thật lớn để tiễn thần, có đông đủ văn võ bá quan cùng tham dự.

Trong hai tiệc hệ trọng mà từ trước đến nay An Dương Vương vẫn thường bận tâm lo lắng, là xây thành và có vũ khí thật lợi hại, thì một việc đã xong, nhưng còn việc kia, liệu có thể nhờ cậy thêm ở thần được chăng? Vì vậy, trước lúc chia tay, nhà vua đã nói với thần:

- Thật muôn đội ơn thần, nếu không có thần cất công khó nhọc thì dân cúng Âu Lạc này biết đến bao giờ mới có thể xây xong thành được. Tuy thế, nhưng chẳng dám dấu thần, nếu vạn nhất sau này có xảy ra giao chiến, quân giặc bủa vây đông đúc, tên nỏ trong thành bắn ra không xuể, thì liệu có cách nào, xin thần cũng dạy bảo cho quân dân Âu Lạc được nhờ.

Thần Kim Quy mỉm cười: Điều An Dương Vương lo lắng thần cũng đã biết từ lâu. Thần cúi xuống tước một chiếc móng vuốt ở mé bàn chân phải, đưa cho nhà vua bảo:

- Nhà vua khỏi phải nói, ta cũng đã hiểu. Nay ta tặng nhà vua vật này để dùng làm lẫy nỏ. Chỉ cần đem nỏ có lẫy này bắn ra vài phát là phá tan được quân giặc. Tuy thế cũng không thể chủ quan, lơ là việc canh phòng vàcủng cố lực lượng.

An Dương Vương cung kính cúi đầu, rồi chấp hai tay lại vái thần, cử chỉ có phần còn rất lưu luyến. Thấy vậy, thần Kim Quy lại bảo:

- Thôi, ta còn nhiều việc khác phải lo. Nhà vua hãy ở lại trong coi việc nước, cốt sao cho được trên thuận dưới hòa. Nếu mai sau, rủi có xảy ra chuyện gì chẳng lành, thì cứ gọi ba lần "Sứ giả Thanh Giang" là ta sẽ đến giúp.

An Dương Vương và cả triều thần lại cung kính chắp tay, cúi đầu từ biệt. Thần Kim Quy thong thả quay trở ra phía biển.

Nhà vua đưa chiếc vuốt đang cầm trên tay cho Cao Lỗ, viên Đại tướng phó tổng chỉ huy quân đội, bảo đi làm nỏ, tra lẫy đúng như lời thần đã dặn.

Khi nỏ làm xong, đem ra bẳn thử, mỗi phát có đến hàng ngàn mũi tên vun vút bay đi. An Dương Vương vô cùng thích chí reo lên:

- Thế là từ nay trở đi, ta chẳng có điều gì phải lo lắng nữa.

Hồi ấy ở phương Bắc đang là cuối thời nhà Tần. Sau khi Tần Thủy Hoàng mất, Tần Nhị Đế lên thay, tình hình trong nước rối ren. Một viên tướng tài ba mưu lược đang trấn giữ phần đất phía Nam, tên gọi Triệu Đà, nhân cơ hội xưng Đế và lập ra nước NamViệt, vị trí ở phía Bắc nước Âu Lạc. Để chuẩn bị lực lượng đương đầu với "Trung nguyên" nếu cần, Triệu Đà mở mang bờ cõi xuống phía Nam, bằng việc bất ngờ cất quân sang đánh Âu Lạc.

Quân Triệu Đà ùn ùn kéo đến, vây kín xung quanh mấy lớp Loa Thành.

Sắp sẵn nỏ thần ở giữa cửa chính, chờ khi quân địch kéo vào vừa tầm, An Dương Vương hạ lệnh cho Cao Lỗ giương tên bắn. Hàng ngàn mũi tên vun vút lao ra, quân giặc chết như ngã rạ.

Ở phía sau, Triệu Đà cung kiếm hò hét, đốc thúc lính liều chết xông vào, hết lớp này đếân lớp khác. Nhưng từ phíaLoa Thành, từng loạt tên lại nối tiếp bay ra, khiến cho quân giặc xác chồng lên xác, không thể tiến thêm một bước.

Triệu Đà vô cùng tức tối, nhưng thấy tình thế không thể làm gì được, bèn hạ lệnh cho các tướng rút binh.

Về nước, Triệu Đà xuống lệnh an dân, rồi lập tức cho quân cơ mật giả làm thường dân, sang dò la tin tức bên Âu Lạc. Hai tháng sau, bọn lính này đã về báo cho Triệu Đà đầy đủ các tin tức.

Triệu Đà tính rằng, bên phía Âu Lạc có Loa Thành kiên cố, quân lính canh phòng nghiêm mật, lại có thứ vũ khí lợi hại là nỏ thần, thì trước mằt y không thể làm gì được. Vậy thì sẽ dùng kế, mà kế hay nhất lúc này chỉ là có thể giả vờ cầu hòa. Bởi thế, kh nghe tên lính bẩm báo tới việc An Dương Vương có con gái đến tuổi lấy chồng, và tục lệ của Âu LaÏc, con trai phải ở rể bên nhà vợ trong vòng ba năm đầu, thì y vô cùng mừng rỡ, nét mặt hớn hở, miệng luôn lẩm bẩm " Thời cơ đến rồi! Thời cơ đã đến với ta rồi!"

Triệu Đà cũng có một người con trai đã lớn, tên gọi Trọng Thủy. Chẳng cần suy nghĩ lâu la, y đã định ngay ra mưu kế. Ấy là việc y sẽ cho Trọng Thủy sang Âu LaÏc xin giảng hòa và cầu hôn, ở lại Trọng Thủy sẽ tìm hiểu những việc quân cơ rồi tìm cách triệt phá nỏ thần, sau đó, y sẽ cất sang đánh.

