Ngày xưa, tại một xứ nọ trong nước Ấn Độ dân chúng sống đời bình yên, mưa thuận gió hòa, chưa khi nào gặp phải thiên tai hạn hán.
Nhưng chẳng ngờ, một chiều hôm đó, bầu trời mây đen giăng kín và trút xuống cơn mưa, ngập tràn hồ ao sông biển, dân chúng uống phải thứ nước mưa ấy ai nấy thảy đều loạn tâm, cuồng trí, cởi bỏ y phục, nhảy múa như những kẻ điên. Họ hốt đất bùn tô trét đầy mình mẩy, mặt mày. Trải qua bảy ngày như vậy mọi người mới tỉnh cơn cuồng loạn, nhưng họ chẳng biết do nguyên nhân nào gây nên sự kiện này.
Trong triều đình, vị vua đang trị vì xứ ấy là một bậc minh quân, tài trí một hôm thấy trời kéo mây đen, nhà vua biết được đó là cơn mưa độc sắp trút xuống, bèn lấy đồ đậy miệng giếng lại. Lúc ấy cả thành, nước mưa độc tràn xuống ao hồ sông suối, dân chúng uống thứ nước ấy đều bị cuồng loạn như lần trước.
Sáng hôm sau, nhà vua lâm triều thấy quần thần, bá quan văn võ đều trần truồng, bùn đất dính khắp thân thể, ngồi chầu hai bên. chỉ có một mình nhà vua vì không uống phải thứ thuốc độc ấy nên bình tĩnh sáng suốt, mình mặc áo long phụng, đầu đội mão cửu long gắn đầy châu báu, ngồi trên long ỷ. Quần thần thấy vậy, ngơ ngác, chủ chỏ nói với nhau rằng: "Ồ kìa! Thằng khùng! Nó làm cái gì mà dị hình dị tướng như vậy, chắc là nó điên. Nó quấn cái gì cùng mình chẳng giống ai, chúng ta hãy hỏi tội nó".