Trong sách thần thoại "Dậu dương tạp trở" có nói: Trong mặt trăng có cây quế cao 500 trượng. Dưới gốc có một người cầm búa chặt mãi, nhưng chặt xong thì cây liền lại như cũ. Người ấy tên Ngô Cương quê ở Tây Hà, tu tiên có lỗi bị phạt chặt cây.
Kịch thần thoại "Lên cung trăng" của Ngô Tổ Quang cũng có chép: Hậu Nghệ có hai người học trò tài giỏi là Ngô Cương và Phùng Mông. Nghệ sinh ở bờ biển Đông tức nước Hữu Cùng, võ nghệ phi thường, sức có thể nhổ núi lấp sông lại giỏi về kỵ xạ. Hai người học trò cũng đều tài ba xuất chúng. Hậu Nghệ có công bắn 9 mặt trời cứu bá tính khỏi chết trong biển lửa nên được nhân dân kính mến, suy tôn làm hoàng đế. Lên làm vua, Nghệ lại trở thành hôn quân cướp giựt của cải của nhân dân. Ngô Cương lại tòng theo thầy làm nhiều điều tàn ác, giết chóc sinh linh vô số. Ngược lại với Ngô Cương, Phùng Mông là người hiền lành, đem lời can thầy can bạn không được, bèn bỏ đi theo dân nghèo chống lại thầy.
Hậu Nghệ bắt Hằng Nga làm hoàng hậu. Sợ nàng trốn, Nghệ giam một nơi và bắt Ngô Cương canh giữ. Một hôm, Nghệ đi săn, Hằng Nga lấy cỏ Linh chi (cỏ trường sinh) của Nghệ uống vào, mình nhẹ bổng nên nàng cùng con Ngọc Thố bay lên cung trăng. Nghệ đi săn về thấy mất Hằng Nga nên tức giận, bóp cổ Ngô Cương cho đến chết. Vong hồn Ngô Cương bay lên cung trăng gặp Hằng Nga, định giết nàng báo thù. Hằng Nga hoảng hốt thì vừa lúc ấy Nguyệt Lão đến, quát to:
– Ngày trước nhà ngươi giết hàng triệu sinh linh, ngày nay phải chịu quả báo, thế chưa biết ăn năn hối cải sao?
Ngô Cương đáp:
– Tôi chết rồi... vì Hằng Nga trốn nên đại vương giết tôi. Tôi chết oan uổng nên hồn không tiêu tan, tôi muốn trả thù.
Cụ già mỉm cười:
– Nhà ngươi chết như thế phải lắm, còn muốn sống làm sao nữa?
– Tôi hết lòng trung vì chúa, đánh đông dẹp bắc, ngày đêm lo việc trị dân.
Cụ già gật gù hỏi:
– Nhà người có trị được không? Hay càng trị càng rối.
– Tại đại vương quá giận giết tôị Nếu không, tôi có cách trị an thiên hạ.
– Cách gì?
Ngô Cương tỏ vẻ cương quyết:
– Giết.
Cụ già cười ha hả:
– Nhà ngươi giết mấy chục năm rồi mà càng giết càng đông, càng loạn. Đồ khùng! Thân xác đã chết rồi mà hồn chưa tỉnh ngộ. Ngô Cương, có thấy cây quế kia không?
Cụ già vừa nói vừa đưa tay trỏ cây quế thần cao 500 trượng. Ngô Cương đáp:
– Thấy, mà có quan hệ gì tới tôi.
– Nhà ngươi chặt cây kia ngã được thì mới có thể giết người để bình thiên hạ được.
Cụ già vừa nói xong, đưa tay móc túi lấy ra một cây búa trao cho Ngô Cương. Hắn tiếp lấy búa, đưa thẳng tay lên chặt vào cây quế. Lửa trong cây quế văng ra. Cương buông búa, xuýt xoa kêu:
– Cây cứng quá!
Cụ già cười xòa:
– Phải. Nó còn cứng hơn nhà ngươi.
Ngô Cương thẹn thùa, đưa tay nhặt lấy búa đưa thẳng tay chặt lia lịa. Lửa lại bắn ra tứ tung. Mỗi lần giở búa ra thì dấu chặt lại dính liền như cũ. Cụ già bảo:
– Thôi, chặt không được đâu.
Ngô Cương càu nhàu:
– Thây kệ tôi.
– Đồ ngu đến chết vẫn không tỉnh. Nhà ngươi không thấy cây quế ấy, mày càng chặt thì cây càng lớn, càng cao, càng đẹp sao? Được. Mặc kệ cho mày chặt. Ta đi đây.
Cụ già nói xong biến mất. Ngô Cương vẫn cầm búa chặt mãi... chặt mãi mà cây quế kia không bao giờ đứt, vẫn tươi sống kiếp kiếp đời đời.
Hình ảnh Ngô Cương vẫn đang miệt mài đốn cây trên cung trăng gắn liền với hình ảnh chú Cuội cung trăng và đêm Trung Thu ở Việt Nam. Cứ mỗi đêm trăng rằm chúng ta lại thấy có một cái bóng Ngô Cương màu đen đang đứng dưới gốc cây miệt mài chặt mãi.