Ngày xửa ngày xưa ở một làng nọ có một anh học trò sống côi cút nhưng rất hiền lành. Khi nghe tin một tỉnh ở Đàng ngoài có ông thầy rất nổi tiếng vì có tài cao và học rộng, không chỉ "bách gia chư tử" mà còn tinh thông toàn bộ những môn như "nhâm, cầm, độn, toán". Bởi vậy mà anh học trò này liền để lại người vợ trẻ lại nhà mà lặn lội từ xa xôi tới để có thể đến tận nơi để theo học ông thầy tài giỏi kia. Anh học trò đến học được khoảng ba năm trời, vào một ngày kia thì anh bỗng nhiên nhớ người vợ nên đành xin phép người thầy cho mình được nghỉ để trở về thăm nhà, thăm quê.
Khi nghe anh học trò nói, người thầy liên bảo anh học trò ngửa bàn tay ra cho mình xem, khi xem xong thì người thầy có bảo rằng:
- Con ạ, nếu lần này con về đấy thì sẽ lành ít mà dữ nhiều, tốt nhất là không nên đi con ạ!
Người học trò tuy rằng vâng lời người thầy nhưng là người thầy cũng thấy được nét mặt của anh ta không vui vẻ gì, vì thế mà ảnh hưởng đến việc học hành, làm trễ nải nhiều bài học. Ít lâu sau đó, người thầy đành thở dài mà nói:
- Nếu như con đã quyết chí thì có thể đi về. Nhưng trên đường về con ắt gặp phải tai nạn, ta sẽ đọc con nghe vài câu này, nếu con có thể nhớ kỹ và làm đúng theo thì mới có thể tránh thoát được:
Gặp đình thì chớ tới,
Nếu gặp thơm thì chớ gội,
Nếu gặp gà thì chớ đuổi,
Còn ba, bốn, sáu thì chớ hỏi.
Người học trò cũng chăm chú lắng nghe và học thuộc lòng những lời thầy nói, sau đó từ giã trở về. Anh đi liền mấy ngày, qua một quãng đường xa, ngày nọ anh đột nhiên gặp phải một trận mưa rất lớn, đúng lúc ấy thì anh đang đi ngay giữa cái đồi vắng, vì vậy anh cố bước nhanh bước chân để mong tìm được chỗ nào nấp tạm. May mắn là anh thấy thấp thoáng trong lùm cây ở trước mặt hình như có ngôi đình cổ, ở trong đó cũng có vài người đang trú mưa. Thấy vậy anh cũng co giò chạy tới, nhưng khi gần tới nơi anh lại giật mình nhớ tới trước lúc về thầy có dặn mình vài điều, mà điều đầu tiên chính là "gặp đình thì chớ tới", anh lập tức dừng lại.
Mấy người đang trú mưa ở bên trong đình thấy vậy thì rối rít gọi:
- Này anh kia, sao còn không chạy mau vào đây kẻo ướt hết bây giờ!
Anh vẫn đứng ở bên ngoài thủng thỉnh mà đáp lại:
- Trước khi về thầy tôi dặn rằng thấy đình cũng không nên vào trú, bà con mau ra đây đi kẻo gặp nguy đấy.
Nghe anh học trò nói thì tất cả mọi người ở bên trong đều cười, họ không nghĩ tới anh lại cứ chịu đứng ở giữa trời mưa gió này để mà chịu ướt chứ không chịu vào trú ở trong này. Tuy nhiên, không bao lâu sau thì ngôi đình đột nhiên đổ cái rầm, và những người trú mưa ở bên trong toàn bộ đều thiệt mạng hết. Người học trò này cũng không biết làm gì khác ngoài việc nhỏ nước mắt thương tiếc cho mấy người xấu số kia, sau đó anh lại tiếp tục lên đường trở về nhà.
Nói đến chuyện vợ của anh học trò kia, khi chồng mình đi học xa nhà, thì ở nhà ả đã tằng tịu cùng với gã trai khác. Cả hai đều rất say mê nhau, điều ước của họ chính là làm sao có thể cùng nhau nên vợ nên chồng mới có thể thỏa dạ được. Và sau cùng họ đã trù tính phải tìm mọi cách để mà xử lí người chồng học trò của cô ả thì họ mới có thể chính thức sum họp cùng nhà với nhau lâu dài được.
Khi thấy người chồng trở về, cô vợ làm bộ như vui mừng rối rít hết lên. Sau khi trò chuyện được một lúc thì người vợ đòi được đi chợ để mà mua sắm cái ăn cái uống, nhưng thực tế là muốn chạy đến chỗ nhà của tên tình nhân để báo cho y biết rằng người chồng đã về, kêu y chú ý định liệu mọi việc.
