TruyệnXưaTíchCũ.cOm

Cho tôi một vé về với tuổi thơ.

Trước Tiếp theo

Đánh giá: 5/5 - 0 phiếu
Nhị vị tướng quân Hoằng Trị - Thiên Đá

Xưa kia, nước Việt dựng nền cõi Nam, sao ngưu đẩu phân chia cương giới, từ 18 đời Hùng truyền lại dấu tích 2622 năm. Đời cha truyền con nối đều xưng là Hùng Vương. Là nước văn hiến sơn hà thống nhất. Đấy là tổ tiên của Bách Việt.

(Tìm hiểu thêm Các truyền thuyết về Vua Hùng)

Thời bấy giờ vào đời thứ 18 Hùng Duệ Vương vua trong sửa văn đức ngoài phòng trị biên cương, đất nước thái bình thịnh trị. Lúc bấy giờ Ai Lao có một người thông hiểu thi thư, đối nhân xử thế thực hiếu. Ông tên là Phạm Cao, bà là Đào Thị Phương, gia thế vốn dòng hào kiệt. Vợ chồng đều trung hậu, mấy đời hương hoả, một đời phong lưu, rạng rỡ có thừa. Ở trong vùng đều khen là nhà tích thiện, có dư những điều tốt lành.

Một hôm trời trong sáng, hai vợ chồng ngồi chơi trước sân, nhìn ngắm trời đất, bàn luận xưa nay việc phúc hoạ của nhà trời, thấy việc báo ứng thật là đích đáng.

Khi kẻ trên người dưới đang lúc luận bàn, bỗng thấy một con rết dài hơn 2 thước, từ trên trời rơi xuống trước chiếu. Cả nhà kinh hãi, muốn tới đánh bắt. Thế rồi ngay lúc đó lại thấy rơi xuống một con gấu. Gấu cùng rết nhảy múa uyển chuyển trước sân, rồi sau đó bay lên trời, đi mất.

Phạm Công cho là việc lạ bèn nói nhà ta tích thiện không bao giờ làm điều ác. Kinh thư có câu: Duy gấu duy beo là điềm lành. Con trai điềm con rết cũng không phải là điều hằng thấy.

Ngày hôm sau bèn lập đàn cầu khấn trời đất, xin sớm cho ứng điều tốt lành để chứng minh cho cái đức tin của mình. Khấn xong, đêm ấy ông mơ màng ngủ thiếp đi, rồi bỗng thấy mình đi tới một nơi lầu son gác tía, các quan đứng thành hàng, khí giới tinh nghiêm. Ông bồi hồi hoảng sợ, muốn lui ra trốn đi, nhưng bỗng thấy một viên quan cưỡi ngựa trắng, tay cầm một đôi lọng ngọc, và đưa cho một bài thơ:

Lọng ngọc thiên thượng hứa khanh gia

Vạn Cổ danh phương đối hải hà

Duy hữu đức hề thiên tích phúc

Ức niên hưởng lộc mộc ân ba

Nghĩa:

(Lọng ngọc trên trời đã hứa cho nhà ngươi

Danh thơm mãi mãi như sông, biển

Chỉ những người có đức thì trời cho phúc

Ngàn năm được hưởng lộc như sóng ân tắm gội).

Đọc xong, ông muốn làm lễ bái tạ, thì bỗng nhiên giật mình tỉnh dậy, nghĩ nhà mình sắp có tin mừng. Thế rồi từ đấy bà vợ bắt đầu có mang. Được 10 tháng sau, đến ngày 10 tháng 2 năm Giáp Thìn thì bà sinh được một con trai nét mặt khôi ngô, dáng vẻ tuấn tú. Đầy năm đã biết nói, 5 tuổi thì hiểu âm luật, rất được cha mẹ nâng niu chiều chuộng.

Từ đấy ông bà vui sướng cảm thấy mãn nguyện, bèn đặt tên cho con là Hoằng. Khi con lên 12 tuổi cha mẹ cho theo  học Chân tiên sinh. Học được mấy tháng, sách vở bách gia đều thấu hiểu, biết rõ trời đất, rành rõ việc xưa nay, lại thích luyện cung tên, ham đọc binh thư, mỗi khi ngồi chơi đàm đạo thì người hơn tuổi đến bạn đồng lứa đều thấy kính phục. Lúc bấy giờ, hai ông bà đã ngoài 50 tuổi.

