- Trang chủ >
- Thần thoại Việt Nam >
- Cửu Vĩ Tiên Nương và Phấn Nhĩ Quỷ Vương Thần Nữ
Năm xưa, sau khi chiến thắng Chăm Pa, người Việt giành lấy miền Trung và bắt đầu hành trình mở cõi đi về vùng đất mới. Theo lời những người làng Xuân Thiều tại Quảng Nam kể lại rằng:
Thủa đó, làng Xuân Thiều là một vùng đồi núi hoang vu, rừng cây rậm rạp với nhiều thú dữ. Những người Việt đầu tiên đến khai khẩn, lập làng gặp muôn vàn khó khăn bất trắc, hiểm nguy. Cuộc sống buổi ban đầu với bao khó khăn vất vả: khí hậu khắc nghiệt, thú dữ rình rập, bệnh tật hoàng hành khiến nhiều người đau ốm, bỏ mạng. Nhiều nơi chưa khai hoang vẫn còn rừng thiêng nước độc, thú dữ rình rập, bệnh dịch hoành hành, nhiều người bỏ mạng dưới nanh ác thú hoặc chết vì thổ tả bệnh tật, người trong làng ai cũng muốn bỏ đất mà đi.
Nhìn thấy tình thế không ổn, các bậc phụ lão đứng ra làm lễ dâng hương tế thần cầu mong được an cư lạc nghiệp, cầu khấn thần linh phù hộ cho tai qua nạn khỏi. Đến một đêm kia, người trong làng nhìn thấy từ trong hang sâu trên núi chui ra một con cáo to lớn có chín đuôi đi về phía làng, bay theo sau là một con sơn điểu có sải cánh che cả bầu trời với bộ lông xù. Khi 2 con vật xuống đến chân núi thì không thấy không thấy đâu nữa, chỉ có hai người phụ nữ xinh đẹp đi vào làng. Hai chị em lưu lại sinh sống ở đây, họ vừa bốc thuốc chữa bệnh cho dân làng vừa giúp mọi người diệt trừ thú dữ. Một thời gian sau nhờ ơn họ dịch bệnh được chữa khỏi, ác thú cũng không còn quấy phá, cuộc sống dân làng được an ổn, hết khó khăn vất vả.
Rồi tới một ngày kia người ta đến tìm hai chị em để trả ơn thì không thấy đâu nữa. Họ tin rằng, đây là hai Tiên Nương xuống trần để bảo trợ cho dân Hàm Trung được bình an, no đủ.
Biết rằng thần linh đã ứng hiện phò hộ và cũng để tri ân công đức hai bà, dân làng lập ra miếu thờ tưởng nhớ công ơn của Cửu Vĩ Tiên Nương (cáo chín đuôi tu đắc thành tiên) và Phấn Nhĩ Quỷ Vương Thần Nữ (chim lông xù tu đắc thành vương, trấn giữ cõi quỷ), tôn hai Bà danh xưng là Thần Nữ, xem như người Mẹ Đất che chở cho người dân miền Trung, tế tự thường niên. Mỗi lần gặp khó khăn, bất trắc, người dân lại đến miếu cầu khẩn, xin Bà linh ứng hộ trì.
(Xem thêm chuyện: Truyện Cửu vĩ Hồ tinh)
Hiện hai bà được thờ ở Miếu Hàm Trung toạ lạc tại phường Hoà Hiệp Nam, quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng, là nơi thờ hai vị nữ thần, nhân dân trong vùng vẫn quen gọi là miếu Bà Hàm Trung.
Xưa, miếu Bà thuộc ấp Hàm Trung, làng Xuân Thiều, thuộc huyện Hòa Vang. Ấp Hàm Trung có tên nôm là xóm Cồn. Xóm Cồn cùng với xóm Làng, xóm Cồn Dưa, xóm Sơn Rái hợp thành làng Xuân Thiều. Do xóm Cồn nằm ở giữa làng, nên miếu Bà được đặt tên chữ là "Hàm Trung", có nghĩa là miếu ở trung tâm của làng.
Tại miếu Bà, hàng năm, dân làng tổ chức cúng tế tri ân công đức Bà, đồng thời ôn lại truyền thống lập làng, giữ đất của ông cha.
