TruyệnXưaTíchCũ.cOm

Cho tôi một vé về với tuổi thơ.

Trước Tiếp theo

Đánh giá: 5/5 - 0 phiếu
Sự tích con khỉ

Ngày xưa có một người con gái đi ở với một nhà trưởng giả. Nàng phải làm việc quần quật suốt ngày, lại bị chủ đối đãi rất tệ. Cái ăn cái mặc đã chả có gì mà thỉnh thoảng còn bị đánh đập chửi mắng. Vì thế, cô gái tuổi mới đôi mươi mà người cứ quắt lại, trông xấu xí bệ rạc hết chỗ nói.

Một hôm nhà trưởng giả có giỗ, cỗ bàn bày linh đình, họ hàng đến ăn uống đông đúc. Trong khi đó thì cô gái phải đi gánh nước luôn vai không nghỉ.

Lần gánh nước thứ mười, cô gái mỏi mệt quá ngồi lại ở bờ giếng. Tự nhiên cô thấy tủi thân, ôm mặt khóc. Lúc đó đức Phật bỗng hiện ra với trạng mạo một ông cụ già. Ông cụ có vẻ đâu từ xa lại, dáng điệu mệt nhọc đến xin nước uống. Nàng vội quảy gánh xuống giếng vục nước lên cho ông già giải khát. Ông cụ uống xong lại đòi ăn. Cô gái nhớ tới phần cơm của mình chưa ăn, bèn bảo ông cụ ngồi chờ rồi quảy gánh nước về.

Lần sau ra giếng, cô lấy cơm trong thùng đưa cho ông già và nói:

- Họ dành phần cho con toàn cơm cháy cả, cụ ăn một bát này cho đỡ đói.

Ăn xong, ông cụ bảo nàng:

- Hồi nãy làm sao con khóc?

Cô gái ngập ngừng, cúi mặt xuống không trả lời.

- Ta là đức Phật, ông cụ nói  tiếp, ta thấy con có lòng tốt. Nếu con muốn gì, ta sẽ làm cho con vui lòng.

Cô gái ngạc nhiên mừng rỡ, kể nỗi lòng với đức Phật. Thấy điều ước muốn của người con gái chỉ là làm sao cho bớt xấu xí, ông cụ bảo nàng lội xuống giếng, hễ thấy bông hoa nào đẹp mút lấy thì sẽ được như nguyện. Khi xuống nước, cô gái chỉ mút mấy bông hoa trắng. Tự nhiên lúc lên bờ, nàng trở nên trắng trẻo xinh xắn, đồng thời quần áo cũng biến thành những thứ tốt đẹp.

Khi cô gái quảy gánh nước trở về, cả họ nhà trưởng giả vô cùng kinh ngạc. Nàng xinh đẹp đến nỗi họ không thể nào nhận ra. Nghe cô gái kể chuyện, ai nấy cũng muốn cầu may một tý. Họ lập tức đổ xô cả ra bờ giếng mong gặp lại đức Phật để được trẻ lại và đẹp ra. Thấy ông cụ già vẫn còn ngồi ở chỗ cũ, họ sung sướng như người được của. Họ đưa xôi thịt ra mời tới tấp:

- Này cụ xơi đi! Cụ xơi đi! Rồi cụ làm phúc giúp cho chúng tôi với!

Đức Phật cũng bảo họ lội xuống giếng và dặn họ y như dặn cô gái lần trước.

Dưới giếng lúc đó đầy hoa đỏ và hoa trắng. Ai nấy đều cho màu đỏ là đẹp nên khi lội xuống giếng đều tìm hoa đỏ mút lấy mút để. Nhưng không ngờ lúc lên bờ, họ không phải trẻ lại mà già thêm ra: mặt mũi nhăn nheo, người trông quắt lại, lông lá mọc đầy người, đằng sau lưng là cả một cái đuôi. Những người đi gánh nước thấy vậy hoảng hồn: - "Kìa trông con quỷ, nó cắn bà con ôi!". Nhưng lại có những tiếng khác: - "Đánh cho chết chúng nó đi! Sợ gì!". Lập tức mọi người cầm đòn gánh xông lại. Cả họ nhà trưởng giả kinh hoàng bỏ chạy một mạch lên rừng. Từ đó, cô gái cùng với số người nghèo hầu hạ trưởng giả được hưởng những của cải do chúng để lại.

Lại nói chuyện trưởng giả và họ hàng đành phải nấp náu trong rừng sâu, ngày ngày kiếm quả cây nuôi thân. Chúng đi lom khom, áo quần rách nát trông rất thiểu não. Nhưng chúng vẫn tiếc của. Cho nên thỉnh thoảng ban đêm chúng lại mò về, hoặc gõ cửa, hoặc ngồi trước nhà kêu léo nhéo suốt đêm, gần sáng mới trở về rừng.

Thấy vậy cô gái và mọi người sợ quá, đêm đêm đóng cửa rất chặt. Họ bàn nhau tìm cách đuổi chúng. Họ bôi mắm tôm vào các cánh cửa, lại nung nóng rất nhiều lưỡi cày đặt rải rác ở cổng các nhà.

Quả nhiên, một đêm nọ chúng lại mò về. Theo lệ thường, chúng đánh đu vào song cửa kêu rít lên. Nhưng lần này chúng vừa mó đến đã bị mắm tôm vấy đầy tay rồi từ tay vấy khắp cả người, hôi hám không thể nói hết. Chúng kinh sợ dắt nhau ra ngồi trước cổng quen như thói cũ. Nhưng vừa đặt đít xuống các lưỡi cày thì chúng đã kêu oai oái, rồi ba chân bốn cẳng bỏ chạy lên rừng. Từ đó chúng kệch không dám về nữa.

Trong những khi lên rừng hái củi, người ta thỉnh thoảng vẫn gặp chúng. Thấy bóng người từ đáng xa, chúng liền chuyền theo nhánh cây, lủi nhanh thoăn thoát. Người ta gọi chúng là những con khỉ. Ngày nay vẫn có nhiều người cho khỉ là thuộc nòi trưởng giả. Còn những con khỉ sở dĩ đỏ đít là vì chúng chịu di truyền dấu vết bỏng đít của tổ tiên[1].

KHẢO DỊ

Truyện này được nhiều sách chép như Truyện đời xưa... của Jê-ni-bren (Génibrel), Mỹ Ấm tùy bút của Trương Vĩnh Tống và Loại cổ tích hay[2], mỗi sách chép có khác biệt về tình tiết. Theo quyển thứ nhất thì để làm cho cô gái trở nên xinh đẹp, ông Tiên không bảo nàng lội xuống giếng mà bảo đem một cái bánh và một cây nhang cho ông làm phép. Theo quyển thứ hai, ông Tiên làm phép ấn quyết vào thùng nước rồi bảo cô gái tắm. Đối với vợ chồng phú trưởng giả, ông cũng không bảo họ lội xuống giếng mà bảo họ kiếm bốn viên gạch lớn đốt đỏ lên đặt ở mỗi góc nhà một viên rồi hai vợ chồng phải nhảy nhót mãi, đoạn ngồi lên gạch. Cả ba quyển đều không nói đến họ hàng trưởng giả cũng tham dự vào việc này.

Đồng bào Thổ có truyện Cô gái mồ côi thương người gần giống với truyện của ta, nhưng kết cục lại không có việc hóa thành khỉ:

Ngày xưa, người nhà trời có thói quen xuống trần để thử con người. Hồi ấy có một cô gái mồ côi đi ở cho người. Vì chủ bạc đãi nên cô gầy gò xấu xí, không ai chơi với. Một hôm có sứ giả nhà trời hóa làm một ông lão ghẻ lở đến chỗ bọn con gái, bảo chúng cõng hộ qua khe. Chúng nó lấy làm kinh tởm, nhổ nước bọt chửi rủa ông, chỉ có cô gái mồ cô vui lòng cõng ông sang. Sau khi qua khe, ông lão trao cho cô gái hai cái váy ghẻ bảo hàng ngày hít sẽ có điều hay. Cô gái làm theo và trở nên béo tốt tươi đẹp. Khi bọn con gái biết được sự tình bèn cố chực đón ông lão. Gặp ông, bọn chúng xúm nhau làm kiệu đưa qua khe. Nhưng khi hít những váy ghẻ của ông lão cho, chúng trở nên xấu xí hết sức, đến nỗi không được ai lấy làm vợ, trong khi đó cô gái mồ côi nhờ đẹp nên lấy được chồng quan[3].

