Trong các đình, đền ở nước ta, lúc nào cũng có một ban Tam Bảo hoặc chí ít là một ban thờ Phật, cùng với đó là câu nói "Tiền Phật hậu Thánh". Tuy chưa hẳn có một tài liệu hay công bố đích xác nào cho nguồn gốc của câu nói cũng như phong tục đó, nhưng có lẽ, trong thần tích sau về tướng quân Đoàn Thượng, nguồn gốc và ý nghĩa của câu nói đó cũng phần nào được làm rõ.
Đoàn Thượng tướng quân, sinh ra tại lộ Hồng Châu thuộc sứ quân họ Đoàn, làm quan võ ở tỉnh Hải Dương, xưa còn gọi là tỉnh Đông, nay là tỉnh Hải Dương và Hưng Yên về cuối đời nhà Lý, thế kỉ thứ XII, đời vua Lý Huệ Tông. Ông cùng với tướng quân Nguyễn Phục được nhiều di tích sắc phong là Đông Hải Đại vương.
Lúc bấy giờ là triều Lý, khí số nhà Lý đã tận, lúc ấy là đời vua Cao Tông, vua không có khí chất hay tài năng như các bậc tiên đế, triều đình thì chia bè kết cánh, nịnh thần lộng hành, biết bao trung thần, người bị tru di, người thì cáo quan ở ẩn. Trong nước lòng dân không an, loạn nổi lên khắp nơi, các sứ quân chia nhau cát cứ.
Sứ quân họ Đoàn, có tổ 5 đời từng là quan thượng thư đời vua Nhân Tông. Thời điểm đó, chỉ cần có một lượng quân và có tiếng nói nhất định thì có thể cát cứ một vùng. Đoàn Thượng và Nguyễn Nộn là hai sứ quân mạnh nhất lúc bấy giờ. Cao Tông cho tướng Đàm Dĩ Mông và Phạm Bỉnh Di đi dẹp. Tuy rằng có quân và thành cao, nhưng tài năng của Đoàn Thượng lúc đó không thể địch lại những vị tướng tài kia, ông bèn cho người đến đút lót cho quan Thượng phẩm là Phạm Du, thành lập một liên minh, sau đó ông được tiến cử vào triều làm quan theo trướng Phạm Du.
Vua Lý Huệ Tông không có con trai, nhường ngôi cho con gái là công chúa Chiêu Hoàng còn nhỏ tuổi, rồi đi tu theo đạo Phật.
Công chúa Chiêu Hoàng lấy Trần Cảnh là cháu quan tể tướng Trần Thủ Độ, rồi bị ép nhường ngôi cho chồng làm vua. Như vậy, họ Trần đã cướp ngôi vua của nhà Lý.
Ông Đoàn Thượng, vốn là người trung nghĩa, đã không quy phục họ Trần. Ông nói: "Nhà Lý có rất nhiều con cháu, người này không có con trai thì nhường ngôi cho cháu người khác trong dòng tộc thừa kế, không thể đảo ngược nhường ngôi cho con rể là người họ Trần". Ông cho rằng làm quan ăn lộc của vua họ Lý, bề tôi trung không thờ hai chúa. Và ông đã chiêu tập lực lượng chống lại nhà Trần, lập con cháu vua Lý lên ngôi.
Đoàn tướng quân là người tài giỏi, trung thành nên hết sức được trọng dụng, tuy nhiên ông lại tham gia triều đình vào thời điểm có quá nhiều sự biến, xáo trộn, vua thì bỏ bê triều chính còn lòng dân đã sớm không quy thuận triều Lý nữa.
Ông liên kết với Nguyễn Nộn ở Bắc Ninh, Bắc Giang để chống lại Trần Thủ Độ ở Thăng Long. Trần Thủ Độ cho người đem vàng bạc đến làm lễ chiêu dụ, nhưng ông không nhận. Theo ước hẹn, ông và Nguyễn Nộn tập trung quân kéo về đóng ở khu vực Gia Lâm chuẩn bị tấn công vào Thăng Long.
Trần Thủ Độ đưa thư cầu hòa và giao ước: dọc sông Hồng từ thượng nguồn ra biển phía Thăng Long thì thuộc quyền nhà Trần cai trị. Dọc sông Hồng từ thượng nguồn ra biến phía Gia Lâm thì thuộc quyền ông Đoàn Thượng. Nếu đồng ý thì xin hoãn binh.
