TruyệnXưaTíchCũ.cOm

Cho tôi một vé về với tuổi thơ.

Trước Tiếp theo

Đánh giá: 5/5 - 1 phiếu
Giai thoại về Vua Duy Tân - Bậc Minh Vương nhỏ tuổi mang trong mình khí phách lớn

Một vài giai thoại về Vua Duy Tân - Bậc Minh Vương nhỏ tuổi mang trong mình khí phách lớn

Vua Duy Tân tên khai sinh là Nguyễn Phúc Vĩnh San là vị hoàng đế thứ 11 của nhà Nguyễn lên ngôi từ 1907 đến năm 1916 là con trai thứ 8 của Vua cha Thành Thái và mẹ là bà Nguyễn Thị Định dưới đây là một vài mẩu chuyện về vị vua nhỏ tuổi này.

1. Được chọn làm vua vì khí chất kém:

Sau khi phế truất vua cha Thành Thái và giải ông vào ngục Cap Saint Jacque (Vũng Tàu) và giam ông ở đây thì hội đồng phụ chính cùng viên khâm sứ Levécque họp bàn tìm người kế vị, theo quy định từ cổ chí kim trong dòng tộc họ Nguyễn thì người nối ngôi phải là con trai trưởng của vua Thành Thái lúc bấy giờ tức Nguyễn Phúc Vĩnh Diễm, tuy nhiên do đã âm mưu từ trước, người Pháp muốn lập một vị "ấu Chúa" nhằm dễ bề sai khiến, không biết vô tình hay cố ý vào thời điểm viên quan khâm sai điểm danh các vị hoàng tử kế nghiệp vua cha, gọi đúng tên ai thì người nấy đều có mặt, ăn mặc chỉnh tề tác phong trang nghiêm chỉ thiếu đúng hoàng tử Vĩnh San, quan binh vội chia nhau tìm kiếm thì ra vị Vua tương lai lại đang chui dưới gầm giường bắt dế chẳng mảy may quan tâm đến chuyện chức tước ngoài kia. viên thị vệ khi tìm thấy vội mang ra trình diện quan Pháp không kịp rửa tay rửa mặt hay chỉnh đốn trang phục, viên khâm sứ nhìn thấy cậu ngờ nghệch, mặt mày lem luốc, dáng người nhỏ nghĩ rằng dễ thao túng và điều khiên nên hài lòng lắm ngay lập tức lựa chọn Vĩnh San làm người kế nghiệp ngôi vua, do còn quá nhỏ tuổi nên triều đình đã xin tăng thêm một tuổi cho Vĩnh San thành 8 tuổi.

Ngày 5 tháng 9 năm 1907 Vĩnh San đăng cơ, triều đình cũng đặt niên hiệu cho Vĩnh San là Duy Tân như muốn hướng đến thành toàn sự nghiệp còn dở dang của vua cha Thành Thái. Tuy nhiên khi trong ngày đăng cơ Vua Duy Tân lại tỏ ra chững chạc khác thường khác hẳn với vẻ mặt xanh xao tái nhợt hôm trước đến nỗi làm cho khâm sứ Levécque và phái đoàn Pháp phải ngạc nhiên, ngồi trên ngai vàng thấy viên Khâm sứ và phái đoàn đến, Vua Duy Tân bước xuống ra tiếp. Trong khi nói chuyện ông nói năng lưu loát bằng tiếp Pháp trước các quan Tây bằng một vẻ tự tin hiếm có, thể hiện ra một trí thông minh của một bậc minh vương trong tương lai. Nhiều câu hỏi của Vua đối với Khâm sứ đã làm cho ông ngậm miệng không biết trả lời sao, Vua còn hỏi móc nhiều câu làm tên này sượng mặt, có lẽ bấy giờ y mới hối hận vì mình đã chọn nhầm người.

