- Trang chủ >
- Truyền thuyết Việt Nam >
- Lưỡng quốc Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi - P2
Trong thời gian lưu lại triều đình nhà Nguyên, Mạc Đĩnh Chi thỉnh thoảng cũng đi thăm viếng các vị quan lại, hoặc họ tự tìm đến công quán để thăm hỏi lại. Mặc dù đã được Hoàng đế và cả bộ Lễ thừa nhận, nhưng tài năng, cốt cách của Mạc Đĩnh Chi, dường như vẫn còn có điều gì đó khiến họ băn khoăn, nên hễ có dịp là lại đua nhau trực tiếp đến thử tài viên Chánh sứ Đại Việt, bằng cách đưa ra những vế đối đã được nghiền ngẫm từ trước. Một số đến để thử tài một cách vô tư, còn một số nữa đến vừa thử tài vừa có ý khinh bỉ, trịch thượng. Tuy nhiên, đối với cả hai loại người, vế đối của Mạc Đĩnh Chi bao giờ cũng thoả mãn được ở mức độ tối đa, vừa đối ý, đối lời lại vừa đối cảnh, và hơn thế nữa, lần nào Mạc Đĩnh Chi cũng đối một cách ngay tức thì, dường như đối phương chỉ mới đọc xong vế ra, là lập tức Mạc Đĩnh Chi đã có vế đối lại, tất cả đều thật hoàn chỉnh! Xin dẫn ra sau đây về những lần đối đáp ấy:
- Sau hôm bị ngã ngựa do trống đánh, viên quan coi công quán bèn cấp cho Mạc Đĩnh Chi một con lừa để đi lại. Một lần ra đường, con lừa Mạc Đĩnh Chi đang cưỡi đã đụng phải con ngựa của một viên quan nhà Nguyên. Viên quan này mặt vênh lên hất hàm rồi ra vế đối như thể một câu hỏi:
- Xúc ngã kỵ mã, đông di chi nhân dã, tây di chi nhân dã?
(Húc vào ngựa ta cưỡi, là người rợ phương đông hay là người rợ phương tây?)
Lập tức, Mạc Đĩnh Chi cũng vênh mặt lên chẳng kém, rồi điềm nhiên đọc câu trả lời:
- Át dư thừa lư, nam phương chi cường dư, bắc phương chi cường dư?
(Ngăn lừa ta cưỡi, hỏi phương nam mạnh hay là phương bắc mạnh?)
Lần khác, một viên Đại thần vào loại hay chữ nhất của triều Nguyên đến công quán. Sau khi đàm đạo hai bên cũng đã lại đối đáp với nhau như sau:
- Vế ra: "Kỷ: dĩ, mộc; bôi: bất, mộc; như hà dĩ kỹ vi bôi?"
(Chữ kỷ là gỗ kỷ, gồm chữ dĩ và chữ mộc; chữ bôi là chén, gồm chữ bất và chữ mộc; cớ sao lại lấy gỗ kỷ làm chén?)
- Vế đối: "Tăng: tằng, nhân; phật: phất, nhân, như hà dĩ tăng sự phật?"
(Chữ tăng là sư do chữ tằng và chữ nhân ghép lại; chữ phật là bụt, do chữ phất và chữ nhân ghép lại, tại sao lại bắt tăng thờ phật?)
- Vế ra: "Nhật hoả vân yên, bạch đán thiên tàn ngọc thỏ"
(Mặt trời là lửa, mây là khói, sáng ngày đốt cháy mặt trăng).
- Vế đối: "Nguyệt cung tinh đạn, hoàng hôn xa lạc kim ô"
(Trăng là cung, sao là đạn, chiều tối bắn rụng mặt trời).
Căn cứ vào vế đối, về sau có người bình luận: cháu chắt Mạc Đĩnh Chi sẽ có người thoán đoạt ngôi vua!
- Vế ra: "An khử nữ dĩ thỉ vi gia"
(Chữ An bỏ chữ nữ đi, thêm chữ thỉ vào thành chữ gia (nhà).
- Vế đối: "Tù xuất nhân nhập vương thành quốc"
(Chữ Tù bỏ chữ nhân, thêm chữ vương thành chữ quốc (nước).