Đã thừa hiểu kế sách này chẳng mới mẻ gì, và cũng chẳng dễ dàng lừa được triều đình Âu Lạc. Tuy thế, suy đi tính lại, y thấy chẳng có cách nào hay hơn.

"Điểm mấu chốt của kế sách này phải chiếm được lòng tin của đối phương, bởi vậy, những người thực hiện phải thật mềm mỏng, khéo léo, lại phải thật kín đáo, kiên trì nhẫn nhục.

Thời đấy, thời Đông Chu Liệt Quốc vừa qua, chẳng đã có chuyện Phù Sai, Câu Tiễn đó sao? Dùng khổ nhục kế đến như Câu Tiễn, thì ai gặp cũng phải mủi lòng rồi bị mắc lừa, chứ chẳng cứ gì Phù Sai."

Nghĩ vâïy, Triệu Đà sai chuẩn bị lễ vật thật hậu hĩnh, lại chọn một viên quan văn khôn ngoan, lọc lõi nhất làm sứ giả. Đoạn y cho gọi viên quan này cùng Trọng Thủy đến để bàn soạn, giao nhiêïm vụ. Xong xuôi, chính tay Triệu Đà viết biểu cầu hòa, lời lẽ thật khiêm nhường, một mực xin lỗi về việc đã xảy ra can qua, rồi cuối cùng, xin An Dương Vương đại xá, cho Trọng Thủy ở lại làm giai tế để được đêm ngày hầu hạ dưới gối, ngõ hầu từ nay hai nước hòa hiếu đời đời ...

Để thật chắc chắn, trước hôm sứ giả và Trọng Thủy lên đường sang Âu Lạc, Triệu Đà còn cho gọi hai người lại, dặn đi dặn lại từng ly từng tí mới thôi.

Nói cho đúng, Trọng Thủy không phải là kẻ có đủ nhẫn tâm để thi hành quỷ kế này, như ở phần kết cục sẽ rõ. Tuy vậy, dẫu là cha con, nhưng còn là đạo quân thần, nên mặc dù trong bụng không muốn, Trọng Thủy vẫn phải lên đường.

Khi lính canh vào báo có sứ giả của Nam Việt muốn vào ra mắt, thì An Dương Vương và các đại thần còn trên bàn tiệc. Từ ngày đánh quân Triệu Đà tan tác đến nay, nhà vua cho rằng không có kẻ địch nào dám đụng tới Âu Lạc, nên thỉnh thoảng lại bày ra tiệc tùng hoặc đi săn, để vui chơi cho thỏa thích. Nay nghe nói sứ giả Nam Việt đến, nhà vua cho la chuyện chẳng đáng bận tâm, nhưng Đại tướng Cao Lỗ đã đứng dậy nói:

- Tâu Bệ hạ. Thần nghe nói Triệu Đà là kẻ túc mưu đa trí, y phái người đến chắc là đã có quỷ kế. Xin Bệ hạ cho đuổi sứ giả đi để tránh hậu họa.

An Dương Vương cả cười bảo Cao Lỗ ngồi xuống, rồi đáp:

- Ừ, cứ cho là Triệu Đà đã có quỷ kế, nhưng sức hắn thì làm gì được ta? Nếu ta đuỏi sứ giả, e sẽ bị hắn chê là hẹp lượng. Thôi cứ để cho chúng vào, xem ăn nói thế nào. Vả lại, ta cũng muốn cho chúng thấy thế nào là oai phong của triều đình Âu Lạc, để chúng còn về mà bảo nhau đừng đến nhòm ngó nữa.

Nói đoạn, An Dương Vương sai thiết triều. Sứ giả Nam Việt và Trọng Thủy được dẫn vào, dâng lên tờ biểu do chính tay Triệu Đà viết. Lại đang lên rất nhiều lễ vật của phương Bắc. Cử chỉ của hắn thật nhũn nhặn, cung kính. Lời lẽ của hắn thật ngọt ngào lễ phép.

Sau khi đọc xong tờ biểu, An Dương Vương ngắm nhìn Trọng Thủy: Một chàng trai khôi ngô, nho nhã, cử chỉ nói năng lễ độ. Lại là con trai trưởng của Triệu Đà. Nhà vua gật đầu tỏ ý hài lòng rồi cho lính hầu dẫn hai người về phòng riêng tạm nghỉ.

Nhà vua hỏi ý kiến các triều thần. Lần này lại Cao Lỗ đứng dậy nói trước:

- Tâu Bệ hạ. Theo ý thần, đây là kế lừa gạt của Triệu Đà. Ta nên đuổi chúng về và không nhận lễ vật.

Các triều thần khác cũng lần lượt đứng lên. Tựu trung ý kiến chia làm hai phía: nhận và không nhận.

