TruyệnXưaTíchCũ.cOm

Cho tôi một vé về với tuổi thơ.

Trước Tiếp theo

Đánh giá: 4/5 - 2 phiếu
Dương Quý Phi - Tu Hoa Sắc Mỹ Nhân (Một trong tứ đại mỹ nhân Trung Quốc))

Dương Quý Phi (719 - 756) tên thật là Dương Nguyệt Nhi sau đổi là Dương Ngọc Hoàn, vốn là sủng phi của vua Đường Huyền Tông Lý Long Cơ, theo truyền thuyết lúc mới sinh ra trên tay nàng đã có đeo sẵn một vòng ngọc nên phụ mẫu đặt tên Ngọc Hoàn. Nàng được miêu tả là mỹ nhân có vẻ đẹp quốc sắc thiên hương xếp vào hàng Tứ đại mỹ nhân trong lịch sử Trung Quốc, được ví là "Tu hoa" (khiến hoa phải hổ thẹn).

Dương Quý phi sinh năm Khai Nguyên thứ 7 (719), nguyên quán Thục Quận (nay là Thành Đô, tỉnh Tứ Xuyên), xuất thân từ gia tộc Hoằng Nông Dương thị tại Hoằng Nông, Bồ Châu (nay là ngoại ô thành phố Tây An, tỉnh Thiểm Tây). Thật ra sử chính không hề ghi năm sinh của Dương phi, vì khi bà qua đời, sách ghi khi 38 tuổi (tuổi mụ), nên mới suy ra là thời gian này.

Dương thị là con út trong số bốn người con gái của một vị quan tư hộ đất Thục Chân. Gia đình này nguyên gốc ở một quận Hoa Âm, Thiểm Tây, có tổ tiên là Dương Uông, một hậu duệ hoàng tộc nhà Tùy, bị Đường Thái Tông Lý Thế Dân xử tử. Cha Dương thị là Dương Nguyên Diễn, thuộc dòng khá giả vì tổ phụ từng làm Thứ sử tại quận Kim. Xuất thân trong gia đình quan lại, cùng gia quyến sống ở Tứ Xuyên, từ nhỏ Dương Ngọc Hoàn được học hát, múa. Đến năm 10 tuổi, cha mẹ mất, Ngọc Hoàn mới đến Lạc Dương, sống với nhà bác ruột, tức Dương Huyền Diễn.

Năm 17 tuổi, Ngọc Hoàn được Võ Huệ Phi (lúc này Đường Minh Hoàng không có hoàng hậu vì ông chỉ sủng ái nhất là Vỏ Huệ Phi, tiếc thay bà có dòng dõi với Võ Mị Nương đời trước nên không thể phong hoàng hậu) cho tiến cung làm vợ hoàng tử thứ 18 Thọ vương Lý Mạo, con trai của vua Lý Long Cơ Đường Minh Hoàng. Khi ấy Lý Mạo tuy yêu thích vẻ đẹp nhưng lại còn quá nhỏ, chỉ ngắm nghía mà thôi, Ngọc Hoàn lúc này lại như hải đường vừa chớm nở, mơn mởn và tươi trẻ. Lúc Võ Huệ Phi mất, Lý Long Cơ ngày đêm đau buồn, hoạn quan Cao Lực Sĩ thấy Ngọc Hoàn dung mạo hơn người nên tìm cách để nàng ở bên cạnh Hoàng thượng. Cực kì thông minh, y sắp xếp cho Ngọc Hoàn xuất gia vào Tập Linh đài (nơi thờ Võ Huệ Phi) để lo hương đăng cầu nguyện cho hoàng hậu sớm siêu sinh. Sau đó y chọn con của vị Chiêu Huấn thay Ngọc Hoàn làm vợ hoàng tử, rồi cho nàng hoàn tục, đưa vào hầu hạ thiên tử. Chẳng mấy chốc, Lý Long Cơ say mê nàng, phong làm quý phi cực kì sủng ái, gia đình nàng cũng một bước mà thăng quan tiến chức, vinh hoa phú quý.

