Xưa kí, nền văn minh lúa nước của người Văn Lang và sau này là người Âu Lạc đều để lại rất nhiều những mốc son trong lịch sử dân tộc. Từ thành Cổ Loa bất khả xâm phạm cho đến nỏ Liên Châu uy danh lừng lẫy, tất cả đều là những kỳ tích được làm nên từ trí tuệ và tài hoa của những Lạc tướng. Tuy nhiên, ít ai biết rằng, có một vật từ thời thượng cổ, tượng trưng cho uy quyền của nhà vua và là minh chứng cho thần tích của Đồng Cổ đại vương.
Truyện xưa kể rằng, ở vùng núi Khả Phong, bộ Cửu Chân xưa kia (nay là núi Đồng Cổ, Thanh Hoá ) có một vị thần núi sống từ thời thượng cổ, khi Lạc Long Quân và Âu Cơ còn chưa gặp gỡ. Là một cổ thần với sức mạnh vô biên, lại là vị thần tượng trưng cho linh khí của sông núi nước ta, mỗi khi có hiểm nghèo, thần đều hiển linh, cứu giúp bách tính.
Thời Hùng Vương, có một quốc gia mang tên Diệu Nghiêm, người đứng đầu là vua Tràng Minh, hiệu là Dasanana ( Quỷ vương ) có mười đầu, cạnh đó lại có một vương quốc tên là Hồ Tôn Tinh. Quốc vương Hồ Tôn có vợ là nàng Sita xinh đẹp phi phàm, làm Quỷ Vương động long, hắn kéo quân tàn phá Hồ Tôn và đem Sita về, sau đó quốc vương Hồ Tôn đã phản công, chém chết Quỷ vương và lấy lại người vợ của mình. Nhưng, máu Quỷ vương thấm vào người Quốc vương, từ đó, ngài bạo tàn, xâm chiếm các vương quốc láng giềng, trong đó có cả Văn Lang. Hùng Vương không thể làm ngơ, ngài đã thân chinh đi dẹp loạn, bảo vệ an nguy cho vùng biên thuỳ. Đến chân núi Khả Phong, nhà vua nằm mộng thấy một vị tướng dung mạo phi phàm, dáng điệu oai hùng, tư phong lẫm liệt xưng là Đồng Cổ sơn thần, nguyện theo giúp vua đánh giặc. Khi chiến trận, chỉ nghe đâu đây tiếng trống thần, sĩ khí ngút trời, chẳng mấy chốc quân giặc tan tác.
Thắng trận trở về, nhà Vua cho dân lập đền thờ đại vương tại quê nhà và cho đúc ra Trống Đồng, tượng trưng cho uy quyền của nhà vua và công lao của thần, đồng thời sắc phong cho thần là Đồng Cổ đại vương.
Đồng Cổ đại vương còn hiển linh vào thời tiền Lê, giúp vua Lê Hoàn phá giặc Chăm tại sông Ba Hoà, Tĩnh Gia, Thanh Hoá, cảm phục ơn đức của thần, nhà vua đề tạ hai câu đối ở đền thờ đại vương:
"Long đình tích hiển Tam Thanh lĩnh
Mã thủy Thanh lai Bản Nguyệt Hồ".
Vào thời nhà Lý, lại một lần nữa thần hiển linh để giúp đỡ thái tử Lý Phật Mã ( sau là vua Lý Thái Tông ). Thời gian này, vua Lý Thái Tổ băng hà, mặc dù hoàng tử Lý Phật Mã đã được phong lập làm thái tử, tuy nhiên ba vị hoàng tử còn lại là Võ Đức Vương, Đông Chính Vương và Dực Thánh Vương đều làm loạn để cướp ngôi. Một đêm trước cuộc binh biến ấy, thái tử nằm mộng thấy một võ tướng giáp trụ sáng ngời, tự xưng là Đồng Cổ đại vương cảnh báo về cuộc binh biến sắp xảy ra, khuyên nhà vua phòng bị cẩn thận. Tỉnh dậy, thái tử cho chỉnh đốn đội ngũ, cắt cử canh gác nghiêm ngặt, quả nhiên đến đêm xảy ra binh biến, nhờ được báo trước mà thái tử và tướng quân Lê Phụng Hiểu đã dẹp được nội loạn, chém chết Võ Đức Vương. Sau khi lên ngôi vua, nhà vua cho sửa sang đền thờ của ngài ở quê nhà, Trống Đồng và bộ giáp của thần về thờ ở Kinh Đô, đồng thời đặt ra hội thề Đồng Cổ vào ngày 4 tháng 4 âm lịch hàng năm.
"Làm tôi bất trung
Làm con bất hiếu
Thần minh tru diệt!"
Hội thề có vai trò rất quan trọng với văn võ bá quan và nhà vua. Tương truyền, ai không tham gia sẽ bị phạt 5 quan tiền.
Tục thề Đồng Cổ giữ đến thời nhà Hồ, do trong ngày hội, Trần Khát Chân mưu sát Hồ Quý Ly không thành nên Hồ Quý Ly cho là thần không thiêng nữa nên đã bỏ tục này. Nhà vua đâu biết rằng, vì chính mình cũng đã bội thề với họ nhà Trần, làm tôi bất trung nên phải chịu hoạ sau này.
Thần Đồng Cổ có vị trí vô cùng quan trọng, giặc phương Bắc biết được nên đã ra sức huỷ hoại và kiềm chế quyền lực của thần. Đầu tiên, Trống Đồng vốn là vật thiêng của thần, thể hiện uy quyền và sức mạnh của thần, bị chúng phá bỏ gần hết ( giai đoạn 1000 năm Bắc thuộc ) và vì thế nên hầu như chúng ta chỉ biết trống đồng là một nhạc khí, chứ không phải một pháp khí ( đại loại trống đồng để đánh cho kêu, sau này thì nghĩ là thờ cúng, đại loại thế, nhưng thực ra là hơn thế nhiều lần ). Thứ hai, sau sự kiện binh biến của Tam Vương thì thần còn trở thành vị thần bảo hộ cho các thái tử, cho Cấm cung và cho Hoàng Đế, chính một phần bởi Hồ Quý Ly bỏ hội thề nên đã gây ra một số trắc trở trong các triều đại sau này.
Ngày nay, thần được thờ tại quê nhà, ở làng Đan Nê, xã Yên Thọ, Yên Định, Thanh Hoá và số 353 đường Thuỵ Khuê, Tây Hồ Hà Nội. Đền đến nay không còn nguyên vẹn, truy nhiên vẫn được trùng tu và lưu giữ pháp khí gắn với thần là một phiên bản phục chế của Trống Đồng Ngọc Lũ nguyên thuỷ.