Con trai thứ tám của Thái tông, vua thứ hai triều Lý, tên gọi Lý Hoảng, hiệu Nhật Quang, là người độ lượng trung tín, phong cách đàng hoàng, làm việc tận tụy, hành động quả cảm.
Bấy nhiêu nết tốt... nhưng đến một lúc lại không được tin dùng, do sự dèm pha, nghi kỵ, và khi qua đời, đã để lại trong dân chúng nhiều nỗi tiếc thương.
Biết là con cháu sau này lắm vợ nhiều con, nên để chọn một người kế vị xứng đáng, vua sáng lập triều Lý (tức Lý Thái Tổ) đã đặt ra lệ là phong tước cho các con của mẹ đích là Vương, các con của mẹ thứ là Hầu, và không đặt ngôi Hoàng thái tử.
Làm như vậy để khuyến khích các con chăm làm điều thiện, qua đó mà chọn được người xứng đáng để truyền ngôi.
Nhưng trái với ý tưởng đó, trên thực tế đã xảy ra nhiều vụ tranh giành, bằng hành vi mờ ám và bằng cả bạo lực.
Tuy vậy, cũng vẫn có những vị Hoàng tử làm đúng theo giáo huấn của tiền nhân, đã tu nhân tích đức, làm tròn phận sự mà không nghĩ đến sự tranh giành.
Con thứ tám của Lý Thái Tông là một trong những vị Hoàng tử như vậy.
*
* *
Thời Lý Thái Tông trị vì, Lý Hoảng là con mẹ thứ nên chỉ được phong tước Hầu. Năm Càn Phù Hữu Đạo thứ nhất (1039), nhận thấy đã khôn lớn, Lý Thái Tông giao cho Lý Hoảng đảm nhiệm việc thu thuế ở châu Nghệ An.
Đến nơi nhậm chức rồi ở lại mấy mùa, Lý Hoảng làm việc tận tụy, thu đủ số thuế phải nộp, ngoài ra không nhân cơ hội để hà lạm thêm của dân như nhiều vị quan thu thuế khác, vì vậy đã được tiếng là người thanh liêm, chính trực.
Hai năm sau (1041) xét thấy có thể tin tưởng hơn, Lý Thái Tông giao cho Lý Hoảng làm Tri châu Nghệ An, tước hiệu là Uy minh hầu Lý Nhật Quang.
Khi ấy, Lý Thái Tông đã có ý định đánh Chiêm Thành, bèn tiến hành những công việc chuẩn bị. Ở châu Nghệ An, nhà vua giao cho Nhật Quang làm một hoành doanh dọc theo sông Bà Hoà (nay là xã Đông Hoà huyện Tĩnh Gia - Thanh Hoá) gọi là trại Bà Hòa.
Trại này có vị trí hiểm trở, kiên cố. Bốn mặt có hào sâu, luỹ cao, còn ở trong là nền đất rộng có thể chứa được ba, bốn vạn quân lưu thủ, ngoài ra lại có các kho tàng chứa vật dụng, và lương thực thì dự trữ đủ dùng trong ba năm liền. Xung quanh trại đặt các điếm canh, ngày đêm tổ chức tuần tra canh phòng cẩn mật.
Ba năm sau (1044) Lý Thái Tông cất đại quân đi đánh Chiêm Thành. Nhờ kho hậu cứ Bà Hoà được chuẩn bị chu đáo, nên vật dụng và lương thực dồi dào, quân sĩ yên tâm chiến đấu.
Trong trận đánh lớn ở bờ nam sông Ngũ Bồ (có thể là hạ lưu sông Thu Bồn, chảy ra cửa Đại Chiêu, ở Quảng Nam Đà Nẵng ngày nay), Tướng Quách Gia Di chém được đầu vua Chiêm là Sạ Đẩu. Quân ta đại thắng.
Nhà vua khải hoàn, dẫn quân trở về, tới hoành doanh Bà Hoà thì nghỉ lại. Nhật Quang đón tiếp vua cha và sắp xếp nơi ăn chốn nghỉ cho quân sĩ đầy đủ, chu đáo, được ngợi khen.