Ông Đoàn Thượng nghĩ mình quân lương chưa sung túc, cũng cần có thời gian củng cố lực lượng, nên đồng ý hoãn binh, giảng hòa, đóng binh ở khu vực Thụ Phúc, Gia Lâm.
Mặt khác, Trần Thủ Độ dùng mưu ly gián mua chuộc Nguyễn Nộn phản bội lời thề với ông Đoàn Thượng mà làm nội ứng cho Trần Thủ Độ.
Nửa đêm, Nguyễn Nộn mở cửa trại cho quân Trần xông vào cướp trại. Ông Đoàn tỉnh dậy, mặc áp giáp cầm đại đao cưỡi ngựa xông ra trận. Ông tả xung hữu đột chém chết rất nhiều quân tướng nhà Trần, nhưng rồi bất ngờ Nguyễn Nộn, người bạn phản phúc cầm đao sau lưng chém một nhát vào gáy ông rồi bỏ chạy.
Ông Đoàn bị đứt cổ nhưng chưa đứt cuống họng, nên ông vẫn tỉnh táo cởi dây lưng vải nhiễu trắng quấn chặt vết thương ở cổ lại rồi cưỡi ngựa xông ra ngoài trại. Quân tướng nhà Trần hoảng sợ chạy dạt ra cả hai bên. Ông biết mình bị trọng thương không thể tiếp tục tham chiến và đã mở đường máu, phá vòng vây về hướng con đường lớn phía Hải Dương.
Đêm đó, vào mùa hạ tháng tư trời nóng bức, ông Đoàn phóng ngựa qua khu vực chợ Đường Cái thì trời sáng. Đến quãng đường gọi là Quán Trắng gần ngã ba đi vào Lạc Đạo thì ông dừng ngựa vào ngôi hàng nước bên đường nghỉ uống nước. Ngôi hàng có một bà già bán nước, trên chõng chỉ có quả dưa đỏ, mấy tấm mía và chẳng có gì khác. Trời nắng nóng, máu ra nhiều, bụng đói miệng khát, ông Đoàn ăn dưa, ăn mía, uống nước xong hỏi bà cụ: "Người như thế này có sống được không?" rồi ông cởi dây nhiễu trắng quấn cổ đã thấm đẫm màu đỏ của máu, trở thành nhiễu đỏ, hai tay áp vào hai thái dương rồi nâng đầu lên, hạ xuống, máu chảy đầm đìa. Rồi ông lại lấy khăn quấn lại như cũ.Bà lão quỳ xuống lạy và nói: "Lạy Ngài, Ngài có là Thánh mới sống được chứ người thường thì không sống được". Ông sờ túi thì không đem theo tiền để trả tiền quà. Bà cụ nói: "Lạy Ngài, con xin biếu Ngài không lấy tiền". Ông lên ngựa thủng thỉnh đi tiếp một quãng đường thì gặp một nhà sư. Nhà sư nói: "Số trời đã định", rồi chỉ tay sang cánh đồng phía bên trái đường và nói tiếp: "Chỗ đất kia là dành cho ông và cho ngựa, ông nên đến đấy mà an nghỉ".
Ông Đoàn biết mình không sống được, nghe theo lời nhà sư, dắt ngựa sang cánh đồng phía trái, vung đao hóa cho ngựa xong xuôi rồi tự mình tìm chỗ đất bằng phẳng nằm gối đầu vào thanh đao và từ từ tắt nghỉ. Ngày ông chết là ngày 11 tháng tư. Khi những người dân xung quanh tìm đến thì mối đã đùn lên phủ kín cả người và ngựa thành hai ngôi mộ lớn và một thời gian sau nổi lên thành gò cao như hai ngọn đồi nhỏ giữa cánh đồng bẳng phẳng.
Năm ấy, mùa mưa nước lũ đổ vào sông Hồng làm vỡ đê Gia Lâm, nước cuồn cuộn chảy theo đường cái lớn (nay là đường quốc lộ 5), tràn qua làng mạc đồng ruộng hai bên đường cuốn theo cả thi thể ông Đoàn. Nước cuốn mang theo thủ cấp của Ngài đến làng Bần Yên Nhân còn thân thể Ngài trôi giạt đến tận làng Mao Điền, cách đó 20 cây số. Người dân làng Bần Yên Nhân ngày đó tự nhiên bị náo động, người ốm, vật chết tràn lan, rất lo sợ mà không biết vì sao. Mấy ngày sau nước lụt rút hết và người ta thấy một thủ cấp râu dài mặt đỏ ở ven đường cái lớn. Nhiều người dân được báo mộng đêm qua có ông Đoàn Thượng về, nên đoán được thủ cấp là di thể của Ngài và dân làng ngay lập tức lập đền thờ cho Ngài ngay tại nơi tìm thấy và kính cẩn cho trục vớt di thể đưa lên bàn thờ thắp hương khấn vái. Tuy vậy, họ vẫn chưa biết thân thể Ngài trôi dạt ở đâu.