Sau này khi đã tức vị có người hỏi khó ông tại sao lúc điểm danh để tìm người kế vị ông lại chui xuống giường trốn Vua sợ Pháp à? Vua Duy Tân cười đáp: "Ta chui xuống giường không phải là sợ Pháp mà là muốn tìm con dế vừa mới sẩy thôi" Viên cận thần cũng chỉ biết há miệng cười rồi Vua cũng cười...

2. Vị Vua trẻ và lần trêu ghẹo tinh nghịch suýt làm mất mạng nhân tài:

Vào năm 1912 có một cuộc đấu xảo do người Pháp tổ chức tại Paris yêu cầu các nước thuộc địa phải gửi hàng hóa tham dự đồng thời nhân dịp đó giới thiệu cho nhân dân Pháp những đất nước mà chính phủ Đại Pháp đang "khai hóa", chính phủ lệnh cho các toàn quyền phải gởi đến một bức tượng hoặc chân dung của vị vua ở đó. Lúc bấy giờ do cũng khá cấp bách nên áp lực đối với nghệ nhân khá giỏi và nổi tiếng ở Huế thời điểm đó là ông Tôn Thất Sa được hội đồng phụ chính gọi đến và được khâm sứ Trung Kỳ giao nhiệm vụ nặn tượng Duy Tân và ngày ngày ông được cử vào nội cung để nặn vua và "người mẫu sống" không ai khác chính là Vua Duy Tân. Vua rất bực mình vì ngày ngày phải mặc đại triều ngồi trên ngai vàng làm mẫu nên luôn miễn cưỡng phần vì động viên cũng như răn đe nhà Vua nên Pháp cử vị giáo sư người Pháp là Eberhart đi kèm (dạy vua môn khoa học và Pháp văn) và thầy Mai Khắc Đôn dạy cho ngài chữ Hán và văn chương, lịch sử Việt - Trung. Sau một tuần khi thấy vua đã hợp tác thì Pháp không cử nữa, lúc này khi đang làm mẫu, ông thường xuống ngai vàng hỏi han sức khỏe, hoàn cảnh gia đình, cách thức nặn tượng hai người 1 già 1 trẻ nhưng nói chuyện tâm đắc. Vua cho phép ông Sa tự do đi lại trong cung và không cần câu nệ trong lời nói, ông thường xuyên mang quà ra tặng cho ông Sa và thường cho người pha trà ngon mời ông khi làm việc. Khi công việc đã xong, chuẩn bị bàn giao cho người Pháp thì ông Sa toát mồ hôi vì không biết sao hôm trước đã hoàn thành bức tượng rất đẹp rất giống vua nhưng hôm nay thì bức tượng lại đang nhe răng cười như đang chế nhạo ai, ông nhìn quanh chỉ thấy mấy tên lính và vua nhưng không dám hỏi, Vua Duy Tân không nói gì vẫn lên ngai vàng làm mẫu như bình thường để ông chỉnh sửa lại cái miệng, sau khi chỉnh sửa xong thì hôm sau đến để làm nốt các thứ lặt vặt còn lại thì việc lại như cũ mà coi bộ lần này còn cười toét miệng hơn nghĩa là răng vểu ra, nhe răng mỉa mai như trêu chọc ai. Ông Sa tức vô cùng và yên lặng tìm cách bắt quả tang kẻ nào dám "phạm thượng". Ngày tiếp theo, ông xin phép Vua về sớm hơn sau khi đã chỉnh sửa lại khuôn mặt. Do được phép tự do đi lại trong nội cung, sau khi ăn trưa ông bỏ ngủ trưa lẳng lặng vào điện Dưỡng Tâm cương quyết bắt bằng được kẻ đã phá ông. Khi bước vào, ông đã suýt la lên vì nhìn thấy cảnh tượng thật ngộ nghĩnh vừa buồn cười, Vua Duy Tân tay trái cầm gương, tay phải mân mê khuôn mặt của pho tượng còn chưa khô, miệng Vua vểnh ra để lộ 2 hàm răng trắng và ông nhìn thẳng vào gương rồi nắn lại cái miệng như ông đã thấy trong gương, khi thấy động, Vua cười khì khì nói với ông Sa: "Trẫm muốn pho tượng của Trẫm chế nhạo cả nước Đại Pháp khi được đem qua trưng bày trong cuộc đấu xảo sắp tới". Ông Sa vội quỳ xuống nói: "Muôn tâu Hoàng thượng, Hoàng thượng làm như vậy Hoàng thượng cõ nghĩ rằng quan Khâm sứ chặt đầu Thần không?" Vua lúc ấy bấy giờ mới nói:" Té rứa à! Trẫm không nghĩ tới, Trẫm xin lỗi thầy nghe." Sau đó thì Vua trở lại ngai vàng cho Thầy Sa sửa lại, khi ra về nhà vua còn biếu cho ông một món quà để chuộc lại cái tội tinh nghịch của mình. Bức tường sau khi hoàn thành rất đẹp rất giống vua nên sau đó ông Sa thường vào Đại nội để họa chân dung cho Vua. Bao giờ cũng thế, họa xong bức chân dung vua Duy Tân thường biếu ông một số tiền khá lớn. Câu chuyện tuy nhỏ nhưng đã cho thấy ông dù là Vua nhưng vẫn có phần là một đứa trẻ nhưng lại dám nhận lỗi của mình, thể hiện được trách nhiệm của mình ngay từ khi còn là một đứa nhỏ 11 tuổi.