Tại sao mà Đường Minh Hoàng lại say mê Dương Ngọc Hoàn đến mức bất chấp cả luân thường đạo lý, cướp nàng từ phủ của nhi tử như vậy? Đó là vì nhan sắc tuyệt diễm của nàng. Tương truyền, chỉ cần nhìn thấy nàng là đến cả phụ nữ cũng phải ngẩn ngơ, chết lặng nói chi là đàn ông. Ở thời đó, không ai là không say đắm nhan sắc của nàng; người ta còn tặng nàng hai chữ "Tu hoa", nghĩa là đến hoa cũng thẹn thùng khép cánh lại trước sắc đẹp của nàng mỹ nữ họ Dương.

Tương truyền, có lần nàng ra hồ ngắm cá thì cá cũng lặn xuống đáy hồ hết. Người ta bảo rằng vì nàng đẹp, đẹp tới mức chim sa cá lặn, lại thêm thân hình gợi cảm, đầy đặn tròn trịa mà rất phù hợp với quan điểm thẩm mỹ thời nhà Đường. Do đó, chỉ cần một lần lướt mắt qua đã đủ khiến Đường Huyền Tông xiêu lòng và ngày đêm tìm cách có được mỹ nhân.

Nhà vua chiều chuộng nàng hết mực. Dù chỉ là quý phi nhưng trong cung của nàng lúc nào cũng có hàng trăm kẻ hầu người hạ. Các đại thần muốn thăng quan tiến chức thì đều chủ động dâng lễ vật tới cho vị quý phi này; còn các phi tần khác trong hậu cung từ đó cũng chẳng còn được nhiều sủng ái, mưa móc nữa.

Chỉ một lần đi tắm suối của nàng tại Hoa Thanh Trì cũng đã tiêu tốn hàng vạn bạc và làm chết đến trăm mạng người. Ấy vậy mà hoàng đế chưa một lần tỏ ý khó chịu. Nàng vốn thích ăn quả vải của miền Nam nên nhà vua ra lệnh cắt cử người cưỡi ngựa chạy suốt ngày đêm để vận chuyển vải từ Lĩnh Nam đến kinh thành sao cho quả vải đến tay người đẹp vẫn còn tươi mới.

Tuy rằng vượt qua nhiều người đẹp khác thuộc tam cung lục viện để chiếm trọn trái tim của Đường Huyền Tông, song mỹ nhân họ Dương đã trải qua hai mối tình với cả hai cha con, lại được sủng ái quá mức (chưa kể còn "vụng trộm" với người con nuôi trẻ tuổi An Lộc Sơn) nên các quần thần trong triều không ai chịu quy phục nàng cả. Họ luôn nói xấu sau lưng hoặc ngấm ngầm đả kích vị Quý phi họ Dương bằng lời lẽ cay đắng, thậm chí còn tìm cách hạ bệ người đẹp.

Cuối cùng, nàng vẫn không được sắc phong làm Hoàng hậu và số phận bi đát không ngoại lệ "hồng nhan bạc phận"...

Nhân duyên tiền định:

