Hoa bỉ ngạn Bỉ Ngạn loài hoa của sự chia ly, đau khổ, không may mắn, với vẻ đẹp của cái chết, hoa gợi về một hồi ức đau thương.
Bỉ Ngạn còn có tên khác là Mạn Châu Sa, Mạn Đà La, San Ô Độc, Long Trảo Hoa, Spider Lily, Tử Nhân Hoa, Vong Xuyên Hoa, Hồng Hoa Thạch Toán, U Linh Hoa và Địa Ngục Hoa. Đây là loại cây họ Ngải, thân thảo, hoa mọc thành chùm, lá thon dài mọc lên từ gốc. Mùi hương của hoa này có tác dụng thư giãn, tạo cảm giác thoải mái nhưng trong cây lại có độc tính nên không được dùng trong y học. Kinh điển Phật giáo thường nhắc đến việc Chư Thiên dùng hoa Mạn Đà La cúng dường Đức Phật, nó cũng chính là nguồn ý tưởng cho sự sáng tạo ra hình thức đàn tràng, các loại pháp khí Phật giáo cũng như nghệ thuật hội họa và kiến trúc Mandala.
Truyền thuyết hoa Bỉ Ngạn:
Ở cõi Thiên giới có nàng công chúa Châu Nhi, cô và Hoa tướng quân đem lòng yêu nhau say đắm. Hai người đã định xin Thiên đế ban hôn, ai ngờ đúng lúc ở góc trời có yêu ma quấy nhiễu, chàng phải cầm binh đi chinh chiến. Lúc trở về chàng mới biết Thiên đế đã gả công chúa cho Tiên tôn để kết tình hữu nghị, Hoa vào cung cầu gặp Thiên đế giải bày sự việc nhưng Người hạ lệnh giam chàng vào thiên lao. Châu Nhi trốn vào thăm tình quân và họ cùng bàn tính kế hoạch bỏ trốn. Hoa vốn là dòng Thiên tướng pháp lực cao cường, chẳng mấy chốc đã chạy khỏi thiên đình. Thiên đế biết được sai thiên binh thần tướng đuổi theo bắt lại. Cả hai bị binh mã bao vây, giữa trùng vây thập diện mai phục, tiến thoái lưỡng nan, chàng đành ôm lấy nàng, thi triển bí thuật biến hai người thành một loài hoa. Thiên binh thiên tướng không còn biết cách nào để mang họ về, đành đem tâu với Thiên đế và gọi loại hoa này là Mạn Châu Sa. Thiên đế không chấp nhận để thua, ông muốn Hoa và Châu Nhi phải vĩnh viễn phân ly nên đã ban ra trớ chú: "Mạn Châu Sa Hoa, ngàn năm hoa nở, ngàn năm hoa tàn, lá ngàn năm sinh, lá ngàn năm úa. Hoa và lá dù ở trên một cây vẫn là mãi mãi không gặp nhau". Vốn dĩ chàng muốn là tán lá mạnh mẽ, mãi ấp ôm yêu thương và bảo vệ cho những cánh hoa mỏng manh kia, nhưng giờ thì chẳng lẽ ngàn năm ly biệt? Không ngờ hàng vạn năm trôi qua, trớ chú ấy cũng dần phai nhạt, đến một ngày thì hoa và lá cùng nhau bung nở. Thiên đế lại biết được, sai thiên binh thiên tướng mang hoa về trời, hoa và lá cùng bung nở nên đã khôi phục pháp lực, Mạn Châu Sa tìm đường trốn nhưng chân trời góc bể chẳng biết trốn đâu, cuối cùng đành tìm nơi đối nghịch với Thiên giới là Địa ngục mà trú thân.
Thiên binh thiên tướng ráo riết đuổi xuống Địa ngục, chúng sinh ở Ma vực chẳng ưa thái độ cao ngạo của họ và lại cảm thông cho mối tình ngàn năm của Mạn Châu Sa nên đã bênh vực, cuối cùng không ngờ xảy ra một trận Thần Ma đại chiến vô cùng khốc liệt. Tướng sĩ hai bên vong mạng vô số, máu của họ chảy vào gốc cây Mạn Châu Sa và được hấp thụ, hoa từ màu trắng tinh khiết cũng biến thành sắc đỏ yêu dị. Đột nhiên từ trong bông hoa phóng ra một luồng huyết quang chấn động khiến cho kinh thiên động địa, quỷ khóc thần sầu, vầng sáng ấy khiến cho binh tướng hai bên thảy đều tan biến. Chính vì sự chấn động này mà Thiên đế, Tiên tôn, Ma vương, Quỷ vương đều tụ họp xem việc gì xảy ra, Thiên đế vẫn đau đáu muốn mang Mạn Châu Sa về giam cầm nhưng tiếc thay máu của muôn ngàn tướng sĩ chảy vào tích thành oán khí ngút trời, Mạn Châu Sa giờ đây đã vượt khỏi tam giới, siêu thoát ngũ hành, không còn tuân theo quy luật sinh diệt nữa. Oán khí ngàn năm của Mạn Châu Sa tích tụ và đưa lối cho những chúng sinh luân hồi chốn âm ty. Vậy là Thiên đế quyết định để Mạn Châu Sa ở lại dưới cõi hoàng tuyền. Từ đó bên bờ Vong Xuyên dưới cầu Nại Hà có loại hoa đỏ rực dẫn đường cho những đôi tình nhân bị chia cắt, cho những kẻ si tình nhiều oán khí quay lại luân hồi sinh tử và thọ hưởng nhân quả được chú định. Về sau nhân gian còn gọi đó là hoa Bỉ Ngạn.