Trong khi đó, ở Mao Điền (nay là thôn Mao Điền, xã Cẩm Điền, huyện Cẩm Giàng, Hải Dương), người ốm, lợn gà chết liểng xiểng, dân làng được báo mộng có Ngài Đoàn Thượng lưu lạc về vùng này. Họ đã tìm thấy di thể không đầu và cũng lập đền thờ cho Ngài. Ngay sau đó, chuyện lạ lan truyền dọc theo đường cái lớn rất nhanh. Người ta nghe cụ già hàng nước kể chuyển, nghe người dân Quán Trắng kéo nhau đến cánh đồng có gò mối đùn thuộc làng Bần Yên Phú. Họ thấy chỉ còn mả ngựa, còn mộ người đã bị nước cuốn trôi mất.
Nghe đồn di thể không đầu ở Mao Điền, dân các làng Bần Yên Phú gồm các thôn Ngự, thôn Trà, thôn Giữa (Trung Phú), thôn Buộm (Giai Phạm) và các làng xung quanh như Yên Thổ, Phú Đa kéo về Bần Yên Nhân bàn với các cụ bô lão và hương lý Yên Nhân cùng đi Mao Điền xem thử nếu đúng là di thể Ngài Đoàn tướng quân thì rước về an táng. Đến Mao Điền thì di thể vẫn còn nguyên vẹn, quần áo võ tướng vẫn chưa tiêu. Vậy là lời đồn đã thành sự thật và sau này dân gian có câu lưu truyền: "Đầu Bần thân Mao, máu đào Thụ Phúc".
Dân các làng Bần Yên Nhân, Bần Yên Phú cùng với dân Mao Điền tổ chức nghi lễ cờ lọng chiêng trống rước thi thể Ngài về chỗ đất Ngài nằm trước khi tắt nghỉ, lắp đầu vào thân tử tế rồi đắp lại thành ngôi mộ lớn, làm lễ an táng cực kỳ long trọng. Khu mộ được gọi là Đống Đền và qua nhiều thế kỷ sau này còn được gọi là gò Mả Chín, ở vị trí cây số 24-25 bên trái quốc lộ 5 cũ Hà Nội – Hải Phòng, phía ngoài của Nhà máy Hòa Phát, khu công nghiệp Phố Nối A hiện giờ.
Dân làng 7 thôn của Bần Yên Phú, Bần Yên Nhân gồm Trà, Ngự, Buộm, Giữa, Yên Nhân, Yên Thổ, Phú Đa còn góp công góp của xây dựng ngôi đền gọi là Đền Hàng Tổng hay Đền Ông tướng. Ngôi đền ngay bên đường cái lớn đầu cầu sông Hồng Giang (còn gọi là sông Bần), hướng Đền trông ra đường lớn. Hai bên cửa Đền có khắc hai chữ 下馬 (hạ mã nghĩa là xuống ngựa). Ngôi đền thời gian dài rất linh thiêng, nhân dân ai đi qua cửa Đền cũng thận trọng, kính cẩn ghé nón mũ, cúi đầu hoặc cưỡi ngựa thì xuống ngựa dắt qua cửa Đền. Quan quân nhà Trần nếu ai ngạo mạn đi qua cửa Đền không xuống ngựa về nhà chỉ sau vài ngày là lăn ra chết. Tiếng đồn đại lan truyền đến tận kinh thành Thăng Long.