An Dương Vương ngồi im lặng, chú ý lắng nghe. Trong thâm tâm nhà vua, khi tiếp sứ giả và trông thấy Trọng Thủy, Ngài đã thiên về bên nhận. Nhà vua là người rất mực chiều chuộng con gái nên cũng muốn tìm cho nàng một nơi xứng đáng: Hoàng hậu của nước láng giềng. Lại nữa, hai nước hòa hiếu thì cũng tránh được nạn binh đao. Còn nếu vạn nhất xảy ra chiến tranh thì lúc ấy, chỉ càn vài phát nỏ thần ... Nghĩ vậy, nhà vua đứng dậy phán:

- Ta đã nghe rõ lời các khanh, bên nào cũng đều có lý đúng cả. Nay Nam Việt là nước lớn, lại đích thân Triệu Đà viết biểu cầu hòa và cho con tai trưởng cầu hôn, thế là đủ biết kẻ địch đã biết lễ độ, chịu bước nhún nhường. Ta nhận cho họ cũng là cía đạo của nước lớn. Nhược bằng, nếu họ trở mặt thì sức ta đây cũng chẳng ngại gì. Chúng sẽ phải tơi bời như lần trước ...
 Các quan cúi đầu lạy tạ. Nhà vua ra lệnh bãi triều. Mấy hôm sau, khi chọn được ngày lành, nhà vua sai chăng đèn kết hoa, chuẩn bị tiệc tùng để cho con giá sánh duyên cùng Trọng Thủy.

Trở thành giai tế nước Âu Lạc, trong thời gian đầu, trong lòng Trọng Thủy khấp khởi mừng thầm. Y được vua cha, mẫu hậu đối xử thâm tình, coi như con đẻ. Lại được công chúa Mỵ Châu yêu mến cũng thực hết lòng. "Thế là trúng kế của Nam Việt Vương rồi", y thầm nghĩ. Nhưng ngặt vì lúc ấy, triều đình Âu Lạc hãy còn cảnh giác. Lại nữa, bản thân y, nếu có muốn hành động thì cũng chưa thông tỏ đường đất, làm sao có thể điều tra các việc quân cơ và đánh tráo nỏ thần ngay được? Y đành phải chờ thời cơ thêm vậy.

Và thời cơ ấy luôn luôn vẫn cứ đến, ngày mỗi thêm gần. An Dương Vương cho y được dự các buổi tiệc tùng, đi săn. Mẫu hậu cũng thường đến vấn an. Mỵ Châu coi y là người chồng "lý tưởng", mười phân vẹn mười. Còn các đại thần, lúc đầu nhiều vị cũng xét nét, nhưng về sau cũng quen mặt y dần ...

Thế nhưng, lúc này lại chính là lúc Trọng Thủy thấy công việc mà y được giao phó, là khó thực hiện hơn lúc nào hết.Mọi người ở đây đối xử với y thân tình, độ lượng như vậy, làm sao y có thể phản bội họ được? Xứ sở này là quê hương thứ hai của y, còn thân thuộc hơn cả nơi y đã sinh ra, làm sao có thể để cho nạn can qua dày xéo? Không phải là kẻ nhẫn tâm như Triệu Đà, nên Trọng Thủy thấy thực khó xử. Những cơn vui buồn thất thường, do vậy, thường đến với y. Dưới cái vẻ nho nhã bề ngoài, trong lòng y lúc nào cũng là một cơn giông bão.

Tuy ngồi ở nhà, nhưng Triệu Đà vẫn luôn luôn biết những hành vi của Trọng Thủy tại Kinh đô Âu Lạc, qua tin tức của nhiều tên "sứ giả" đi quà cáp thăm hỏi về bẩm báo. Những lần đầu y thấy hài lòng, nhưng càng về sau, thấy thời hạn sắp hết mà Trọng Thủy chưa có điều tra gì quan trọng, lại chưa đánh tráo được nỏ thần, thì y thấy thực sự sốt ruột. Viết một bức mật thư lời lẽ thật gay gắt, giục phải hành động ngay lập tức, Triệu Đà giao cho một tên "sứ giả" nữa lên đường.

Khi nhận được bức mật thư này, Trọng Thủy thấy vô cùng choáng váng. Đây là thời điểm tình cảm của y và công chúa Âu Lạc đang vào giai đoạn mặn nồng. Thế rồi ... nhiều ngày, đêm tự đấu tranh, dày vò, giằng xé, cuối cùng Trọng Thủy vẫn thấy phải đi theo con đường mà cha y đã lựa chọn, bởi vì dầu sao quân lệnh cũng là như sơn!

Trong khi đó, bên phía triều đình Âu Lạc, vẫn chẳng ai hay bết gì về bức mật thư, cũng như những điều đã diễn ra trong lòng Trọng Thủy. Y được tự do đi lại khắp nơi trong Loa Thành. An Dương Vương chẳng mấy lúc không cho y cặp kè, còn Mỵ Châu thì hoàn toàn tin tưởng, biết được điều gì cũng nói cho y biết cả, và thế là, thời điểm bị "đánh tráo nỏ thần" đã sắp đến gần ...

Nguyên tướng quân Cao Lỗ, một vị tướng dũng cảm, tài ba và cương trực, từ trước đến nay là phó chỉ huy quan đội, là cánh tay đắc lực, thân cận nhất của An Dương Vương thì vẫn luôn đề cao cảnh giác. Ngay từ đầu, Ngài đã biết quỷ kế của Triệu Đà, kịch liệt phản đối cuộc hôn nhân Nam Việt Âu LaÏc, và khi sự việc đã "lỡ" rồi, tức là Trọng Thủy đã ở lại Loa Thành thì Ngài vẫn theo dõi từng nhất cử nhất động của y. Khi thấy Trọng Thủy có những biểu hiện đáng ngờ, như việc tự do đi lại trong Loa Thành hay vô cớ xuất hiện ở những nơi tháp cao ... thì Ngài đem điều dị nghị của mình nói lại với An Dương Vương, nhưng nhà vua khoát tay bảo rằng, chẳng cần phải đề phòng kỹ càng đến như thế.

