Theo truyền thuyết cổ đại được lưu tryền cho đến ngày nay, có một cây đào khổng lồ ở biển Hoa Đông với chiếc rễ dài lên tới 1500 km, ăn sâu dưới lòng đất xuống tận địa phủ. Hay nói cách khác, cây đào là sợi dây kết nối giữa hai thế giới, là cánh cổng mà các hồn ma đi qua giữa âm phủ và thế giới của người sống. Quay trở về phía Đông Bắc của chiếc cây, đó là nơi có hai vị thần là Shentu và Yulei (Thần Trà và Uất Lũy) đang canh gác cánh cửa địa phủ, nhiệm vụ của họ là đi khắp nơi bắt tất cả những hồn ma và yêu quái chuyên đi hại người rồi gửi chúng đến khu vực thần hổ giết chết. Những hồn ma du hành thế giới vào ban đêm được yêu cầu trở lại âm phủ trước khi trời sáng sớm. Người ta tin rằng hai vị thần này có thể xua tan tất cả ma quỷ làm hại con người vào ban đêm.
Vì vậy, người dân đã dùng gỗ xoan đào làm hai con nghê của hai vị thần và đặt ở cửa nhà để bảo vệ gia đình. Cho đến thời nhà Hán, người ta thấy việc làm con rối khó và phức tạp nên đã đơn giản hóa các con rối thành hai tấm gỗ xoan đào trên đó vẽ chân dung các vị thần. Về sau, người ta chỉ việc viết tên các vị thần trên những mảnh gỗ xoan đào rồi treo lên hai bên cửa, thì sẽ có thể xua đuổi được những ác ma.
Vào thời nhà Đường, dân thường không còn viết tên các vị thần nữa mà thêm vào đó một số lời chúc để tượng trưng cho vận may cũng như bày tỏ hy vọng và những lời chúc tốt đẹp nhất của họ trong năm mới.
Kể từ triều đại nhà Minh, những miếng gỗ xoan đào đã được thay thế bằng những tờ giấy đỏ hình vuông, thay vì khắc trên gỗ thì người ta lại vẽ hình dáng của họ trên giấy.
Tục lệ này dán những tờ giấy đỏ không chỉ làm cho người dân sống yên bình và may mắn hơn, mà chúng còn tạo ra được một cái tâm sáng trong mỗi con người họ.
Tục dán giấy đỏ của người Nùng Phàn Slình trong ngày tết Nguyên đán
Không ai biết tục lệ dán giấy đỏ của người Nùng Phàn Slình đã có từ bao giờ. Các cụ cao niên ở xã Thạch Đạn ai nấy đều cho rằng, từ ngày còn nhỏ đã nghe thấy người lớn bảo có tục lệ này rồi, và cứ thế đời này tiếp nối đời trước làm theo. Chỉ biết rằng, xưa nay trong dân gian vẫn lưu truyền một câu truyện: Ngày xửa ngày xưa, cứ mỗi khi năm hết tết đến, cả bản của người Nùng Phàn Slình tưng bừng chuẩn bị đón mùa xuân, mọi người náo nức chuẩn bị gạo thịt làm bánh chưng, thì lũ quỷ lại mò đến trộm thịt và phá hoại đồ đạc, giết hại gia súc gia cầm. Vì vậy, nên dân bản thường xuyên phải cử người túc trực ngày đêm để canh gác không cho lũ quỷ đến phá hoại. Một năm, vào dịp tết có một gia đình đầu bản phơi mảnh vải đỏ ở ngoài sân, lũ quỷ như thường lệ mò đến đầu bản, mới nhìn thấy tấm vải đỏ ở đằng xa đã vội vàng bỏ chạy. Sau lần đó, mọi người biết quỷ sợ màu đỏ nên cứ vào dịp tết năm mới, người ta lại dán giấy đỏ lên các đồ vật, lên gia súc gia cầm để xua đuổi ma quỷ.
Tục dán giấy đỏ không chỉ có ở người Nùng mà phổ biến ở nhiều dân tộc. Ở người Việt (Kinh), một trong những việc quan trọng trong quá trình trang hoàng nhà cửa chuẩn bị đón tết đó là chọn câu đối tết (nhà trung lưu và thượng lưu) và dán tranh tết lên bàn thờ tổ tiên (nhà nghèo dán tranh đơn giản, nhà giàu dán tranh quý phái). “Tết mà không có tranh, gian nhà như trơ trẽn, trống rỗng, thiếu sự hòa hợp sắc màu, và đặc biệt thiếu sự hỗ trợ, hưởng ứng tinh thần”.
Ở Trung Quốc, người ta cũng dán đôi câu đối đỏ lên cánh cửa với ý nghĩa tăng thêm không khí vui vẻ. Theo tác giả Duy Đạt, tập tục dán câu đối đỏ lên cửa ở Trung Quốc đã có từ thời Tống và tịnh hành vào thời Minh. Ngoài trang trí đôi câu đối đỏ, ở Trung Quốc vào dịp tết Nguyên đán người ta còn trang trí hoa văn màu đỏ lên cửa sổ, dán tranh tết với ý nghĩa xua đuổi ác quỷ. Đặc biệt, ngày tết Nguyên đán người dân Trung Quốc nhà nào cũng dán chữ “Phúc” (福) ngược trên cửa ra vào, trên tường… với ý nghĩa “Phúc đáo” (phúc đến), cầu mong năm mới hạnh phúc và tươi sáng (Duy Đạt 2012: 82-84).