Đồng bào Thổ ở Thái-nguyên có truyện Côi, cô gái mồ côi, lại có chủ đề mẹ ghẻ con chồng khác với các truyện trên:

Côi, vì mẹ chết sơm nên chỉ được ăn mặc rách rưới, đi chăn vịt, trong khi đứa con riêng của dì ghẻ thì ăn mặc tốt đẹp chỉ ở nhà giữ gà. Một hôm chăn vịt ở bờ suối, Côi nhổ tóc bạc cho một bà già - sau đó mới biết đó là hiện thân của mẹ mình - bà già cho Côi áo quần đẹp, vòng xuyến, v.v... Dì ghẻ thấy sự lạ, hỏi Côi lấy ở đâu ra, Côi đáp như lời mẹ mớm: - "Vịt lội, thì lội theo, vịt lặn, lặn theo, vịt ỉa thì ăn lấy, vịt đái uống lấy, nên như thế". Dì ghẻ cho Côi ở nhà giữ gà, để vịt cho con đẻ mình chăn; nhưng càng làm theo lời Côi thì con lại càng ốm o xấu xí.

Kết thúc câu chuyện chủ yêu là nhằm chĩa vào mụ dì ghẻ:

Một hôm, hai chị em giã gạo, chày của Côi vang lên "phịch côông rôông phịch"... (ý nói sau lấy chồng đẹp sung sướng). Còn chày của con dì lại kêu: "phịch cùng phịch rất" (ý nói sau này khổ). Nghe thế, dì ghẻ nổi giận, buộc cha Côi bỏ Côi vào rừng sâu. Nhờ chim muông và thú rừng nuôi nấng, Côi vẫn sống.

Sau đó, Côi gặp một người thợ săn, hai người lấy nhau trở nên sung sướng. Từ khi giàu có và lập làng xóm đông đúc, Côi nhớ đến cha, bèn trồng một gốc bí, bảo bí bò về nhà. Bí bò mãi về đến nhà bị dì ghẻ chặt đứt, lại mọc ngọn khác bò vào. Mấy lần như vậy. Tức mình, dì ghẻ bảo chồng tìm gốc mà chặt, nhờ đó ông gặp lại được Côi. Khi bố trở về, Côi gửi phần thịt biếu cha, lại gửi phần thịt biếu dì. Được gói thịt, mụ dì chui vào bịch ngồi ăn, nhưng giở ra toàn là rắn rết và ong, chúng cắn cho mụ thất điên bát đảo. - "Cứu tôi với!" mụ hét. Chồng đáp: - "Còn ăn miếng gan". - "Cứu tôi với!". - "Còn ăn miếng dồi". - "Cứu tôi với!". - "Còn ăn miếng xôi". Đến lúc phá bịch ra thì vợ đã chết giấc.

Từ đó dì ghẻ hối lỗi, đến thăm vợ chồng Côi, được Côi đối đãi tử tế[4].

Đồng bào Ba-na (Bahnar) có truyện Đam Bơ có lẽ cũng là một dị bản xa gần của truyện Sự tích con khỉ:

Đam Bơ ở với mẹ, nhà rất nghèo, phải đi chăn trâu cho tù trưởng. Bầy trâu không chịu ăn, đói meo, anh sắp bị tù trưởng hành hạ. Nhờ tiếng chiêng của anh ngân vang đến cõi tiên, các cô tiên bèn xuống trần chơi với anh, cho anh một cái lá phép. Anh thổi lên, trâu đang gầy hóa béo. Về  nhà thổi lên: mẹ đang già hóa trẻ và đẹp. Thấy vậy, tù trưởng bắt anh thổi để mình và vợ con được trẻ và đẹp, nhưng Đam Bơ thổi cho cả nhà thành khỉ. Một con quỷ nhờ anh thổi cho thành người, nhưng anh thổi cho thành đầu người mình gà, v.v... đều chạy vào rừng ở[5].

Truyện Sự tích con khỉ của chúng ta tương tự ít hoặc nhiều với một số cổ tích nước ngoài. Truyện của người Băng-la-dex (Bangladesh):

Một người có hai vợ: một trẻ, một già. Hắn rất yêu quý người vợ trẻ. Vì thế, người vợ già bị người vợ trẻ đối đãi như nô lệ. Một hôm đang cơn giận dữ, người vợ trẻ giật đứt luôn nắm tóc còn sót lại trên đầu người vợ già rồi đuổi ra khỏi cửa. Người vợ già bỏ đi vào rừng. Trong khi đi đường, gặp một cây bông, bà ta còn quét xung quanh gốc cây rất sạch khiến cây tỏ lời cảm ơn. Bà ta còn quét xung quanh một gốc chuối, một cây tu-la-xi và còn quét dọn chỗ ở của một con bò rừng. Tất cả đều cảm ơn bà. Sau đó, gặp một ông thầy tu, bà ta kể nông nỗi đau khổ của mình. Thầy tu bảo bà lội xuống chi một lần thôi, dưới cái ao nọ. Khi lên khỏi ao, bà thấy mình có mớ tóc rất đẹp và trẻ lại. Thầy tu lại cho bà một giỏ quả cây, bảo bà vào nhà mình muốn lấy giỏ nào thì lấy. Nhưng bà không lấy những giỏ to, đẹp, mà chỉ lấy một giỏ tầm thường. Không ngờ về sau, bao nhiêu quả cây trong giỏ đều hóa ra vàng và ngọc quý và dùng không bao giờ hết.

Khi bà về nhà, qua cây tu-la-xi, cây chúc cho bà về được bình an và được chồng yêu thương đến điên cuồng. Con bò rừng cho bà hai cái vỏ ốc ở sừng, dặn bà đeo vào cổ tay, chỉ cần lắc vài cái là có đủ đồ trang sức như ý muốn. Cây chuối cho bà một tàu lá rộng nhất, dặn rằng hễ khi nào đói cứ trải lá ra là có đủ thức ăn ngon. Sau cùng, cây bông cho bà một cành của mình với phép màu nhiệm là chỉ lắc vài cái sẽ có quần đẹp.

Bà bước vào nhà, người vợ trẻ ngạc nhiên vô cùng. Khi nghe kể chuyện, chị ta cũng bỏ vào rừng với ao ước được giàu có và đẹp đẽ. Nhưng điều không may là chị ta lại quên dừng lại ở chỗ ba gốc cây và con bò rừng. Hơn nữa, đáng lý chỉ lội xuống ao một lần thì chị ta lại lội đến hai lần để mong được thật đẹp. Vì thế khi ra khỏi ao, chị ta vẫn không có gì khác trước. Ông thầy tu chả cho cái gì cả. Từ đấy chị ta bị chồng chán ghét, và dần dần trở thành nô lệ cho người vợ kia[6].

Một truyện khác của người Ấn-độ (Pendjab):

Có hai chị em tính tình khác nhau. Chị là Mô-tho, hay gây gổ khó tính; em là Mun-gô, hiền lành dễ bảo. Một hôm em rủ chị đi thăm bố già ở nhà anh. Chị không đi, em đi một mình. Dọc đường qua cây táo, cây bảo bẻ bớt gai cho nó. Cô dừng lại giúp. Sau đó, qua một bếp lửa, bếp bảo cời bớt tro vì làm cho nó ho, cô cũng làm hộ. Lại đến một cây pi-pan, cô buộc hộ cho nó cái cành gãy dở. Đến một suối nước, suối nhờ chùi hộ ở nguồn, vét bùn và nhặt lá rụng. Khi gặp bố, cô nâng đỡ, hầu hạ bố trong lúc người anh đi gặt vắng. Bố cô ưng ý cho một con trâu và nhiều đồ đẹp mang về. Khi qua các vật đã gặp lúc đi, mỗi vật đều cảm ơn và đều biếu cô: dòng suối làm nổi lên mặt nước một tấm vải đẹp; cây pi-pan cho một vòng ngọc treo sẵn ở cành; bếp lửa cho bánh ngon; cây táo thì cho quả chín ngọt.