Khi xem xét các giấy tờ sổ sách, thấy ghi chép cẩn thận, rõ ràng, xem kho tàng, thấy sắp đặt gọn gàng, ngăn nắp, nên nhà vua rất hài lòng, thăng cho Nhật Quang từ tước Hầu lên tước Vương, lại cho cai quản thêm một lộ mới cùng với châu Nghệ An.
Sau khi căn dặn Nhật Quang ở lại lo tròn nhiệm vụ và làm những công việc trước mắt, Lý Thái Tông cùng quân sĩ lên đường trở về kinh đô.
Tiễn nhà vua xong, Uy Minh Vương trở về nhiệm sở, rồi bắt tay ngay vào công việc...
Ngài cùng thuộc hạ đi thẩm tra rồi ghi chép lại sổ sách của lộ mới thêm - một việc làm vừa vất vả vừa phải tỉ mỉ - gồm 6 huyện, 4 trường, 60 giáp với 46.450 hộ, 54.364 nhân khẩu. Theo chỉ lệnh của nhà vua, Uy Minh Vương đã sắp xếp, đặt tên lại cho các chức vụ trong lộ mới đó.
Ở châu Nghệ An và lộ mới sát nhập, bấy giờ có nhiều bộ tộc người thiểu số (thời ấy gọi là Di, Lạo) và có đường biên giới vừa dài vừa hiểm trở chung với nước Ai Lao (Lào). Các bộ tộc thiểu số lúc ấy phần lớn chưa chịu nội thuộc triều đình, còn ở biên giới thì hay xảy ra những vụ tranh chấp.
Được nhà vua ủy thác, Uy Minh Vương mang tiết việt dẫn quân đi tuần tra biên giới và các vùng có người thiểu số ở.
Các vị tù trưởng từ đấy trở đi đều thần phục triều đình. Cuối đợt "thị sát", Uy Minh Vương thu được 5 châu, 22 trại, 56 sách và vẫn để các tù trưởng cai quản địa hạt mình như cũ. Ở biên giới, Uy Minh Vương cùng quan lại địa phương của Ai Lao cũng xác định lại các vị trí, rồi dựng bia cắm trụ (tức "cột mốc") để ghi nhớ về sau.
*
* *
Năm 1054, Lý Thái Tông băng hà. Lý Nhật Tôn, con trai trưởng của Thái Tông kế vị, tức là vua Lý Thánh Tông.
Như đã thành thông lệ, động thái đầu tiên của một vị vua mới lên ngôi bao giờ cũng gồm các việc: đặt lại niện hiệu, tôn phong (hoặc truy phong) cha mẹ, phong tặng quan lại tướng sĩ (nhất là những người có công trực tiếp) và đại xá thiên hạ.
Vì sự tranh chấp ngôi vua mới giữa các vị Hoàng tử là điều xảy ra khá thường xuyên, nếu không bộc lộ trực tiếp thì chí ít cũng ở dạng tiềm ẩn, ngấm ngầm, vì vậy khi mới lên ngôi, vị vua nào cũng đều có sự đề phòng. Và sự đề phòng này nhiều khi cũng thực quá đáng. Cho nên, đừng tưởng nhà vua mới đăng quang phong tặng, đại xá... thì đều là đức độ và dễ dãi cả. Không ít trường hợp, đấy chỉ là sự lừa mị, che mắt thiên hạ. Vì vậy, điều đáng buồn xảy ra với các vị Hoàng tử không được làm vua mà thực bụng (tức là không có ý định tranh giành ngôi báu) nhưng vẫn bị nhà vua mới nghi kỵ, đề phòng. Và đó cũng chính là điều đã xảy ra với vị Hoàng tử của đời vua trước, em của đời vua sau, là Uy Minh Vương Lý Nhật Quang này.
Khi nghe tin vua Lý Thái Tông băng hà, ở vùng biên giới và dân tộc thiểu số thuộc châu Nghệ An, Ông Yết và Lý Bĩ khởi loạn, thanh thế mỗi ngày một lớn.