Có chuyện kể rằng Đường Minh Hoàng rất kính ngưỡng Bát Tiên, trong một lần Bát Tiên hiển linh đã dẫn ông lên trời chơi một chuyến. Lúc đi qua cung Quảng Hàn, chứng kiến nhan sắc tuyệt mỹ của Hằng Nga, ông đã làm một bài thơ với nội dung không được tôn kính cho lắm. Lúc ấy Hằng Nga uống rượu đã hơi say, khi tỉnh dậy nhìn thấy bài thơ Đường Minh Hoàng làm quả thật không xem bậc tiên nhân như mình ra gì nên đã mang bài thơ đến trình lên Ngọc Đế. Ngọc Đế thấy vậy rất ư tức giận liền lệnh cho Thanh Long Tướng Quân thoát thai xuống trần làm An Lộc Sơn, kết thúc nhà Đường để mở ra một triều đại mới. Thái Bạch Kim Tinh thấy vậy e ngại liền bẩm tấu rằng Ngọc Đế không nên làm lớn chuyện, đúng rằng Lý Long Cơ xúc phạm đến tiên nhân là không đúng nhưng chính Người đã lệnh sẽ cho Đại Đường kéo dài 400 năm, nay chỉ mới 200 năm đã cho sụp đổ! Thế nhưng Ngọc Đế đã hạ chỉ, Thanh Long cũng đã hạ phàm, không thể thay đổi được. Thái Bạch Kim Tinh liền nghĩ ra kế cho Hằng Nga hạ phàm, đánh dấu bằng vòng ngọc, cho theo hầu vua Đường, để cho Thanh Long và Hằng Nga sẽ cùng náo loạn đời Đường, cho thiên hạ một phen hú vía. Đồng thời sai Bạch Hổ Tinh Quân hóa thai theo phò hộ nhà Đường, để họ không phải diệt vong quá sớm. Lúc Ngọc Đế hạ lệnh, Bạch Hổ không tiếp chỉ bởi hai lần hạ phàm ông đều đoản mạng, một lần sinh làm La Thành một lần sinh làm Tiết Lễ đều mới nhị tuần đã về trời lại. Thái Bạch Kim Tinh hứa sẽ làm rõ sổ sinh tử, kiếp này cho ông trường thọ, thế Bạch Hổ Tinh Quân mới chịu hạ phàm. Bạch Hổ chính là Quách Tử Nghi, về sau thọ 78 tuổi, không bệnh mà mất, biết trước giờ lâm chung. Chính quyết định này của thiên giới đã dẫn đến An Sử chi loạn. Vào giữa thời Đường Minh Hoàng, chính An Lộc Sơn và Sử Tư Minh xưng là Yên Đế tạo ra biến loạn, vua sai Quách Tử Nghi đích thân chinh chiến.

Quý phi vong mạng hay lưu lạc xứ người?:

Càng ngày Lý Long Cơ càng say đắm nàng, bỏ bê chính sự, toàn bộ giao cho Dương Quốc Trung_anh họ của quý phi. Quốc Trung một tay che trời, lộng quyền quá thể khiến lòng dân căm phẫn. Năm 755, An Lộc Sơn dấy binh tạo phản để giành ngôi lẫn mỹ nhân.

Đường Huyền Tông cùng Dương Quý Phi chạy sang Tứ Xuyên lánh nạn. Lúc vua cùng quý phi tháo chạy đến Tứ Xuyên, tam quân cho rằng chính do quý phi hồng nhan họa thủy, quyến rũ thiên tử đam mê tửu sắc, cũng chính nhan sắc đó mà An Lộc Sơn mới tạo phản. Bị ép vào đường cùng, Lý Long Cơ ban ba tấc vải trắng, chính tay Cao Lực Sĩ siết cổ quý phi. Nàng được chôn vội ở ven đường, không mộ phần an táng, nàng mất năm 38 tuổi.

Đường Minh Hoàng xử tử Dương Quý Phi

Có một vài giả thuyết cho rằng chủ tướng Trần Huyền Lễ tính kế cùng Cao Lực Sĩ cho kẻ chết thay rồi ngầm hộ tống nàng lên thuyền sang Nhật Bản. Nhiều năm về sau, Đường Minh Hoàng sai người quay lai Mã Ngôi tìm thi hài quý phi nhưng chỉ thấy sót lại một túi thơm. Vua lệnh cho người sang Nhật tìm gặp được quý phi ở Yamaguchi, dâng lên món quả của thiên tử là hai bức tượng phật như lời cầu chúc bình an, nàng rút trâm cài đầu ra trao lại như quà đáp lễ và một mực không chịu về nước. Ngày nay, ngoài mộ Dương quý phi ở Thiểm Tây, Trung Quốc ra thì tại Nhật, tỉnh Yamaguchi cũng có một khu mộ tưởng niệm Dương quý phi, tượng phật Thích Ca Mâu Ni và tượng phật A Mi Đà vẫn tồn tại và được thờ đến nay. Ở Nhật vẫn tồn tại khá nhiều di tích về Dương quý phi, như ở chùa Yusen có bức tượng quý phi bằng gỗ được coi là cổ vật lâu đời, nhiều phụ nữ Nhật từng xưng là hậu duệ của quý phi trong đó có nữ diễn viên Yamaguchi Monmoe. Số khác lại bảo rằng nàng trốn sang Cao Ly (Hàn Quốc).