Đến khi thấy mối quan hệ giữa An Dương Vương và Trọng Thủy càng ngày trở nên khắng khít thì Ngài giận dữ, tỏ ý khó chịu ra mặt, và điều này làm phật ý nhà vua. Mối tình cảm thâm giao giữa ho, ngoài mối quan hệ vua tôi, vì thế, cũng đã đến hồi kết thúc.

Một hôm, ngay giữa triều đình, tướng quân Cao Lỗ đã nói thẳng những suy nghĩ của mình, yêu cầu (tất nhiên là dưới dạng tâu trình) nhà vua không nên để Trọng Thủy được tự do đi lại và lúc nào cũng được cận kề. Nhưng vừa nghe thấy như thế, An Dương Vương đã nổi trận lôi đình. Ngài lớn giọn quát mắng Cao Lỗ là đồ vô lễ dám sàm tấu, rồi sau đó, hạ lệnh cách chức, lột mũ áo, đuổi thẳng về quê.

Hỡi ôi là số phận của viên tướng tài da dũng cảm, lúc nào cũng môït lòng một dạ trung thành với sơn hà xã tắc! Bị nhục đến như thế thì thử hỏi còn mặt mũi nào đứng trong trời đất nữa? Bởi vậy, ngay lập tức, Ngài rút gươm ra khỏi vỏ, rồi đưa chéo một đường qua cổ và ngã vật xuống ...

Sau khi Cao Lỗ chết, An Dương Vương cũng có phần hối hận, Ngài không cho Trọng Thủy được cặp kè như trước, nhưng nghi ngờ y thì Ngài vẫn hoàn toàn không. Bởi vậy, nỏ thần, từ trước đến nay do tướng quân Cao Lỗ giữ, thì bây giờ, Ngài trao nó lại cho Mỵ Châu. An Dương Vương chỉ sinh có mỗi Mỵ Châu là phận gái, vậy nhà vua có thể trao vật đó cho ai, ngoài người con gái được nâng niu và thân cận nhất của Ngài?

Khi biết Mỵ Châu đang nắm trong tay bảo vật quốc gia thì Trọng Thủy đối xử với nàng cũng tận tụy hơn lúc nào hết. Đây chính là thời điểm sau khi y nhận được bức mật thư, rồi tự đấu tranh, hạ quyết tân thực hiện bằng được lời quân vương giao phó.

Do Mỵ Châu đã thực sự tin tưởng, chẳng mảy may nghi ngờ, nên y cũng chẳng khó khăn gì, khi được nàng cho xem bảo vật. Rồi nàng còn truyền cả cho y cách thức làm nỏ, tra lẫy, cách làm tên và cách bắn. Là con gái một của vua Âu Lạc, vốn xuất thân võ biền, thì việc Mỵ Châu am hiểu và sử dụng thành thạo cung nỏ, cũng là điều hiển nhiên dễ hiểu.

Vốn là kẻ sáng dạ, khéo tay, nên những ngày Mỵ Châu vắng nhà để đi săn bắn cùng vua cha. Trọng Thủy đã chế tạo xong một chiếc lẫy nỏ giả, giống y như thật. Đoạn, y đem tháo chiếc lẫy thật ra khỏi nỏ, và lắp lẫy giả vào. Sau đó, ngay lập tức, y phá hủy tại chỗ chiếc lẫy thật, rồi xóa hết mọi dấu vết. Công việc xong xuôi, y thở phào nhẹ nhõm. Đến lúc Mỵ Châu đi săn bắn trở về, y ra tận cổng đón, giọng điệu cử chỉ còn ngọt ngào, ân cần hơn cả mọi ngày.

Chỉ mấy ngày sau, tin tức về công việc hệ trọng nhất mà Trọng Thủy tiến hành ở triều đình Âu lạc xong xuôi, đã về dến tai Triệu Đà. Y vô cùng mừmg rỡ, rồi vội nhẩm tính: Còn gần một năm nữa mới đủ thời hạn ba năm để Trọng Thủy gửi rể trở về.

Bản thân Triệu Đà trong lòng lúc nào cũng nung nấu ý đồ thôn tính Âu Lạc, nên y muốn Trọng Thủy về nước ngay để tiện việc xuất binh, bởi vậy y nghĩ ra một mưu kế khác, ấy là kế giả ốm ...

Một hôm, có viên sứ giả Nam Việt đến triều đình Âu Lạc dâng lên tờ biểu: Triệu Đà đang ốm nặng, xin An Dương Vương cho Trọng Thủy về nước gấp để nghe di mệnh. Tờ biểu lời lẽ vô cùng lâm li thống thiết, do viên quan tài giỏi nhất của triều đình Nam Việt thảo ra, ở dưới có chữ ký run rẩy của Triệu Đà và dấu quốc ấn vuông đỏ chót.

Sau khi đọc xong tờ biểu, An Dương Vương rồi cả triều đình Âu Lạc chẳng một ai tỏ vẻ nghi ngờ. Khi tin ấy được báo tới Trọng Thủy, thấy y thở dài thườn thượt, lại nước mắt dàn dụa, thì mọi người lại càng tin là thực.

Nhưng sự thực thì hoàn tàn ngược lại. Trọng Thủy biết đây là kế lừa gạt đã được mật báo trước, và mấy hôm nay, trong lòng y lúc nào cũng thấy thấp thỏm không yên. Y biết sự việc này thế nào rồi cũng đến, bởi vậy khi ngồi soát xét lại toàn bôï cuộc tình duyên với nàng công chúa Âu Lạc, thấy nàng mười phân vẹn mười, thì y bắt đầu hối hận. Nàng yêu thương y và y cũng thực sự yêu thương nàng. Bởi vậy, nếu như được quyền lựa chọn thì chắc chắn y sẽ ở lại với nàng, ở lại mãi mãi xứ sở tươi đẹp và giàu lòng hiếu khách này. Càng nghĩ y càng thấy buồn bã, bối rối. Bởi vậy, khi hay tin có sứ giả chính thức đến, thì y cầm lòng chẳng được, nước mắt lã chã tuôn rơi. Y khóc cho cuộc chia ly sắp tới gần ...