Là viên quan trị nhậm trực tiếp, Uy Minh Vương tính rằng: nếu theo lệ thường, cho người phi báo về kinh rồi người đó mang lệnh chỉ của nhà vua trở về, thì đường xá xa xôi, đi lại tất mất nhiều thời gian. Nếu đến lúc đó mới mang quân đánh dẹp thì tức là đã để lỡ thời cơ, không đúng với phép dùng binh. Vì vậy, vừa cho người về kinh, Uy Minh Vương vừa xuất quân đi đánh Ông Yết, Lý Bĩ.
Sau mấy tháng hành quân, đánh dẹp vất vả, Uy Minh Vương thắng lợi trở về nhiệm sở, thì cũng là lúc có chiếu chỉ của nhà vua mới tới. Tưởng là chiếu khen thưởng, nhưng nào ngờ, khi quỳ xuống nghe đọc thì lại là chiếu trách cứ. "Thực là nhục nhã" - Uy Minh Vương tự nhủ.
Thời gian mấy tháng Uy Minh Vương dẫn quân đi đánh dẹp thì cũng là lúc Lý Thánh Tông đã lên ngôi xong, và cũng nghe đủ mọi tin tức từ miền Nghệ An tới. Sẵn tâm lý đề phong, nghi kỵ, lại nghe có vị triều thần xu nịnh tâu rằng như thế là Uy Minh Vương tự quyền, nên Lý Thánh Tông đã ban ra chiếu chỉ trách cứ để răn đe trước ấy.
Uy Minh Vương và Lý Thánh Tông chỉ là anh em cùng cha khác mẹ, tình cảm lâu nay cũng chẳng có gì thân thiết. Việc Nhật Quang được vua cha khen ngợi rồi phong lên tước Vương lúc này chỉ làm cho Lý Thánh Tông càng thêm đố kỵ. Hơn nữa, lúc này Uy Minh Vương đang trị nhậm cả một vùng rộng lớn, được dân chúng mến phục, lại có sẵn quân quyền trong tay, nên Lý Thánh Tông cũng còn lo cả việc Minh Vương sẽ làm phản, như đã thường xảy ra như thế. Vì vậy, cùng với chiếu trách cứ "tự quyền", Lý Thánh Tông cũng không quên dặn viên quan công vụ vốn là thuộc hạ cũ ở Đông cung, hãy kín đáo dò xét mọi thái độ, hành vi của Uy Minh Vương mà cho người mật báo về kinh ngay.
Vốn là người từng trải, nên chỉ thoáng thấy viên quan công vụ cùng thái độ cử chỉ của y là Uy Minh Vương đã hiểu rõ sự tình. Ngài buồn về nỗi nhân tình thế thái sao mà bạc bẽo, bỉ lậu. Anh em dẫu không cùng mẹ nhưng cũng cùng huyết thống, tưởng sẽ nâng đỡ, tin cậy nhau hơn, vậy mà lại nghi kỵ, còn hơn cả với người ngoài. Những khi lặn lội, xông pha ở miền biên ải, Uy Minh Vương không ngờ có lúc chính mình sẽ phải nếm trải nông nỗi, nguồn cơn này.
Cứ theo như di huấn của Lý Thái tổ mà Lý Thái tông chịu thực hiện, tức là đem việc chọn người kế vị ra bàn bạc thì rất có thể người được chọn sẽ là Nhật Quang. Những đức tính rồi những công việc mà Nhật Quang đã làm chắc cả triều đình đều biết. Việc Nhật Quang được ban khen, thăng tước, được dân sở tại yêu mến kính trọng, thì cả triều đình cũng chẳng lạ gì.
Tuy Nhật Tôn (tức Lý Thánh tông) đã ở Đông cung, lại đã từng được "giám quốc", được "lưu thủ kinh sư" khi Lý Thái tông đi đánh dẹp xa, nhưng uy tín đức độ so với Nhật Quang thì chắc gì đã hơn? Nếu thực sự công khai công bằng thì có thể nói chắc, là Nhật Tôn còn kém nữa!
Nhật Tôn có lợi thế là con trưởng, tuổi lớn hơn Nhật Quang. Nhật Tôn lại luôn có mặt ở kinh thành, vì vậy, khi Lý Thái tông thấy có triệu chứng xấu về sức khoẻ, đã cho Nhật Tôn coi chầu nghe chính sự (tháng 7 - 1054). Hơn hai tháng sau Lý Thái tông băng hà (1- 10 - 1054).