3. Cửa Tùng - Nơi khí phách nhà Vua làm câu chuyện cho ngàn đời sau:

Sau khi lên ngôi, Vua thường tỏ ra buồn rầu, phần vì nhớ vua cha đang bị Pháp đày ở Cap Saint Jaccque (Vũng Tàu), phần vì thấy bọn quan lại lộng quyền hống hách, hội đồng phụ chính cử một vị qua tòa Khâm sứ bàn bạc tìm cách để vua giải khuây hi vọng tuổi nhỏ khi có niềm vui sẽ quên được quá khứ, dễ bề dụ dỗ, cuối cùng bọn Pháp cho làm tại Cửa Tùng (Quảng Bình) một nhà nghĩ mát rồi đưa vua ra đó để "giải khuây". Nhưng dù xa kinh đô, hình ảnh vua cha và trách nhiệm của dân tộc luôn trong tâm trí của ông, ông thừa biết vua cha bị bắt giam vì các hành động chống đối với Pháp, là một người thông minh ông luôn khéo léo chống Pháp một cách khôn ngoan để không phải đi vào vết xe đổ của cha. Như thường lệ sau khi tắm mát xong ông lên bãi cát ngồi, tay vọc cát vẩy lên xung quanh xây thành xây lũy, chơi chán ông đứng dậy. Thấy hai bàn tay của nhà Vua dính đầy cát bẩn, viên quan thị vệ liền đem một chậu nước cho vua rửa tay. Vua Duy Tân nhìn vào bàn tay rồi nhìn thẳng vào mặt của viên quan thị vệ hỏi: "Tay nhớp thì lấy nước rửa, thế nước nhớp thì lấy chi rửa?" Viên quan nhìn vua tỏ vẻ sợ hãi, ấp a ấp úng không sao trả lời được, thấy vậy ông liền nói: "Nước nhớp thì lấy máu ra rửa, nhà ngươi hiểu chưa" Người thị vệ già nghe thấy sợ toát mồ hôi, nhìn quanh như sợ ai nghe thấy, còn Vua Duy Tân lúc bấy giờ vẻ mặt đầy đăm chiêu tư lự.
Một lần khác có Thượng thư Nguyễn Hữu Bài (vừa là thầy, vừa là một trong 6 phụ chính Pháp lập ra để kiểm soát vua) ra thăm ông, đến nơi thì ông không có trong cung, được biết vua đang ở biển, lúc 2 người gặp nhau ở biển, từ xa đã thấy bóng Vua ngồi trầm ngâm, khi đến thì hỏi thăm sức khỏe Vua, thấy vua vẫn buồn ông bèn rủ vua đi câu, 2 người chèo thuyền men theo Cửa Tùng ra bể câu cá, ra một đoạn không xa Vua bảo dừng để câu, khi câu thì vua bị mắc lưỡi câu, ông lần theo dây cước để gỡ, khi gỡ được, tức cảnh ông liền ra vế đối: “Ngồi trên nước không ngăn được nước, trót buông câu nên lỡ phải lần”. Vế đối ám chỉ ngồi trên thuyền câu, muốn buông câu nhưng bị vướng phải lần theo để gỡ, còn có nghĩa khác, sâu sắc hơn là mang tiếng làm vua mà không ngăn được bàn tay xâm lược của bọn Pháp, đã lỡ nhận trách nhiệm với đất nước thì phải tìm mọi cách để cứu đất nước khỏi lầm than tủi nhục. Thượng thư Nguyễn Hữu Bài nghe xong, biết được ý Vua rất phục, nhưng vì còn nhỏ, lực lượng chưa đủ mạnh, sợ nguy hiểm cho nhà vua nên tìm cách khuyên vuy, ông đối lại: “Nghĩ việc đời mà ngán cho đời, đành nhắm mắt đến đâu hay đó”. Nghe thế, vua Duy Tân rất thất vọng, bào chèo thuyền trở vào và không còn tin ai trong chốn cung đình nữa. Trong mắt ông, các ông quan nơi triều đình Huế chẳng qua chỉ biết vinh thân phì gia, sống cầu an cho qua ngày tháng mà thôi.