Cô chị thấy cô em về với quà tặng nhiều liền nổi ghen, cũng đi thăm bố già. Qua các vật trên, các vật cầu xin giúp đỡ, cô không giúp còn trả lời thô lỗ. Đến nhà bố già, ông anh vì không muốn bố tái diễn việc lấy của cho con gái nên phang gậy vào cô, đuổi ra khỏi cửa. Khi qua các vật trên, các vật cũng cho quà nhưng mỗi lần cô đụng tay đến thì chả được gì cả. Cứ thế, vừa đói vừa bị đau cho đến tận nhà.

Truyện của người Na-uy (Norvège) cũng tương tự truyện vừa kể:

Một cô gái kéo sợi đánh rơi mũi quay xuống giếng vị bà dì ghẻ buộc phải trèo xuống lấy lên. Cũng như truyện trên, cô đi dọc đường gặp rất nhiều vật, mỗi vật nhờ giúp một việc. Cô khéo léo khi vượt qua hàng rào cũ kỹ, không làm nó đổ; cô vắt sữa cho con bò khi vú nó đang căng; cô cắt lông cho một con cừu lông dài quét đất; cô đập cho rụng quả một cây táo nhánh nặng trĩu sắp gãy, v.v... Khi trèo xuống đáy giếng, cô không ngờ rơi vào tay một bà chằng (tơ-rôn). Bà chằng bắt cô làm đầy tớ cho mình, bảo làm nhiều việc khó khăn nhưng cô đều làm tròn, nhờ chịu khó và tốt bụng với những con chim (quẳng những mẩu bánh cho chúng ăn). Bà chằng tức mình vì việc gì cô cũng làm xong, đành phải trả công: cho cô được chọn một trong ba cái hộp. Một con chim giúp cô tránh hộp cóc nhái mà chọn hộp có của quý. Cô ra về. Bà chằng không ngờ cô chọn mất hộp quý, vội đuổi theo toan lấy lại và định "xé cô làm nghìn mảnh". Nhưng cây táo bảo cô nấp dưới nhánh của nó làm cho bà chằng tìm không ra. Sau đó con cừu bảo cô nấp dưới lông, con bò bảo nấp dưới vú, tiếp đến hàng rào cũng bảo cô nấp sau rào, nên cô gái về nhà vô sự.

Con gái bà dì do kiêu ngạo không chịu giúp ai cả nên kết quả bị bà chằng giết chết.

Truyện Bà Hôn (Frau Holl) do Grim (Grimm) sưu tập cũng cùng dạng với truyện trên. Ở đây cô gái qua một lò bánh. Những cái bánh ngọt gọi cô: - "Đưa tôi ra với kẻo tôi cháy đấy!". Cô lần lượt đưa chúng ra. Đến một cây táo đầy quả, cây táo cầu khẩn: - "Rung cho quả của tôi rụng mấy". Cô gái làm theo...[7].

Một truyện của người Ca-ri-en (Cariels) Miến-điện (Myanmar):

Một cô bé ra sông múc nước tuột tay đánh rơi chiếc thùng xuống dòng nước chảy. Cô không biết lội đành chạy men bờ, đuổi theo chiếc thùng trôi. Chạy mãi, đến một đập nước của người khổng lồ, cô bị hắn bắt. Sắp bị ăn thịt, cô kể chuyện của mình cho người khổng lồ nghe. Hắn bèn tha cho cô bé rồi đưa về nhà. Vợ người khổng lồ thấy cô cũng thèm ăn lắm, nhưng cô được khổng lồ chồng bảo vệ và sau thành con nuôi của hắn.

Một hôm, hai vợ chồng khổng lồ đi vắng để con gái ở lại và dặn đừng nhìn vào hai cái sọt để ở góc buồng. Nhưng cô gái không ngăn được tính tò mò: cô thấy một sọt đầy vàng bạc còn một sọt đầy sọ người. Sau đó, cô gái xin phép họ trở về quê hương. Khổng lồ chồng cho phép, nhưng khổng lồ vợ còn bắt cô phải bắt chấy cho mình trước khi lên đường. Cô gái thấy trên đầu mụ là cỏ một ổ rắn rết rất ghê tởm. Cô đi kiếm một cái búa chém vào lũ rắn rết đồng thời cũng làm cho mụ ta choáng váng. Thế rồi cô được về. Trước khi đi, khổng lồ chồng bảo cô vào buồng, cho chọn lấy một cái gì tùy thích. Cô gái vốn đã biết cái giỏ cũ có thể làm đầy vàng bạc, nên nói: - "Hai ông bà đã già không đan được giỏ, con xin lấy cái giỏ cũ". Khổng lồ vợ cũng dặn: - "Nếu mày muốn đẹp thì khi đến sông nước đen hãy chải tóc và đánh răng, đến sông nước đỏ hãy chùi môi và sau cùng đến sông nước trắng hãy xuống tắm!". Cô gái nghe lời, khi về đến nhà trở nên giàu có và đẹp đẽ.

Bà con nghe tin cô giàu kéo nhau đến thăm. Cô đong cho mỗi người một chén đầy vàng bạc. Nghe cô kể chuyện, một chàng trai trẻ tuổi quyết định đi thử một phen để cũng được giàu và đẹp như cô. Hắn đến nhà khổng lồ và cũng được nhận làm con nuôi. Cuối cùng hắn cũng được họ cho về quê với một chiếc giỏ. Vì chưa từng nhìn vào bao giờ nên hắn bắt chước cô gái là chọn một chiếc giỏ cũ. Hắn lại không chú ý đến lời dặn của khổng lồ vợ về những việc phải làm ở mỗi khúc sông mà hắn sẽ lội qua. Hắn trèo lên xe để về cho được mau. Nhưng khi về đến nhà, mở giỏ ra thì thấy đầy những sọ người. Đang kinh ngạc thì người khổng lồ đã đột ngột xông tới bắt hắn ăn thịt[8].

Ở truyện của người Hung-ga-ri (Hongrie) thì cô gái gặp một con chó nhờ lấy hộ mẩu xương mắc trong cổ. Khi gỡ được, nó biếu cô mẩu xương, dặn lúc nào bối rối đặt xương lên miệng nó sẽ bảo phải làm gì. Gặp một cái lò, lò nhờ cô quét hộ tro, quét xong, lò cho cô một cái còi, dặn khi nào cần chỉ thổi một tiếng là có thể tàng hình. Gặp một con kiến, kiến nhờ đưa lên khỏi hố sâu, và tạ ơn bằng cách dặn cô, hễ nghe tiếng xào xạc như tiếng gió thì coi chừng có kẻ đuổi theo.

Đến ngôi nhà vàng của mụ phù thủy, cô nói năng rất lễ độ, xin một việc làm. Mụ thuê cô quét dọn mười hai gian buồng, nhưng dặn chớ vào buồng thứ mười ba. Nhờ có mẩu xương con chó tặng, cô thắng được tính tò mò. Sau khi làm việc cho mụ một năm (kỳ thực chỉ có ba ngày), mụ lấy ra ba cái hòm bảo chọn một, cô chỉ chọn hòm gỗ thường. Lúc về dọc đường nghe tiếng xào xạc sau lưng, biết có nguy biến, cô lấy còi ra thổi, lập tức biến hình làm cho mụ phù thủy tìm không ra. Lúc về, giở hòm ra thì là một hòm vàng và áo quần bằng gấm vóc.

Còn cô gái con mụ dì ghẻ độc ác cũng ra đi, nhưng vì chả giúp ích gì cho những kẻ đang yêu cầu cô giúp đỡ nên cuối cùng tuy không bị mụ phù thủy giết chết nhưng cô cũng phải chạy bán sống bán chết, mình đầy máu me; về chưa đến nhà đã mở hộp vàng (do cô chọn) ra xem, thì một con rắn trườn ra cắn đuổi làm cô chêt giấc[9].

Một truyện cảu Pháp do Pe-rôn (Perrault) kể:

Một người đàn bà góa sinh được hai cô gái. Cô lớn giống mẹ, hợm hĩnh không ai chịu được. Còn cô bé hiền lành xinh đẹp bị mẹ ghẻ bỏ, cho ăn với đầy tớ và bắt làm ốm xác cả ngày.

Một ngày cô bé phải hai buổi đi gánh nước, xa chừng nửa dặm. Một hôm đến suối, nàng thấy một bà rách rưới đến xin ngụm nước. Nàng rửa sạch gầu, ra tận chỗ xa múc nước trong rồi hai tay nâng gầu cho bà ta uống. Bà già nguyên là nàng tiên giả dạng, uống xong bảo nàng: "Con đẹp mà tử tế, ta ban lộc cho con từ rày hễ mở miệng nói thì ra hoa, ra ngọc".

