Ngày xửa ngày xưa, có hai vợ chồng nhà nọ sinh được ba người con trai, họ rất chao chỉ làm ăn. Hai vợ chồng nuôi con cũng rất chăm chút. Từ lâu, tay họ làm ra rất nhiều tiền của, ruộng vườn, nhưng có miếng gì cũng nhịn ăn để dành, những mong gây dựng cho mỗi con một cơ nghiệp riêng. Cho đến ngày cưới vợ cho đứa thứ ba xong, chồng bảo vợ:
- Chúng ta nhờ trời "con có của nên". Nay chúng ta đã đến kỳ răng long tóc bạc mà con thì đã khôn lớn cả. Vậy cũng nên chia tài sản cho chúng nó làm ăn, đứa nào lo phận nấy, để khỏi có sự tranh giành sau này. Có vậy mới yên hưởng tuổi già được!
Thấy vợ ưng thuận, ông già bèn cho mời họ hàng làng nước lại lập chúc thư. Ông chỉ để lại cho mình và vợ một phần nhỏ tài sản để dưỡng lão, còn bao nhiêu của chìm của nổi đều chia hết cho các con.
Tuy đã ngoài 60 tuổi nhưng ông già vẫn còn khỏe mạnh và chưa chịu để tắt chí kinh doanh. Vì thế, sau khi phân chia tài sản cho các con xong, hai vợ chồng lại lao vào công việc làm ăn. Với phần của dưỡng lão, họ lại đưa ra buôn bán. Không ngờ thần tài còn vượng, lãi mẹ đẻ lãi con, tiền bạc lại tuôn về như nước chảy. Không đầy bảy tám năm sau, họ lại trở nên giàu có như trước. Trong khi đó thì ba đứa con của ông, phần thì thiếu kinh nghiệm, phần thì siêng ăn nhác làm, nên cơ nghiệp mới nhen lên chưa được bao lâu đã trở nên sa sút.
Một hôm, cả ba đứa con đều tìm đến gặp bố mẹ và nói:
- Bây giờ bố mẹ ngày một yếu hèn. Theo ý chúng con, bố mẹ chỉ nên nghỉ ngơi tĩnh dưỡng cho khỏe, để phần tài sản lại cho chúng con quản lý, chúng con sẽ xin phụng dưỡng bố mẹ đến mãn đời.
Ông già trả lời:
- Bố mẹ cũng muốn như vậy lắm. Nhưng ngặt vì xưa nay cha mẹ nuôi con thì được, còn con nuôi cha mẹ có phải dễ đâu!
- Bố mẹ đừng lo gì cả. Bọn con nói tiếp. Người ta không có của cha mẹ để lại cũng nuôi được cha mẹ thay, huống hồ phần tài sản của bố mẹ như thế thì lo gì mà chẳng nuôi được!
Ông già nghĩ ngợi hồi lâu rồi hẹn ba tháng nữa sẽ trả lời.
Xung quanh nhà ông già là một vườn cây ăn quả. Ở đấy có rất nhiều tổ chim. Một hôm ông bảo trẻ con lối xóm trèo lên cây muỗm tìm cho mình một tổ chim. Đứa trẻ trèo một chốc bắt xuống cho ông một tổ trong có bốn con: một cặp vợ chồng chào mào và hai con chim con. Ông già thả bố mẹ nó ra rồi làm một cái lồng đẹp, bỏ hai con chim non vào đó. Đoạn cho treo lồng lên cây. Và ông thấy hàng ngày chim cha và chim mẹ ríu rít mang mồi về bám vào lồng, thò cổ vào mà đút cho con. Ông già ngẫm nghĩ: - "Loài chim rất yêu con, dù con có bị bắt cũng không chịu bỏ".
Khi hai con chim đã khôn, ông già lại sai bọn trẻ tìm cách bắt cho được hai con chim cha và mẹ lại. Bắt được rồi, ông bỏ chúng vào lồng mà thả hai con chim con kia ra. Nhưng vừa được phóng thích, hai con chim bay một mạch mất hút, không hề trở lại. Việc đó làm cho ông suy nghĩ nhiều. - "Đồ bội bạc! Chẳng có con nào nhớ tới bố mẹ của nó cả, nói gì tới chuyện đút mồi nữa". Và sau đó ông già kết luận: - "Con người ta cũng vậy thôi. Chỉ có trả nợ xuống mà không có trả nợ lên!"
Ba tháng trôi qua, ba đứa con của ông già lại đến giục bố mẹ trả lời. Ông già kể cho họ nghe chuyện chim chào mào vừa qua, nói lên những nhận xét của mình rồi đáp:
- Bố mẹ chẳng phải muốn giữ của lại làm gì đâu! Khi hai tay buông xuôi rồi, có mang được tý gì xuống âm phủ đâu mà giữ. Nhưng bố mẹ nghĩ rằng những đứa con thường chăm chút cho con mình hơn là cho bố mẹ. Vả chăng, khi đang có ăn thì còn có tình có nghĩa, khi đã túng thiếu rồi thì nào biết bố mẹ là gì nữa. Vì vậy, bố mẹ muốn ở riêng ra như thế này cho đến khi nhắm mắt tắt hơi, làm được gì ăn nấy, không phải làm phiền đến các con!
