Trước đây, ở cửa biển về phía Đông Bắc tỉnh Thừa Thiên có ba ngọn sóng thần, tục gọi là sóng Ông, sóng Bà và sóng Con. Hàng ngày, cả ba lượn sóng thần quái này hiện lên nhận chìm thuyền qua lại, sát hại không biết bao nhiêu sanh mạng người. Sự kinh khủng, hãi hùng lan rộng trong giới ngư phủ và cả giới thương hồ vượt biển hàng ngày. Bởi vậy mới có câu hát nói lên sự kinh sợ đó:
Thương em anh cũng muốn vô,
Sợ truông nhà Hồ, sợ phá Tam Giang.
Phá Tam Giang tức là chỗ sóng thần thường hiện ra gieo rắc tai họa kinh khủng cho mọi người. Thời kỳ này, ghe thuyền đều lãng tránh việc qua lại trên phá Tam Giang.
Sóng thần không những hoành hành dưới biển mà còn tràn lên bờ làm sập nhà cửa, phá hoại mùa màng ở các làng xung quanh phá Tam Giang. Dân chúng trong vùng đều hãi hùng kinh sợ, kêu ca với quan địa phương. Quan địa phương dâng sớ về Huế xin triều đình tìm cách trừ khử sóng thần.
Lúc bấy giờ nhằm triều vua Tự Đức, nhà vua xem sớ xong lấy làm tức giận quyết tự tay trừ hại cho dân lành. Nhà vua mới đích thân cầm quân đến nơi quyết hạ cho được sóng thần.
Một cỗ đại bác được đem trí tại khuỷu sông, họng súng day thẳng ra biển nhắm ngay chỗ sóng thần thường nổi lên. Nhà vua tưởng tượng đó là một hung thần khát máu chỉ biết có giết chóc, sát hại, nên truyền đúc đầu đạn đại bác bằng đồng để bắn sóng thần.
Chuẩn bị đâu đó hoàn bị rồi, trước khi tấn công, nhà vua có được lời tuyên cáo cảnh cáo sóng thần như vầy:
- Trẫm vâng mạng trời làm vua nước Nam, thấy ngươi cũng thuộc hàng thủy thần ở trong đất nước của trẫm, lại ngang nhiên làm điều bạo ngược, vô cớ làm hại đến dân của trẫm. Vậy trẫm phải ra lệnh cho nhà ngươi từ đây dẹp thói hung hăng, dứt điều tàn bạo, xa lánh chốn này. Trẫm kỳ hạn cho nhà ngươi một ngày để suy nghĩ, nếu biết phải quấy mà hối cải thì trẫm cũng rộng lòng mà tha cho các tội đã qua. Bằng không, bấy giờ đừng có trách sao không ra ân trước.