Khi cô bé trở về bị mẹ mắng, vội chắp tay xin: "Con lạy mẹ, mẹ tha cho con!". Vừa nói bấy nhiêu tiếng thì có hai cành hoa và hai viên ngọc sáng ngời từ miệng văng ra. Bà mẹ ngạc nhiên hỏi chuyện; nàng kể hết sự thật. Bà vội giục cô gái lớn là Phăng-xông ra suối. Cô mang bình bạc đi múc nước. Khi đến nơi, bỗng có một bà sang trọng xin giải khát. Chính là nàng tiên vừa rồi hóa thành người khác để thử cô. Cô nói: - "Khéo cái bà này, dễ tôi đến đây để múc nước cho bà uống đó sao. Mà bà có uống thì ghé xuống đâyy mà uống". Nàng tiên đáp: - "Con không ngoan một tý nào. Vậy thì ta ban cho là hễ mở miệng ra nói sẽ nhả ra rắn và cóc".

Thấy con gái lớn về, bà mẹ đon đả: - "Thế nào con?". Cô vừa đáp: - "Mẹ ạ!" thì đã có hai con rắn và hai con cóc từ trong mồm văng ra. Bà mẹ hốt hoảng: - "Trời ơi! Cái gì thế này. Chắc là con ranh con phản chị đây!".

Bà mẹ tìm con gái bé để đánh. Nàng chạy trốn vào rừng. Giữa lúc đó thì hoàng tử đi săn về qua đấy. Hoàng tử thấy cô gái đẹp, dừng ngựa lại bởi vì sao mà khóc. Nàng đáp: - "Mẹ tôi đánh đuổi tôi". Hoàng tử thấy ở miệng rơi xuống năm hạt trân châu, rất lấy làm lạ. Khi nghe rõ câu chuyện, hoàng tử đưa nàng về cung, tâu trình vua cha xin lấy làm vợ.

Còn cô chị ngày một bẳn tính làm cho mẹ cũng sinh ghét, đuổi đi. Hắn long đong đây đó không ai muốn chứa, sau vào xó rừng mà chết[10].

Một loạt truyện khác có nội dung gần gũi với loạt truyện kể trên, ở chỗ nhân vật đều là một cặp chị em tốt và xấu và mỗi người chịu kết quả báo ứng tương xứng với tính nết của họ.

Truyện của ta: Hai chị em:

Có hai chị em, chị giàu bỏ mặc em nghèo không giúp đỡ. Em đi xin không ai cho cả. Đi mót khoai thì có một con rắn chui vào rổ. Em bảo rắn: - "Rắn ơi! Ta và con ta đói lắm, nếu mày cho ta làm thức ăn thì cứ nằm yên để ta đưa về nấu". Nấu xong thì rắn đã hóa thành thỏi vàng. Từ khi giàu, em mời chị tới chơi nhà. Khi biết được nguồn gốc giàu có của em, chị cũng bắt chước cầm rổ đi mót khoai. Cuối cùng cũng có một con rắn chui vào rổ, và chị cũng nói với rắn như trên, rồi đưa về nhà bỏ vào nồi nấu lên. Không ngờ lúc này rắn lại hóa làm nhiều con khác, bò ra đầy một nhà cắn chết chị[11].

Truyện của người Tia-rôn (Tirols):

Một cô gái đi hái quả rừng với người anh. Cô trả lời dịu dàng lễ phép về những câu hỏi của bà thánh Đồng trinh, trái lại, người anh trả lời vô lễ. Bà thánh cho cô em một hộp sách màu vàng, người anh một hộp đen. Anh mở hộp ra thì thấy có hai con rắn bò ra cắn chết, còn em mở hộp ra thì có hai nàng tiên đưa em lên trời.

Truyện của người Ê-cốt-xơ (Écosse):

Một nàng công chúa bỏ nhà ra đi vì bị dì ghẻ xấu bụng, ghen tị bạc đãi. Dọc đường gặp một ông già, nàng vui lòng chia thức ăn của mình cho ông. Ăn xong, ông rủ công chúa ngồi trên bờ một cái giếng, bỗng chỗ dưới mặt nước trồi lên một cái đầu nhờ công chúa gội và chải tóc hộ. Công chúa sẵn lòng làm việc đó. Khi đã tươm tất, cái đầu khen nàng, hứa cho nàng mỗi lần mở miệng nói rơi ra một viên kim cương. Lần thứ hai một đầu khác cũng nhờ gội và chải hộ rồi trả ơn mỗi lần nói một viên minh châu. Lần thứ ba lại một đầu khác, tặng mỗi lần nói một viên ngọc.

Con gái bà dì ghẻ thấy thế cũng xin đi thử. Nhưng cô đối đãi với ông già không được tốt, chải tóc cho ba cái đầu cũng làm nguệch ngoạc, nên kết quả mỗi lần nói thì văng ra một con cóc một con nhái, v.v...

Truyện của người Xéc-bơ (Serbes):

Một cô gái đối đãi tốt với một con rồng, giúp việc cho nó trong nhiều ngày, được nó thưởng cho một cái hộp do cô tự chọn lấy trong những cái hộp. Cô gái chọn lấy một hộp nhẹ nhưng lúc về mở ra thấy đầy một hộp tiền vàng. Cô gái con bà dì ghẻ cũng đi giúp việc cho rồng nhưng làm những điều không tốt. Lúc về cũng được rồng cho một trong những cái hộp. Cô chọn hộp nặng nhất, về mở ra thì có hai con rắn chui ra, mổ vào mắt cô và mắt bà mẹ.

Truyện của người Iếc-lăng (Irlande):

Một cô gái bị dì ghẻ quẳng xuống giếng. Tỉnh lại, cô thấy mình ngồi trong một cái trại rất đẹp. Cô tỏ ra thương người và dễ bảo đối với những người và vật mình gặp ở dưới đó. Cuối cùng, đến một chỗ có một mụ phù thủy, cô giúp việc cho mụ, được mụ trả công, cho chọn một trong ba cái hộp. Nhờ có người bảo trước, cô chọn đúng hộp cuối cùng, là hộp có vàng. Cũng nhờ có người bảo trước, cô tránh khỏi bị mụ phù thủy đuổi theo bắt lại. Người con gài bà gì ghẻ thấy thế, cũng bảo mẹ quăng mình xuống giếng, nhưng vì tính kiêu kỳ khó chịu với mọi người, nên cô chỉ gặp toàn những cái không may. Về nhà, cô suýt chết vì cái hộp vàng mà cô chọn, vì mở ra toàn cóc rắn bò ra đầy nhà.

Truyện của người vùng núi Cô-ca-dơ (Caucase):

Có hai cô gái, một siêng một lười. Cô siêng kéo nước ở giếng không may dây đứt, thùng trôi. Sợ bị mắng, cô nhảy xuống giếng mò cái thùng. Không ngờ ở dưới giếng có một tòa nhà, người chủ tòa nhà nhờ cô giúp việc và cô được trả côn một chiếc nhẫn quý, lại được ông cho đầy cô-pếch vào thùng. Cô lười cũng làm theo như lời chô siêng kể lại nhưng chỉ mang về một thùng nước đá.

Truyện của Thổ-nhĩ-kỳ (Turquie):

Do dì ghẻ xúi giục, một cô gái bị bố bỏ vào rừng sâu. Cô đi lạc vào một cái hang của bà chằng. Cô chào bà chằng bằng "mẹ". Bà chằng thấy cô ngoan ngoãn dễ tính, bèn nuôi cô như con. Trong hang có những con rắn, nhưng do tốt bụng nên chúng không làm hại. Bà chằng rất bằng lòng. Một hôm hỏi cô muốn gì. Cô đáp: - "Muốn về với bố". Bà chằng bèn cho cô về với một cái hộp. Lúc về, không ngờ mở ra được một hộp vàng và đá quý.

Con gái bà dì ghẻ thấy thế cũng muốn được may, nhưng tính khí cô bị mọi người ghét. Lúc về bà chằng cũng cho một hộp, nhưng đến nhà mở ra thì có những con rắn bò ra cắn chết cả hai mẹ con[12].