4. "Vương Tam - Tây Tứ" - tinh thần chống Tây của vị vua trẻ An Nam

Trong năm 1912, trong một lần được mời tới dự tiệc ở Tòa Khâm sứ Trung Kỳ có một viên cố đạo Pháp vừa thông thạo tiếng Việt vừa giỏi chữ Hán nên đã đề nghị cùng nhà vua đối chữ. Thấy nhà vua còn ít tuổi nhưng có vẻ thông minh và tuấn tú, ông ta mới ra một vế câu đối ghi vào một mẩu giấy đưa cho nhà vua ghi 2 chữ "Vương Tam" ý như sau: Rút ruột ông vua, tam phân thiên hạ. Nghĩa của câu đối là ở chỗ: Chữ Vương là vua, nếu bỏ đi nét dọc thì đọc thành chữ Tam và câu này có ý nhắc đến việc chính quyền thực dân Pháp chia nước ta ra làm ba kỳ Bắc Trung Nam để dễ dàng cai trị, vế đối khoét sâu vào nỗi đau của dân tộc nhưng Duy Tân vẫn bình tĩnh ứng khẩu đối ngay "Tây Tứ" Chặt đầu thằng Tây, tứ hải giai huynh. Nghĩa của câu này là ở chỗ: Chữ Tây gồm chữ Tứ bao gồm 1 nét dọc và 2 nét ngang trên đầu theo chữ Hán nếu bỏ phần đầu thì thành chữ Tứ. Câu đối này đã thể hiện rõ ràng sự căm ghét thực dân Pháp của vị vua thiếu niên. Và mặc dù câu đối tuy không được chỉnh, nhưng cũng đủ làm cho tên cố đạo đau điếng, tím mặt không còn nói gì được nữa. Vế đôi tuy chưa chỉnh nhưng lại thể hiện được sự căm ghét của ông đối với thực dân Pháp cũng như cho thấy được tinh thần, ý chí cũng như trí thông minh của vị vua trẻ An Nam

