Ngày xưa, có người bộ hành lạc lõng trên đường thiên lý đã nhiều ngày, nên đói khát đuối sức. Vừa may, người bộ hành đến một vườn mía trông trước nhìn sau chẳng thấy chủ vườn ở đó, mới bẻ mía ăn đỡ lòng, đoạn lấy một xâu tiền điếu buộc vào cây mía rồi ra đi.
Một lát sau, chủ vườn ra vườn thấy mất một cây mía lại chợt thấy xâu tiền kẽm buộc vào cây mía kế bên, lấy ra đếm thì thấy hơn giá tiền một cây mía quá nhiều. Chủ vườn mía nghĩ rằng có kẻ đã ăn mía trả tiền, nhưng số tiền còn thừa, phải kiếm cho được người ăn mía mà trả lại, không thì chủ vườn chẳng yên lòng. Nghĩ như vậy rồi, người chủ mía mới đi tìm người bộ hành.
Xế chiều, người chủ vườn gặp người bộ hành nằm chết trên đường, nghĩ thương tình, người chủ vườn mới vác người bộ hành đến một cái chùa gần đó, kể hết sự tình cho ông nghe và nhờ sư ông tụng kinh siêu độ.
Nhà sư liền lấy cây mía buộc tiền vào rồi đặt lên đàn, đoạn đọc kinh cứu khổ, gọi là lễ truy hồn hay lễ chiêu hồn.
Cuộc lễ vừa xong, hồn người bộ hành bỗng trở về nhập với xác, giúp người sống lại.
Vì truyện tích này mà từ đó về sau, mỗi khi có lễ chiêu hồn, các pháp sư hay thầy sãi đều dùng cây mía có buộc xâu tiền kẽm để làm đồ tế lễ.
(Xem thêm Sự tích cây nêu ngày Tết)