Trong truyền thuyết dân gian Việt Nam, có loài "ma cà rồng", hoặc "ma cà rằng", "ma càn sùng", được cho là phiên âm bắt nguồn từ ký âm "krung" trong ngữ hệ Tai-Kadai (ngữ hệ của người Thái-Lào). Từ này được dùng để mô tả một loài ma quỷ, được Lê Quý Đôn chép lại trong "Kiến Văn Tiểu Lục".
Theo Lê Quý Đôn, loài ma cà rồng sống ở trấn Hưng Hóa xưa. Vào ban ngày thì hắn đi lại, sinh hoạt như người thường. Đến đêm thì thường xỏ hai ngón chân cái vào lỗ mũi, bay lơ lửng trên không trung, thường vào nhà đàn bà đẻ để hút máu. Hắn tàng hình bay vào nhà, lập tức ánh đèn lập lòe, có bóng kì lạ. Thế nên người dân thường bố trí lưới vây để ngăn chúng đột nhập; hoặc đánh gậy tứ tung trong không trung, nhỡ may vô tình đập trúng ma thì nghe tiếng ngã cái bịch rồi hắn lại bay đi, tiếng bay nghe như tiếng bọ hung. Đến trống canh năm, hắn bay trở về nhà, ngâm chân vào thùng nước tô mộc, tháo chân ở mũi ra. Hắn trở lại làm người, sáng hôm sau có hỏi đêm qua làm gì thì không nhớ đã đi đâu cả. Hơi mất vệ sinh chút, trước khi nhét ngón chân vào mũi thì không rửa, nhưng bỏ chân ra thì phải ngâm chân vào thùng nước cho sạch mới được đi xuống đất, hehe.