Giáp chân núi Chẹ có một cái đầm sau gọi là đầm Gà. Tục truyền, ở quanh đầm ấy ngày xưa đã xảy ra một trận đánh lớn giữa Sơn Tinh và Thủy Tinh.
Sau khi Sơn Tinh gánh núi Chẹ đặt án ngữ dòng nước sông Đà không cho xô thẳng vào mặt sau núi Tản. Thủy Tinh mất dòng nước làm chỗ dựa đành phải tháo lui. Nhân dân quanh vùng ghi nhớ công lao của Sơn Tinh, đặt tên cho núi Chẹ là Sụ Tùng.
Còn Thủy Tinh thì rất căm tức. Hắn định lập quỷ kế, lừa khi đêm tối sẽ xua quân nầm xẻ ngòi dẫn nước sông Đà vào phá đổ núi Chẹ. Hắn lại giao hẹn với Sơn Tinh chỉ đánh nhau từ chập tối đến gà gáy sáng thôi.
Thấy Sơn Tinh vui vẻ nhận lời, tưởng ông trúng kế, Thủy Tinh mừng Lắm. Đến đêm, hắn chia quân làm hai cánh từ hai hướng tây nam và tây bắc núi Ba Vì ráo riết xẻ ngòi Tôm và ngòi Lạt vào sát chân núi. Thủy Tinh không những đánh đào bật núi Chẹ đi mà còn định phá đổ cả ba tòa núi Tản.
Khoảng nửa đêm, khi quân của Thủy Tinh đã đi vào gần chân núi Chẹ, Sơn Tinh liền vỗ tay và giả làm tiếng gà gáy. Gà trên núi đều cất tiếng gáy theo. Quân của Thủy Tinh tưởng trời đã sáng hoảng sợ chạy lui, dồn ứ lại ở vùng chân núi Chẹ.
Lúc ấy tiếng gà gáy cũng là hiệu lệnh cho quân của Sơn Tinh lao gỗ đá từ trên cao đánh xuống. Quân của Thủy Tinh chết rất nhiều.
Ở nơi Sơn Tinh vỗ tay giả làm tiếng gáy, nơi diễn ra trận đánh ác liệt, nước đã xoáy thành đầm. Nhân dân địa phương đến nay vẫn gọi đó là đầm Gà.
(Hãy đọc thêm thần thoại Đức thánh bất tử Tản Viên nhé)