Có thể nói như thế này: Một vị Hoàng tử được phong Hoàng thái tử ở Đông cung (thường là con trưởng, tuổi lớn nhất) khi vua cha còn sống và còn khoẻ mạnh thì chủ yếu đấy là một biện pháp dự phòng, chứ chưa thể nói chắc là người ấy sẽ được kế vị, vì rất có thể nhà vua sẽ thay đổi quyết định.
Trường hợp Nhật Tôn trước 7 - 1054 là như thế. Nhưng khi nhà vua đau ốm, thì người được gọi vào "coi chầu nghe chính sự" sẽ là người kế vị. Đây lại là một giải pháp tình thế hơn là một giải pháp chiến lược, do vậy, người lên ngôi mới chưa hẳn là người tài cao đức cả nhất trong số các hoàng tử. Và trường hợp Nhật Tôn sau tháng 7 - 1054 cũng chính là như thế!
Hành động của Nhật Quang mang quân dẹp loạn là xuất phát từ quyền lợi chung của cả vương triều chứ đâu phải là "làm việc chuyên quyền, tự ý dùng quân đánh dẹp"(*), do vậy "sự ngờ vực"(*) của Lý Thánh tông có thể xem là sự nghi kỵ, đề phòng, tuy là ra oai, nhưng đã chứng tỏ một sự kém độ lượng.
*
* *
Lịch sử cung đình xưa nay vẫn chứa đựng nhiều tấn bi kịch, và đây chỉ là một ví dụ.
Sau khi nhận thức rõ tình thế của mình, Uy Minh vương đã đệ đơn lên nhà vua mới xin từ chức. Sự việc đó xảy ra vào năm Long Thụy thứ hai (1055) của triều Lý Thánh tông, nhưng thực ra chỉ cách khoảng nửa năm kể từ ngày nhà vua mới đăng quang (10 - 1054).
Có thể hiểu được tâm trạng của Uy Minh Vương lúc này là đang lâm vào tình thế "tiến thoái lưỡng nan". Ở lại thì nhục nhã, vì có công mà bị quở trách. Nhưng ra về thì lại là tự chuốc lấy tai hoạ, vì đã chạm đến lòng tự ái của nhà vua.
Còn đối với Lý Thánh tông, bên trong thì mừng thầm vì như vậy đã trừ đi được một hậu hoạ (sợ bị làm phản) nhưng bên ngoài thì rõ ràng đã bị bẽ mặt với các hoàng thân và triều thần, vì vừa mới lên ngôi mà đã có vị Hoàng thân vào loại đức độ, uy tín nhất, xin từ chức.
Trong hai giải pháp: nhận đơn (thuận cho từ chức) hoặc bác đơn (không cho từ chức), Lý Thánh tông đã chọn giải pháp thứ nhất. Giải pháp ấy vừa thoả mãn lòng tự ái, vừa có lợi, nhưng đó cũng là sự "dứt tình", là dấn sâu thêm vào sự đề phòng và nghi kỵ đã có.
Khi hay tin có quan mới đến trị nhậm, lại hay tin Uy Minh Vương đang dời nhiệm sở, đông đảo dân chúng từ nhiều nơi trong châu Nghệ An kéo về, người níu xe, kẻ giữ ngựa, rồi khóc lóc thảm thiết xin Vương ở lại.
Dân chúng vốn không biết Uy Minh Vương đã có đơn từ chức, và họ chỉ hành động theo những tình cảm tự nhiên bồng bột và chất phác của mình, nhưng sự việc ấy, vô hình trung lại gây tai họa thêm cho tính mạng của Vương.
Lý Thánh tông sau khi phê đơn để Uy Minh Vương từ chức, liền cử ngay một viên quan thân tín vào thay thế. Việc Uy Minh Vương ra về được đông đảo dân chúng ái mộ làm cho viên quan mới này khó chịu, và khoét sâu thêm lòng tự ái đã có của Lý Thánh tông.