Có hai dòng quan điểm chính xoay quanh vấn đề "định tội" Dương Quý phi trước những biến cố của Đường triều.

Quan điểm thứ nhất cho rằng: "hồng nhan" chính là đại họa. Những người theo ý kiến này cũng một mực khẳng định Dương Quý phi dụ dỗ Hoàng đế, hại nước, hại dân, có chết cũng không đền hết tội. Quan điểm đối lập lại chỉ ra: "hồng nhan" vô tội, bởi bản thân nàng cũng là một nạn nhân của thời thế. Những người này bênh vực cho Ngọc Hoàn, khẳng định Quý phi là một cô gái yếu đuối, số phận của nàng cũng chỉ là một quân cờ hi sinh trên bàn cờ chính trị mà thôi. Như vậy, có thể thấy rõ: quan điểm thứ nhất một mặt định tội cho Dương Quý phi, mặt khác lại ngầm đề cao năng lực của "mỹ nữ".

Xưa nay có câu: Đàn ông chinh phục cả thế giới để chinh phục người đẹp, mà người đẹp lại thông qua việc chinh phục đàn ông để nắm lấy cả thế giới. Đường Huyền Tông một đời anh hùng, nhưng cuối cùng vẫn phải khuất phục dưới gấu váy mỹ nhân là vì vậy.

Nhờ vị quý phi họ Dương được sủng ái, Dương Quốc Trung, Vi Kiến Tố, Ngụy Phương mới dựa vào nàng mà thâu tóm được quyền lực trong triều đình.

Cũng theo lý luận trên đây, Dương Quý phi chính là một nhân vật gián tiếp có ảnh hưởng đến chính trị. Nàng đã khuyên Huyền Tông xuất chinh và nhập Thục. Hai hành động này của nhà vua đã đủ để chứng minh sức ảnh hưởng từ Ngọc Hoàn.

Trong khi các đại thần túc trí, đa mưu đều không thuyết phục được Hoàng đế thì đôi ba câu của người đẹp lại có thể nhanh chóng trở thành quyết sách. Vậy mới thấy, mặc dù đứng ngoài chính trị, nhưng Dương Quý phi hoàn toàn có năng lực tác động tới việc triều chính của nhà Đường lúc bấy giờ.

Đó chính là thứ gọi là "họa hồng nhan", là "năng lực của mỹ nữ" mà quan điểm thứ nhất thể hiện.

Ngược lại, quan điểm thứ hai tuy bênh vực Dương Quý phi nhưng cũng đồng nghĩa với việc đánh giá không cao năng lực của mỹ nữ.

Chủ nghĩa Mác-Lênin từng khẳng định: Nguyên nhân bên trong bao giờ cũng quyết định sự hình thành, tồn tại và phát triển của các kết cấu vật chất. Còn nguyên nhân bên ngoài chỉ phát huy được tác dụng thông qua những nguyên nhân bên trong. Vận dụng lý thuyết trên vào Đường Huyền Tông và Dương Quý phi, ta có thể dễ dàng nhận thấy Huyền Tông được xếp vào "nguyên nhân bên trong", còn Quý phi chính là "nguyên nhân bên ngoài". Bởi vậy, ngay cả khi có năng lực ảnh hưởng tới triều chính, những ý kiến của Dương Quý phi vẫn phải được Hoàng đế thông qua mới có thể trở thành hiện thực. Hơn nữa, Huyền Tông là Thiên tử, là Hoàng thượng, là vua của một nước. Ngay cả khi Dương Quý phi có sở hữu dung mạo đẹp hay cốt cách mỹ nhân thì việc gây ảnh hưởng tới quyết sách của nhà vua và cả một vương triều cũng là điều không hề dễ dàng.

Đối với "loạn An Sử", Dương Ngọc Hoàn cũng phải chịu một phần trách nhiệm. Tuy nhiên cần nhấn mạnh rằng đây không phải là trách nhiệm chủ chốt nhất. Quan điểm thứ hai bênh vực Dương Quý phi và coi nhẹ năng lực của mỹ nhân chính là vì những lý lẽ này.