Khi ấy, trong nhà ông ở có hòn đá to ở ngoài vườn hoa. Ông ra ngắm trăng sao, ngắm hoa, thường hay ngồi trên hòn đá ấy. Tự nhiên thấy trong vòng 3 năm, hòn đá càng phình to ra. Ông lấy làm lạ, bèn bảo gia nhân phá ra xem. Thế nhưng, khi những gia nhân vừa động tay đến, từ thì trong lòng đá, bỗng vang lên tiếng nói:

- Cha ơi, cha. Con là Thần thiên đá, thác vào hòn đá mà sinh, nhập vào nhà cha mà làm con, để về sau cứu nước an dân.

Sau tiếng nói, bỗng thấy trời đất tối sầm, mưa gió ầm ầm, sấm sét rền vang đánh vào. Hòn đá tách ra làm đôi, rồi một vị Thiên tướng tay cầm bảo kiếm, từ đấy bước ra, tướng mạo đường hoàng, uy phong lẫm liệt. Thiên tướng có thân  dài 8 thước, lực địch muôn người, tiếng vang như chuông, người đen như sắt.

Ông cho là việc lạ, bèn lập biểu tâu về Triều đình. Thục Vương xem xong cho là Thiên tướng nhà trời giáng lâm, bèn sai sứ thần đến mời về triều, lại mời cả con trai của Phạm Công.

Sau khi nghe chiếu chỉ của nhà vua, hai Ngài bèn vào bái tạ cha mẹ, rồi lên đường. Khi yết kiến, vua Thục thấy hai anh em đều là bậc anh hùng hơn đời, đức độ hơn người, bèn phong cho Hoằng Công làm "Tả tham tri bộ lĩnh sơn hà", Đá Công làm "Thống lĩnh thuỷ bộ chư quân".

*

*     *

Thục Vương, bộ chúa Ai Lao, vốn là tông phái của Hùng Vương. Nghe tin nước Văn Lang, vua Hùng Duệ Vương tuổi đã cao mà 20 năm hoàng tử không có. Nhà vua, vì không có người kế vị, nên định nhường ngôi cho con rể là Tản Viên Sơn Thánh.

(Truyền thuyết Đức thánh bất tử Tản Viên)

Thục Vương nhân đấy, bàn mưu cùng Hoằng Công, Đá Công, rồi chỉnh đốn binh mã trăm vạn, ngựa chiến 8 ngàn, chia làm 5 đường, tiến vào Phong Châu, binh uy thật là lừng lẫy.

Hùng Duệ Vương hay tin, bèn sai Tản Viên Sơn Thánh đem 30 vạn hùng binh, 500 viên danh tướng, cũng chia làm 5 đường, chống cự.

Khi ấy, Hoằng Công, Đá Công chỉ huy đường thuỷ, đóng quân ở Châu Hoan trấn giữ cửa bể. Còn Thục Vương thân hành chỉ huy đại quân đóng ở miền núi Quỳnh Nhai. Sơn Thánh tiến binh đến Mộc Châu đóng trại cách Quỳnh Nhia 20 dặm, đến đêm tuyển 5000 lính khinh kỵ, cưỡi ngựa câu đuốc cỏ tranh đi tắt đến phía sau Quỳnh Nhai dùng hoả công đánh vào. Quân Thục mỏi mệt cứu ứng không kịp. Quân còn lại của Tản Viên cũng đánh thêm vào, đại phá một trận, quân Thục đại bại tan vỡ. Thục Vương chỉ còn mấy chục quân kỵ chạy về bản.

Lúc ấy Hoàng Công, Đá Công hay tin, định đem quân cứu ứng, nhưng nghe tin Thục Vương đã về, nên chưa tiến binh. Lại thấy sứ giả của Thục Vương gọi hai Ngài về. Hai Ngài thu quân về triều. Nhà vua nói:

- May mà lòng trời còn giúp ta, nếu không vua tôi chẳng thể gặp nhau.

