TruyệnXưaTíchCũ.cOm

Cho tôi một vé về với tuổi thơ.

Trước Tiếp theo

Đánh giá: 2/5 - 25 phiếu
Truyền thuyết nữ tướng Lê Chân - nữ tướng biên phòng đầu tiên của nước ta

Tương truyền Đức Thánh Mẫu Lê Chân ở đền Nghè, Hải Phòng, Lê Chân là người con gái quê ở một làng nhỏ gọi là làng An Biên, huyện Đông Triều (tên cổ là làng Vẻn), huyện Đông Triều, phủ Kinh Môn, Hải Dương (nay thuộc Hải Phòng). Cha là Lê Đạo làm nghề thuốc, sống rất nhân từ quảng đại và sẵn lòng bao dung cứu giúp kẻ nghèo khó sa cơ lỡ bước, được dân chúng xa gần mến phục. Vợ ông là bà Trần Thị Châu cũng nổi tiếng là người thùy mị, đảm đang và nhân đức. Hiềm một nỗi hai ông bà mặc dù tuổi đã cao mà chưa sinh được người con nào để vui cảnh tuổi già hôm sớm. Ông bà đi lễ bái, cầu phúc nơi cửa Phật trên núi Yên Tử. Thế rồi, bà mẹ có thai và sinh được một cô con gái vào ngày mồng 8 tháng 2, đặt tên là Lê Chân (Về việc sinh ra Lê Chân, theo sách Những gương mặt phụ nữ Việt Nam qua tư liệu Hán Nôm (NXB KHXH Hà Nội, 1996), "trong một lần ông bà tới chùa Yên Tử cầu Phật, bà mơ thấy có một vị thiên sứ nói rằng Ngọc Hoàng sẽ cho một vị tiên nữ giáng trần, làm con trong 40 năm, gia đình sẽ được vinh hiển, con trai cũng không sánh kịp. Rồi một hôm, bà Trần Thị Châu dậy sớm ra đồng, thấy một dấu chân to, bèn ướm thử chân mình vào, không ngờ, trở về cảm động mà có thai, mãn kỳ sinh ra một bé gái (ngày 8//2) cực kỳ xinh đẹp. Ông bà nhớ tới dấu chân ướm thử khi trước, bèn đặt tên là Lê Chân"). Càng lớn, Lê Chân càng xinh đẹp, lại nết na chăm chỉ. Đến năm 18 tuổi thì sắc đẹp và đức hạnh của nàng đã nổi tiếng khắp vùng.

Thủa ấy, nước ta đang bị bọn xâm lược Nam Hán đô hộ. Dưới thời đất nước bị xâm lăng, sắc đẹp mê hồn của nàng Lê Chân lại là một nguyên nhân gây cho gia đình nàng tai biến không ngờ. Trong một lần viên Thái thú Tô Định đi kinh lý qua miền Đông Triều, có kẻ nịnh thần tâu với Thái thú rằng Lê Chân là một tiên nữ giáng thế. Tô Định dùng quyền thế để ép nàng làm vợ, nhưng bị nàng và gia đình nhất mực từ chối. Vì chuyện cầu hôn không thành mà Tô Định đã hãm hại cả cha mẹ nàng. Căm giận quân cướp nước tham tàn, bỉ ổi, nàng Lê Chân quyết chí trả thù nhà, đền nợ nước. Nàng đã tìm được thầy dạy cho mình võ nghệ, binh thư. Khi đã tinh thông quyền cước, nàng theo đường sông xuôi xuống phía Nam, di cư đến đất An Dương, cửa sông Cấm, thấy địa hình, đất đai thuận lợi bà dừng lại lập trại khai phá để chiêu tập binh mã. Vùng đất An Dương lúc bấy giờ chỉ là một bãi đất phù sa mới bồi, lơ thơ mấy khóm cây dại, mấy túp lều tranh của phường chài lưới. Lê Chân chiêu mộ nhân dân khai hoang, lập ấp, phát triển nghề trồng dâu, nuôi tằm và đánh bắt thủy hải sản. Chẳng bao lâu sau, dân cư trong vùng ngày càng đông đúc, chợ búa mọc lên, sầm uất, bà đặt tên vùng này là An Biên trang. Chợ An Biên mở ra từ đó. Lê Chân âm thầm tích trữ lương thực, sắm sửa vũ khí và thu nạp quân sĩ huấn luyện võ nghệ, binh pháp. Bà đã liên kết với nhiều hào kiệt quanh vùng như Lệnh Bá, Chính Trọng ở Quỳnh Cư (xã Hùng Vương), Trương Lại, Trương Tề, Trương Độ người Thiềm Khê (Thủy Nguyên), ba chị em Tạ Huy Thâu, Tạ Ả Ráng, Tạ Đoan Dung (Tiên Minh, Tiên Lãng),... cùng thề đoàn kết chống Tô Định. Cả vùng An Dương trở thành một khu căn cứ lớn của nghĩa quân. Binh sỹ của Lê Chân được huấn luyện chu đáo và có sở trường về thủy trận.