16 năm xa kinh thành vào đây thu thuế rồi ở lại trị nhậm, trên thực tế Uy Minh Vương và gia đình (vợ, con, đầy tớ...) đã trở thành những người địa phương cả. Vì vậy, việc một Hoàng thân đã từng là Tri châu lâu năm, nay là thường dân nhưng đã "địa phương hoá" và được dân chúng mến mộ, tất nhiên sẽ là cái gai ở ngay trước mắt của quan sở tại mới.
Quan sở tại muốn nhổ cái gai ấy, còn nhà vua đương nhiệm, chẳng biết có muốn nhổ hay không, nhưng chắc chắn là Ngài cũng không ưa gì...
Cái chết của Uy Minh Vương xảy đến sau đó ít lâu, vì thế vẫn còn là điều bí mật. Không ai vén bức màn này lên cả. Tuy nhiên, cũng có câu chuyện truyền thuyết về cái chết của Ngài...
*
* *
Từ ngày trở thành "phó thường dân" (như danh từ của thời hiện đại), Uy Minh Vương Lý Nhật Quang (tất nhiên là vẫn còn tước hiệu cũ, chỉ không còn chức thôi!) cùng gia đình về sống tại xã Bạch Đường, huyện Nam Đường, Nghệ An. Ngài trồng hoa, nuôi chim, gặp gỡ bạn bè, v.v.... Nói chung nhìn từ bên ngoài vào, thấy cuộc sống của ngài cũng khá an nhàn, thoải mái.
Một hôm Ngài đang ngồi trong nhà, bỗng thấy một con quạ bay đến trước mặt, làm cho bầy chim nuôi xáo xác. Người nhà chạy lại định bắt nhưng Ngài khoát tay bảo rằng cứ để xem nó thế nào. Con quạ bay quanh trong nhà ba vòng, vừa bay vừa kêu, rồi sà vào trong lòng Ngài.
Bỗng nhiên con quạ lại biến thành một tờ giấy trắng, ở trong có hình lờ mờ như hình rồng mây...
Chẳng biết Ngài thấy linh tính báo trước điều gì mà không tiện nói ra, nhưng chỉ biết sau đó, Ngài cho người nhà đi mời khắp bạn bè gần xa đến, rồi lại sai người nhà chuẩn bị cỗ bàn thật thịnh soạn để tiếp đãi khách...
Bữa ấy, Ngài và gia đình cùng bạn bè đã ''vui vẻ'' với nhau một ''trận'' thật thoải mái. Ăn uống xong lại còn đàn sáo, ca hát thật tưng bừng. Đêm đã khuya, bạn bè lúc ấy vẫn còn đông đủ, nhưng Ngài mệt quá, rồi gục xuống bàn ngủ thiếp đi. Bạn bè cũng thế, ai muốn ngủ thì ngủ, còn ai thích đàn, thích hát thì cứ tiếp tục đàn hát...
Trong giấc ngủ mơ màng, Ngài bỗng thấy một ông già, chừng ngoài sáu mươi tuổi nhưng còn quắc thước, đầu đội mũ đính ngọc có giải, mình mặc đại trào màu tía, ngang lưng thắt dây dát vàng, chân đi hài thêu. Tay ông già cầm thanh long đao có lưỡi cong như vành trăng. Ông tiến đến trước mặt Ngài, vái chào rồi nói:
- Tôi là sao Vũ Khúc trên trời, vâng mệnh Ngọc Hoàng mời Ngài đến sở của Tử Hư đế quân để thảo một chương ngọc điệp.
Ngài thấy ngạc nhiên quá, bèn đáp lại:
- Có lẽ Ngài nhầm đấy. Tôi người trần mắt thịt, làm sao có thể làm việc ở trên thiên đình?
Nói xong Ngài đứng dậy luôn mắt nhìn thẳng vào mặt ông già rồi gạt thanh long đao ra.
Cùng lúc với động tác ấy, miệng Ngài nhẩm thành tiếng "Lạ thật!", rồi thức dậy ngay liền.
Bạn bè thấy Ngài vừa thức dậy như vậy, lại nhìn vẻ mặt, thấy có vẻ ngơ ngác, bèn xúm lại hỏi han: "Làm sao mà như thế?"