Những quan điểm chính thống về kết cục của Dương Quý phi chủ yếu đến từ "Cựu Đường thư", "Tân Đường thư" và "Tư trị thông giám". Theo đó, sử sách và nhiều tác phẩm văn học vẫn khẳng định Dương Quý phi chết do tự vẫn.

"Đường thư" bản cũ do Lưu Hủ biên soạn, "Tân Đường thư" được chỉnh sửa bởi Âu Dương Tử và "Tư trị thông giám" được Tư Mã Quang biên soạn đều là ba cuốn sách có uy tín trong lịch sử Trung Hoa. Mặc dù miêu tả có một số sai biệt, nhưng ba nguồn sử liệu này đều ghi chép việc Dương Ngọc Hoàn tự vẫn ở sườn núi Mã Ngôi. Bên cạnh đó, đa số những tác phẩm văn học viết về Đường triều như "Trường Hận Ca" (Bạch Cư Dị), "Ngoại truyện Cao Lực Sĩ" (Quách Thực), "An Lộc Sơn sự tích" (Diêu Nhữ Năng)... đều cùng chung ý kiến này.

Bí quyết làm đẹp của Dương Qúy Phi chiếm trọn ân sủng của Đường Huyền Tông

Dương Quý Phi luôn giữ cho thân thể của mình sạch sẽ, thơm tho, nàng tắm nhiều lần trong ngày. Ai không hiểu chỉ nghĩ nàng rảnh rỗi, không có việc gì làm nên dùng việc tắm rửa giải khuây. Nhưng thật ra đó là bí quyết khiến thân thể nàng không bao giờ có mùi xú uế, hôi hám. Dương Quý Phi mê tắm rửa bằng sữa và các loại thảo dược thiên nhiên. Nàng thường bắt cung nữ chuẩn bị sữa dê tươi và trộn lẫn thảo mộc làm nước tắm.

Nàng còn đặc biệt quan tâm đến những mùi hương lưu lại trên cơ thể. Một thứ mùi dịu nhẹ, thoang thoảng chỉ khi lại gần mới toát lên. Đó là mùi hương của tinh dầu bạc hà. Dương Quý Phi sử dụng dầu bạc hà để làm làn da của mình nhẵn mịn, trơn láng. Dầu bạc hà có mùi thơm rất lạ, nó chẳng giống thứ hương hoa nào trên đời. Tuy nhiên ai đã ngửi qua, sẽ yêu thích hương thơm dịu mát nó mang lại.

Việc tắm rửa thường xuyên bằng dược liệu khiến thân thể Quý Phi luôn sạch sẽ và ấm áp. Khi làn da sạch, các mạch máu được khai thông, nhiệt độ thân thể sẽ tăng lên. Không một người đàn ông nào cưỡng lại được thân thể ấm áp, mềm mại của người đàn bà. Người đàn bà dù nhan sắc có lộng lẫy cỡ nào, tuy nhiên thân thể cứng như gỗ, da lạnh như sắt thép và có mùi xú uế, đàn ông dù háo sắc đến mấy cũng vội vàng tránh xa.

Một trong những loại cánh hoa Dương Quý Phi dùng để tắm có cánh hoa sen. Tác dụng của hoa sen giúp cho làn da của nàng luôn có sắc hồng. Màu hồng trên da thịt biểu thị cho sự trẻ trung, tươi mới. Đó là lí do mỗi lần xuất hiện trước mặt Hoàng đế, nàng luôn biến thành một người khác.

Dù chỉ là việc rất nhỏ nhặt là tắm bằng các loại thảo mộc, Dương Quý Phi cũng tạo nên sức hấp dẫn đặc biệt cho riêng mình. Nàng từng vòi vĩnh Hoàng đế cho du ngoạn lên núi Quái Nham chỉ để đắm mình vào dòng nước nóng ở đây. Một cuộc đi tắm tưởng chừng vô tiền khoáng hậu, nhưng cũng đều nằm trong bí quyết làm đẹp của Dương Quý Phi.

