TruyệnXưaTíchCũ.cOm

Cho tôi một vé về với tuổi thơ.

Trước

Đánh giá: 5/5 - 0 phiếu
Truyền thuyết Tết Songkran

Theo sự tích ghi chép tại chùa Phra Chettuphon Wimon Mangkhalaram, ngày xưa có phú gia vô cùng giàu có, họ sống trong một dinh thự lộng lẫy nhưng họ lại không có con nối dõi. Cạnh nhà phú gia là căn nhà của tên bợm rượu, tên bợm này lại có 2 đứa con da dẻ sáng như vàng. Một ngày kia tên ma men ấy lại đến trước cửa nhà giàu mà chửi rủa, ông phú gia hỏi hắn: "Một kẻ như ngươi thì lấy tư cách gì mà mắng chửi ta bằng những lời lẽ thô tục đó?". Tên kia chỉ thẳng vào mặt ông mà nói: "Ông có quá nhiều của cải nhưng không có ai để nối dõi cả, khi ông chết đi thì tài sản đó có cũng như không vì không có ai để thừa kế. Tôi thì lại có hai người con trai đẹp đẽ như vậy, tôi hơn hẳn ông!". Đại phú gia lấy làm xấu hổ, ông quyết không để gia tộc của mình tuyệt tự và ông đã đi dâng lễ cúng bái ở Thần Mặt Trời và Thần Mặt Trăng suốt ba năm ròng nhưng không ích gì.

Đến một ngày mùa hạ mà người ta thường gọi là Maha Songkran, mọi người cùng nhau ăn mừng năm mới. Họ lấy gạo đã vo nước bảy lần dâng cúng lên Cây Thần và tổ chức dàn nhạc múa hát vui vẻ, vị phú giá cũng đến làm lễ và Thần Cây đã nghe được lời nguyện ước của ông. Thần Cây đến tìm Đế Thích Indra để xin ban con cho người đàn ông ấy. Không lâu sau ông đại phú cũng có một người con trai, họ đặt tên cho cậu là Dhamma Kuman. Họ đặc biệt xây riêng cho cậu một lâu đài bên dưới tán cây thần nằm bên bờ sông. Năm tám tuổi Dhamma Kuman đã rất thông minh, cậu thuộc lòng cả bốn bộ kinh Phật và có khả năng lạ hiểu được tiếng chim. Thần Tam Diện Brahma biết tin cậu được mọi người kính nể vì trí thông minh nên đã tìm đến thách ba câu đố: "Buổi sáng sự vĩ đại nằm ở đâu? Buổi chiều sự vĩ đại nằm ở đâu? Buổi tối sự vĩ đại nằm ở đâu?". Và cái giá phải trả cho kẻ thua cuộc trong ba câu đố chính là mất đi cái đầu của mình. Dhamma Kuman nhận lời nhưng cậu xin thời hạn suy nghĩ trong vòng bảy ngày.

Dhamma Kuman vắt óc suy nghĩ hết sáu ngày trôi qua mà không có lời giải, cậu mệt mỏi và lo sợ sẽ mất đi mạng sống. Cậu nằm suy ngẫm dưới gốc cây thốt nốt bên lâu đài, trên cây là hai con diều hâu đang nói chuyện với nhau, con mái hỏi: "Ngày mai chúng ta nên đi kiếm mồi ở đâu đây?", con trống trả lời: "Ngày mai không cần săn mồi vì là hạn chót câu thách đố của thần Brahma, nếu Dhamma Kuman không trả lời được sẽ bị chặt đầu, chúng ta sẽ được ăn thịt người!". Dhamma Kuman nghe được, cậu theo dõi hai con chim. Con mái lại hỏi: "Không lẽ anh biết câu trả lời sao?", con trống đáp: "Này, buổi sáng sự vĩ đại nằm ở trên mặt vì người ta dùng nước để rửa mặt, buổi chiều sự vĩ đại nằm ở thân thể vì người ta dùng nước để đi tắm và buổi tối sự vĩ đại nằm ở chân vì người ta dùng nước để rửa chân."