Nghe nói thế ba đứa con hết lời thề thốt. Đứa thứ nhất thề rằng dù các em có bỏ bố mẹ chăng nữa thì nó cũng sẽ chăm lo cho bố mẹ đầy đủ. Đứa thứ hai thề rằng nó sẽ không để cho bố mẹ phiền hà lấy một câu. Đứa thứ ba thề rằng dù nó có nghèo khổ đến đâu, thì cũng đi ăn xin về nuôi bố mẹ. Bà vợ ông cũng bảo:
- Con nó đã thề thốt như thế, ông nên nghĩ lại! Chim khác, người khác, ông ạ!
Cuối cùng thấy vợ con nói đi nói lại mãi ông già dần dần xuôi lòng, bèn lại mời họ hàng một lần nữa chia phắt tất cả tài sản còn lại cho ba đứa con mà không dành lại cho mình một tý gì.
Trong những năm đầu, ba anh em phụng dưỡng bố mẹ rất tử tế. Miếng ngon vật lạ hễ nghe đâu có bán là cố tìm mua cho bố mẹ ăn. Nhưng từ năm thứ ba trở đi việc hầu hạ đã có phần chểnh mảng. Thêm vào đó, công việc làm ăn của họ lại không khấm khá gì. Cả ba đứa con ông cụ đều là những tay "phá gia chi tử" không kém cạnh gì nhau, nên số tài sản của bố mẹ chia cho không mấy chốc lại đội nón ra đi mất cả. Sự khó khăn ngày một in sâu trên nét mặt họ. Và việc chăm sóc bố mẹ lại càng chểnh mảng. Hơn nữa, ba anh em họ, nhất là ba chị em dâu thường ganh tỵ nhau từng đồng tiền bát gạo. Trước kia cả ba hàng năm góp tiền lại cho một người để nuôi bố mẹ. Dần dần sự đóng góp không được đầy đủ như trước. Thấy kẻ này thiếu một vài quan, người nọ cũng nhất định giữ lại chừng ấy không chịu đưa. Về sau, họ bàn nhau mỗi người luân phiên nuôi bố mẹ một năm. Nhưng người anh cả sợ rằng lỡ ra bố mẹ chết sớm thì người chưa nuôi có lợi, mà người đã nuôi sẽ bị thiệt thòi, nên rút xuống nửa năm, rồi lại rút xuống ba tháng. Cuối cùng họ đồng tình mỗi người nuôi một tháng, nhưng không theo thứ tự nào cả mà bằng cách rút thăm. Càng già gân cốt càng suy, đi lại không được, do đó càng đòi hỏi phải chăm chút nhiều hơn. Thế mà trái lại, mỗi ngày sự nuôi nấng cha mẹ mỗi tệ, thậm chí con chỉ mong đến kỳ hạn để tống bố mẹ đi.
Cứ như vậy chưa đầy ba năm bố mẹ vì không chịu được đói và rét, lần lượt qua đời. Do truyện này mà có câu:
Cha mẹ nuôi con bằng trời bằng bể,
Con nuôi cha mẹ con kể từng ngày.
Hay là:
Cha mẹ nuôi con bể hồ lai láng,
Con nuôi cha mẹ kể tháng kể ngày [1].
KHẢO DỊ
Việt Nam còn có truyện Bù chì:
Có bốn anh em trai đều ở riêng nuôi một cha già. Họ chia nhau mỗi người nuôi một năm. Về sau ganh tỵ nhau, rút xuống còn ba tháng và giao hẹn trước khi nhận bố về nuôi thì phải cân, nếu ai để bố nhẹ cân thì người sau không nhận, bắt người trước phải nuôi cho đến lúc lên cân.
Trong đám con có một người rất keo kiệt, không cho bố ăn đầy đủ. Khi sắp đến phiên bàn giao, hắn biết rằng sẽ sút cân, nên đúc sẵn một cục chì để lúc cân bắt bố giắt vào cho nặng. Vì vậy có câu tục ngữ "Còn cha, pha chì nốt."
Một dị bản của truyện Bù chì kể có hơi khác. Đại thể cũng có bốn anh em trai nuôi một bố già, cũng hẹn nhau mỗi người phải nuôi ba tháng và khi bàn giao cũng phải cân. Cân không đầy đủ thì phải nuôi cho đến lúc lên cân.
Trong số đó có một đứa nhà rất nghèo, nuôi bố bữa đực bữa cái. Sắp đến kỳ bàn giao, rất lo bố sẽ sút cân. Bố thương tình đúc một hòn chì đeo vào cho nặng. Vì vậy có câu tục ngữ "Cha mẹ bù chì cho con" [2].
[1] Theo Lăng-đờ (Landes), sách đã dẫn và lời kể của người Nam-bộ.
[2] Theo Trương Vĩnh Tống. Mỹ Ẩm tùy bút.