Thân thể thơm ngát, đầy đặn, ấm áp của Quý Phi sưởi ấm cho Hoàng đế đã qua tuổi lục tuần, khiến ngài thờ ơ với hàng ngàn giai nhân đang mỏi mắt ngóng chờ ân sủng. Có lẽ hương thơm trên cơ thể của Dương Quý Phi còn hấp dẫn Hoàng đế hơn là nhan sắc khiến hoa cũng phải nhún nhường của nàng.

Cả đời không có nổi mụn con

Đẹp, thông minh, tinh thông múa hát, đàn ca nên chẳng có người đàn ông nào có thể từ chối được nàng. Đặc biệt, người ta nói nàng còn rất có kỹ thuật trong chuyện phòng the, luôn biết cách chăm chút cho bản thân khiến cơ thể tỏa ra hương thơm vô cùng lôi cuốn. Chả thế mà Đường Huyền Tông vô cùng say mê nàng, hằng đêm đều phải có nàng ở bên mới đi vào giấc ngủ được. Thế nhưng tại sao mà cả đời được sủng ái nhưng vị giai nhân tuyệt sắc này lại không có lấy nổi một mụn con?

Người đời sau chỉ có thể suy đoán đó là do thân hình tròn trịa, đầy đặn của nàng. Nó chính là con dao hai lưỡi, một mặt giúp nàng giữ được sự sủng ái của bậc đế vương, mặt khác lại gián tiếp khiến nàng không có năng lực sinh dục. Nếu nhìn trên góc độ y học thì việc quá béo ảnh hưởng không nhỏ tới sức khỏe, gây áp lực tới tử cung, làm tăng nguy cơ mắc ung thư nội mạc tử cung và tác động đến nội tiết tố nữ oestrogen.

Ở người phụ nữ quá đầy đặn, tròn trịa thì tổ chức mỡ khiến cho nội tiết tố androgen có trong máu chuyển hóa thành một loại oestrogen mà có khả năng gây nên bệnh ung thư. Ngoài ra, những người phụ nữ béo này cũng có vòng kinh không đều, thường xuyên bị rối loạn. Do đó, hiện tượng tăng sinh quá độ nội mạc tử cung diễn ra và dẫn đến việc khó có thể mang thai và sinh con.

Đó chỉ là một nguyên nhân mà người đời sau có cơ sở dựa vào để đưa ra các lý giải cho việc tại sao trang quốc sắc này lại chưa một lần sinh nở, ngay cả khi còn là Thọ Vương Phi và hai người đều đang trong độ tuổi sung mãn. Ngoài ra, có thể có các nguyên nhân khác khiến cho vị quý phi họ Dương không bao giờ tận hưởng niềm vui được làm mẹ, tuy nhiên chính sử chưa bao giờ nhắc đến điều này.

Dương Ngọc Hoàn mãi mãi chỉ là quý phi

Xinh đẹp, có tài đàn hát và được hoàng đế nhà Đường sủng ái bậc nhất nhưng Dương Ngọc Hoàn cả đời không được phong làm hoàng hậu. Vậy lý do tại sao?

Tuy rất sủng ái Dương Quý Phi nhưng Đường Huyền Tông cũng hiểu rằng nếu lập nàng là hoàng hậu thì sẽ có nhiều bất trắc. Bởi thực tế Dương Quý phi trước kia là thê tử của Thọ vương Lý Mạo. Nếu nay lập Dương Quý Phi làm hoàng hậu thì sẽ khơi lại lòng căm hận của Thọ vương.

Thêm vào đó việc "cướp vợ" của con trai dù sao cũng là vi phạm đạo đức, dù có là đế vương cũng không tránh khỏi bị dèm pha. Và Dương Quý Phi cũng không tránh khỏi vết nhơ này. Đã không được lòng dân chúng và quần thần sao có thể trở thành "Mẫu nghi thiên hạ", sao có thể đứng đầu hậu cung.