Mùa Xuân năm Canh Tý (năm thứ 40 sau CN), từ vùng đất Mê Linh, Phong Châu, hai chị em Trưng Trắc và Trưng Nhị phất cờ khởi nghĩa chống lại sự áp bức hà khắc của Thái thú Tô Định. Hai Bà hội quân ở Hát Môn (thuộc huyện Phúc Thọ tỉnh Hà Tây cũ) tổ chức lễ tế cáo trời đất, truyền hịch kêu gọi anh hùng hào kiệt các nơi. Hịch khởi nghĩa của Hai Bà Trưng bay về vùng biển An Biên. Lê Chân đưa đội quân của bà từ vùng biển Đông về tụ nghĩa. Lê Chân lên xứ Đoài tìm gặp người đồng tâm mưu nghiệp lớn. Hai Bà Trưng phong cho Lê Chân làm tướng, để ngày đêm cùng bàn kế sách khởi nghĩa. Hai Bà Trưng phong cho Lê Chân là Thanh Chân công chúa. Lê Chân cùng Bình Khôi công chúa đem quân đi đánh Tô Định, quân Định tan vỡ chạy về Bắc). Được nhân dân đồng thanh tán thưởng, kẻ góp sức, người giúp của, cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng đã nhanh chóng lan rộng ra khắp các quận Giao Chỉ, Cửu Chân, Nhật Nam và Hợp Phố. Chẳng bao lâu, quân khởi nghĩa đã hạ được 65 thành. Bọn tàn quân Tô Định phải chạy trốn về quận Nam Hải. Hai Bà Trưng xưng vương, đóng đô ở Mê Linh:

"Đô Kỳ đóng cõi Mê Linh Lĩnh Nam riêng một triều đình nước ta" (Quốc sử diễn ca – Hồ Chí Minh)
Hai Bà Trưng giao cho Lê Chân trọng trách "Chưởng quản binh quyền nội bộ", đóng đại bản doanh ở Giao Chỉ. Sớm nhận thấy vị trí quan trọng của vùng biển Đông Bắc trong cuộc kháng chiến chống quân nhà Hán, Hai Bà Trưng đã "chọn mặt gửi vàng", giao cho bà Lê Chân trở về trấn giữ vùng cửa biển Đông Bắc, quê hương bà, với chức "Hải Tần phòng thủ". Nhiều người cho rằng tên gọi Hải Phòng ngày nay có nguồn gốc từ cụm từ Hải Tần phòng thủ có từ khi bà Lê Chân được Hai Bà Trưng giao cho trọng trách xuống trấn thủ vùng cửa biển Hải Đông này.

Bà Lê Chân trở về quê làng An Biên ở Đông Triều rồi đem quân dân sang huyện An Dương lập ấp mở trại, đặt ra An Biên trang. Bà cùng nhân dân khai khẩn đất hoang, nơi vùng dọc theo sông Tam Bạc biến thành đồng ruộng trồng lúa và bãi dâu xanh tốt. Tiếp nối công đức của cha, bà Lê Chân mở rộng lòng từ thiện cứu giúp người nghèo, khuyến khích nghề nông. Trong vùng, dân cư ngày càng đông đúc, trù phú.