Cũng căn cứ vào vế đôi, người đời sau bình luận: cháu chắt Mạc Đĩnh Chi sẽ có người lập nên nghiệp Đế (làm vua). Song vì đây là chữ quốc đơn, nên giữ nước không bền.
- Vế ra: "Ly, nụy, võng, lượng, tứ tiểu quỉ"
(Ly, nụy, võng, lượng là bốn con quỉ nhỏ )
- Vế đối: "Cầm, sắt, tỳ, bà, bát đại vương"
(Các chữ: cầm, sắt, tỳ, bà có tám chữ vương ở trong)
Lại căn cứ vào vế đối, người đời sau bình luận: cháu chắt Mạc Đĩnh Chi sẽ có người được cúng tế huyết thực (lễ tế vua)
Viên Đại thần nọ, mặc dù rất thán phục Mạc Đĩnh Chi, nhưng khi ra về lại đem câu đối đáp kia nói chuyện với một viên đồng liêu khác. Viên quan này vốn tự thị lại xấc xược, đã nghĩ ra một vế đối thật trịch thượng, để hôm sau đến đưa cho Mạc Đĩnh Chi:
- Quých khiếu tường đầu đàm Lỗ luận, tư chi vi tư, bất tư vi bất tư, thị tư.
(Chim chích hót đầu tường, bàn đến sách Luận ngữ, biết thì bảo rằng biết, không thì bảo rằng không, như thế mới là hiểu biết).
Nào ngờ khi đọc xong, nét mặt Mạc Đĩnh Chi vẫn thản nhiên như thường, lại còn khẽ mỉm cười, rồi cầm bút viết ngay lời đối, đưa lại:
- Oa minh từ thượng độc Châu thư, lạc đồng kỳ lạc, độc lạc dữ chúng lạc, thục lạc.
(Ếch kêu bờ ao đọc sách Mạnh tử, vui cùng mọi thứ vui, vui một mình hay vui chung, đằng nào vui hơn?).
Viên quan triều Nguyên bị bẽ mặt, vì nhận được lời "mỉa" lại cũng thật đích đáng, nên không còn vẻ dương dương tự đắc như lúc mới đến.
Tiếng đồn về quan Chánh sứ Đại Việt có tài ứng đối như thần từ đó lan truyền ra khắp Yên kinh, khiến cho từ quan lại cho đến thường dân, mỗi khi nhìn thấy Mạc Đĩnh Chi ra đường, lại xôn xao bàn tán. Hai tháng lưu lại ở Kinh đô của cái xứ sở mà người ta đang sùng bái môn tướng số, mỗi khi tới đâu, Mạc Đĩnh Chi đều bị mọi người nhìn mặt chằm chằm để cố tìm ra một nét gì đấy của "quí tướng". Thế nhưng họ lại chẳng thấy được gì! Thế rồi, do tò mò mà cũng do chưa tìm được lời giải thích thoả đáng, nên người ta đã vào cả nhà xí để xem phân của ông. Chẳng biết có phải vì người phương nam đến phương bắc không hợp thuỷ thổ, hay là do ăn uống không quen với bánh mỳ cặp thịt, nên vị Chánh sứ Đại Việt thường xuyên bị táo bón. Thế nhưng, khi nhìn thấy những cục phân lổn nhổn gần giống với hình vuông, thì người ta lại khăng khăng bảo đấy là hình vuông, đấy là "ẩn tướng", rồi mang câu chuyện lan truyền ra thêm mãi.
*
* *
Những truyền thuyết, giai thoại về Mạc Đĩnh Chi kể ra còn nhiều thêm nữa. Có thể do người các đời sau, vì thán phục văn chương và tài ứng đối của ông nên đã đặt thêm ra những câu chuyện ly kỳ có phần giống với nhiều nhân vật khác. Chẳng hạn, như trong lần đi sứ triều Nguyên, có viên quan đã yêu cầu ông phải đối trong lúc đang tắm, khi ngụp ở dưới nước nhô lên đã phải đối ngay. Vế của họ ra vừa dài vừa khó, vậy mà Mạc Đĩnh Chi đã đối lại thật chỉnh, không thể bắt bẻ ở bất cứ điều gì. Hoặc như việc ông đã làm một bài thơ tứ tuyệt thật hay, trong đó câu nào cũng có chữ "nhất", để viếng một bà hậu phi của triều Nguyên vừa mới qua đời, mà người ta cứ ngỡ là thơ của Lý Bạch (thi thánh đời Đường) tái thế.