Truyện của người Nhật Bản Con chim sẻ bị cắt lưỡi:

Một ông già không con, nuôi một con chim sẻ làm con mà ông rất yêu. Một hôm, vợ ông đi giặt về thấy mất một món ăn. Hỏi thì chim nói thật là mình đã ăn vì món ăn đựng vào bát của nó. Bà già bèn cắt lưỡi chim và đuổi đi. Ông già đi vắng về thấy mất chim, cất công đi tìm. Tìm được chim, chim đưa ông về nhà mình. Cả nhà chim tiếp đãi rất hậu, cho ông ăn ngon, uống rượu (xa-kê), lại tổ chức nhảy múa điệu chim sẻ cho vui. Lúc ông về, chim đưa ra hai cái sọt kín, để ông chọn lấy một. Ông già nghĩ mình già yếu chọn cái sọt nhẹ. Khi về hóa ra đầy một sọt vàng bạc và vật quý. Nhưng vợ trách chồng sao không lấy cái sọt nặng; sau đó, bà già cũng cất công đi tìm chim sẻ, cầu xin chim cho mình một cái sọt như chồng. Chim cũng đưa ra hai cái sọt cho chọn một. Bà già chọn cái sọt nặng. Khi về, mở ra thì một lũ rắn rết và quỷ từ trong sọt nhảy ra làm cho bà chết giấc [13].

Một loại truyện nữa giống với Sự tích con khỉ nhưng thường kết hợp với một số mô-típ của truyện Tấm Cám, cũng phổ biến ở nhiều dân tộc. Sau đây là một ít ví dụ:

Truyện của đồng bào Thái: Nàng Khao, nàng Đăm, các truyện Ý Ười, ý Noọng, Ý Đớn, Ý Đăm (Thái), Tua Gia, Tua Nhi (Tày), Gầu Nà, Gầu Rềnh (Mèo), Ò Pèn, Ò Kín (Nùng) (xem Khảo dị truyện số 154, tập IV) đều có những hình tượng giống, chỉ khác đôi chút về cách kể:

Có hai chị em: chị là Đăm, con riêng dì ghẻ, thì lười, xấu tính, em là Khao, con vợ cả, thì chăm chỉ hiền lành. Vì việc bắt ếch, Đăm đã làm cho bố hiểu lầm, giết vợ cả. Mồ côi mẹ, Khao bị dì đối xử rất tệ. Cùng nhau đi bắt cá, Đăm không bắt được gì, nhưng lừa Khao bảo Khao xuống tắm cho sạch bùn, rồi đánh tráo giỏ cá. Lần thứ hai bố đi buôn vắng, Khao khóc nước mắt đầy niêu đầy chậu. Còn Đăm không khóc nhưng lại mấy muối hòa đầy chum đầy vại, nói dối với bố đó là nước mắt của mình. Bố nếm thấy mặn khen Đăm có hiếu. Nghe lời xúc xiểm của vợ, bố bỏ Khao vào rừng sâu. Ở đây Khao gặp mẹ bấy giờ đã hóa hổ. Hổ giúp Khao lấy chồng là "tạo" Khun Chương, lập thành bản mường đông đúc giàu có. Đến đây câu chuyện cũng có chi tiết trồng cây bầu, bầu bò về nhà bố. Bố lúc này đói rách, lần theo dây bầu tìm đến nhà Khao, được Khao tiếp đãi rất hậu: lên nhà bằng thang vàng thang bạc, ngồi trên ghế mây ghế song, gắp bằng đũa ngà đũa ngọc, và khi về, cưỡi ngựa bằng yên vàng yên bạc với nhiều tặng vật quý (không có chuyện tặng dì ghẻ thức ăn hóa rắn như truyện Côi, cô gái mồ côi nói trên).

Đăm thấy Khao giàu có cũng tìm đến nhà, tuy không bị Khao đuổi, nhưng không được đối đãi tốt: lên nhà bằng thang lau thang sậy, giữa chừng thang gãy bị bọ chó đốt; ngồi ghế gãy, ngã, bị chó, mèo cắn; ăn cơm bằng đũa nứa đũa tre, nứa cứa đứt mồm; khi về được Khao cho cưỡi dê, dê đâm vào bụi này vũng kia rất cực khổ[14].

Về nhà, Đăm xui bố mời Khao về thăm. Đăm bảo Khao trèo cây bồ quân hái quả cho bố rồi chặt gốc. Khao chết, theo phong tục, Đăm thành vợ tạo Khun Chương. Khao hóa thành chim cu quanh quẩn theo chồng. Bị Đăm giết, chim hóa cây tre ngà cho tạo mắc võng nằm. Đăm đốt cây tre. Bà cụ láng giềng đi xin lửa cầm thanh tre về, than rơi vào chậu nước hóa thành cô gái đẹp. Cô gái xin bà cụ giấu kín cho. Nhưng một hôm cô gái dệt vải đánh rơi thoi xuống dưới sàn nhà. Vừa lúc con của tạo (do Khao đẻ ra) chơi gần đấy, nhặt hộ. Con của tạo thấy có bàn tay thò xuống sàn giống tay mẹ nó, liền đi mách bố. Kết quả hai vợ chồng lại gặp nhau.

Lúc này Đăm tuy ở với chồng nhưng không được chiều chuộng nữa. Một hôm hỏi Khao tại sao môi đỏ? Đáp: Vì lúc trước đi chăn vịt ăn phải cứt vịt. Đăm nghe lời, cố nuốt cứt vịt, môi càng thâm sì. Lại hỏi sao có áo đẹp? Đáp: Vì để trâu ăn mất áo nên trời cho áo đẹp. Đăm làm theo, không thấy Trời cho áo. Đăm thò tay và đít trâu để lấy áo bị trâu lôi đi khắp nơi, cuối cùng không được gì, trần truồng chạy về. Hôm khác lại hỏi: Sao lại trắng trẻo đẹp đẽ? Đáp: Vì tắm nước sôi. Đăm làm theo, bị bỏng chết. Khao làm mắm đem về biếu dì, dì ăn khen ngon. Khi mắm gần hết thấy đầu lâu con, lăn ra chết [15].

Người Miến-điện (Myanmar) còn có một truyện Quạ vàng có cả những tình tiết của truyện Nàng Khao nàng Đăm trên lẫn những tình tiết của truyện Cây khế (xem Khảo dị, truyện số 59, tập II).

Một bà góa có cô con gái xinh xắn tính điềm đạm, một hôm mẹ bảo con ở nhà trông sàng phơi lúa ở sân, đừng để chim ăn mất. Bỗng có một con quạ vàng đến ăn, đuổi mấy cũng không đi, chỉ một chốc là hết sạch. Cô òa khóc: - "Mẹ tôi nghèo lắm chỉ trông nhờ vào chỗ thóc này". "Ta sẽ đền cho. Mặt trời lặn hãy đến gốc me ngoài làng, ta sẽ đưa đi". Đúng hẹn, cô gái đến gốc me thấy có một ngôi nhà vàng nhỏ trên cây me. Quạ thò cổ ra mời lên và hỏi: - "Muốn dùng thang vàng, thang bạc hay thang đồng?" - "Tôi nghèo khổ có thang đồng đã quý". Quạ bắc thang vàng, cô trèo lên. Quạ mời ăn cơm, hỏi: - "Muốn dùng mâm vàng, mâm bạc hay mâm đồng?" - "Tôi nghèo khổ có mâm đồng đã quý". Quạ dọn ăn bằng mâm vàng. Ăn xong, quạ lấy ra ba cái hộp: lớn, vừa và bé cho chọn một đưa về biếu mẹ cô. Cô chọn cái bé nhất, rổi ra về không quên tỏ lời cảm ơn quạ. Đến nhà, cô đưa hộp cho mẹ, mẹ mở ra được 100 hạt ngọc đỏ rất quý. Từ đấy họ trở nên giàu có.

Trong làng có một bà góa khác giàu có, có cô con gái tham lam, nóng nảy. Nghe kể chuyện, cô cũng đem sang thóc ra phơi. Vì lười nên cô để cho chim chóc ăn mất, khi quạ đến chỉ còn một nhúm. Tuy vậy quạ cũng ăn. Cô bảo: - "Ăn hết thóc nhà tôi phải đem giàu có đến cho nhà tôi". Cũng như trên, quạ cũng dặn cô vào lúc mặt trời lặn đến cây me ngoài làng mà nhận quà. Cô đến, quạ cũng mời lên mà hỏi: - "Thang vàng, thang bạc hay thang đồng?" Cô nói: - "Thang vàng". Quạ chỉ buông thang đồng. Quạ mời ăn, cũng hỏi: - "Mâm vàng, mâm bạc hay mâm đồng?" - "Mâm vàng". Chỉ được mâm đồng. Thức ăn ngon nhưng ít, cô không thỏa mãn. Sau đó quạ cũng đưa ra ba cái hộp. Cô vồ lấy cái hộp lớn nhất rồi hối hả xuống thang trở về không có một lời cảm ơn. Nhưng về nhà, mẹ con mở hộp ra thì một con rắn chui ra phun phì phì[16].