Tên tình nhân liền bảo ả đàn bà kia rằng:
- Hãy về và nấu một nồi nước bồ kết, nhớ bỏ thêm vào đó ít lá thơm rồi cho nó gội đầu. Khi đêm đến thì ta khắc có cách xử lí nó.
Người vợ trở lại nhà và làm y như lời của tên tình nhân, ả nấu nước thơm để cho chồng mình gội đầu. Ả nói với chồng rằng:
- Này người chồng yêu quý ơi! Chàng hãy mau tắm gội và thay quần áo đi, bao ngày đi đường bụi bặm bám đầy vào người chàng rồi kìa. Tôi cũng đã nấu bồ kết làm nước thơm để chàng dùng rồi đây!
Khi người chồng nghe được hai chữ "nước thơm" thì vô cùng giật mình, anh nhớ lại lời dặn thứ hai "nếu gặp thơm thì chớ gội", vì vậy lập tức từ chối việc gội nước thơm kia. Dù cho người vợ có dùng mọi lời ngon tiếng ngọt dụ dỗ vài ba lần thì anh cũng không đồng ý. Nhưng lại thấy vợ mình cứ nài nỉ mãi nên anh chồng bèn tìm cách nói khác để khỏi cho vợ phật lòng, anh bảo:
- Vợ à, hôm trước tôi có đi qua chỗ bến, cũng đã ở đó tắm gội rất sạch sẽ rồi, mình không nên lo lắng gì cho tôi.
Thấy mình nói không được, người vợ nhìn nồi nước thơm, đổ đi thì thấy tiếc, mà tiện lâu ngày ả ta cũng chưa có gội thì liền dùng luôn nồi nước thơm ấy để chính mình dùng gội đầu.
Vào buổi đêm ngày hôm ấy, sau khi hai vợ chồng anh học trò đã ngủ rất say, tên tình nhân liền lẻn đến bên cạnh giường, trên tay hắn còn cầm theo một con dao rất sắc. Tuy là đêm hôm có chút tối tăm nhưng hắn cũng có thể dễ dàng tìm ra được cái đầu có mùi thơm, sau đó hắn dùng con dao sắc cắt cổ người đó rất mau lẹ và êm thấm. Sau khi giết người, hắn vốn định gọi luôn tình nhân của mình dậy, cùng với mình khiêng cái xác kia vứt xuống sông phi tang, nhưng mà hắn lại giật mình nhận ra rằng người mình vừa giết lại chính là người yêu của hắn. Vì quá sợ hãi nên hắn nhanh chân chuồn khỏi căn nhà, may mắn là không một ai biết tới sự xuất hiện của hắn tại nơi này.
Còn anh học trò, sau khi ngủ một giấc say và mê man tới tận sáng hôm sau mới tỉnh lại. Anh vô cùng kinh ngạc vì nhìn thấy vợ của mình đầu đã lìa khỏi cổ tự bao giờ. Thế là anh liền hô ầm lên kêu cứu. Nghe tiếng hô của anh thì mọi người trong xóm để đổ xô tới vô cùng đông. Và anh cũng thành thật kể lại toàn bộ mọi việc cho mọi người nghe. Cũng có không ít người đồn thổi rằng người vợ là do chính tay anh chồng giết, sau đó thì giả vờ la làng gọi nước để mà đánh lừa tất cả mọi người mà thôi. Khi bọn hào lí tới nơi, chúng chẳng buồn phân biệt đúng sai phải trái như thế nào liền kêu người gô cổ anh học trò lại, sau đó giải trình lên quan trên.
Sau nhiều ngày chịu tra khảo thì anh học trò ấy vẫn một mực kêu với quan trên rằng mình hoàn toàn không có căn cứ gì để là làm hại người vợ cả. Hơn nữa nếu như anh có ý định giết vợ thật thì sau khi giết xong anh chẳng lập tức bỏ trốn mà còn ở lại kêu cứu cái nỗi gì. Nhưng mà anh cũng không nghĩ ra cách nào để có thể tìm ra tên thủ phạm thực sự giết vợ mình, bởi vậy mà vẫn cứ phải chịu cảnh giam trong ngục, chờ quan cứu xét mọi việc.