Sau khi Mạc Đĩnh Chi đi sứ trở về, các việc được tâu lên, vua Trần Anh Tông rất hài lòng, thăng cho ông vào Đại liên ban, chức Tả bộc xạ. Từ đấy, đường quan chức của Mạc Đĩnh Chi thẳng tiến thênh thang. Tuy nhiên, chỉ có điều trước sau không thay đổi, ấy là việc dù thăng tới chức nào thì ông vẫn giữ vững nếp nhà thanh bần, cần kiệm.
Trải qua đời Anh Tông, đến đời Minh Tông nhà vua nghe quần thần nói về phẩm hạnh của ông lại không tin, bèn sai lính hầu ban đêm đem tiền đến bỏ vào nhà ông, để thử. Nhưng sáng hôm sau thấy tiền, ông đem trình nhà vua trả lại như Đại Việt sử ký toàn thư đã viết. Đến cuối đời, dưới triều Trần Hiến Tông ông được thăng chức "Nhập nội hành khiển hữu ty lang trung", rồi " Tả ty lang trung" tức là ở ngôi vị Tể tướng.
Sinh thời Mạc Đĩnh Chi sáng tác thơ văn khá nhiều, ngoài ra, ông còn làm cả "huấn thư" để răn dạy con cháu về sau. Tuy nhiên đến nay, phần lớn đều đã thất truyền, chỉ còn bài "tán" đề trên quạt khi đi sứ Nguyên chép trong Đại Việt sử ký toàn thư, một bài thơ trong Việt âm thi tập và một bài phú trong Quần hiền phú tập.
*
* *
Trong con mắt của người đương thời cũng như các thế hệ về sau, Mạc Đĩnh Chi luôn luôn được đánh giá như là mẫu mực của tài năng, đức độ và phẩm tiết. Nguyễn Trung Ngạn, tự là Giới Hiên, một người nổi tiếng "thần đồng", đỗ Hoàng giáp năm 16 tuổi cùng khoa với Mạc Đĩnh Chi, mặc dù cũng khá tự phụ(1) lại làm quan to (cuối đời làm "Đại doãn kinh sư" rồi "Nhập nội hành khiển") nhưng vẫn có thơ ca ngợi ông như sau:
Đệ nhất khôi nguyên tảo trí thân
Cư quan bất cải cựu thanh bần
Phiến minh hựu trọng Yên đài khách
Sử tiết ưng tri quốc hữu nhân.
Nghĩa:
(Đệ nhất khôi nguyên đã sớm lập thân
Làm quan nhưng không thay đổi nếp sống thanh bần
Bài minh trên quạt càng đề cao vị thế của người khách ở Yên kinh.
Những người cầm cờ tiết đi sứ nên nhớ rằng nước mình (xưa nay) vẫn có người (tài giỏi)).
Còn trong Thiên nam sự tích của một nhà nho khuyết danh thời cuối Lê thì đánh giá: "Ông thật đáng là nhân vật tài giỏi hơn hết trăm đời".
Thời hiện đại, tên tuổi và sự nghiệp của Mạc Đĩnh Chi cũng vẫn là tấm gương sáng để các thế hệ học sinh noi theo. Trên khắp đất nước ta, số trường học mang tên Mạc Đĩnh Chi, vì thế, cũng khá nhiều.
Bình sinh, khi còn làm quan Mạc Đĩnh Chi vẫn luôn giữ vững nếp sống thanh bần, cho nên trước khi mất, chắc ông cũng không dặn lại con cháu phải xây lăng mộ to lớn cho mình. Tuy nhiên, đến Mạc Đăng Dung (cháu đời thứ bảy) sau khi chiếm được ngôi vua của họ Lê, đã truy phong cho ông là "Huệ cảm Linh khánh Đại vương" và bà phu nhân của ông là "Lưỡng quốc Từ chính Công chúa", rồi trùng tu lăng mộ cho thật bề thế sang trọng. Lại xây dựng trên nền ngôi nhà cũ của ông ở Lũng Đông làm thành "Sùng đức điện" và đắp một quả đồi lớn ở phía bắc sông Sùng Giang, xây nhà bái điện trên đó. Hàng năm triều đình (thời Mạc) cử quan Đại thần về đấy tế lễ, còn thường nhật, hễ có viên quan nào đi qua, cũng đều phải xuống ngựa đến thắp hương lễ bái. Đến khi nhà Mạc bị nhà Lê Trịnh diệt, các tục lệ ấy đều đã không còn, và các ngôi điện thì cũng bị phá huỷ, chỉ còn trơ lại nền đất cũ.
