Trong sử thi Mahabharata, thuộc đạo Hindu, Pandava hay Pandavas là năm người con trai của Pandu với hai người vợ của ông là Kunti và Madri, công chúa của Madra. Tên của họ lần lượt là Yudhishthira, Bhima, Arjuna, Nakula và Sahadeva. Cả năm anh em đều cưới nhau cùng một phụ nữ, Draupadi.
Qua miêu tả của Draupadi, có thể tạm hình dung về tính cách và ngoại hình của 5 anh em Pandava như sau:
Yudhishthira: Người anh cả, dù không thông thạo các kỹ năng chiến đấu của một kshatriya nhưng Ydhishthira lại được thừa hưởng từ bố mình (thần chính pháp Dharma) đạo đức, sự kiên định và tấm lòng của một vị vua. Ydhishthira đã cùng các em xây dựng lên kinh đô Indraprastha, cai quản vương quốc thịnh vượng. Hai tên gọi khác của Yudhishthira là Ajatshatru (không có kẻ thù) và Dharmaraja (được kính trọng vì phẩm hạnh). Draupadi đã miêu tả Yudhishthira có làn da tựa vàng ròng, cái mũi cao, đôi mắt to và dáng người mảnh khảnh. Chàng là người có đạo đức, hay thương xót cho kẻ thù khi chúng đầu hàng. Điều này cũng thể hiện rõ ở câu chuyện Jayadratha bắt cóc Draupadi.
Bhima: Người anh thứ hai. Vì là con của thần gió Vayu nên Bhima bẩm sinh có sức khỏe phi thường, có thể sánh ngang với 100 con voi và rất lực lưỡng. Dù luôn hết lòng vì gia đình, nhưng không giống với những người anh em điềm tĩnh của mình, Bhima rất nóng nảy, dễ nổi giận. Trong Mahabharata, Bhima được miêu tả như là một chiến binh hoàn hảo, người sở hữu các kỹ năng chiến trận nhuẫn nhuyễn từ đánh xe, cưỡi voi, đấu vật, đấu kiếm, bổ chùy, bắn cung,... đến chặt gỗ, nấu ăn và khoa học. Khi người anh Yudhishthira thực hiện lễ tế Rajasuya (Rajasuya Agna: Một lễ tế dành cho nhà vua), Bhima đã lên đường chinh phục các vương quốc phía đông. Trong thời gian cư trú ở Matsya, Bhima đã trừng trị Kichaka – một kẻ quấy rối Draupadi. Trong trận chiến Kurukshetra, Bhima là người kết liễu 100 anh em Kaurava và Duryodhana. Ngoài Draupadi, Bhima có hai người vợ khác tên là Hidimbi (Khẩu vị của Bhima khá mặn, vì Hidimbi không phải người mà là nữ quỷ Rakshasa (La Sát), em gái vua quỷ Rakshasa – Hidimba - một kẻ thù đã bị Bhima giết chết) và Valandhara (Valandhara có với Bhima một cậu con trai). Hidimbi đã sinh hạ cho Bhima cậu con trai Ghatotkachh (Ghatotkachh: Khi cuộc chiến Kurukshetra diễn ra, Ghatotkachh đã được triệu tập đến Indraprastha, chàng mang theo một đội quân La Sát hùng mạnh để trợ chiến cho cha mình.) – người sau này bị Karna giết bằng thần khí Vasavi Shakti của thần Indra trong cuộc chiến Kurukshetra.
Arjuna: Người anh thứ ba. Arjuna là con của Kunti với thiên đế Indra. Chàng nổi tiếng là người có đạo đức, ngay thẳng và không ưa những hành vi bất công. Bên cạnh đó, Arjuna cũng được biết đến với vai trò người bạn trung thành, tận tâm của thần Krishna. Nhờ tài năng cùng đức độ, Arjuna được những người như Bhishma, hiền triết Dorna yêu quý. Với kỹ năng sử dụng cung tên bậc thầy, Arjuna là cung thủ giỏi nhất vào thời đó. Không những vậy, chàng còn được đích thân các vị thần trao tặng nhiều thần khí như Pashupatastra của thần Shiva, Brahmastram,... Arjuna được miêu tả có ngoại hình điển trai và rất thu hút phụ nữ.