Trưng Vương ở ngôi 3 năm, thanh thế ngày càng lừng lẫy. Không cam chịu thất bại, nhà Hán đã sai viên đại tướng 58 tuổi Mã Viện – người từng có nhiều thủ đoạn đàn áp các cuộc khởi nghĩa của nông dân Trung Quốc, làm Phục Ba tướng quân mang quân sang báo thù. Địch đóng quân ở Lãng Bạc (nay thuộc vùng Tiên Sơn, tỉnh Hà Bắc). Theo sách Những gương mặt phụ nữ Việt Nam qua tư liệu Hán Nôm (NXB KHXH Hà Nội, 1996), "Bà Trưng sai các đạo về ứng chiến. Quân Hán thường thua. Một hôm, Bà Trưng cưỡi voi đuổi giặc, gió thổi tung khăn, giặc biết là nữ, chúng bèn cởi truồng ra mà đánh. Bà Trưng xấu hổ rơi cả vũ khí. Biết thua, Bà cùng Nhị tướng nhảy xuống sông Nhĩ Hà tự tử (ngày 15 tháng Chạp). Cuộc kháng chiến của Hai Bà Trưng bị Mã Viện đàn áp dã man, song cuộc chiến đấu vẫn còn tiếp diễn. Bà Lê Chân đã tổ chức lấp suối, ngăn sông, chặn đánh thủy binh của Mã Viện. Lực lượng tuy thua kém quân giặc nhưng tinh thần chiến đấu của các nghĩa quân rất cao, gây cho giặc nhiều thiệt hại. Bà đã rút quân về vùng Lạc Sơn (thuộc xã Thanh Sơn, huyện Kim Thanh, Hải Dương ngày nay), xây dựng căn cứ tiếp tục chiến đấu. Nhưng sau một trận đánh ác liệt, nghĩa quân tan vỡ, bà đã tuẫn tiết tại núi Dát Dâu (theo Đền miếu Việt Nam, Vũ Ngọc Khánh chủ biên, NXB Thanh niên, 2000, tr 239). Để tưởng nhớ công đức của bà Lê Chân, dân làng An Biên bảo nhau dựng đền thờ bà. Sách Những gương mặt phụ nữ Việt Nam qua tư liệu Hán Nôm (NXB KHXH Hà Nội, 1996), viết: "Sau khi công chúa chết, thường rất linh ứng, báo mộng cho nhân dân An Biên biết để phụng thờ. Hàng năm, vào ngày 3 tháng Giêng đến lễ, cầu xin rất linh ứng. Đến thời Trần, quân Chiêm Thành xâm lấn nước ta, nàng phù hộ, trợ giúp cho vua Trần Anh Tông đánh thắng giặc, được vua phong là Thánh Chân công chúa Thượng đẳng phúc thần".

Công lao khai phá và lập ra làng An Biên xưa và Hải Phòng ngày nay của bà Lê Chân mãi mãi được các thế hệ nhân dân quê hương bà không bao giờ quên. Tại trang An Biên xưa, nay là phố An Biên, thành phố Hải Phòng, vẫn còn có Đền Nghè thờ bà. Hàng năm, nhân dân vẫn hương khói thờ phụng Lê Chân vị nữ anh hùng, người có công xây dựng và bảo vệ vùng biển Đông Bắc của Tổ quốc. Cũng như nhiều tướng tá của Hai Bà Trưng sau khi chết được thờ làm thành hoàng ở nhiều nơi, bà Lê Chân được người dân vùng An Biên thờ làm thành hoàng Hải Phòng.

Tên của bà được dùng để đặt cho một quận thuộc thành phố Hải Phòng, quận Lê Chân được thành lập vào năm 1961, ban đầu gồm 11 phường, với vị trí tiếp giáp quận Ngô Quyền và một phần huyện Kiến Thụy ở phía Đông; quận Kiến An, huyện An Dương ở phía Tây; huyện Kiến Thụy ở phía Nam và quận Hồng Bàng ở phía Bắc.

Xem ngay truyện hay khác

  1. Anh chàng nghèo khổ (Tạo lúc: 05/03/2015)
  2. Ba sợi tóc vàng của quỷ (Tạo lúc: 05/03/2015)
  3. Nàng công chúa và hạt đậu (Tạo lúc: 06/03/2015)
  4. Những bông hoa của cô bé Ida (Tạo lúc: 06/03/2015)
  5. Chiếc nón lá của Jizo - Sama (Tạo lúc: 07/03/2015)
  6. Shitakiri Suzume (Tạo lúc: 07/03/2015)
  7. Urashima Taro (Tạo lúc: 07/03/2015)
  8. Anh chàng chăn lợn (Tạo lúc: 10/03/2015)
  9. Cô bé chăn ngỗng (Tạo lúc: 11/03/2015)
  10. Con lợn ống tiền (Tạo lúc: 12/03/2015)

Bình luận hoặc góp ý về nội dung

Tìm kiếm


Danh mục

Chủ đề hay bạn quan tâm

Hài hước - vui nhộn