Tuy vậy, là trang nam nhi, lại là người rồi sẽ kế vị ngai vàng, nên Trọng Thủy không thể than khóc như đàn bà, con gái. Y hắng giọng cho thật hết xúc động, lại sửa cả tư thế, trang phục cho thật chững chạc, rồi vào bệ kiến An Dương Vương, xin được về nước để túc trực bên người cha đau yếu ... Lời tấu trình của Trọng Thủy được An Dương Vương và cả triều đình Âu Lạc chấp thuận. Mỵ Châu lúc ấy cũng có mặt. Nàng xin phép vua cha cho được về Nam Việt cùn chồng. Nhà vua đang phân vân thì một vị đại thần đã đứng dậy tham kiến:

- Tâu bệ hạ. Thần trộm nghĩ theo lẽ thường thì phận nữ nhi là phải theo chồng. Nhưng phong tục của Âu Lạc ta, lấy vợ phải gửi rể đủ ba năm, lúc ấy người vợ mới được theo về nhà chồng. Nhưng nay thời hạn ấy chưa đến, nếu ta cho công chúa về thì bàn dân thiên hạ chắc sẽ nhìn vào, còn đâu là thể thống quấc gia. Vả lại, lúc này chưa biết bệnh tình Nam Việt Vương thế nào. Nếu Ngài qua khỏi thì Trọng Thủy về ít bữa rồi lại sang đây, công chúa đi theo rồi quay về làm gì cho mệt. Còn nếu NamViệt Vương có mệnh hệ nào, Trọng Thủy sẽ được nối ngôi. Lúc ấy đường đường là nhà vua đi đón Hoàng hậu, nghi lễ chắc sẽ đầy đủ hơn nhiều ... Dám mong bệ hạ minh xét.

An Dương Vương vừa gật gật đầu: Lời tâu ấy quả nhiên hợp ý Ngài: Con gái Ngài đã sắp sửa trở thành Hoàng hâïu! Ngài an ủi Mỵ Châu mấy câu, rồi bảo nàng hãy nán lòng chờ. Đoạn, Ngài sai chuẩn bị xe cộ, hành lý để Trọng Thủy lên đường về nước. Ngài cũng không quên sai chuẩn bị lễvật thật chu đáo để làm quà tặng cho Nam Việt Vương.

An Dương Vương vừa dứt lời thì Trọng Thủy đã phủ phục đầu xuống đất lạy tạ, đoạn y xin phép về nhà riêng để từ biệt vợ. Lúc chỉ còn hai người, vẻ trang trọng nam nhi của y hoàn toàn biến mất, để thay vào đó là vẻ mặt ủ rủ héo hon. Y sụt sùi khuyên vợ hãy nán lòng chờ, nhưng trong thâm tâm thì y hiểu giờ phút vĩnh biệt đã điểm.

Y biết chỉ ít bữa nữa chiến tranh nhất định sẽ xảy ra, nhưng y lại muốn sẽ còn gặp được Mỵ Châu vẹn toàn sau cuộc chiến kết thúc. Y mân mê chiếc áo lông ngỗng mà sứ giả, theo mật kế của Triệu Đà, vừa mới mang sang đây. Y hoàn toàn hiểu đây là chiếc áo oan nghiệt, chiếc áo sẽ giúp cho quân Triệu Đà tìm ra dấu vết của An Dương Vương, nhưng lại nói với Mỵ Châu những lời hệt như viên sứ giả đã dặn:

- Sắp đến mùa đông rét mướt rồi, tôi xin gửi nàng chiếc áo ấm này, nàng hãy vui lòng ở lại. Đường xá xa xôi cách trở nhưng chẳng lúc nào lòng tôi nguôi quên nhớ nàng. Vạn nhất nếu có sự chẳng lành, sau này đi tới đâu, nàng hãy nhớ nhổ từng chiếc lông vứt xuống. Ấy là dấu vết để tôi tìm gặp lại nàng.

Tuy mưu kế đã được sắp đặt từ trước, nhưng vừa nói nước mắt Trọng Thủy vừa lã chã tuôn rơi. Mỵ Châu vừa khóc cũng vừa ghi nhớ những lời chồng căn dặn, hoàn toàn không mảy may nghi ngờ một điều gì.

Vừa thấy lính canh vào báo Trọng Thủy đã về đến trước kinh thành, lập tức Triệu Đà hạ lệnh xuất quân tiến đánh Âu Lạc. Lúc Trọng Thủy lên đường cầu hôn cũng là lúc Triệu Đà bắt tay vào việc chuẩn bị xe cộ, thuyền bè, lương thực và tuyển mộ thêm binh lính. Mộng làm bá chủ của một giang sơn rộng lớn không lúc nào khuây, khiến cho y chẳng thể để chậm trễ thêm, dù chỉ lấy một phút. Mấy hôm nay Triệu Đà hối hả chuẩn bị xuất binh. Y tính rằng việc tiến đánh Âu Lạc ngay lúc này, sẽ có hai điều lợi lớn: An Dương Vương bị bất ngờ và Trọng Thủy đã được an toàn.