Tuy nhiên, trong ký ức của dân chúng trong vùng, được truyền lại từ nhiều đời nay, mặc dù trong cháu chắt của Mạc Đĩnh Chi đã có người hàng giặc (Minh) hoặc cướp ngôi (nhà Lê) thì bản thân ông, cũng không vì thế mà bị người đời quên lãng. Mạc Đĩnh Chi vẫn được thờ làm thần Thành hoàng ở bản quán, nơi ông đã được sinh ra. Ngoài ra, lại còn có hẳn một câu chuyện truyền thuyết ghi nhận về những việc làm công đức của ông đối với quê hương. Câu chuyện đó như sau:
Khi Mạc Đĩnh Chi cùng đoàn sứ bộ đang rong ruổi ở xứ người thì ở nhà, bà vợ và người hầu gái của ông đều bị ốm chết. Khi ông về đến chợ Hoàn Dương (Quảng Tây - Trung Quốc), ban đêm ngủ lại, nằm mơ thấy người hầu gái đến gặp vừa khóc vừa nói rằng:
- Phu nhân đã mất, hiện tại đang bị giam giữ trong ngục tối của Diêm Vương thật là khổ cực, xin ông hãy đến đó cứu cho.
- Ta đang sống, lại đang mặc quần áo vua ban thế này thì làm sao mà xuống dưới ấy được? - Mạc Đĩnh Chi trả lời.
- Không sao. Tôi đã mang sẵn quần áo khác cho ông đây - Người hầu gái thưa.
Ông nhận quần áo, vào phòng trong thay, rồi trở ra, theo người hầu gái xuống âm ty, đến trước cửa ngục nơi bà vợ ông đang bị giam giữ ở trong. Ông thấy một quỉ sứ ngồi canh vạc dầu lớn đang sôi lên sùng sục. Ông hỏi quỉ sứ:
- Dạ, bẩm... Ngài, đun vạc dầu đó để làm gì kia ạ?
Quỉ sứ trả lời:
- À. Ta đang chờ người nữa đến để lôi mụ ở trong kia ra, cho vào đây đấy.
Mạc Đĩnh Chi hỏi lại:
- Dạ, nhưng mụ ấy đã mắc vào tội gì thưa Ngài?
Quỉ sứ lại trả lời:
- Tội có từ đời ông nội của chồng mụ, đã dám đem tượng Phật bằng đồng ra nấu chảy để đúc đồ gia dụng. Mụ sẽ phải chịu tội thay.
Mạc Đĩnh Chi chột dạ: Ngày còn bé, ông đã được chứng kiến ông nội của mình, có làm việc này. Vậy bây giờ phải làm sao đây? Thôi thì..., ông đành thú thực với quỉ:
- Dạ, bẩm... Chẳng dám giấu Ngài. Chính tôi là cháu nội của người đã làm điều phạm thượng hồi trước. Bây giờ xin Ngài thương tình gia ân, bảo phải làm cách gì để chuộc lại lỗi lầm ấy tôi cũng xin chịu. Chỉ xin Ngài tha thứ cho mụ vợ xấu số của tôi.
Quỉ sứ ngồi suy nghĩ hồi lâu, rồi cuối cùng thủng thỉnh đáp:
- Luật quả báo sớm muộm gì thì cũng phải hoàn tất. Nếu nhà ngươi thành tâm, về dương thế dựng được chín chiếc cầu, lại xây được một đàn đại tế nữa, thì ta sẽ tâu với Diêm Vương, xin miễn tội cho vợ của nhà ngươi.
