Tương truyền vào thời chiến tranh Hùng - Thục (vua Hùng Vương và Thục Phán An Dương Vương), sau khi Đức Thánh Tản Viên được nhà vua triệu hồi về kinh đô Phong Châu giao cho cầm quân chống Thục, thì ở các địa phương thuộc đất Văn Lang, các anh em kết nghĩa của Tản Viên và các anh hùng hào kiệt cũng mang theo quân bản bộ nô nức lên đường, hoặc về Phong Châu ứng nghĩa, hoặc chặn đánh các cánh quân Thục.
Ở miền Hoằng Hoá - Thanh Hoá (những tên gọi về sau) khi ấy, có hai ngài Sơn Công và Thuỷ Công là anh em kết nghĩa của Tản Viên - một người chỉ huy quân bộ, một người chỉ huy quân thuỷ, đã chia thành hai đường, cùng hợp sức đánh một cánh quân Thục. Trận giao chiến xảy ra ở địa giời Quỳnh Châu (có thể thuộc Quỳnh Lưu - Nghệ An), dòng dã suốt mấy ngày đêm liền, không phân thắng bại.
Hai ngài Sơn Công, Thuỷ Công sau đó, đã cho quân lính rút về trang Đằng Xá thuộc huyện Hoằng Hoá, xây dựng thành hai doanh trại có thể chi việc lẫn cho nhau - để làm kế phòng ngự. Tại đậy, sau khi củng có lực lượng, bổ sung thêm quân số, hai Ngài cho thiết lập một đàn tràng, để cầu khấn trời đất cho linh thần xuống trợ oai giúp sức. Quả nhiên, đến nửa đêm hôm đó, trời đang trăng sao sáng tỏ thì bỗng đâu mây đen kéo đến tối sầm che kín cả đàn tràng. Thế rồi một lát sau, giữa đám mây đen lại có một dải mây vàng hình dải lụa sà xuống trước mặt mọi người, mang theo dòng chữ "Mười tám vị tinh quân". Hai ngài Sơn Công, Thuỷ Công cùng quân lính thấy thế, vội quỳ cả xuống làm lễ bái tạ. Khi mọi người ngẩng lên, đã thấy dải mây vàng biến mất, rồi sau đó, bầu trời cũng quang đãng trở lại.
Sáng sớm hôm sau, hai Ngài phấn chấn, dẫn quân lính lên đường chống Thục. Trận chiến đấu diễn ra suốt một ngày không phân thắng bại, nhưng đến nửa đêm, bỗng nhiên ở phía doanh trại quân Thục, có ánh lửa bốc cao như hình dải lụa màu vàng mà đêm qua mọi người nhìn thấy. Bao nhiêu khí giới, quan trang quân dụng của quân Thục, vì thế, đều biến thành tro bụi. Hai ngài Sơn Công, Thuỷ Công nhân đấy cho quan sĩ của mình tiến công, và quân Thục chỉ còn giẫm đạp lên nhau mà trốn chạy.
(Đọc thêm truyền thuyết về An Dương Vương (ngọc trai, giếng nước) )
Cánh quân Thục bị đánh tan, còn ở các nơi khác, quân Thục cũng bị đẩy lùi, đất nước Văn Lang lại được thanh bình. Hai ngài Sơn Công, Thuỷ Công sau đó cho binh lính và dân chúng mở tiệc ăn mừng. Trong bữa tiệc, hai ngài nói với mọi người: Chúng ta thế là đã làm tròn sứ mạng, từ nay an tâm làm ăn sinh sống không phải lo giặc giã nữa. Thế nhưng, hai anh em ta còn phải đi thăm thú nhiều nơi, không thể nhất định ở một nơi nào cả. Bởi vậy, nếu sau này dân làng có lòng tưởng nhớ, thì nghe tin anh em ta mất ở đâu, sẽ lấy ngày đó để làm ngày cúng giỗ.
Sau đó nhiều năm, hai ngài Sơn Công, Thuỷ Công dường như đã có mặt ở khắp mọi nơi, vừa thăm thú, vừa chỉ vẽ cho dân chúng cách làm ăn sinh sống.
Thế rồi đến một hôm, khi hai Ngài đã già, quay về đến núi Ngọc Chúa (cũng trong huyện Hoằng Hoá) thì bỗng mây đen kéo đến mù mịt, rồi sóng biển nổi lên và mưa đổ nước xuống như trút. Một lát sau, trong cơn mưa có làn chớp loé sáng, hai ngài Sơn Công, Thuỷ Công cùng theo một dải mây vàng, bay vút lên trời.
Tin hai Ngài "hoá" sau đó được truyền về trang Đằng Xã. Dân làng tổ chức cúng tế, rồi lập đền thờ tôn hai Ngài làm thần Thành hoàng. Vua Hùng về sau cũng gửi sắc phong đên, phong một ngài là "Tây phương cao sơn Thượng đẳng thần", và ngài kia là "Đông phương Thuỷ minh Thượng đẳng thần". Còn mười tám vị tinh quân thì được phong là "Thượng thượng đẳng thần, tối linh".
Từ đó, dân trang Đằng Xá cứ theo nề nếp, hàng năm tổ chức lễ hội và cúng tế cho các Ngài.