Trong khi ấy, bên phía triều đình Âu Lạc, từ nhà vua dến quan lại và binh lính, chẳng một ai hay biết điều gì. Họa chỉ có tướng quân Cao Lỗ, nhưng lúc ấy Ngài cũng mồ yên mã đẹp rồi.

Khi quân canh phòng biên giới chạy về cấp báo, thì An Dương Vương và triều đình đang còn mải mê săn bắn. Nhà vua vội vàng thúc ngựa hối hả chạy về Kinh đô , nhưng tất cả đều đã muộn. Tại các vị trí then chốt, đã thấy lố nhố quân Nam Việt, còn phía Âu Lạc, quân tướng vẫn chưa sắn sàng chiến đấu. An Dương Vương hạ lệnh mang nỏ thần ra giữa cửa chính bắn như lần trước, nhưng khi chuẩn bị xong, thì quân Nam Việt đã tới bao vây dày đặc. Một viên tướng trẻ thay Cao Lỗ trước kia, lắp tên và giương nỏ lên bắn, nhưng sau tiếng "Pựt", chỉ thấy có một mũi tên lao đi.

"Nỏ thần mất linh ứng rồi", bên phía Nam Việt, quân lính vừa hô vừa ồ ạt xông lên, đông như kiến cỏ. Trong tình thế vô cùng khẩn cấp, An Dương Vương đang trên mình ngựa liền tuốt kiếm dẫn các tướng sĩ xông ra, đánh giáp lá cà. Quân Âu Lạc địch không nổi vội vã quay đầu tháo chạy.

Nhưng tại các vị trí khác, quân Âu Lạc, do không kịp phòng thủ đã bị quân Nam Việt dùng thang trèo lên tường thành, tấn công vào. Nhiều vị trí bị thất thủ. Quân Nam Việt từ nhiều hướng, tràn vào nội thành. An Dương Vương cùng các tướng sĩ vội quay đầu ngựa, trở về cứu ứng, nhưng không kịp. Thế trận đã nghiêng hẳn về phía Nam Việt.

Tại cửa chính, rồi nhiều cửa khác, quân Nam Việt tiếp tục tràn đến. An Dương Vương cùng các tướng sĩ tả xung hữu đột, nhưng vẫn không cứu vãn nổi tình thế. Nhà vua vội thúc ngựa phi thẳng vào nội cung, lúc ấy Mỵ Châu vẫn còn chưa hết bàng hoàng, đang ngồi ôm chiếc lông ngỗng. Thường ngày, nàng là người con gái vui tươi, linh hoạt, thỉnh thoảng cũng cưỡi ngựa khoát cung tên theo vua cha đi săn bắn, nhưng mấy hôm nay, do nỗi nhớ chồng nên nàng buồn bã, ngồi một mình. An Dương Vương dừng ngựa bảo con gái:"Theo ta", và khi thấy nàng đã ngồi ở đằng sau thì Ngài quay trở ra, múa kiếm xông vào quân địch. Các tướng sĩ, từ nãy vẫn đang chiến đấu, thấy vậy vội vã thúc ngựa lại, rồi cùng ngài hợp sức để phá vòng vây.

Quả nhiên, không có tên tướng nào bên Nam Việt có thể địch lại lưỡi kiếm của An Dương Vương. Ngài phi ngựa tới đâu là quân giặc phải giãn ra tới đó. Các tướng sĩ theo Ngài cũng chiến đấu vô cùng dũng cảm. Vòng vây bị phá. An Dương Vương cùng các tướng phi ngựa hướng về phía nam.

Lúc ấy trời bắt đầu tối. Quân Nam Việt hò hét đuổi theo, nhưng được một hồi sau thì mất dấu vết. Theo lệnh Triệu Đà, chúng đốt đuổi rồi đem soi khắp các ngã đường, hễ chỗ nào có lông ngỗng rơi xuống, là chúng lại hò hét chạy tới. Cứ như thế, cuộc rượt đuổi kéo dài đến hết đêm. Ngày hôm sau, rồi những ngày sau cuộc ruợt đuổi vẫn còn tiếp tục. An Dương Vương thấy vậy, bèn hạ lệnh cho các tướng lĩnh tản đi mỗi người mỗi hướng, để đánh lạc hướng quân địch. Nhưng lạ thay, khi chỉ còn lại hai cha con Ngài, thì ngoảnh lại, ở phía xa xa, vẫn thấy quân Nam Việt đang hò hét xông tới. Nghĩ lại phải phóng ngựa chạy tiếp ...

Lúc ấy, có lẽ đã đến ngày thứ mười, sau nhiều ngày đêm vất vả, đói khát, hai cha con An Dương Vương đã chạy tới ngang dãy núi Mộ Dạ (thuộc Diễn Châu, Nghệ An bây giờ) ở sát bờ biển. Ngay lập tức, Ngài hiểu rẳng địa giới nước Âu Lạc chỉ còn lại mấy bước chân. Ngoảnh lại, nhà vua thấy quân Nam Việt vẫn còn đang truy đuổi. Tự biết mình đã thế cùng lực kiệt, chẳng còn cách nào để khôi phục giang sơn, lại nhớ đến lời dặn của Thần Kim Qui trước kia, Ngài bèn hô to lên ba lần: "Sứ giả Thanh Giang", để chờ hiển ứng.

Ngay lập tức mặt biển ở trước mắt Ngài bỗng nổi lên những quầng sóng lớn, rồi Thần Kim Quy sừng sững hiện ra. Thần cất tiếng, nói như ra lệnh:

- Còn chờ gì nữa, quân giặc đang ở ngay sau lưng nhà vua đó!

