Quỷ La Sát là một loại quỷ quái trong thần thoại Hindu cũng như Phật giáo, đây là một sinh vật thần thoại có hình dáng, tính cách của loài người hoặc quỷ thần bất thiện. Trong thần thoại này, La Sát và Asura (A tu la/ Phi thiên/ Bán thần) đôi khi được thay thế, hoán đổi cho nhau, và trong kinh văn Phật giáo, nhiều khi đồng nhất La Sát và quỷ dạ xoa.
Rakshasa hầu hết được miêu tả như là một quái nhân như hình thù xấu xí, dữ tợn, thù địch, chúng to lớn như những ngọn đồi, đen như nhọ nồi, với hai chiếc răng nanh thò ra, những móng tay sắc nhọn giống như vuốt chim và gầm gừ như thú vật. Chúng cũng được mô tả như là kẻ ăn thịt người luôn đói khát, có thể đánh hơi mùi thú vật, con người và thịt. Một vài Rakshasa tàn bạo, hung ác hơn được thể hiện với con mắt đỏ rực, tóc rực lửa, uống máu vốc bằng tay hay từ chiếc sọ người. Thông thường, trong các câu chuyện kể, Rakshasa có thể bay lượn, biến mất, tăng hay giảm kích cỡ. Chúng có hình dáng động vật, con người hay những vật khác.
Trong kinh văn Phật giáo thường gặp, La Sát là loài hung thần ác quỷ, loài này hình tướng và mặt mày rất ghê gớm, thích ăn thịt người. Nam La Sát có thân đen, tóc đỏ, mắt xanh; nữ La Sát giống như người phụ nữ xinh đẹp, đầy sức quyến rũ, chuyên ăn thịt uống máu loài người, loài quỷ này còn có hình dáng, hoặc là đầu trâu tay người, hoặc có móng chân trâu, hoặc là đầu nai, đầu dê, đầu thỏ, quỷ La Sát có sức thần thông, có thể bay nhanh ở trong hư không, hoặc đi nhanh trên mặt đất, bạo ác đáng sợ... La Sát gồm có La Sát nam và La Sát nữ hay còn gọi là nữ La Sát.
La Sát thường được liên tưởng đến Bà La Sát hay còn gọi là Thiết phiến công chúa trong Tây Du Ký, là một phụ nữ dữ tợn, hay ghen. Người Trung Quốc cũng hay gọi người Nga là La Sát hay gọi nước Nga là Nga La Sát. Trong bộ truyện tranh Long Hổ Môn của Hoàng Ngọc Lang có phái La Sát Giáo đứng đầu là La Sát giáo chủ Hỏa Vân Tà Thần.
Trong thế giới của sử thi Ramayana và Mahabharata, Rakshasa là một loài siêu nhiên đông đúc có hình dáng, tính cách con người. Đó là những quỷ, thần Rakshasa và như là những chiến binh, chiến đấu bên cạnh quân lính của cả quỷ và thần. Chúng là những chiến binh hùng mạnh, là một phù thủy bậc thầy và biến hóa khôn lường. Như một kẻ biến hình, Rakshasa mang những hình thể khác nhau, không thể xác định được hình thể thực sự hay tự nhiên của chúng. Như những nhà ảo thuật, Rakshasa có năng lực hiện hình thực sự khi người ta tin vào chúng hay biến hình khi bị xua đuổi. Một vài Rakshasa được cho là những kẻ ăn thịt người; chúng hân hoan, vui sướng khi là kẻ tàn sát trên chiến trường. Đó là những Rakshasa xấu xa, tồi tệ nhất. Đôi khi, chúng phụng sự như là những chiến binh bề tôi cho các vị chủ tướng này hay chủ tướng khác.
Ngoài những chiến binh Rakshasa vô danh, thiên sử thi còn kể những câu chuyện về các Rakshasa xuất chúng, một vài Rakshasa là người hùng, nhưng phần lớn chúng là kẻ hung ác.