5. Việt Nam Quang Phục Hội - nơi nhà Vua đi theo ánh sáng của cuộc đời

Biết được vua Duy Tân là một ông vua tiến bộ có tinh thần yêu nước, nên tổ chức yêu nước Việt Nam Quang Phục Hội lên kế hoạch móc nối. Sau khi dò biết được đường đi nước bước của Vua, những chỗ Vua hay lui tới các lãnh tụ đầu não của tổ chức là Thái Phiên và Trần Cao Vân đã quy động tổ chức để bỏ ra 1 số tiền khá lớn mua chuộc tài xế của vua khuyên y xin thôi việc. sự việc êm xui người tài xế này theo kế hoạch giới thiệu cho vua anh Phan Hữu Khánh, một đồng chí trong hội, từ giờ mọi động tĩnh của Vua và triều đình đều được Khánh báo cáo và cũng có điều kiện mà tổ chức có thể tiếp xúc với vua. Mùa hè năm 1915 vua ra cửa Tùng nghỉ mát, ở đây Khánh đã bí mật đưa dâng lên Vua bức thư của Việt Nam Quang Phục Hội trong thư có đoạn viết: "...Trời sinh vua thông minh, chính trực, có chí cử binh chống Pháp, đất sinh người tài có quyền đuổi giặc thương dân! Đức vua cha Thành Thái vì tội gì mà bị đày? Lăng tẩm vua Dục Tôn (Tự Đức) vì cớ gì mà bị bới?..." Bức thư còn trình bày với vua về nỗi lầm than khổ sở của muôn dân khi bọn Pháp đô hộ, Vua đọc xong rất cảm động muốn tìm gặp mặt vị lãnh tụ này. Phan Hữu Khánh vội báo cho Thái Phiên biết ý định của Vua và nhanh chóng vua và 2 lãnh đạo của tổ chức là Thái Phiên và Trần Cao Vân gặp mặt ở hồ câu cá Tịnh Tâm, cuộc họp mặt của 2 bên diễn ra khá lâu. Vua Duy Tân đồng ý kế hoạch của tổ chức và hối thúc làm gấp vì đây là thời cơ tốt nhất do CTTGT1 đang ở hồi quyết liệt Pháp thì lo đối phó với Đức và Ý nên lơ là thuộc địa. Họp xong Vua vội vã trở về cung còn 2 ông thì cũng nhanh chóng vào Quãng Nam củng cố lực lượng, vạch kế hoạch khởi nghĩa. Theo kế hoạch cuộc khởi nghĩa sẽ diễn ra vào ngày 23 tháng 5 năm 1916 nhưng Vua Duy Tân muốn sớm hơn do sợ binh lính sẽ trở về Pháp trong đó phần lớn là quân ta nên đã dời lại sớm 2 tuần tức đêm mùng 3 rạng ngày 4 tháng 5 năm 1916.

Theo đúng kế hoạch, đêm đó Vua đi chân đất mặc áo cộc đỏ sẫm, đội khăn đen, mặc quần vải trắng bí mật ra Phu Vân Lâu để người của tổ chức dễ dàng nhận diện và đưa ông lên thuyền ngược dòng lên Bạch Hổ qua sông Lợi Nông (Sông An Cựu). Thuyền ghé bến, một người trong tổ chức đưa Vua lên thuyền ở tạm một ngôi nhà cạnh sông chờ tin tức đó là Nguyễn Văn Trứ người được Trần Cao Vân tin tưởng chỉ đạo đem binh vào vào trấn Binh Đài. Gặp Trứ, vua động viên tinh thần, Trứ vâng vâng dạ dạ thề sẽ làm tròn sứ mạng. Không ngờ tên này đã phản bội, y đến Toà Khâm sứ báo cho Khâm sứ Pháp Charles biết, lúc này là gần 1 giờ ngày 4 tháng 5. Tên Charles cho binh lính lục soát nơi ở của Vua không thấy đâu nên biết Trứ nói thật và biết cuộc khởi nghĩa đã bắt đầu. Trong đêm y vội điện thoại truyền lệnh giới nghiêm cho tước hết khí giới của binh lính sắp sang tây ở đồn Mang Cá tránh binh biến. Biết có người làm phản, Vua cùng đoàn người của mình lên thuyền về Hà Trung nhưng rồi do sợ bại lộ nên quay lên miền núi phía Tây nam Thừa Thiên, ẩn trú tại một căn nhà dưới chân núi Thiên Thai nhưng ở đây lại bị một tên trùm xóm làm phản báo cho Pháp nơi ông trốn, ông bị bắt phần lớn các thành viên trong tổ chức đều bị xử chém, tên mật thám Sogny được lệnh nên dìm cuộc khởi nghĩa này trong biển máu. Dù được Pháp thuyết phục trở lại ngôi báu và yên vị làm ông vua bù nhìn nhưng không thuyết phục được ông, bọn Pháp giam ông vào đồn Mang cá rồi giao lại cho triều đình Huế xét xử.