Một truyện khác sưu tầm ở vùng Cô-ca-dơ (Caucase):

Một dì ghẻ đối xử tệ với con gái chồng, cô phải ăn đói mặc rách. Một hôm con bò cô chăn thấy cô khóc, hỏi lý do. Cô kể cảnh khổ của mình. Bò bảo: "Trong một cái sừng của ta có mật ong, bên kia có bơ, cứ lấy mặc sức". Dì ghẻ thấy cô ngày một khỏe, lại bắt phải kéo mỗi ngày một thúng len. Một hôm bò chạy lên nóc một nhà kia (nhà nông dân Cô-ca-dơ thường làm dưới đất) cô gái đuổi theo, đánh rơi con quay xuống nhà, cô cúi nhìn xuống thấy một bà già. Cô chào hỏi rất lễ phép, bà già là một mụ phù thủy (đê-vi) bảo cô xuống mà nhặt. Vì cô dễ yêu nên bà già rất mến, bảo cô nhúng đầu rửa tay trong một cái giếng, không ngờ tóc và tay đều trở nên vàng.

Bà dì sai con gái riêng đi chăn bò, và cũng tìm đến nhà bà già. Vì cô vô lễ lại xấu tính nên được rửa vào một thứ nước hóa ra đen như hắc nô và mọc sừng trên đầu. Lúc về dì giận, giết chết con bò. Trước khi chết, bò dặn cô gái tóc vàng chôn xương của mình. Một hôm có đám hội, cô gái đào lên được quần áo và giày đẹp, mặc đi dự hội[17]. Và sau đó cũng xảy ra chuyện mất giày, cuối cùng được lấy hoàng tử như truyện Tấm Cám (xem truyện số 154, tập IV).

Truyện của người Ác-mê-ni (Arménie):

Một đứa trẻ và chị nó bị bố bỏ vào rừng sâu do bà dì ghẻ xúc xiểm. Thằng bé vì uống nước trong dấu chân chiên nên hóa thành con chiên con. Cô gái hàng ngày phải chăn chiên. Một hôm mũi quay cuốn sợi của cô lăn vào một cái hang. Cô chui vào tìm. Ở đây có một bà già quỷ. Do tính nết đáng mến của cô nên bà già làm cho cô có bộ tóc đẹp, áo giày bằng vàng lại làm cho con chiên trở lại thành người, rồi chỉ đường cho về nhà.

Con gái riêng của bà dì thấy vậy cũng tìm đến hang, nhưng vì tính khí cục cằn nên bị bà già ghét, làm cho xấu xí.

Sau đó là ngày hội ở cung, vua cho phép mọi cô gái tới dự. Cô gái mang áo vàng giày vàng đi dự, một chiếc giày bị rơi xuống giếng, Vua nhặt được và tổ chức một cuộc thử giày, cuối cùng, cô gái lấy vua, cũng giống như truyện Tấm Cám [18].

Một số truyện dưới đây, tuy hình tượng và nhân vật không giống với các truyện trên nhưng vẫn cùng một chủ đề.

Truyện của người Ma-rốc (Maroc):

Một người có hai vợ, mỗi vợ đẻ bảy con gái. Vợ cả muốn giết lũ con vợ lẽ bèn đặt điều nói với chồng đó là điều xấu, không trừ bỏ sẽ lại hại. Ở thành phố ấy có một ngôi nhà có ma (Jơ-nun), ai vào nghỉ đêm là chết. Mụ bèn xui chồng thuê nhà đó cho bảy cô gái con vợ lẽ đến ngủ. Bảy cô này tốt bụng, can đảm và khôn ngoan, vâng lời bố đi ngay, chỉ xin cho chổi, cá, sữa và chất thơm. Tới nơi, các cô quét dọn hài cốt rác rưởi, rồi rắc sữa và đốt chất thơm làm cho ngôi nhà trở nên sạch sẽ, thơm tho. Buổi chiều, một cô đang nướng cá thì một bàn tay không có người ngửa ra xin ăn. Cô sẵn lòng cho, sau khi để cho cá nguội. Rồi bảy bàn tay khác cũng lần lượt giơ ra xin cá nướng và đều được thỏa mãn. Tối lại, các cô thắp đèn dọn ăn. Một con ma hai mũi hiện ra, các cô mời nhập tiệc: "Các cô có muốn một người ba mũi, tới dự không?" - "Sẵn lòng". Thế rồi ba mũi, bốn, năm, sáu, bảy mũi lần lượt xuất hiện và đều được tiếp đãi tử tế. Đang ăn bỗng phía ngoài có tiếng: - "Ôi, các chị giúp em xuống với!". Một cô bước ra lấy vạt áo dỡ một cục thịt nằm trên thang xuống đất.

Sáng dậy, bố đến với mười bốn đô tùy và bảy áo quan, nhưng không ngờ các con gái đều khỏe mạnh, lại đeo những trang sức đắt tiền do ma tặng. Vợ cả muốn bảy con gái của mình cũng được như vậy. Nhưng các cô này bẩn và lười. Không nghĩ gì đến chổi, sữa và chất thơm để quét dọn. Khi thấy một bàn tay giơ ra, cô đang nấu ăn kêu ầm lên: "Kinh tởm", rồi gọi các chị xin một cái búa. Bàn tay biến mất. Đang ăn, các ma hai, ba, bốn, năm, sáu, bảy mũi lần lượt xin ăn nhưng họ chỉ được nghe tiếng chửi và chế nhạo. Các cô cũng làm ngơ với tiếng kêu phía ngoài nhờ đỡ xuống cầu thang.

Sáng dậy người bố đến thì bảy cô đã chết cả [19].

Người Man-gát-sơ (Malgaches) có truyện Người em út có kết cục là năm người anh xấu không phải hóa khỉ mà hóa thành những con vật chuyên ăn đêm bị mọi người ghét:

Có hai vợ chồng sinh được 6 trai. Năm người cao lớn đẹp đẽ, còn đứa út tên là Pha-ra thì gầy yếu và xấu xí. Năm người anh ghét bỏ em, đánh đập luôn. Khi bố mẹ chết, chúng nó bắt em làm như nô lệ. Em tức giận bỏ đi. Dọc đường thấy vườn mía vắng chủ: - "Chà mía tốt quá!". Nhưng anh chỉ khen thế mà không dám bẻ. Lại đi nữa thấy một đàn cừu, tiếp đến một vườn cam, một vườn dừa rồi một vườn chuối đều không thấy có ai trông nom. Tuy khát và đói, Pha-ra cũng không dám màng. Anh mệt, ngồi lại đó rồi ngủ quên. Bỗng có một ông già áo đỏ thức dậy hỏi: "Sao lại ngủ ở đây?" - "Tôi mệt quá xin ngủ nhờ". Ông già dắt đến một ngôi nhà xinh xắn, trong nhà đầy hoa quả. Bà chủ bưng sữa ra, anh vẫn không dám đụng đến, chỉ hỏi: - "Xin phép nghỉ lại đây" - "Anh hỏi ông chủ ấy". Ông chủ mời anh uống sữa rồi hỏi: - "Có phải anh vừa đi qua các vườn mìa, đàn cừu, vườn cam, v.v... không?" - "Vâng" - "Anh là người thật thà đáng khen, vậy anh có nguyện vọng gì ta sẽ giúp?" - "Chỉ xin được khỏe mạnh" - "Được". Sáng dậy anh thấy mình ngủ ở gốc chuối, bên cạnh có một bọc toàn vàng, còn thân hình thì trở nên to lớn khỏe mạnh.