Trong Ramayana, cuộc chiến Lanka, cuộc chiến giữa quân Rakshasa (dưới sự thống lĩnh của Ravana) chống lại binh lính Vanara hay đội quân khỉ (thống lĩnh bởi Rama và Sugriva):
- Ravana là một Rakshasa 10 đầu, vua của loài Rakshasa và là kẻ thù sinh tử của Rama, người anh hùng của Ramayana. Ravana bắt cóc vợ hoàng tử Rama - nàng Sita, và nhanh chóng mang nàng về thành Lanka. Do đó, Rama cùng vua khỉ Sugriva đưa đội quân khỉ vây hãm thành Lanka, chiến đấu với Ravana, giải cứu nàng Sita.
- Vibhishana, người em trai của Ravana, là một Rakshasa từ tâm hiếm thấy. Vibhishana là một người đoan chính và chuyên cần trong việc tuân thủ các giáo luật, và ông không bao giờ chệch hướng khỏi con đường ngay thẳng, đạo đức và được soi sáng bởi trí tuệ siêu phàm. Vibhishana đã khuyên Ravana trả lại Sita cho Rama. Nhưng Ravana không nghe theo. Thế là Vibhishana đi theo Hoàng tử Rama để chống lại anh ruột của mình là Ravana. Khi Hoàng tử Rama chiến thắng Ravana, Vibhishana đã lên làm vua xứ Lanka.
- Kumbhakarna là một người anh em khác của Ravana. Một chiến binh đáng sợ và là chủ nhân nhiều pháp thuật. Kumbhakarna ngủ suốt trong phần lớn cuộc chiến Lanka (do lời thỉnh cầu từ thần Brahma về một giấc ngủ dài lâu), nhưng bị Ravana đánh thức để báo về hung tin đỉnh điểm của cuộc chiến. Dẫn đoàn quân rời khỏi kinh thành Lanka tiến đánh Hoàng tử Rama, Kumbhakarna ngay lập tức bị đội quân khỉ tấn công, nhưng điều này chỉ khiến hắn cười nhạo và trút toàn bộ sức mạnh dữ dội vào các quân khỉ. Khi vua khỉ Sugriva tiếp chiến, Kumbhakarna túm lấy Sugriva và kéo lê Sugriva trên chiến trường. Hoàng tử Rama và người em Lakshmana đã dùng những mũi tên bí mật Brahmastra (vũ khí của thần Brahma) để giết chết Kumbhakarna: Kumbhakarna rơi xuống như một cái cây lớn bị chẻ đôi do sét đánh.
Có rất nhiều Rakshasa khác xuất hiện trong Ramayana: Kabandha, Tataka, Surpanakha, Maricha, Subahu, Kha, Indrajit, Prahasta, Akshayakumara, và Atikaya. Tất cả đều là kẻ tài phép và dũng mãnh.
Trong Mahabharata, người anh hùng Bhima của Pandava là sự báo oán của những Rakshasa ngụ nơi rừng rậm. Chúng hay thết cơm, đãi rượu những khách du hành và hãm hại họ.
- Hidimba là một Rakshasa ăn thịt người, bị giết bởi Bhima. Là một kẻ ăn thịt người hung ác với răng dài, sắc nhọn và sức mạnh phi thường, khi Hidimba thấy những người Pandava ngủ trong rừng, hắn quyết định ăn thịt họ. Nhưng hắn đã mắc một sai lầm khi sai người em là Hidimbi đi thăm dò tình hình. Thiếu nữ Hidimbi đã phải lòng chàng Bhima đẹp trai, cô đã cảnh báo với những người Pandava về mối nguy hiểm đang rình rập họ. Tức điên lên, Hidimba đã tuyên bố sẽ giết cả những người Pandava và em gái của mình, nhưng hắn đã bị người anh hùng Bhima đánh bại và giết chết trong một cuộc chiến tay đôi.
Ghatotkacha là con trai của Bhima và Hidimbi. Ghatotkacha, sống với mẹ Hidimbi khi còn nhỏ. Lớn lên, Ghatotkacha có đặc điểm là một người trung thành và khiêm tốn. Ghatotkacha luôn dõi bước đi người cha Bhima. Bất cứ khi nào Bhima nghĩ về Ghatotkacha thì Ghatotkacha luôn xuất hiện. Ghatotkacha được Bhima gọi đến để chiến đấu bên cạnh Pandava trong cuộc chiến Kurukshetra. Ghatotkacha đã sử dụng những năng lực ma thuật của mình và giáng một vố mạnh vào quân đội Kaurava.