Trong thời gian này khâm sứ Charles đã được thay bởi Trigon, vốn quý trọng ông, Trigon tìm mọi cách nhờ Triều đình Huế thuyết phục ông bỏ ý chống Pháp, nếu biết hối cải thì sẽ được ân xá xóa tội. Mọi lời thuyết phục gần như vô nghĩa, thấy không thể thuyết phục được Duy Tân Trigon gọi điện ra Hà Nội mời Toàn quyền vào giải quyết. Toàn quyền khi đến Huế cũng tìm cách thuyết phục ông, nhưng ông sẽ chỉ trở lại ngai vàng với điêu kiện: "Pháp phải thi hành các điều khoản trong hòa ước Patenotre năm 1884, nước pháp chỉ là nước bảo trợ chứ không phải bảo hộ. Pháp phải coi ông là vị vua trưởng thành và phải giải tán hội đồng phụ chính, không được nhân danh ông để làm bất cứ điều gì thuộc quyền ông". Sử sách nhà Nguyễn nhận định quyết định này của ông là:" Vứt bỏ ngôi báu như một chiếc giày rách, dấn thân vào gió bụi bôn ba". Với những điều kiện này, Toàn quyền Pháp cũng đành bất lực và được chính phủ Pháp cho đi đày cùng với vua cha Thành Thái ở đảo Réunion.

6. Những ngày lưu đày và ước mơ khôi phục ngôi báu mang tự do về cho dân tộc

Khi bị lưu đày ở đảo Réunion ông vẫn giữ thói quen sinh hoạt lành mạnh và vẫn yêu âm nhạc thơ ca, sống cùng vua cha Thành Thái, người dân bản xứ ai cũng yêu quí nhà vua, ở đây ông trải qua 3 cuộc tình với người vợ là con của người thầy cũ ở Việt Nam, sau được ông bảo về nước do không hợp thủy thổ nên đau yếu, sau là bà Ferrnante Antier một thiếu nữ người Pháp và cuối cùng là bà Marx Ernestine, Duy Tân bất bình với cha Thành Thái vì không hợp tính tình, ông cắt đứt liên lạc với gia đình. Duy Tân ghi tên học về vô tuyến điện và mở tiệm Radio – Laboratoire bán hàng sửa chữa máy. Đồng thời, ông thi tú tài ở trường trung học Leconte de Lisle và học thêm ngoại ngữ, luật học. Duy Tân ít quan hệ với người Pháp, chỉ giao du với một nhóm bạn bè. Ông tham gia hội yêu nhạc, học cưỡi ngựa và thắng nhiều cuộc đua. Cựu hoàng Duy Tân còn viết nhiều bài và thơ đăng trong những tờ báo Le Peuple (Dân chúng), Le Progrès (Tiến bộ) dưới biệt hiệu Georges Dry. Bài Variations sur une lyre briée (Những biến tấu của một cây đàn lia gãy vỡ) được giải nhất văn chương của Viện Hàn lâm Khoa học và Văn chương La Réunion năm 1924. Duy Tân còn là hội viên của Hội Tam Điểm, Franc-Macon và Hội địa phương bảo vệ Nhân quyền và quyền Công dân. Trong Thế chiến II (1939 – 1945), vua Duy Tân tình nguyện gia nhập quân đội của “nước Pháp tự do”. Chiến thắng thuộc về phe Đồng minh, ông được giải ngũ với hàm thiếu tá không quân.