Nakula: Người em thứ tư. Nakula có vẻ bề ngoài đẹp nhất trong số 5 anh em. Chàng do Madri và thần Ashwin Nasatya sinh ra. Nakula rất khiêm tốn, giỏi ngoại giao và hay giúp đỡ mọi người. Trong lễ tế Rajasuya Yagna, Nakula nhận nhiệm vụ đi chinh phục phía Tây. Chàng cũng là người hạ các con trai của Karna và con trai vua Shakuni – Uluka. Cùng với người em sinh đôi Sahadeva, Nakula có tài đấu kiếm xuất sắc, đặc biệt giỏi trong việc cưỡi ngựa và chăm sóc ngựa.
Sahadeva: Người em út. Trong số 5 anh em, Sahadeva là người khôn ngoan, sống nội tâm và ẩn dật nhất. Sahadeva có kỹ năng chiến đấu cùng tài thuần hóa bò rừng thượng thừa. Chàng thường được giao nhiệm vụ chăn nuôi gia súc, trị bệnh cho chúng, vắt sữa cũng như chế biến các món ăn từ sữa. Sahadeva cũng là bậc thầy chiêm nghiệm, các kinh điển cũng như những tri thức khác nhờ vào sự dạy dỗ của đạo sư Sage Brihaspati – thầy dạy của các thần. Năng lực tâm linh của Sahadeva rất mạnh, do đó chàng thường là người đầu tiên cảnh báo cho mọi người những hiểm nguy sắp ập đến. Trong lễ tế Rajasuya, Sahadeva nhận nhiệm vụ chinh phục phương nam, đến vương quốc Lanka.
* Thời niên thiếu
Sau khi vua Pandu qua đời, nhờ sự giúp đỡ của Bhishma mà thái hậu Kunti cùng 5 hoàng tử Pandava quay trở lại Hastinapur. Tại đây, 5 anh em Pandava được ông bác dạy dỗ, chăm sóc cùng các anh em nhà Kaurava.
Tuy nhiên, Bhima thường có mâu thuẫn với những người anh em họ của mình, đặc biệt là đại hoàng tử Duryodhana – vị hoàng tử đã từ chối thừa nhận 5 anh em Pandava là người thân. Những cuộc cạnh tranh, thi đấu giữa các hoàng tử diễn ra quyết liệt, và trong hầu hết những lần đụng độ giữa hai phe thì nhà Pandava luôn chiến thắng. Điều này khiến mối quan hệ của họ ngày càng xấu đi, còn Duryodhana thì nuôi dưỡng lòng thù ghét dữ dội với những người anh họ của mình. Bên cạnh đó, đại hoàng tử nhà Kaurava còn được sự xúi giục từ ông cậu là vua Shakuni nên dần dà đã mưu tính đến việc loại bỏ 5 anh em Pandava để tranh quyền thừa kế.
Thời gian trôi qua, các hoàng tử lớn lên, 5 anh em Pandava, đặc biệt là người anh cả Yudhishthira ngày càng được lòng dân chúng. Ai cũng ủng hộ hoàng tử nhà Pandava được kế vị. Việc này càng khiến Duryodhana căm tức hơn nữa. Vị hoàng tử của nhà Kaurava đã tìm cách thuyết phục cha mình – vua mù Dhritarashtra thực hiện những âm mưu xấu xa để giết chết cả thái hậu Kunti lẫn 5 anh em Pandava, mặc cho những lời khuyên nhủ can ngăn của người chú họ Vidura (Vidura là hóa thân của thần chính pháp Dharma vào dòng họ Kaurava để cố ngăn cản cuộc chiến Kurukshetra. Trong sử thi Mahabharata, mỗi khi vua mù chấp thuận theo mưu kế của con trai mình, Vidura đều xuất hiện để can ngăn nhưng không thành công).