Mạc Đĩnh Chi nghe xong, vội quì ngay xuống trước mặt quỉ:
- Dạ, bẩm... Đĩnh Chi tôi xin ghi nhớ lời dạy bảo chí cốt của Ngài. Về dương thế, dẫu gia tài có phải khánh kiệt thì tôi cũng sẽ làm đúng những việc mà Ngài đã truyền. Chỉ xin Ngài chứng giám cho lời nói và việc làm của tôi, trước sau đều như thế cả.
Quỉ sứ nhìn vẻ mặt và bộ dạng của Mạc Đĩnh Chi, thấy rõ sự thiện tâm, bèn gật gật đầu mà bảo:
- Thôi được, ta chấp thuận cho lời thỉnh cầu của nhà ngươi. Hãy về làm đúng những điều như đã hứa.
Mạc Đĩnh Chi lạy tạ quỉ sứ một lần nữa, rồi lựa gót lui ra, nhưng vừa đi được vài bước thì bỗng nhiên giật mình tỉnh giấc. Ông ghi nhớ đinh ninh những lời mà mình đã hứa với quỉ. Bởi vậy, khi vào trong biên giới, đến đoạn đường chỗ rẽ về quê nhà, ông cho đoàn sứ bộ nghỉ lại, rồi cho lính hầu đi hỏi thăm tin tức nhà mình. Khi người lính hầu trở về bẩm báo lại các việc, thấy bà vợ và người hầu gái đều đã mất đúng như trong mộng, thì ông càng tin rằng người ta sống ở trên đời này, dẫu nói gì hay làm gì, thì cũng đều có quỉ thần chứng giám cả.
Sau một tuần ở lại Kinh đô để tấu trình các việc trong lần đi sứ với nhà vua và các vị Đại thần, ông liền xin phép được trở về quê, để cúng lễ gia tiên và thu xếp công việc trong nhà.
Lời thỉnh cầu của ông được chấp thuận. Vì vậy, trong vòng ba tháng ở quê nhà, ông đã xuất tiền và chỉ dẫn cho thợ thuyền cùng dân chúng, làm được chín chiếc cầu bắc trên các sông, ngòi, lại dựng được mười ngôi chùa (mỗi ngôi mười gian) và một đàn đại tế ở trong vùng.
Công đức của ông để lại cho dân chúng trong vùng như vậy quả là to lớn! Bởi vậy, có thể xem đây là một nguyên nhân đã dẫn đến việc dòng họ Mạc sau này giành được ngôi vị đế vương, theo như quan niệm nhân quả của nhà Phật hoặc quan niệm của những người có cảm tình và ủng hộ vương triều này. Hoặc cũng có thể cho rằng, câu chuyện truyền thuyết kể trên đã là một sản phẩm tinh thần tất yếu, nảy sinh trong thời gian sự sùng bái đạo Phật trong phạm vi cả nước, đang diễn ra ở giai đoạn cao trào? (Thời gian này ở miền núi Yên Tử - Chí Linh cũng đã có các vị Đại sư Điều Ngự, Pháp Loa, Huyền Quang tu hành).
Nhưng dẫu thế nào, thì việc người ta sống trên đời, ăn ở phải có thiện tâm và lưu lại phúc đức cho đời sau, bao giờ cũng vẫn là câu chuyện quan thiết muôn thuở, chứ không thể là chuyện của một thời, của một đạo nào cả.
(Xem phần 1: http://truyenxuatichcu.com/truyen-thuyet-viet-nam/luong-quoc-trang-nguyen-mac-dinh-chi-p1.html)
Xem ngay truyện hay khác
- Sự tích chim hít cô (Tạo lúc: 05/03/2015)
- Sự tích chim tu hú (Tạo lúc: 06/03/2015)
- Chiếc nón lá của Jizo - Sama (Tạo lúc: 07/03/2015)
- Cây lúa mạch (Tạo lúc: 11/03/2015)
- Con chim họa mi (Tạo lúc: 12/03/2015)
- Sự tích chim quốc (Tạo lúc: 16/03/2015)
- Sự tích chim năm trâu sáu cột và chim bắt cô trói cột (Tạo lúc: 16/03/2015)
- Sự tích chim đa đa (Tạo lúc: 16/03/2015)
- Sự tích con dã tràng (Tạo lúc: 17/03/2015)
- Sự tích mặt trăng (Tạo lúc: 17/03/2015)