7. Những năm tháng cuối đời và ước mơ dở dang của Cựu Hoàng

Trong thời gian lưu đày, Cựu hoàng tìm tòi và có niềm đam mê với vô tuyến điện, cũng trong thời gian này trước mối đe dọa gia tăng từ chủ nghĩa Quốc xã từ năm 1936, cựu hoàng đã nhiều lần yêu cầu được tham gia quân đội Pháp, đồng thời khước từ một số đề nghị bí mật trốn về Việt Nam vì ông muốn trở về một cách công khai, đàng hoàng. Nhờ có am hiểu nhất định về vô tuyến, ông dần được thăng chức trong cuộc Chiến tranh thế giới lần thứ hai (1939 - 1945), vua Duy Tân gia nhập quân Đồng Minh chống phát xít Đức và được nhà lãnh đạo Charles de Gaulle của Pháp chú ý. Sau cuộc chiến, de Gaulle muốn đưa Duy Tân trở lại Đông Dương như một lá bài trong kế hoạch tái chiếm Đông Dương, trong khi ông cũng muốn lợi dụng de Gaulle để trở lại ngai vàng và từng bước củng cố độc lập dân tộc. Nhưng kế hoạch chưa được thực hiện thì vào ngày 26/12/1945, ông tử nạn trong một vụ tai nạn máy bay bí ẩn ở Cộng hoà Trung Phi. Có giả thuyết cho rằng đây là âm mưu ám sát của người Anh, vì việc vua Duy Tân trở lại Việt Nam sẽ gây khó khăn cho Anh trong việc trao trả các thuộc địa.

Nha-Vua-Duy-Tan

Một chi tiết do một người bạn của Cựu Hoàng kể lại cách ngày ông tử nạn, do có linh tính không lành nên ông đã có những dự tính về những điềm không may của mình và quả thật ông đã tiên đoán đúng
Xung quanh cái chết của ông có rất nhiều những tranh cãi nhưng giả thuyết ông bị ám sát do một âm mưu chính trị nào đó là được ủng hộ nhiều nhất.

Trong nội dung một bài viết tham khảo, mình khó có thể tổng hợp một cách đầy đủ về những mẫu chuyện về vua Duy Tân, nhưng qua một vài câu chuyện ở trên cũng như sơ lược về cuộc đời của ông sẽ mãi là một tấm gương sáng về tấm gương yêu nước nhưng đành bất lực trước cảnh lầm than của dân tộc, đến những ngày cuối đời, nói theo một cách nào đó Cựu hoàng Duy Tân đã thực sự được sống cho lí tưởng của đời mình và cái chết của ông dù không thể phá tan xiềng xích của bọn thực dân nhưng vẫn là một tiếng chuông đánh động đến tâm can của mọi người.

Tư liệu tham khảo:

  • Việt Nam sử lược
  • Nhà Nguyễn chín Chúa mười ba Vua
  • Gia phả Nguyễn Phúc tộc

Xem ngay truyện hay khác

  1. Vàng lấy con vua (Tạo lúc: 05/03/2015)
  2. Nàng Bạch Tuyết và bảy chú lùn (Tạo lúc: 05/03/2015)
  3. Công chúa ngủ trong rừng (Tạo lúc: 05/03/2015)
  4. Chiếc nón lá của Jizo - Sama (Tạo lúc: 07/03/2015)
  5. Anh chàng chăn lợn (Tạo lúc: 10/03/2015)
  6. Vua ếch (Tạo lúc: 11/03/2015)
  7. Chú thợ may nhỏ thó can đảm (Tạo lúc: 12/03/2015)
  8. Con lợn ống tiền (Tạo lúc: 12/03/2015)
  9. Chu du thiên hạ để học rùng mình (Tạo lúc: 12/03/2015)
  10. Ba người lùn trong rừng (Tạo lúc: 14/03/2015)

Bình luận hoặc góp ý về nội dung

Tìm kiếm


Danh mục

Chủ đề hay bạn quan tâm

Hài hước - vui nhộn