Một hôm, cả dân làng Yên Nhân già trẻ đều nằm mơ thấy thần báo mộng: ngày mai có vua về thăm Đền, dân làng phải sửa soạn cờ lọng chiêng trống đón vua từ phía Gia Lâm, gần Đống Đền. Thấy sự lạ, hương lý triệu tập dân làng làm theo lời thần bảo, sửa soạn lễ nghi và khiêng kiệu rất long trọng đi thẳng đường cái lớn đến ngang chỗ Đống Đền thì dừng lại chờ đón. Mọi người chờ từ sáng đến trưa mà chẳng thấy một ai qua lại, rất sốt ruột, nhiều người đã đói mệt. Vừa chính Ngọ (12 giờ), bỗng có một nhà sư ở phía Gia Lâm đi tới. Mọi người im lặng đều thầm đoán là nhà vua cải trang. Nhà sư không nói gì cứ rẽ đám đông mà đi. Dân làng cũng khiêng kiệu, vác cờ lọng và nổi chiêng trống theo sau. Về đến cửa Đền thì nhà sư dừng lại, nhìn ngắm cửa Đền. Dân làng cũng dừng lại và im tiếng chiêng trống để xem động tĩnh thế nào. Nhà sư lẳng lặng rẽ vào Đền, dân làng cũng bước theo sau. Nhà sư đến bên tượng Thánh, vỗ vào vai cất tiếng: "Thời vận nhà Lý đã hết, tôi cũng đi tu thì Ngài cũng đi tu mà xá tội cho chúng sinh. Xin Ngài quy lưng lại ngoảng mặt vào trong Đền để cho dân chúng được nhờ. Rồi nhà sư cởi chuỗi tràng hạt ở cổ đeo vào cổ tượng Thánh.
Rồi nhà sư quay lại hỏi: "Sao dân làng lại theo tôi?". Hương lý và các cụ bô lão đều nói: "Muôn tâu nhà vua, đêm qua dân làng được thần báo mộng hôm nay có vua đến thăm Đền phải sửa soạn lễ nghi đón vua. Dân làng đã làm theo lời Thần bảo đón tiếp nhà vua mà chờ từ sáng chẳng thấy ai, chỉ thấy Người đến thăm Đền thì chắc chắn là vua cải trang làm sư". Nhà sư giật mình nói: "Đức Thánh quả là thiêng thật! Tiếng đồn không sai. Ta đúng là vua Lý Huệ Tông đã đi tu. Nay ta phong chức cho Đức Thánh là Đông Hải Đại Vương, vị vương thần trấn ở miền Đông. Ta đã xin Ngài quay mặt về phía sau. Vậy xin dân làng xây lại Đền đổi hướng quay lưng ra đường cái lớn. Ta cũng đặt tên thôn này là thôn Tri Giác (nghĩa là Biết Trước). Nói xong, nhà sư lặng lẽ đi về phía Gia Lâm, nơi Ngài đang tu tịnh. Dân làng tiễn đưa người đến Đống Đền thì dừng lại, nhìn theo đến khi bóng người đã khuất sau những rặng cây mới chịu quay về. Và họ cũng không biết rằng đó là lần cuối gặp lại nhà vua Lý. Sau đó, ông đã bị ép tự vẫn mà chết.
Bảy thôn làng hàng Tổng lại họp nhau góp công góp của xây dựng ngôi đền mới quay lưng ra đường cái lớn, quay mặt về hướng nam, nhìn ra cánh đồng rộng mênh mông. Ngôi Đền được xây cất trong khu đất rộng 3 mẫu Bắc Bộ lối vào từ đường cái lớn phía Bắc, bên trái là sông Hồng Giang. Quy mô Đền to đẹp, kiến trúc hình chữ công, 5 gian hậu cung, 7 gian tiền đường, 3 gian ống muống. Phía trước nhà Đại Bái là Phương Đình. Tượng Ngài Đông Hải đại vương cao hơn 3m, mũ áo uy nghi, tọa trên sập thờ rộng 12m2 đặt trong cung cấm, chỉ một mình thủ từ mới được mở hậu cung. Ban thờ lục bộ thượng từ chư vị bách quan văn võ gươm đao, chấp kích bát bửu, hạc chầu hai bên và tượng ngựa, tượng tướng canh cửa hai bên uy nghi lẫm liệt ở gian tiền đường. Ngai rồng, bài vị, kiệu long đình, kiệu bát cống, nhang án chạm trổ rồng cuốn hổ phù. Bát bửu, cờ xí, tàn lọng, giá để thanh bảo kiếm của Ngài từng đánh đông dẹp bắc. Chuông đồng cổ, bộ chiêng trống cỡ lớn. Ngoài cổng Đền gọi là Cổng tam quan có 2 vị tướng đứng gác, tắc môn đắp nổi long, ly, quy, phượng, lưỡng long chầu nguyệt, các trụ khắc câu đối. Trước sân Đền có ao thả sen và vườn cây ăn trái liền bờ với sông Hồng Giang. Phía sau Đền có nhà hậu cho ông thủ từ coi Đền ở. Sông Hồng Giang là một nhánh sông Cái qua Xuân Quan, Cầu Lác đến ngã ba sông thường chảy rất siết, một nhánh chảy về phía Yên Thổ, Yên Lão, một nhánh đi qua cửa Đền, qua đường cái lớn, thôn Tri Giác xuôi về phía Hương Lãng. Nhờ có ngôi Đền mà Bần Yên Nhân một thời còn được gọi là Bần Ông Tướng.