Ngày hôm sau, Thần Brahma đến tìm và Dhamma Kuman giải đáp theo lời con diều hâu đã nói. Thần Brahma chịu thua nhưng trước khi cắt đầu, ông gọi bảy cô con gái đang là thê thiếp của Indra tới và căn dặn: "Đầu của ta khi rơi xuống mặt đất sẽ làm cháy cả địa giới, nếu bay lên trời sẽ gây hạn hán, các con hãy hứng lấy đầu của ta". Thần chặt một chiếc đầu của mình, lúc đầu đang rơi xuống toàn cõi đều nóng bức. Nàng tiên cả Thungsa dùng khay hứng được chiếc đầu rồi trao cho Thần Bansat mang đi một vòng quanh núi Tudi sau đó đặt vào hang Khanthuli ở núi Krailat và làm lễ cúng tế. Sau đó Thần Vishnu đã hóa ra một chiếc hộp làm từ bảy loại thủy tinh rồi trao cho bảy nàng tiên mang đi rửa bằng nước ở hồ Anodard bảy lần rồi dùng để cất giữ đầu của Brahma cho mọi người cùng chiêm ngưỡng. Tròn mỗi năm vào ngày Songkran, một nàng tiên sẽ mang chiếc đầu của Thần Tam Diện đi diễu hành rồi đặt về chỗ cũ và nhiệm vụ này được thực hiện thay phiên bởi bảy người con của Thần.

Nàng Thungsa mặc váy đỏ, cài hoa lựu, đeo hồng ngọc, tay phải cầm đĩa răng cưa, tay trái cầm vỏ sò, cưỡi kim sí điểu.

Nàng Khorakha mặc váy vàng, cài hoa pib, đeo ngọc trai, tay phải cầm kiếm, tay trái cầm gậy, cưỡi cọp.

Nàng Rakkasos mặc váy hồng, cài hoa sen, đeo đá chanxedon, tay phải cầm đinh ba, tay trái cầm cung tên, cưỡi heo.

Nàng Montha mặc váy xanh lục, cài hoa sứ, đeo đá mắt mèo, tay phải cầm thanh sắt, tay trái cầm gậy, cưỡi lừa.

Nàng Kirini mặc váy xanh nõn chuối, cài hoa montha, đeo ngọc lục bảo, tay phải cầm búa gõ đầu voi, tay trái cầm súng, cưỡi voi.

Nàng Kimitha mặc váy trắng hoa xanh, cài hoa sen nhiều tầng nhụy, đeo đá topaz, tay phải cầm kiếm, tay trái cầm đàn, cưỡi trâu.

Nàng Mahothorn mặc váy đen, cài hoa samhao, đeo huyền ngọc, tay phải cầm đĩa răng cưa, tay trái cầm đinh ba, cưỡi khổng tước.

Bảy người con của Thần Brahma

Mỗi năm, một nàng tiên sẽ mang đầu của Thần Brahma đi xung quanh nên tiết trời Songkran cũng oi bức hơn. Từ đó người ta tổ chức lễ tạt nước để làm mát, cũng để gợi nhắc câu đố về những điều vĩ đại trong ngày, lễ hội còn có nghi thức tắm Phật chúc phúc.

Xem ngay truyện hay khác

  1. Truyện anh khờ được kiện (Tạo lúc: 16/03/2015)
  2. Truyền thuyết Lạc Long Quân và Âu Cơ (Tạo lúc: 17/03/2015)
  3. Các truyền thuyết về Vua Hùng (Tạo lúc: 17/03/2015)
  4. Sự tích cây nêu ngày Tết (Tạo lúc: 25/03/2015)
  5. Truyện cổ về ba cây cổ thụ và điều ước của chúng (Tạo lúc: 11/04/2015)
  6. Truyền thuyết Đèo mụ Dạ (Tạo lúc: 17/05/2015)
  7. Nhất dạ trạch (Đầm một đêm) hay truyền thuyết Tiên Dung - Chử Đồng Tử (Tạo lúc: 17/05/2015)
  8. Truyền thuyết bánh chưng, bánh dày (Tạo lúc: 18/05/2015)
  9. Truyền thuyết Mẫu Thượng Ngàn (Tạo lúc: 22/05/2015)
  10. Tết Trung Thu: Sự tích kỳ ảo của ngày tết dưới trăng (Tạo lúc: 05/09/2015)

Bình luận hoặc góp ý về nội dung

Tìm kiếm


Danh mục

Chủ đề hay bạn quan tâm

Hài hước - vui nhộn