Ngài thuật lại giấc mộng của mình. Rồi một người nói: "Chắc là điềm lành đấy!", nhưng chỉ thấy Ngài lắc đầu có vẻ buồn bã. Ngài bảo bạn bè: Ai có sức thì cứ vui chơi ca hát đi, còn mình thấy hơi váng đầu, xin phép được đi nằm, lúc nào tỉnh dậy sẽ lại tiếp tục cuộc vui...
Không ai ngờ rằng, đấy lại là những lời nói cuối cùng của Ngài!
Khi đêm đã khuya, một vài người bạn còn thức đến lay gọi xem Ngài đã tỉnh hay chưa, thì khi sờ vào, đã thấy tay chân và toàn thân Ngài lạnh toát.
Mọi người nháo nhác cùng xúm vào lay gọi, nhưng Ngài đã đi vào cõi vĩnh hằng rồi.
*
* *
Đám tang của Ngài rất đông, gần kín cả một cánh đồng. Tiếng khóc, tiếng kêu than thảm thiết, như lay động cả đất trời. Khi đã chôn xong, hàng tuần sau còn thấy dân chúng từ khắp các nơi trong châu kéo về để thắp hương trên mộ Ngài. Từ trẻ con đến cụ già, ai ai cũng thấy hai mắt đỏ hoe, giọt lệ sụt sùi. Họ thực sự tiếc thương một con người mà trong suốt cuộc đời đã hết lòng thương yêu và gắn bó với họ.
Dân chúng tin rằng không phải Ngài mất đi mà chính là Ngài đã được Ngọc Hoàng Thượng đế đưa về cõi bất tử.
Đền thờ chính của Ngài được lập tại xã Bạch Đường, nơi mà Ngài đã sống những ngày cuối đời. Còn ở những nơi khác, rải rác khắp trong châu Nghệ An mà suốt 16 năm qua Ngài đã từng gắn bó, nhiều đền thờ nữa cũng được lập nên. Ngày tuần, ngày tiết, rồi ngày Tết, ngày kỵ giỗ, dân chúng đều đến thắp hương dâng lễ vật, để tưởng nhớ và cầu mong Ngài làm cho mưa thuận gió hoà, cho sản vật dồi dào và mọi người an cư lạc nghiệp...
Những lời cầu mong ấy được người dân nghiệm ra rằng bao giờ cũng linh ứng! Ở triều đình, nhà vua thấy vậy, liền ra sắc phong tặng Ngài là đại phúc thần của cả châu Nghệ An.
Từ đó về sau, mỗi khi nhà vua hay các tướng lĩnh mang quân đi đánh dẹp qua châu này, đều thấy mang hương hoa, lễ vật đến đền chính của Ngài để thỉnh cầu xin hiển ứng. Rồi bao giờ cũng thấy một kiệu rước bài vị của Ngài đi trước hàng quân. Sau đó, trong những trận giáp chiến của quân ta, người ta thấy có cả tiếng binh mã vang dậy trên trời như để góp thêm thanh thế.
Rõ rệt nhất là trong đời Trần Thái Tông, niên hiệu Nguyên Phong, khi nhà vua mang quân đi đánh Chiêm Thành, đã cho thuyền chở kiệu có bài vị của Ngài đi trước. Chẳng có chèo lái, cũng chẳng có gió thổi, vậy mà chiếc thuyền ấy cứ lướt sóng băng băng, tiến về phía trước. Vua Trần Thái Tông cả mừng, nói rằng đấy là điềm báo trước sự toàn thắng của đại quân.
Quả nhiên sau đó, chỉ một trận, quân Chiêm Thành đã phải đại bại. Vua Chiêm chạy thoát, nhưng Hoàng hậu, thê thiếp và nhiều quân sĩ khác đã bị bắt (1252).
Lúc khải hoàn, quân đội trở về qua huyện Nam Đường, vua Trần Thái tông thân đến đền chính của Ngài để tạ ơn rồi phong tặng Ngài là "Uy linh Dũng liệt Đại vương".
Các triều đại về sau cũng noi theo gương đó...