Garuda hay Kim sí điểu, Ca-lâu-la là một loài chim thần trong Ấn Độ giáo và ảnh hưởng sang Phật giáo. Garuda được miêu tả bằng hình ảnh một con chim săn mồi có đầu người, với ba mắt và mỏ đại bàng. Garuda là một vị thần, chúa tể của các loài chim và là vật cưỡi của thần Bảo tồn Vishnu. Trong trường thi anh hùng ca Mahabharata, Garuda là con của Kasyapa, một nhà hiền triết quyền uy, có nhiều vợ, nhưng 2 người vợ được yêu chuộng nhất là 2 chị em Vinata và Kadru. Kadru đã cầu xin Kasyapa ban cho mình nhiều con, do đó, cô đã sinh ra được 1000 con rắn Naga, sinh sống ở thế giới bên dưới sâu trong đại dương.
Vinata cũng cầu xin chồng ban cho 2 người con nhưng có sức mạnh hơn hẳn những đứa con của Kadru. Vinata sinh ra được 2 quả trứng. Vinata đã chờ đợi đến 500 năm nhưng quả trứng vẫn không có động tĩnh gì. Mất hết kiên nhẫn và quá tò mò, Vinata đã làm vỡ một trong 2 quả trứng để xem cái gì đang diễn ra bên trong. Quả trứng nở ra một đứa trẻ đã phát triển phần thân trên nhưng không có chi dưới. Biết mẹ là người đã gây nên sự méo mó, dị dạng, đứa trẻ vô cùng giận dữ. Vị này đã thốt ra lời nguyền rủa: Mẹ Vinata sẽ trở thành người hầu, nô lệ cho người chị em Kadru trong suốt 500 năm, rồi bay đi. Cuối cùng vị này trở thành người đánh xe ngựa Aruna cho thần Mặt trời Surya.
Quả trứng thứ 2 của Vinata 500 năm sau cũng nở và đó là Garuda. Ngay khi nở ra, Garuda vụt sáng như một ngọn lửa lớn của vũ trụ, sở hữu một hình thể khổng lồ: sải cánh khuất lấp cả bầu trời, mỗi cái vỗ cánh khiến Trái đất rung lắc dữ dội, có khả năng hủy diệt toàn bộ thế giới và kết thúc mọi thời đại. Thậm chí các vị thần còn lẫn lộn ánh sáng rực rỡ phát ra từ thân vàng kim của Garuda với ánh nắng chói chang của mặt trời. Quá khiếp sợ, chư thần đã phải cầu xin Garuda giảm bớt kích thước và sinh lực của mình. Garuda được miêu tả có một thân hình tráng kiện, vàng rực ánh kim của một người đàn ông với mặt trắng, cánh đỏ, có 3 mắt và mỏ đại bàng bằng kim cương, Garuda là biểu tượng cho sức mạnh dữ dội, cho tốc độ, và sự dũng cảm, tinh thần thượng võ. Người ta cũng nói rằng cánh chim Garuda khi bay sẽ tụng kinh Veda.
Lời nguyền rủa của Aruna cuối cùng cũng trở thành sự thật khi Vinata và Kadru tranh cãi về màu sắc của con ngựa trong quá trình khuấy biển sữa. Vinata tin rằng con ngựa có màu trắng tuyền. Còn Kadru nói rằng nó có màu xám, do vậy con ngựa sẽ có vài cọng lông đen. Cuộc tranh cãi dữ dội này đi đến việc đánh cuộc kẻ nào thua cuộc sẽ trở thành nô lệ cho người thắng cuộc suốt 500 năm. Con ngựa thực tế có màu trắng tuyền. Kadru biết điều đó, nhưng vì không muốn mình là kẻ thua cuộc nên Kadru đã ra lệnh cho những đứa con Naga của mình đính những cọng lông đen vào con ngựa để nó có màu xám. Vinata ngây thơ nên thua cuộc, trở thành nô lệ cho Kadru và bị giam cầm ở thế giới bên dưới cùng với những cư dân Naga.
Garuda sau đó mới biết được âm mưu xảo trá này. Nhưng để giải thoát cho mẹ, Garuda đã thỏa thuận với những con rắn Naga là sẽ mang về cho chúng thuốc trường sinh để đổi lấy sự tự do cho mẹ. Garuda đấu với các thần linh thuộc hạ của thần Indra. Garuda quá mạnh mẽ đến nỗi lưỡi tầm sét, vũ khí tối thượng của thần Indra đã bị đập vỡ tung. Bấy giờ thần Vishnu lại nhảy vào tiếp chiến. Bất phân thắng bại, để kết thúc, một thỏa thuận được thực hiện để giải quyết mọi thù hiềm: khi thần Vishnu ở trong cung điện trên trời cao của mình, Garuda sẽ có địa vị cao hơn, trên đỉnh cột phía trên cung điện. Tuy nhiên, khi Vishnu muốn đi du ngoạn đây đó, Garuda phải phụng sự chuyên chở. Từ đó, Garuda được liên kết với các vị thần và là vật cưỡi đáng tin cậy của Vishnu.
Garuda còn được thần Vishnu ban ân huệ là loài rắn Naga sẽ trở thành thức ăn truyền kiếp của Garuda. Do đó, hễ gặp rắn là Garuda liền chộp và giữ chặt những con rắn Naga dưới móng vuốt của mình, mổ vào đuôi Naga để moi ruột và chỉ ăn những con béo mập, lấy xác chúng làm đồ trang sức cho mình. Hình ảnh Garuda thường được dùng trên bùa hộ mạng để bảo vệ khỏi rắn cắn và chất độc của rắn. Garudi Vidya cũng là câu thần chú chống lại nọc độc của rắn và xua đuổi mọi điều xấu xa, quỷ quái.
Có thuyết lại cho rằng Garuda là anh em họ và kẻ thù của những Naga, Garuda thường được thể hiện đang dùng mỏ xé xác những con rắn và dùng chân có móng sắc nhọn đề nát chúng. Những con rắn bị nó giết chết thường có đầu và nửa thân người thay cho cái đầu của con vật bò sát. Theo truyền thuyết thì rắn thần Naga đã giết chết mẹ của chim thần Garuda nên đây là mối thù không đội trời chung. Hể gặp rắn là Garuda liền xé xác, sau này thần Vishnu đã thu phục được và Garuda trở thành vật cưỡi của vị thần này.
Người Tây Tạng thường tạo cho Garuda một vẻ dữ tợn, trong một số hình ảnh nó tỏ ra bị khuất phục bởi chúa tể địa ngục.
Cuộc chiến đấu giữa chim và rắn là một đề tài quen thuộc ở các tranh tượng thờ châu Á, người ta thấy ở đấy hình ảnh cuộc đấu tranh của sự sống chống lại cái chết, của cái thiện chống lại cái ác, của những sức mạnh trên trời chống lại sức mạnh âm ty, của tính hai mặt của thần Vishnu, vừa giết chết vừa làm sống lại, vừa phá hủy vừa xây dựng lại. Có thể nhà phân tâm học có thể phát hiện ở con rắn có đầu người, bị đè nát bởi con mãnh cầm, hình ảnh của vô thức bị bóp nghẹt bởi lý trí hoặc những ham muốn xác thịt bị kìm nén bởi những cấm kỵ về đạo đức.
Ngày nay chúng ta thấy hình tượng chim thần Garuda trong những kiến trúc chùa chiền của Phật giáo Nam tông ở Việt Nam, Thái Lan, Campuchia (những con chim Garuda nâng đỡ mái chùa)... Hình tượng Garuda cũng chính là chủ thể trên quốc huy vương quốc Thái Lan.