An Dương Vương chợt như sực tỉnh. Ngoảnh lại, nhà vua thấy chiếc áo Mỵ Châu vẫn mặc nay đã xác xơ, và một bên tay nàng, vẫn còn giữ lại mấy chiếc lông ngỗng. "Hóa ra con gái cưng chiều rước giặc đuổi theo cha mình là thế này đây ", cơn giận giữ của Ngài bỗng chốc lên đến cực điểm. Ngài quắc mắt, rảy Mỵ Châu xuống chân ngựa, miệng thét lớn "Đồ phản bội", rồi vung kiếm chém ngang thân nàng. Mỵ Châu gục xuống chết ngay tại chỗ, chẳng kịp một lời trăn trối, giãi bày.

Thần Kim Quy đã chứng kiến tất cả. Thần hiểu rằng An Dương Vương kiêu dũng có thừa, nhưng chưa đủ cơ trí để gánh vác quốc gia. Thần thương cho quân dân Âu Lạc, vất vả biết bao để xây dựng Loa Thành, lại vất vả biết bao để rèn đúc vũ khí, chế tạo, cung nỏ ... vậy mà, rút cục, vẫn còn thiếu một bậc minh quân. Thôi, đành chờ đến cơ hội khác vậy. Nghĩ vậy, thần gật đầu cho An Dương Vương theo mình, rồi quay ra ngoài khơi, rẽ nước thành một đường lớn , để nhà vua phóng ngựa theo sau.

Trọng Thủy cùng một tốp lính, lần theo dấu lông ngỗng, chạy đuổi theo Mỵ Châu là để cốt được gặp nàng, còn việc bắt An Dương Vương, y hoàn toàn không mong muốn. Cứ mỗi lần tìm thấy dấu vết, Trọng Thủy lại khấp khởi mừng thầm, nhưng cũng mỗi lần như thế, bọn lính lại hò nhau đuổi tiếp để tranh công, mà y không có cách gì ngăn cản được.

Đến chân núi Mộ Dạ, ở ngay chỗ giáp biển, Trọng Thủy thấy xác nàng Mỵ Châu cùng chiếc áo lông ngỗng xác xơ nằm giữa vũng máu, thì y hiểu rằng niềm hy vọng thế là đã hết. Trọng Thủy vội vã nhảy xuống ngựa, ôm lấy xác nàng, vừa vật vã vừa rống lên những hồi thảm thiết. Bọn lính tần ngần đứng lại, rồi sau khi hiểu rõ, chúng lựa lời an ủi và giúp y khâm liệm cho nàng. Đoạn, tất cả đoàn người ngựa quay đầu, phi nước đại theo hướng bắc, mang theo xác nàng Mỵ Châu bất hạnh.

Dòng dã chục ngày sau, đoàn người ngựa mới về tới Loa Thành. Khi nhận được tin, Triệu Đà dẫn đoàn tùy tùng ra tận ngoài cổng thành để đón. Sau khi Trọng Thủy tấu trình về việc An Dương Vương mất tích, chỉ còn tìm thấy xác nàng Mỵ Châu, thì Nam Việt Vương trong lòng vô cùng hả hê, nhưng ngoài miệng y lại thốt ra những lời lâm ly, thống thiết. Y lại sai làm lễ an táng thật trọng thể cho Mỵ Châu, mà trong thâm tâm, y coi như một ân nhân, nhưng trên thực tế nàng lại hoàn toàn không phải như vậy.

Sau lễ an táng Mỵ Châu, Trọng Thủy sống vật vờ như kẻ mất hồn. Y hiểu rất rõ y là một kẻ phản bội.

Nhớ lại những ngày tháng êm đềm ở triều đình Âu Lạc, được vua cha, mẫu hậu, triều thần sủng ái, y thấy hổ thẹn trong lòng. Đối với họ, y chỉ còn là một kẻ hèn hạ nhuốc nhơ ghê tởm. Nhớ đến nàng Mỵ Châu lộng lẫy, yêu kiều, người con gái hết lòng yêu thương và chung thủy với y đến tâïn giờ phút chót, y lại càng thêm đau xót. Chính y đã đẩy nàng vào cái chết thảm khốc. Lại cũng chính y, vì y, mà khi chết đi, nàng còn phải chịu tiếng là kẻ phản bội lại xứ sở của mình. Càng nghĩ, Trọng Thủy càng cảm thấy cuộc đời y chỉ còn là nhục nhã, chẳng mặt mũi nào để sống trên đời. Đối với y, giờ đây mỗi hiện vật, mỗi kỷ niệm như một lời nguyền rủa. Một lời nguyền rủa nặng nề như trái núi, còn lại đến muôn đời.

Chiếc ngai vàng mà mai sau y sẽ được kế vị kia, chỉ là chiếc ngai vàng đẫm máu, là hiện thân của sự phản trắc, lừa gạt. Bởi vì đã chẳng có lương tri thanh thản của một con người, thì càng ở trên cao sẽ càng cảm thấy chông chênh nguy hiểm, vì mọi người đều nhìn vào với cặp mắt nghê tởm.

Càng nghĩ, Trọng Thủy càng chỉ thấy hận thêm Triệu Đà, một người cha thật tàn nhẫn, quỷ quyệt, đã đẩy y vào nông nỗi này. Thành quách, bạc vàng châu báu mà làm chi, khi tình yêu và lương tri đều bị cướp mất? Trọng Thủy âm thầm vật vã suốt mấy ngày trời, không ăn uống, không chuyện trò với ai. Mấy ngày sau, người ta tìm thấy xác y ở một cái giếng trong Loa Thành. Y đã lấy cái chết để rửa nỗi nhục.

