Còn nhớ xưa kia khi thần Trụ Trời đắp núi, xây bể, tinh khí của thần được vạn vật hấp thụ. Những tạo vật có khả năng lĩnh hội cao, tư chất lớn thì thành các thần núi, thần song, thần sấm,... còn các tạo vật cổ quái, tâm không hướng thiện thì thành giống yêu ma như Hồ yêu, Ngư tinh và Xương Cuồng.
Trong cả 3 giống trên thì Xương Cuồng là tài phép hơn cả, lại có hình người, thường đi hại dân, hút lấy sinh khí mà tu luyện.
Ngày xưa ở đất Phú Thọ, có cây chiên đàn nọ, tương truyền có từ thời Trụ Trời, hấp thụ lấy tinh khí của buổi ban sơ ấy mà hình thành ý thức. Cây chiên đàn vốn là thứ cây hiếm hoy, lại có nguồn gốc kì quái, phải mất một đời mới ra hoa, một đời nữa đậu quả, gỗ chiên đàn lại có dầu thơm, thu hút muông thú, hương say mà mê ảo, ai lạc vào cơn mê thì không bao giờ tỉnh.
Cây chiên đàn có phép phiên âm đọc gần giống với từ Chằn – chằn tinh, loài yêu ma quỷ quái nói chung. Trong truyện cổ, cây chiên đàn luôn có mối quan hệ với các loài ma quỷ.
Cây chiên đàn ấy hấp thụ sinh khí, sống lâu, cành rộng tán dài, cao hơn ngàn trượng, cành lá xum xuê. Trên cây, loài Hạc về đậu trắng cả một vùng, tục gọi vùng đó là Bạch Hạc.
Thời ấy, tổ tiên Bách Việt chưa biết đến Xương Cuồng, khi Kinh Dương Vương xưng va một cõi, cho dân đi khai hoang, lập làng mà ở, nơi đất lành thì dừng, nơi rừng thiêng nước độc thì tránh.
Các bộ lạc Bách Việt đều đụng độ với Xương Cuồng. Xương cuồng có phép biến hoá, thường biến thành hình hài nam nhân, khoẻ mạnh, tóc đỏ, da trắng, ăn nói lưu loát, lại nhìn giống như dòng tiên hạc nên thường không ai phòng bị. Chỉ thấy gió nổi lên, đất trời mịt mù, loáng một cái, trẻ con, phụ nữ đều bị bắt hết, đôi khi bắt sạch không chừa một ai.
Thanh niên trai tráng mấy lần họp nhau lại để rình xem Xương Cuồng là giống loài nào, chỉ thấy y đi đến cây chiên đàn là biến mất. Ngặt nỗi xung quanh cây toàn loài chim hạc. Giống chim vốn thong dong tự tại, nhác thấy bóng người liền đánh động, thành ra mãi mà không nắm rõ tin tức loài yêu quái đó.
Lúc ấy, Kinh Dương Vương trong một lần tuần thú có đi qua miền Bạch Hạc, thấy dân chúng lầm than, ngài quyết định lập mưu buộc con yêu đó phải xếp giáp quy hàng. Cụ thể trận chiến vì xảy ra quá lâu, lại qua bao cơn binh lửa mà chẳng còn bút tích, mạn phép viết ra những điều đã thu thập được, nếu có sai sót mong mọi người góp ý.
Ấy là vào một ngày nọ, Kinh Dương Vương dò la, biết được đó là giống Xương Cuồng, con tinh của cây Chiên Đàn, có từ thuở khai thiên lập địa. Cội rễ của nó là tinh khí còn sót lại của thần Trụ Trời, lại gắn chặt với sinh khí của miền Bạch Hạc, nên việc đánh đuổi nó không phải là chuyện đơn giản.
Kinh Dương Vương chỉ cho dân cách làm các nhạc cụ bằng đá như đàn đá, khánh đá, lại ban cho dân chúng một nhạc cụ kì lạ bằng đồng, nom giống như hai vòm trời úp vào nhau, lại có hình mặt trời ở giữa, xung quanh là các hoạ tiết kì lạ (bản nguyên thuỷ của trống đồng). Hôm đó, ngài lệnh cho dân chúng mở tiệc, hát ca nhảy múa ngay gần cây Chiên Đàn. Tiếng nhạc, tiếng hò reo nhảy múa, mùi thịt, mùi hương toả trong không khí thu hút Xương Cuồng và bè lũ của hắn.