Mấy năm sau, Thục Vương lại muốn xuất quân đánh báo thù để rửa hận. Hoằng Công, Đá Công thấy vậy, bèn tâu với vua Thục rằng:

- Cơ đồ nhà Hùng tuy mạt, nhưng Duệ Vương là bậc thánh, hơn nữa Tản Viên lại là người hùng tài, thông thiên thấu địa, có thuật xuất quỷ nhập thần. Nước ta là nước nhỏ, nay nhà vua lại muốn cử binh, nếu việc chẳng thành thì khó tránh khỏi hoạ mất nước. Xin Bệ hạ hãy viết thư cầu hoà, sai sứ đến cống nạp. Đó là biết tiến biết lui, vẹn toàn cả hai đường vậy.

Thục Vương ngẫm nghĩ, cho lời tâu ấy là phải, bèn viết thư cầu hoà. Hùng Duệ Vương ban thưởng, rồi năm sau gọi Thục Vương đến nhường ngôi cho.

Thục Vương bèn xây thành Cổ Loa, lập đàn cầu đảo, bỗng thấy Rùa thần từ trời hạ xuống, tháo móng ra cho nhà vua và dặn:

- Dùng nó làm lẫy nỏ, nếu có giặc đến thì chớ lo ngại.

Nhà vua bèn lấy móng Rùa làm nỏ thần. Việc xong, bèn gia phong cho tướng sĩ đẳng cấp cao quý, rồi quân thần hợp sức, đất nước thái bình.

Hai Ngài lúc đó bèn đi chu du thiên hạ, vãn cảnh núi sông. Khi thì đi săn trong rừng, khi thì nhàn tản ngắm trăng, núi nhân sông trí làm bạn, gió mát trăng thanh nơi đồng nội làm vui.

Phàm chỗ nào hai Ngài nghỉ lại đều lập thành cung để làm nơi dưỡng nhàn. Một hôm đi qua xã Lỗ Lực huyện Đường Hào đạo Hải Dương, rồi lại đến xã Đình Ứng huyện Chương Mỹ đạo Sơn Nam, đều sai lập cung điện ở các đất đó. Lần khác, hai Ngài đến xã Thanh Thần huyện Thanh Uy đạo Sơn Nam. Hai Ngài thấy nơi đây có thế đất đằng trước là miệng giếng, đằng sau là đầm lớn đều dưỡng tú khí, thanh long. Bèn truyền cho binh sĩ và dân chúng thiết lập một cung điện ở đây, tức là ở đất làng Thanh Thần ngày nay vậy. Một hôm hai Ngài gọi nhân dân trong xã đến bảo rằng:

- Có trên thì có dưới. Vả lại dân đỉnh không thuộc vào trong xã, nay cho những người đó lập xã Hạ Thanh thần.

Nam phụ lão ấu vui mừng, nguyện khắc cốt ghi xương công đức. Hôm ấy là mồng 7 tháng mười, bèn làm lễ chúc mừng và xin nhận làm Thần tử. Hai Ngài chấp thuận.

Thời bấy giờ Thục Vương ở ngôi được 40 năm, bỗng có Triệu Đà người Chân Định mang quân xâm chiếm. Hai bên nhiều phen giao chiến không phân thắng bại. Thục Vương bèn sai sứ gọi hai Ngài về triều cầm quân đánh giặc. Hai Ngài vâng mệnh xuất quân, đường đường tiến thẳng, đến chỗ trại quân Triệu đánh một trận lớn, chém mấy trăm tên. Quân Triệu tan vỡ. Triệu Đà thu quân, chạy về trại cố thủ. Đà bảo với bề tôi rằng: - Tướng Thục, Hoằng Công Đá Công là những anh hùng trí dũng, quân ta không ai sánh kịp. Vả lại, xem ý của họ, tất có máy thần dị thuật. Việc này không thể lấy sức mà thắng được, không thể lấy trí mà địch được.