Đường Huyền Tông là người rất thích nghệ thuật, ông không chỉ yêu vẻ đẹp của Dương Ngọc Hoàn mà còn rất thích tài nghệ đàn hát của nàng. Ông cũng tinh thông rất nhiều loại hình nghệ thuật khác nhau. Dương Ngọc Hoàn từ nhỏ đã được học đàn hát lại cũng rất tinh thông âm luật, chơi đàn tỳ bà rất giỏi. Đường Huyền Tông coi Dương Ngọc Hoàn như tri kỷ về nghệ thuật, chính vì thế thực lòng Đường Huyền Tông cũng chưa bao giờ nghĩ đến việc lập nàng là hoàng hậu.

Còn có một nguyên nhân khác khiến Đường Huyền Tông thấy Dương Quý Phi không thích hợp làm hoàng hậu là vì vị thế của Dương gia. Vì quá sủng ái Dương Quý Phi, Dương phủ được hưởng nhiều bổng lộc, anh chị em thân thích đều được trọng dụng trong triều đình, thế lực không ngừng lớn mạnh. Nếu phong Dương Quý Phi làm hoàng hậu sẽ bị triều thần phản đối, nguy cơ biến chính có thể xảy ra.

Đời nhà Đường, Đường Huyền Tông là một hoàng đế trị vì lâu hơn cả. Các phi tần được hoàng đế sủng ái sinh cả thảy 59 người con nhưng Huyền Tông lại không có người con nào với Dương Quý Phi. Không có ghi chép lịch sử nào về nguyên nhân tại sao Dương Quý Phi không có con, nhưng không có con trai là trở ngại lớn nhất để bà trở thành hoàng hậu.

Vì việc lập hoàng hậu là việc hết sức trọng đại của đất nước, phải có sự tham gia của quần thần, chiếu thị toàn dân. Hoàng hậu phải là người đạo đức, công dung tốt, có thể làm mẫu nghi thiên hạ, con trai của hoàng hậu sẽ được chọn làm thái tử, kế vị ngai vàng.

Thái tử được lập trước đó nay đã lớn mà Dương Quý Phi vẫn không thể sinh được một người con nào nên không có lý do gì để phong làm hoàng hậu. Nếu bất chấp phong hậu cho bà thì không chỉ có thái tử, Thọ vương mà thậm chí là các đại thần cũng phản đối, triều đình bất ổn. Đường Huyên Tông chắc chắc sẽ không mạo hiểm như vậy.

Dương Quý Phi mặc dù không được làm hoàng hậu nhưng ân sủng của Hoàng thượng dành cho bà chính là tiêu chuẩn ân sủng của hậu. Bà cũng là người rất lãng mạn, không tham quyền thế. Vì vậy, Dương Quý Phi chưa một lần yêu cầu hay nhắc đến việc lập bà làm hoàng hậu. Là một phi tử được sủng ái nhất mực như vậy, hà tất phải cần danh hiệu hoàng hậu kia. Dương Quý Phi là một trong số ít phi tần có được suy nghĩ như vậy. Đó cũng là một trong những lý do khiến bà được Đường Huyền Tông yêu quý hết lòng.

Xem ngay truyện hay khác

  1. Nàng Bạch Tuyết và bảy chú lùn (Tạo lúc: 05/03/2015)
  2. Sự tích hoa cẩm chướng (Tạo lúc: 05/03/2015)
  3. Công chúa ngủ trong rừng (Tạo lúc: 05/03/2015)
  4. Bà chúa tuyết  (Tạo lúc: 05/03/2015)
  5. Ba sợi tóc vàng của quỷ (Tạo lúc: 05/03/2015)
  6. Sự tích chim tu hú (Tạo lúc: 06/03/2015)
  7. Những bông hoa của cô bé Ida (Tạo lúc: 06/03/2015)
  8. Chiếc nón lá của Jizo - Sama (Tạo lúc: 07/03/2015)
  9. Hai Bà Trưng (Tạo lúc: 08/03/2015)
  10. Đại thánh Từ Đạo Hạnh (Tạo lúc: 08/03/2015)

Bình luận hoặc góp ý về nội dung

Tìm kiếm


Danh mục

Chủ đề hay bạn quan tâm

Hài hước - vui nhộn