Năm người anh nghe kể cũng ra đi. Qua vườn mía khát quá, họ bẻ trộm ăn. Khi gặp đàn cừu, nhân đói, họ vật một con làm thịt. Đến các vườn cam, vườn dưa, vườn chuối cũng trộm ăn như vậy, có người ra ngăn, họ còn dọa đánh. Sau mệt quá, họ quay ra ngủ. Ở đây cũng có ông chủ đến thức dậy mời họ vào nhà. Vừa thấy sữa bưng ra, họ vồ lấy uống ngay. Ông chủ hỏi: - "Các anh đi đâu?" - "Đi tìm thần Hạnh phúc" - "Các anh là lũ phá vườn mía, ăn trộm cừu, v.v.. đã phá hoại của người lại còn đe đánh chủ". Nói xong, một ánh chớp nổi lên, năm gã biến mất, hóa thành năm con vật: cú, chim lợn, vọ, vạc, dơi. Chúng xấu hổ, chỉ dám đi ăn đêm[20].

Về tình tiết lội xuống giếng trở nên xinh tốt, người Khơ-me (Khmer) có truyện Bốn chàng hói:

Có bốn chàng đầu hói thường bị bọn trẻ giễu cợt, bèn không quản đường sá xa xôi tìm đến một vị hòa thượng trên núi Hi-ma-van để nhờ cứu chữa. Vị hòa thượng chỉ cho họ một cái hồ ở sau núi, bảo hụp xuống thì tóc sẽ mọc, và dặn chỉ được hụp một lần thôi.

Bốn chàng hụp xuống hồ, quả nhiên tóc mọc đen nhánh. Nhưng họ còn muốn cho tóc mọc nhiều hơn để cho thông minh hơn nữa, bèn rủ nhau hụp xuống lần nữa. Nhưng khi lên thì mớ tóc vừa mới xuất hiện đã biến mất. Lại rủ nhau hụp nữa thì những sợi còn lại cũng mất nốt.

Trở lại chỗ vị hòa thượng, họ xin giúp đỡ lần chót, nhưng hòa thượng lắc đầu, nói: - "Không thể chữa được nữa. Đó là hình phạt đối với những kẻ tham lam không chán"[21].

Có nhiều truyện của nhiều dân tộc nói về sự tích con khỉ nhưng không cùng loại với mô-típ của các truyện trên kia:

Ví dụ một dân tộc ở châu Phi kể rằng: một tù trưởng thấy những người của bộ lạc mình lười biếng không thích làm ruộng, chỉ quen nhờ vả người khác bèn đuổi cả vào rừng giao cho mỗi người một cái cuốc, buộc họ không được đánh mất. Thế nhưng bọn người này không thích làm ruộng, chỉ hái quả mà sống. Sợ mất cuốc, họ buộc chặt cuốc vào sau lưng, về sau cán dính vào người thành cái đuôi, đồng thời lông lá mọc đầy mình, trán nhăn nhó vì mệt mỏi, mà thành khỉ[22].

Người thiểu số ở Nghệ-an có truyện Sự tích con khỉ khác truyện của ta:

Có một "ông mo" sinh được nhiều con cháu. Gặp nạn đói, ông xuôi chợ kiếm cái ăn. Ở nhà vợ không chờ được, bèn lấy lúa giống làm gạo nấu cháo cho con cháu ăn. Đói quá, chúng nó tranh nhau bốc ăn khi cháo chưa kịp chín. Người đàn bà lấy đũa bếp gõ mỗi đứa một cái vào đầu. Chúng chạy vào khe núi hóa thành khỉ, lông lá mọc đầy người. Bà ta bèn đi gọi con và cháu về, nhưng đi đến đâu, chúng chạy tán loạn đến đấy. Ông mo về, vợ kể lại và nói: - "Không biết có phải chúng nó giận tôi đánh hay trời làm ra thế". Ông mo vào rừng gọi con cháu, nhưng chúng đáp: - "Bây giờ trời đã bắt hóa khỉ rồi, xin đừng gọi nữa"[23].

Đồng bào Cham-pa có truyện kể về sự tích con khỉ nhưng lại giống truyện Tam và Tứ (xem truyện số 150, tập IV):

Có hai anh em Run và Rai, bố mẹ chết, Run chiếm đoạt cả gia tài. Sau đó Run đưa Rai lên rừng đỗn gỗ. Vì đói quá nên Rai hỏi vay Run bát gạo - "Mỗi bát gạo phải đổi một con mắt!". Thằng anh độc ác nói thế. Rai vay một bát bị Run móc một mắt. Nhưng ngày hôm sau lại đói, Rai đành đổi con mắt kia lấy bát gạo thứ hai. Run bỏ em về nhà. Rai lạc trong rừng sâu. Bỗng nghe đôi chim cu xanh nói với nhau thương hại cho anh chàng mù. Một con bảo Rai: - "Hãy ngửa mặt lên ta cho mắt". Rai ngửa mặt và chim thả xuống hai hòn ngọc đúng và hai hố mắt, mắt lại sáng như xưa. Rai xuống nước bắt được con cá  thần. Cá bảo đưa mình về nuôi. Sáng dậy, Rai  thấy chỗ hồ cá đầy vàng ngọc. Giàu có, Rai mời Run đến ăn giỗ. Biết vì sao mà em giàu, Run mượn con cá thần về nuôi, nhưng cá chỉ cho giẻ rách và phân. Run giận, bắt cá ăn thịt. Rai đem chôn xương cá ở một mảnh đất do một con gà chỉ cho, tự nhiên mọc lên hai cây tre đầy lụa là gấm vóc vàng bạc. Run lại đến mượn cây tre về trồng, tre chỉ cho giẻ rách nên Run chặt đem đun bếp. Rai đi tìm tre và mang tro về hòa nước tắm: cả hai vợ chồng trở nên đẹp đẽ, Run cũng lấy tro về tắm, nhưng giội xong thì trở nên ngứa ngáy, lông lá mọc đầy người. Rai được thần bảo nung gạch đỏ bỏ gần chỗ Run tắm. Vợ chồng Run ngồi lên bị bỏng đít chạy lên rừng thành khỉ.

Người Khơ-me (Khmer) cũng có một truyện nói vì sao con khỉ đỏ đít:

Thỏ là chúa rừng, một hôm thuê thợ rèn tới rèn đuôi rồi phân phát cho các loài vật. Những con vật đến sớm như công, trĩ, v.v... đều chọn được đuôi dài và đẹp. Những con đến muộn như chó, v.v... với phải đuôi xấu. Voi và cun cút đến muộn hơn thì đuôi đã hết cả, nhờ thợ rèn lấy cứt sắt rèn hộ nên cũng được đuôi nhưng đuôi không xứng với người. Khỉ đến sớm nhưng mải cười chê người khác, quên mất mình chưa có đuôi, mới nhờ thợ rèn vét số cứt sắt còn lại rèn cho mình. Nhưng vì vội vã, đuôi còn nóng đã lắp vào nên đít bị bỏng, đành chạy vào rừng sống qua ngày[24].

 



[1]. Theo lời kể của người vùng Sơn-tây, Vĩnh-yên.

[2]. Do Nhà xuất bản Cây thông xuất bản.

[3]. Trong Tạp chí Đông-dương, tập III (1905),

[4]. Truyện Tua Gia, Tua Nhi mở đầu giống với phần đầu truyện này nhưng phần sau thì phát triển giống với truyện Tấm Cám của ta (xem trang 231).

[5]. Theo Truyện cổ Ba-na, tập I.

[6]. Theo Cô-xcanh (Cosquin), sách đã dẫn, tập II. Truyện này theo sách Dưới những cây xoài (truyện cổ tích Băng-la-dex (Bangladesh) của Sát-téc-gi (Chatterji)) kể có khác ít nhiều. Cũng trong sách này còn có truyện Hai chị em Vui và Buồn cũng là một dị bản của truyện trên. Vui là con vợ cả, Buồn là con vợ lẽ... Một hôm Buồn đuổi theo một gói bông của mẹ cô phơi, bị một trận gió cuốn đi. Dọc đường gặp một con bò cái, rồi một cây chuối, rồi một cây bông, rồi một con ngựa cái, mỗi vật đều yêu cầu cô giúp cho một việc. Buồn sẵn lòng làm giúp. Đuổi đến lầu bà mẹ Trăng, thì thấy gói bông, cô nói khéo để xin lại. Mẹ Trăng thấy cô lễ phép dễ yêu, bảo cô hụp xuống sông, khi lên hóa đẹp; bảo cô chọn quần áo sang trọng đẹp đẽ, cô chỉ lấy một cái chăn (sa-ri) bông; mời cô ăn, lại bảo cô chọn một trong số những cái giỏ, cô chỉ lấy cái giỏ bé, không ngờ về sau tiền vàng không ngớt tuôn ra. Lúc về dọc đường con ngựa cái cho một con ngựa con, con bò cái cho một con bê, cây chuối cho một nải ngon, còn cây bông thì cho một ôm bông. Còn cô Vui tính cáu kỉnh, ích kỷ, chẳng giúp gì cho bò, ngựa, chuối, bông khi chúng yêu cầu; lại thiếu lễ phép và tham lam nên chẳng được gì cả, không những thế, vì lội xuống sông hai ba lần nên hóa già khọm.