Vào một ngày ở trong nhà giam mọi người đổ thóc ra phơi để cho bọn tù nhân trong trại xay giã. Bọn lính canh liền chia cho anh học trò công việc nhẹ nhất trong đây chính là canh gà. Anh học trò ngồi ở nơi góc sân và nhìn ra. Khi bầy gà nuôi ở trong trại nhìn thấy thóc thì liền kêu quang quác gọi nhau chạy tới để kiếm ăn. Anh học trò nhìn thấy thì đột nhiên nhớ câu thứ ba trong lời thầy dặn là "nếu gặp gà thì chớ đuổi", vì thế anh cứ mặc cho đám gà ăn thóc chứ không chịu chạy ra xua đuổi chúng. Thấy anh như vậy bọn lính gác liền mắng anh:
- Bảo mày canh gà sao mà mày cứ như phỗng ngồi ở đấy thế hả?
Nghe bọn lính canh mắng anh chỉ nhẹ cười mà không đáp lại. Mấy lần sau đàn gà cũng sà vào mổ thóc, anh học trò thì vẫn cứ ngồi im thin thít, không chịu nhúc nhích tí nào. Khi thấy anh như vậy thì đám lính canh nghĩ là do anh ngang bướng, tiện roi trên tay liền quất cho anh một trận đau. Bị đau, anh học trò lăn lộn kêu khóc rất ầm ĩ.
Đương lúc bấy giờ thì quan đương ngồi trong công đường, vô tình nghe được tiếng ồn ào bên ngoài thì kêu người dưới đến xem có chuyện gì đang xảy ra. Khi đã biết ngọn ngành mọi chuyện thì quan lập tức cho truyền anh học trò đến và hỏi rằng:
- Anh đã là học trò, còn là kẻ mang tội nữa, vậy sao vẫn bướng bỉnh như thế? Mọi người vì thương hại nên chỉ kêu anh ngồi đó canh gà thôi, đó là công việc nhẹ nhất rồi, cớ sao anh vẫn nhất định không làm?
Anh học trò cũng thẳng thắn trả lời:
- Bẩm quan trên, không phải tôi ngang bướng, chỉ là trước lúc trở về thì thầy dạy học của tôi có nói cho tôi bốn câu thơ phòng thân. Hai câu đầu tôi đã nghe theo, nhờ đó mới có thể tai qua nạn khỏi, vì vậy câu thứ ba tôi cũng không thể không nghe theo được.
Quan ngạc nhiên hỏi lại:
- Anh đọc ta nghe xem thơ thế nào?
- Câu đầu tiên là "Gặp đình thì chớ tới". Trên đường về tôi gặp trời mưa vốn định chạy vào trong ngôi đình sắp đổ ấy để trú mưa, suýt chút nữa thì tôi chết thê thảm dưới đống đổ nát ấy rồi. Câu thơ thứ hai là "Nếu gặp thơm thì chớ gội". Vợ tôi bị người ta cắt cổ chết bởi vì đã gội nồi nước thơm mà cô ấy nấu cho tôi. Còn câu thơ thứ ba mà thấy ấy dặn tôi là "Nếu gặp gà thì chớ đuổi". Tôi nhớ tới lời thầy nên mới không dám ra đuổi gà, chứ tôi nào dám bướng bỉnh đâu.
Nghe xong anh trình bày, quan lại vội vàng mà hỏi tiếp:
- Thế câu thơ thứ tư mà thầy anh nói là gì?
- Thưa quan trên, câu cuối cùng là "Còn ba, bốn, sáu thì chớ hỏi".
Buổi đêm ngày hôm đó ông quan nằm trên giường trằn trọc suy nghĩ mãi về cái câu thơ cuối mà anh học trò nói: "ba, bốn, sáu thì chớ hỏi, nói vậy thì chỉ còn lại Năm thôi. Hay là có ai đó tên là Năm, phải chăng đó mới chính là kẻ đã ra tay sát hại người đàn bà kia?". Trong đều nghĩ vậy, sáng hôm sau khi thức dậy thì quan liền thảo trát yêu cầu lý hương xã nơi xảy ra vụ án mạng kia phải tìm ra ngay xem trong xã của mình có kẻ nào tên là Năm không. Nếu như thực đúng có người như thế thì lập tức bắt giữ rồi giải trình lên quan.
Trong xã quả nhiên là có một người đàn ông tên là Năm. Nó cũng chính là tên tình nhân của ả đàn bà bị giết kia. Khi hắn thấy đột nhiên quan nha tới nhà bắt hắn giải đi một cách vô cớ thì liền nghĩ rằng chắc là do oan hồn người nhân ngãi không may bị mình giết hại hiển linh, chứ không thì quan nha không thể nào bắt đích danh hắn được như vậy. Trong lòng nghĩ vậy nên khi bị giải đến quan trường, hắn không chờ bị tra tấn mà đã tự thú hết tội lỗi của mình. Còn anh học trò thì ngay lập tức được giải oan và thả ra.