Nói xong, Triệu Đà sai sứ cống nạp lễ vật, cầu hoà Thục Vương, và cho con trai Trọng Thuỷ cầu hôn công chúa Mỵ Nương. Vua Thục đồng ý. Hai Ngài thấy vậy, vội can gián với vua:

- Lòng người khó lường, xin Bệ hạ chớ vội tin.

Vua Thục đáp:

- Ta có cung thần móng rùa đã thắng bọn họ, các khanh chớ có lo ngại.

Hai Ngài nhiều lần can ngăn, nhưng nhà vua không nghe. Biết khó lòng can gián nhà vua, nên trong lòng hai Ngài buồn bực, bèn quay về cung Thanh Thần dưỡng nhàn một thời gian, sau lại quay về Kinh đô.

Một hôm, hai Ngài ngủ say bỗng nằm mơ thấy một người râu tóc bạc phơ, đầu đội mũ hoa, ngâm thơ rằng:

Ngũ thập niên gian tại Thục Vương

Thiên thư dĩ định khả chi tường

Nam bang hồi Triệu Đà chi thủ

Quy gia nghi lai tại Trọng lang

Nghĩa:

(Năm mươi năm ở với Thục Vương

Sách trời đã định phải tỏ tường

Nước Nam rồi sẽ về tay Triệu

Móng rùa Trọng Thuỷ lấy mất tang)

Hai Ngài tỉnh dậy nhớ lại thơ thần ứng mộng. Việc đã rõ: biết trời có Triệu thì không có Thục, bèn tạ bệnh, xin với nhà vua cho được về quê. Thục Vương đồng ý. Hai Ngài bèn quay về cung Thanh thần. Từ đấy, cùng với dân làng vui cảnh dưỡng già. Một hôm Hoằng Công nói với Đá Công ở lại cung Thanh Thần, còn mình quay xuống cung Đình Ứng dặn dò nhân dân các việc, rồi lại quay về cung Lỗ Lực. Ngày nhân dân xã Lỗ Lực làm lễ đón tiếp là vào mồng 7 tháng chạp.

Hoằng Công ở cung Lỗ Lực, dân làng đứng ở hai bên. Bỗng thấy một trận cuồng phong ào tới, trời đất tối sầm, rồi có một đám mây bỗng từ trời hạ xuống trước cung. Đám mây biến thành cầu vồng. Khi trời quang mây tạnh, dân làng nhìn lên cung điện thì Hoằng Công đã biến mất. Ngay ngày hôm ấy dân làng Lỗ Lực lập miếu thờ Ngài  rồi truyền tin đi các nơi.

Lúc ấy, Đá Công ở cung Hạ Thanh Thần hay tin, bèn truyền cho  dân hai làng Hạ Thanh Thần và Đình Ứng, mỗi nơi lập một miếu thờ và viết thần hiệu thờ phụng. Việc xong, Đá Công lập riêng một cung điện, để làm nơi hội họp cho dân làng từ đấy về sau (tức là dựng đình làng).

Khi ấy ở xã Hạ Thanh Thần có một nơi gọi là Đống đất, trên mọc nhiều cây cối. Đá Công thường đến đấy ngắm cảnh. Đến ngày mồng 10 tháng 7 về đêm, bỗng thấy mưa gió  bão bùng, sấm chớp đùng đùng. Ở xã Hạ Thanh Thần, một vị họ Lê, một vị họ Nguyễn, một vị họ Trương, một vị họ Bùi, cả bốn vị đều nằm mộng thấy một người tay cầm cờ vàng, xưng là Thiên sứ đến bảo rằng:

- Ta vâng mệnh Thượng đế, đến mời Ngài Đá Công trở về Thiên đình cùng với Ngài Hoằng Công, để từ nay hai Ngài thừa lệnh Thiên đình cai quản các vùng.