Lễ trọng miếu Bà Hàm Trung diễn ra vào ngày 12 tháng 4 âm lịch, nhằm cầu an cho con dân trong vùng. Lễ được tổ chức giản dị nhưng chu đáo, long trọng. Các nghi lễ thực hiện bài bản, theo đúng quy định sự thần truyền thống. Tối ngày 11 là lễ túc, sau đó là lễ cúng cô hồn; khoảng 1 giờ sáng ngày 12 tiến hành lễ chánh tế. Lễ vật cúng Bà là một con heo đực toàn sắc, cùng bánh trái, hương đăng, hoa quả. Sau lễ tế, đại diện các chư tôn tộc phái trong làng ăn bữa ăn cộng cảm với ý nghĩa hưởng lộc của Bà.
Một vài tài liệu cho biết, hiện tượng thờ vật linh như dân Hàm Trung cũng có ở một một số nơi khác, thuộc phần đất Thuận - Quảng xưa. Theo Trần Đại Vinh, tại một số làng ven đồi núi ở Huế, như làng Lai Thành, làng Dã Lê Thượng cũng thờ cúng Cửu vĩ hồ ly, Tứ đầu nhà cầm (chim ba đầu)(1). Hai linh vật này đã hóa thành Thần của vùng đất, bảo trợ dân chúng. Theo bước chân lưu dân Việt, hai vị Thần này đã được phối tự cùng Ngũ Hành Nương Nương trong một số miếu thờ Ngũ Hành ở vùng Bình Chánh(2). Dựa vào truyện "Hồ Tinh" trong "Lĩnh Nam trích quái", Huỳnh Ngọc Trảng cho rằng, Hồ Ly Tinh chính là thần cáo ở núi Tản Viên; còn Phấn Nhĩ Quỷ Vương Thần Nữ thì có thể là một loại ác thần của người Chăm đã bị Việt hóa, hiện được thờ phổ biến ở vùng Phú Yên - Khánh Hòa.
Có thể, hai vị Thần Nữ Hàm Trung là Nữ thần chung của cư dân Việt buổi đầu của vùng Thuận - Quảng, khi từ Bắc di Nam, đứng chân trên những vùng đất vốn là của cư dân thổ trước. Việc di cư theo kiểu tiệm tiến, nên trong hành trang tinh thần, bên cạnh những Thần của vùng quê gốc lại có thêm một số Thần của vùng đất mới. Điều này dẫn đến một điểm chung trong đời sống tín ngưỡng của làng xã Việt phương Nam là một số con vật được dân chúng thiêng hóa bằng cách ''cấp'' cho hình thù kỳ dị, kinh sợ, gắn với những năng lực siêu phàm, sau đó thờ phụng với tư cách là thờ Thần bảo hộ của vùng đất, mà không cần sắc phong công nhận. Các vị Thần này còn song hành cùng bước chân lưu dân đến những vùng đất mới, tạo nên sắc thái địa phương, mà miếu Bà Hàm Trung là một trường hợp.
Khi ''vân du'' đến đất Hàm Trung, danh xưng hai Thần Nữ được gọi theo trật tự thuần Việt: Cửu vĩ hồ ly thành Hồ ly cửu vĩ, Nhĩ phấn quỷ vương thành Phấn nhĩ quỷ vương. Dân Hàm Trung - dân xóm Cồn tôn hai bà là là Thần Nữ, có chức năng bảo hộ, phù trì như Mẹ Đất (Mẫu Địa). Trong tâm thức người dân Hàm Trung, miếu Bà - nơi trú sở của hai vị Nữ Thần/ Tiên Nương đã gắn bó với cuộc sống của họ từ bao đời nay. Tại miếu Bà, hàng năm, dân làng tổ chức cúng tế tri ân công đức Bà, đồng thời ôn lại truyền thống lập làng, giữ đất của ông cha. Sinh hoạt tín ngưỡng tại miếu Bà nói lên việc thờ phụng mang tính tổng hợp, theo kiểu tiền Mẫu hậu Thần.
Xem ngay truyện hay khác
- Sự tích trầu, cau và vôi (Tạo lúc: 04/03/2015)
- Thần trụ trời (Tạo lúc: 05/03/2015)
- Vàng lấy con vua (Tạo lúc: 05/03/2015)
- Nàng Bạch Tuyết và bảy chú lùn (Tạo lúc: 05/03/2015)
- Anh và em gái  (Tạo lúc: 05/03/2015)
- Chó sói và bảy chú dê con (Tạo lúc: 05/03/2015)
- Ba sợi tóc vàng của quỷ (Tạo lúc: 05/03/2015)
- Nàng công chúa và hạt đậu (Tạo lúc: 06/03/2015)
- Thánh Mẫu Liễu Hạnh (Tạo lúc: 08/03/2015)
- Đức Thánh Gióng (Tạo lúc: 08/03/2015)