Cuộc đao binh Nam Việt Âu Lạc cuối cùng đã dẫn đến việc Triệu Đà mở đường cho sự cai trị của phương bắc gần suốt một thiên niên kỷ, gây ra biết bao đau khổ cho mọi người ta. Trong thời gian ấy, nhiều cuộc khởi nghĩa đã nổ ra, mà cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng là một sự khởi đầu ...

Bài học cảnh giác cụ thể sau sự kiện Trọng Thủy đến đất Âu lạc có lẽ là việc tục gởi rể từ đó đã không còn ở cộng đồng của người Việt. Tuy vây, câu chuyện tình Mỵ Châu - Trọng Thủy lại được hậu thế lưu truyền như một sự cảm thông. Rốt cuộc, họ cũng chỉ là những nạn nhân của một mưu đồ đầy tham tàn, bạo ngược.

Vì Mỵ Châu vô tình bị chết oan nên máu của nàng, theo nước mưa rồi chảy xuống biển, đã kết thành ngọc ở trong lòng những con trai, do ăn phải. Người ta bắt được những con trai ấy, đem tách lấy ngọc, nhưng màu sắc lấp lánh chưa thấy hiện rõ lên nhiều.

Nhớ đến cái giếng mà Trọng Thủy tự tử ở Loa Thành, người ta đem múc nước giếng lên để rửa ngọc, thì lạ thay, tất cả sắc màu của ngọc đều rực sáng lấp lánh, như có thêm một vẻ đẹp mới mẻ, diệu kỳ.

Thế là từ đó trở đi, hễ ai lấy được ngọc trai, lại đem về múc nước ở giếng Loa Thành lên để rửa cho đẹp. Về sau, để cho tiện, người ta múc nước ở giếng Loa Thành cho vào các chai, lọ, rồi đem đến những nơi có ngọc. Những khách phương bắc sang buôn ngọc ở nước ta từ thời Triệu Đà, đã rất thành thạo về việc này, nên đi đến đâu, họ cũng kè kè một lọ nước lấy từ giếng Loa Thành, để rửa và thử ngọc.

Những chuỗi ngọc trai được chế tác tại phương nam, từ xưa, đã rất làm vừa lòng các hoàng hậu, công chúa và cung tần mỹ nữ của các triều đình phương bắc. Vì vậy, trong các đồ cống nạp của nước ta trước kia, bao giờ cũng có ngọc trai và các hũ nước lấy từ giếng ở Loa Thành. Việc cống nạp nước giếng Loa Thành, mới nghe tưởng chuyện lạ, nhưng hóa ra lại có thật, được ghi cả vào Đại Việt sử ký toàn thư. Mãi đến cuối thời Lê, việc cống nạp ấy mới bị bã bỏ, do công của Nguyễn Công Hãng, một vị chánh sứ tài ba.

Truyền thuyết Ngọc trai Giếng nước này, hay còn gọi Mỵ Châu - Trọng Thủy, có phần liên quan dến truyền thuyết Loa thành mà chúng tôi đã thử đồng tái hiện, từ trước đến nay dã được nhiều thế hệ nhắc tới, cảm xúc, phẩm bình. Dưới đây, chỉ xin chọn một bài thơ (theo điệu vân thê) của th sĩ Tản Đà (1888 - 1939) mà chúng tôi cho là thể hiện đạt nhất mối thương tâm của mọi người với hai nhân vật Mỵ Châu Trọng Thủy:

Một đôi kẻ Việt người Tần,
Nửa phần ân ái, nửa phần oán thương,
Vuốt rùa chàng đổi máy,
Lông ngỗng thiếp đưa đường,
Thề nguyền phu phụ,
Lòng nhi nữ,
Việc quân vương,
Duyên nọ tình kia dở dở dang,
Nệm gấm, vó câu,
Trăm năm giọt lệ,
Ngọc trai giếng nước,
Nghìn thu khói nhang.

Chúng tôi cũng băn khoăn tự hỏi: Bây giờ khi dùng ngọc trai liệu có ai còn đem nước giếng Loa Thành để rửa nữa không? Lại nữa, trải qua mấy ngàn năm lịch sử, không biết ngọc trai và giếng nước ấy có còn linh thiêng như xưa nữa không?

Nhưng cho dù có câu trả lời như thế nào, thì cái còn lại muôn đời vẫn cứ là truyền thuyết về ngọc trai nước giếng, mà mỗi người mỗi thế hệ đều có thể tưởng tượng và tái hiện lại những cách thức riêng của mình.

Xem ngay truyện hay khác

  1. Thần trụ trời (Tạo lúc: 05/03/2015)
  2. Vàng lấy con vua (Tạo lúc: 05/03/2015)
  3. Nàng Bạch Tuyết và bảy chú lùn (Tạo lúc: 05/03/2015)
  4. Ba anh em (Tạo lúc: 05/03/2015)
  5. Anh chàng nghèo khổ (Tạo lúc: 05/03/2015)
  6. Anh và em gái  (Tạo lúc: 05/03/2015)
  7. Ba sợi tóc vàng của quỷ (Tạo lúc: 05/03/2015)
  8. Thạch Sanh (Tạo lúc: 06/03/2015)
  9. Nàng công chúa và hạt đậu (Tạo lúc: 06/03/2015)
  10. Em bé bán diêm (Tạo lúc: 06/03/2015)

Bình luận hoặc góp ý về nội dung

Tìm kiếm


Danh mục

Chủ đề hay bạn quan tâm

Hài hước - vui nhộn