Ngay lập tức, Kinh Dương Vương dùng phép của mình, với các nhạc khí như đàn đá, khánh đá và trống tấu lên khúc nhạc đầu tiên, lại dạy dân nổi lửa, tiếng nhạc, hơi ấm của lửa, tiếng hò reo đầy sĩ khí, vui tươi của muôn dân Bách Việt tạo nên sự thống nhất sức mạnh, trấn áp và đánh đuổi bè lũ Xương Cuồng. Từ ấy, cứ đêm buông xuống, người ta lại nổi lửa lên để quây quần, lâu lâu lại đàn ca nhảy múa vui tươi làm cho bè lũ ấy không dám xuất hiện.
Tuy nhiên, thân là một yêu tinh có phép lực cao cường, cây Chiên Đàn cũng chưa bị phá bỏ nên Xương Cuồng chưa bị đánh bại hoàn toàn.
Tận sau này, khi thời nhà Đinh nó mới bị diệt trừ hoàn toàn.
(Xem thêm truyện Truyện Mộc tinh)
Sau đó một thời gian, khi Lạc Long Quân Sùng Lãm được vua cha truyền ngôi, sẵn trong mình phép của dòng tiên từ đời Thần Nông, lại có sức khoẻ của Long tộc bên hồ Động Đình, biết muôn dân lầm than do nạn yêu quái, Long Quân liền đi khắp mọi miền tiễu trừ yêu quái. Đến đất Bạch Hạc, vẫn cây Chiên Đàn ấy, vẫn con quỷ biến hoá khôn lường, ngài liền lập đàn ,lập phép để quyết chiến một trận.
Có người bảo, Lạc Long Quân chính là hoá thân của các bậc tiền nhân khai hoang mở làng, lại mang sức mạnh to lớn của dân tộc, nhưng theo dòng chảy thần thoại, người ta nói, Long Quân chính là một trong những phù thuỷ đầu tiên của chúng ta. Phù thuỷ này theo nghĩa những người có sức mạnh hơn người, có dòng máu tiên trong người, có phép điều khiển ngũ hành, lại hành hiệp vì nhân dân, sau này, những vị ấy đều thành những thánh, thần trong tín ngưỡng dân gian.
Tương truyền, Long Quân lập đàn ngay tại đất Bạch Hạc, nơi hội tụ linh khí từ xưa mà quyết chiến với Xương Cuồng. Qua 7 ngày 7 đêm, cuối cùng, lợi dụng lúc sơ hở, Long Quân phóng quyết mà phong ấn nó vào cây Chiên Đàn, đoạn lấy lửa thần mà đốt đi, cây cháy ngày đêm, vài tháng mới hết.
Xương Cuồng lúc ấy lợi dụng Long Quân không để ý, hoá phép thế thân mà chạy vào tận đất Diễn Châu – Nghệ An thời ấy, trú ngụ trong một cây lớn khác, thứ cây cổ quái mà người ta kiêng kị nhắc đến tên. Long Quân về thuỷ cung, không có người nào trị, Xương Cuồng ỷ thế, bắt nạn cống người hàng năm, Hùng Vương phải trát về cho dân vùng ấy, bắt bộ tộc người chuyên sống trong lòng núi mà tế, cứ mỗi năm vào 30 tháng Chạp mà làm. Sau này, thái thú Nhâm Ngao vì muốn bỏ lệ này mà bị nó vật chết. Mãi đến thời nhà Đinh, có 1 pháp sư người Tàu mới giết được nó.
Về Xương Cuồng, dù sao cũng là 1 phần tinh khí của thần nguyên thuỷ, không như Ngư Tinh hay Hồ Tinh, khi chết đều bị Long Quân phong ấn linh khí vào để giữ lại tinh khí, như Hồ Xác Cáo (Hồ tây) và đảo Bạch Long Vĩ, Xương Cuồng bị 1 thầy pháp người Tàu giết và thâu tóm, sau đó không lâu thì nhà Đinh diệt vong, theo thuyết âm mưu, đó có thể là người khách, lấy linh khí Xương Cuồng, yểm vào thanh gươm “Mạt vận” sau đó cắm vào mả Hàm Rồng, sau đó thì Đinh Tiên Hoàng bị ám sát...
Còn thực ra, Xương Cuồng là một cách hình tượng hoá Ông ba Mươi của dân gian xưa, sợ lửa, do lửa mà dân ta yên ấm, là loài dã thú, sợ tiếng động mà thành tiếng nhạc để đuổi nó. Xương Cuồng bị đuổi về Diễn Châu cũng là sự kiện dân ta khai hoang, kéo dài biên giới Văn Lang đến vùng Diễn Châu Nghệ An ngày xưa. Và sự kiện diệt xương cuồng là điểm mốc khi dân ta có thể khắc chế phần nào loài hổ, cuộc sống muôn dân không còn nơm nớp lo sợ giống rang sắc mình vằn.