[7]. Ở một truyện của Phần-lan (Finlande) cũng có việc gặp một lò bánh, một con bò cái cần vắt sữa, một con cừu đòi cắt lông, v.v... Nhưng đây không phải là hai chị em cùng cha khác mẹ với bà dì độc ác mà là ba cô gái được vua vời đến làm nữ  tỳ. Hai cô đầu không chịu làm giúp vì sợ bẩn tay (đã rửa tay 3 năm với sữa để xứng đáng hầu hạ vua). Chỉ có cô thứ ba không nề hà, giúp đỡ cho mọi vật mà cô gặp. Sau cùng, cô khéo léo giúp một ông già bị ngã xuống hố. Cụ già cho cô gái một cái gậy, gậy ấy đánh vào đá thì nó cho xe ngựa áo giày đẹo để đi dự lễ nhà thờ, v.v...

[8]. Theo Cô-xcanh (Cosquin), sách đã dẫn. Về truyện cổ tích này trong Miến-điện dân giân cố sự lại kể như sau: Nàng Nhái tý hon, siêng, đảm và khôn ngoan. Một hôm mẹ bảo đi múc nước. Dòng  nước cuốn trôi mất ống, cô nhảy xuống vớt, bị trôi, may ôm lấy ống nên khỏi chết. Một mụ yêu ăn thịt người bơi ra bắt về - “Con này bé quá chả bõ ăn, thôi để lại sai vặt”. Một hôm mụ bảo cô bắt chấy. Đầu mụ bẩn kinh tởm nhưng nàng nói rất khéo: - Bà cho phép và bếp rửa tay sạch sẽ để sờ vào đầu tóc đẹp của bà”. Nàng bèn hái quả sinh lấy hạt đưa về vờ vạch tóc bắt chấy: -“Thưa bà, đầu bà có nhiều trứng chấy”. Mụ thấy hạt sung tưởng trứng chấy, khen giỏi. Một hôm mụ có việc đi xa, dặn cô không được nhìn trộm vào buồng ngủ. Đợi mụ đi rồi, nàng mở cửa nhìn, thấy đầu lâu, thịt người ngổn ngang, bèn đóng chặt cửa buồng. Mụ về thấy không gì khác, hỏi: - “Có muốn ở vài tháng nữa không?” – “Thưa bà con thật không muốn xa nơi này, nhưng mẹ già chỉ có một mình con, không có ai chăm sóc” – “Có sợ ta không?”... - “Con kính mến bà nhưng không sợ bà”. Mụ hài lòng, cho bảy thoi vàng và cho về. Về nhà cô được nàng Nhái khác khen ngợi. Láng giềng có nàng Nhái lớn lúc nghe nói cũng bắt chước xách ống ra sông, cưỡi lên ống cho trôi. Mụ yêu ra vớt về - “Con bé này chưa ăn được, dùng để sai vặt”. Khi mụ yêu bảo bắt chấy, hắn nói: - “Tóc bà chẳng có chấy” – “Đồ ranh con lười biếng”. Mụ đi xa dặn đừng nhìn trộm vào buồng. Hắn mở trộm xem thấy xương thịt thì kêu la hoảng hốt. Nghe tiếng kêu, mụ trở lại thấy cửa buồng mở toang, biết là trái lệnh, bèn bắt ăn thịt.

[9]. Theo Truyện dân gian Hung-ga-ri (bản dịch của Nguyễn Hải Sa).

[10]. Theo Chuyện trẻ con của Sác-lơ Pe-rôn (Charles Perrault), bản dịch của Nguyễn Văn Vĩnh.

[11]. Theo Lăng-đờ (Landes). Sách đã dẫn.

[12]. Đều theo Cô-xcanh (Consquin). Sách đã dẫn.

[13]. Theo Phu-cu-ji-rô Oa-cát-su-ki (Fukujiro Wakatsuki). Truyền thuyết Nhật-bản.

[14]. Đoạn này có người kể: cho một con dê ghẻ cưỡi về nhưng lại giao cho một gói ớt bột dặn lúc về thỉnh thoảng xoa vào chỗ có ghẻ. Dê bị ớt xót quá chạy tuông khắp nơi, làm cho người cưỡi hết sức vất vả. (Truyện Y Ười Y Ót, xem Đơ-jor-jơ (Degeorge), Truyền thuyết của người Tày ở An-nam trong tạp chí Nhân loại (Anthrropos), XVI – XXII (1921 – 22).

[15]. Theo Truyện cổ dân gian của các dân tộc Việt-nam, tập IV.

[16]. Theo Miến-điện dân gian cổ sự.

[17]. Người Ả-rập (Arabes) (Thượng Ai-cập) có một truyện tương tự với truyện trên: Có hai anh em bị dì ghẻ bắt hàng ngày phải ăn cơm của chó, trong khi con dì thì được ăn uống ngon lành. Đi chăn bò, hai anh em đem cơm ấy cho bò ăn. Đối lại, bò cho chúng nó bánh sữa nên dần dần chúng trở nên béo tốt, còn con của dì thì gầy gò xấu xí. Dì ghẻ lấy làm lạ, bèn sai con trai đi dò, nhưng nó được ăn bánh, về giấu không nói. Mụ lại sai con gái đi dò, cô này khi ăn đánh rơi vào áo, về mẹ hỏi, cô nói: “Hỏi cái áo thì biết bánh con bò cho như thế nào”. Dì ghẻ vờ ốm, bảo nhân tình giả làm thầy thuốc đến nói với con chồng chỉ có ăn bánh gan bò đen mới lành. Vì thế con bò bị giết. Hai đứa bé lại thu thập xương bò đem thiêu hóa. Xương bò hóa thành cây lô hội, cây lại cho hai đứa bé ăn uống những thức ngon như trước (không có việc được áo quần và giày như truyện trên). Theo Báo châu Á (1885).

[18]. Đều theo Cô-xcanh (Coisquin). Những truyện cổ tích Ấn-độ và phương Tây.

[19]. Theo Mô-ha-mét En Pha-si (Mohamed El Fasi) và Đéc-men-ghem (Dermenghem). Truyện cổ tích Phe-dơ.

[20]. Theo Đinh Tú. Cô gái đẹp lấy chồng rắn.

[21]. Theo Truyện dân gian Căm-pu-chia.

[22]. Thấy dẫn trong A. Van Ghen-nép (Van Gennep): Tôn giáo, phong tục và truyền thuyết, tập II.

[23]. Theo Bản khai tổng Quỳ-dương và Bản khai tổng Thanh-xuyên (chữ nôm, tài liệu chép tay lưu ở Thư viện Khoa học xã hội).

[24]. Đều theo Truyện cổ dân gian của các dân tộc Việt-nam, tập III

Xem ngay truyện hay khác

  1. Sự tích dưa hấu (Tạo lúc: 04/03/2015)
  2. Sự tích trầu, cau và vôi (Tạo lúc: 04/03/2015)
  3. Vàng lấy con vua (Tạo lúc: 05/03/2015)
  4. Sự tích trái sầu riêng (Tạo lúc: 05/03/2015)
  5. Sự tích cây huyết dụ (Tạo lúc: 05/03/2015)
  6. Sự tích chim hít cô (Tạo lúc: 05/03/2015)
  7. Sự tích hoa cẩm chướng (Tạo lúc: 05/03/2015)
  8. Công chúa ngủ trong rừng (Tạo lúc: 05/03/2015)
  9. Chó sói và bảy chú dê con (Tạo lúc: 05/03/2015)
  10. Sự tích chim tu hú (Tạo lúc: 06/03/2015)

Bình luận hoặc góp ý về nội dung

Tìm kiếm


Danh mục

Chủ đề hay bạn quan tâm

Hài hước - vui nhộn