Nói xong Thiên sứ lại đọc bài thơ:

Hạ Thanh Thần hề Hạ Thanh Thần

Ngô thừa sắc mệnh bảo ư dân

Kim chiêu Thánh Công hồi Đế sở

Hậu vi huyết thực nhữ dân thần

Nghĩa:

(Hạ Thanh Thần, Hạ Thanh Thần

Ta vâng sắc chỉ báo cho dân

Nay triệu Đá Công về Thượng giới

Từ nay cúng lễ tưởng nhớ Thần)

Bốn vị tỉnh dậy, tìm nhau kể lại câu chuyện. Rồi sau đó, cùng dân làng đi tìm Đá Công, nhưng không thấy Ngài đâu nữa. Chỉ còn mũ áo, đai của Ngài ở trên đống đất. Mọi người lấy đất lấp lên, rồi dâng biểu về Triều đình. Vua Thục nghe tin, nghĩ hai Ngài có công lao với nước, bèn phong thưởng cho hai Ngài là "Hoằng Trị Đại vương" và "Thiên Đá Đại vương".

Lại hạ chiếu cho xã Hạ Thanh Thần làm dân tạo lệ, lập miếu để thờ phụng hai Ngài, lưu truyền mãi mãi.

Từ đó về sau, trải qua các đời Đông, Tây Hán, Ngô, Tấn, Tống, Tề Lương cộng 340 năm, rồi trải qua các đời Đinh, Lê, Lý, Trần - 4 đời khai sáng nghiệp lớn, hai Ngài thường hiển linh giúp nước cứu dân, cho nên được các đế vương gia phong mỹ tự.

Đời Trần Thái Tông, Quốc công Thái úy Tiết chế Trần Quốc Tuấn thống lĩnh ba quân thỉnh cầu bách thần giúp nước, thấy trên chính điện có nhiều vị. Lát sau, thấy Ngọc Hoàng sai Trương Hống, Trương Hát thống lĩnh Bắc binh, Hoằng Công, Đá Công thống lĩnh Nam binh. Các vị lĩnh mệnh rồi cưỡi Rồng vàng bay đến địa phận Hạ Thanh Thần thì biến mất. Tiết chế Hưng Đạo Vương cho là linh ứng, về sau đánh nhau, quân ta bắt được Ô Mã Nhi, rồi đại phá quân Nguyên. Hưng Đạo Vương dâng biểu lên. Vua Trần Thái Tông gia phong Hoằng Trị Đại Vương là "Phổ tế Linh thông ứng Đại Vương", Thiên Đá Đại vương là "Dực vận hoằng bác Đại Vương".

(Đọc thêm Truyền thuyết về nhị vị tướng quân anh dũng của Triệu Quang Phục để biết thêm về Trương Hống, Trương Hát)

Đến đời Lê Trang Tông. Họ Mạc chạy lên cai quản vùng Quỳnh Châu. Thái Uý họ Trịnh ở Thanh Hoá dẫn đại binh đi đánh, Đến địa phận Đường Hào - Hải Dương, làm lễ cầu đảo xin thần hiển ứng âm phù. Quả nhiên thấy linh nghiệm. Khi thắng trận trở về, Thái uý dâng biểu tâu xin, nhà vua gia phong cho Hoằng Trị Đại Vương thêm mỹ tự "Hộ quốc linh ứng".

Xem ngay truyện hay khác

  1. Nàng công chúa và hạt đậu (Tạo lúc: 06/03/2015)
  2. Chiếc nón lá của Jizo - Sama (Tạo lúc: 07/03/2015)
  3. Đại thánh Từ Đạo Hạnh (Tạo lúc: 08/03/2015)
  4. Chú thợ may nhỏ thó can đảm (Tạo lúc: 12/03/2015)
  5. Chu du thiên hạ để học rùng mình (Tạo lúc: 12/03/2015)
  6. Mười hai hoàng tử (Tạo lúc: 14/03/2015)
  7. Chơi khăm kiểu gà vịt (Tạo lúc: 14/03/2015)
  8. Sự tích chim đa đa (Tạo lúc: 16/03/2015)
  9. Sự tích thần núi Tản Viên (Tạo lúc: 16/03/2015)
  10. Trí khôn của ta đây (Tạo lúc: 16/03/2015)

Bình luận hoặc góp ý về nội dung

Tìm kiếm


Danh mục

Chủ đề hay bạn quan tâm

Hài hước - vui nhộn