Khi đó, vị tướng lĩnh của Duryodhana là Kaurava đã khẩn khoản người chiến binh thần sầu Karna giết chết Ghatotkacha. Khi toàn bộ quân đội Kaurava tiến đến gần và không ngừng tấn công Ghatotkacha từ không trung, Karna đã sử dụng vũ khí thiêng Shakti - được thần Indra ban cho. Đó là loại vũ khí chỉ được dùng duy nhất một lần nên Karna đã giữ gìn nó để dùng trong trận chiến này.
Không thể từ chối Duryodhana, Karna đã sử dụng Shakti chống là Ghatotkacha và giết chết hắn. Và điều đó đã chuyển hướng cuộc chiến tranh. Sau cái chết của Ghatotkacha, vị quân sư Krishna của Pandava mỉm cười, cuộc chiến đã thắng lợi vẻ vang vì giờ đây Karna không còn vũ khí thần thánh để chống chọi Arjuna, chủ tướng của quân Pandava.
- Kamsa là người anh em của Devaki. Kamsa là một Rakshasa độc ác, tàn bạo, kẻ đã giết chết những đứa cháu, con của Devaki vì Kamsa nghĩ rằng hắn sẽ bị giết chết bởi một trong các đứa trẻ này. Vasudeva, chồng của Devaki đã che giấu một đứa con. Và đứa bé đó là Krishna.
- Bakasura là một Rakshasa ăn thịt người trú ngụ nơi rừng rậm. Bakasura gây nên khiếp sợ cho cộng đồng dân cư nơi đây bởi quy định bắt buộc họ phải lần lượt đều đặn dâng cúng thức ăn và hiến tế người. Không may cho Bakasura khi những người Pandava du hành đến vùng đất này, xây dựng nhà cửa, dinh thự và sống cùng với một người Bà-la-môn đến lượt phải dâng cúng thức ăn. Khi người Bà-la-môn và gia đình anh ta tranh cãi ai phải là người hy sinh, Bhima khỏe mạnh, lực lưỡng đã tình nguyện làm vật phẩm dâng cúng. Bhima mang vật phẩm dâng cúng đi vào rừng, song đã ăn hết sạch mọi thứ lễ vật trên đường đi để chọc tức Bakasura và đối mặt chiến đấu chống lại Bakasura dữ tợn. Để kết thúc, Bhima bẻ gãy lưng địch thủ khiến những người dân nơi đây vô cùng kinh ngạc và sửng sốt. Những Rakshasa vùng đất này cũng kéo lại cầu xin Bhima dung tha. Bhima đồng ý với điều kiện chúng phải từ bỏ tục ăn thịt người. Những Rakshasa này đồng ý với lời đề nghị đó và sau đó chung sống hòa bình cùng con người (quyển I: Adi Parva, phần 159-166).
- Kirmira, người anh em của Bakasura, một kẻ ăn thịt người và là chủ nhân của các phép thuật biến hóa. Hắn ta thường đến khu rừng Kamyaka, thết cơm những vị khách du hành. Giống như người anh em, Kirmira cũng mắc sai lầm khi đánh nhau với người anh hùng Bhima của Pandava, người đã giết chết hắn bằng tay không (quyển III: Varna Parva, phần 11).
- Jatasura là một Rakshasa xảo quyệt, hắn ta cải trang thành người Bà-la-môn nhằm lấy cắp vũ khí của người Pandava và cướp đi người vợ Draupadi. Bhima đã ra tay và giết chết Jatasura trong một cuộc chiến đấu tay đôi (quyển III: Varna Parva, phần 156). Con trai của Jatasura là Alamvusha, kẻ đã chiến đấu bên cạnh những Kaurava tại Kurukshetra.
Nói chung, qua các trường hợp được trích dẫn trên, chúng ta thấy Rakshasa trong thế giới sử thi đa phần là ác; song ở đó cũng có những Rakshasa thiện lương, đứng trong hàng ngũ phe chính nghĩa. Tính chất hai mặt này cũng được duy trì trong kinh văn Phật giáo; song ở đây, đa phần các trường hợp là các Rakshasa hồi đầu hướng thiện sau khi được nghe Phật pháp.