Mặc dù Trần Thủ Độ muốn giết hết con cháu nhà họ Lý, nhưng tiếng đồn Đức Thánh Bần trung nghĩa, bất khuất, ngôi đền linh thiêng vang khắp một vùng đến tận kinh thành. Để trấn an nhân dân, vua Trần đã phải ban sắc chỉ công nhận Đông Hải Đại vương và Trung thần liệt sỹ và sắc phong là Thượng Đẳng Phúc Thần. Nhân dân được quyền tự do mở hội cúng tế, không ai có quyền ngăn cấm.
Bảy đình của các làng Trà, Ngự, Buộm (Giai Phạm), Giữa (Trung Phú), Yên Nhân (Tri Giác), Phú Đa, Yên Thổ đều phong Ngài làm Thành hoàng làng. Cho đến nay ở khu vực Hưng Yên, Hải Dương và các vùng lân cận có 72 đình và miếu thờ Ngài. Các triều đại sau này Trần, Lê, Nguyễn,... đều có sắc phong Đông Hải Đại vương là Thượng Đẳng Phúc Thần.
Theo các cụ kể lại, thời Pháp thuộc trước năm 1945, trước cửa Tam quan của Đền vẫn còn treo biển đề chữ Temple (Miếu thờ) Đông Hải Đại vương và vẫn được nhân dân thờ phụng quanh năm khói hương nghi ngút.
Đến thời 9 năm kháng chiến chống Pháp, cuối 1946, khu vực Yên Nhân là vùng giáp gianh, nhân dân Bần Yên Phú, Yên Nhân theo lệnh của Việt Minh đã đào nhiều hố làm bẫy ngụy trang phía trên trên con đường quốc lộ 5 huyết mạch Hà Nội - Hải phòng để ngăn chặn tiếp viện từ phía cảng biển và bẫy xe tăng giặc Pháp đi càn quét. Các hố ngụy trang rải rác từ đầu cầu Bần (cửa Đền) cây số 26 đến khu doanh trại cũ gần làng Buộm. Dân làng cũng nghe theo Việt Minh đi tản cư hết, thực hiện chính sách tiêu thổ kháng chiến để vườn không nhà trống.
Các hố ngăn cách trên quốc lộ 5 đã gây rất nhiều khó khăn cho giặc Pháp và chúng cũng không thể bắt được dân làng làm phu phen đắp đường, nên đã phải huy động máy gạt ủi tường nhà hai bên đường để lấp các hố. Chúng ủi cả Tam quan, ủi cả Đền, bao nhiêu gạch ngói, tượng đều cho vào các hố trên đường 5. Nghe nói sau đó nhiều quan quân Pháp tự nhiên lăn ra chết, số còn lại ốm đau bệnh tật rất nhiều.
Khi nhân dân hồi cư trở về thì Đền đã bị san phẳng. Tiếc thay ngôi Đền thiêng sau 7 thế kỷ tồn tại, là biểu tượng cho lòng trung liệt chính khí đã bị địch họa không còn nữa. Nhân dân nhặt lại những di vật của ngôi Đền và mang về cất và thờ cúng ở Đình làng Yên Nhân. Và từ đó đến ngày nay mặc dù còn trải qua nhiều chìm nổi của thời cuộc, đình làng Yên Nhân còn là nơi thờ phụng Thành hoàng làng Đông Hải Đại vương Thượng Đẳng Phúc Thần.
Ngày 11 tháng tư Âm lịch là ngày hội làng Bần Yên Nhân, có lễ rước trọng thể theo nghi thức truyền thống giao hiếu với làng Yên Phú. Hiện nay, lễ hội này được khôi phục lại, trở thành nét văn hóa truyền thống của quê hương Bần Yên Nhân và vùng Hưng Yên.