Về đời vua Minh Mạng, nước Việt Nam có rất nhiều uy thế đối với các lân bang. Lúc bấy giờ có ông Trương Minh Giảng và Lê Đại Cương theo lịnh vua đem quân vào đất Cao Miên để đánh đuổi quân Xiêm La theo lời vua Cao Miên là Quốc vương Nặc Ông Chân cầu cứu với triều đình Huế.
Giặc Xiêm La lui rồi, hai ông Trương Minh Giảng và Lê Đại Cương liền lập đồn lũy ở gần Nam Vang để ngăn ngừa quân Xiêm La trở lại đánh phá. Nước Cao Miên bằng lòng nhận cuộc bảo hộ của Việt Nam.
Vào khoảng cuối năm 1834, Quốc vương Nặc Ông Chân mất, nhà vua không có con trai nối nghiệp, các kẻ phiêu lưu là Trà Long và La Kiên liền lãnh việc chấp chánh. Ông Trương Minh Giảng không bằng lòng, mới viết sớ tâu với vua Minh Mạng xin lập người con gái của Quốc vương Nặc Ông Chân là quận chúa Ang Mey tức là Ngọc Vân công chúa lên làm vua và đổi nước Cao Miên là Trấn Tây Thành, chia ra làm ba mươi hai phủ và hai huyện.
Ít năm sau, vua Minh Mạng phái Lê Văn Đức làm Khai sai đại thần, Doãn Uẩn là phó Khâm sai cùng ông Trương Minh Giảng kinh lý mọi việc ở Trấn Tây Thành.
Thừa dịp này, các quan lại Việt Nam làm nhiều việc ngang trái như bắt Ngọc Vân công chúa đem về Gia Định, bắt Trà Long, La Kiên lưu đày ra Bắc Kỳ. Mầm công phẫn bừng lên từ đó, em của Quốc vương Nặc Ông Chân là Nặc Ông Đơn liền nhờ nước Xiêm La viện trợ đem quân về đánh phá Trấn Tây Thành. Quan quân Việt Nam bị thiệt hại quá nhiều, lực lượng dần dần hao mòn phải bỏ Trấn Tây Thành rút về đồn trú ở An Giang. Cuộc bảo hộ nước Cao Miên mất hẳn từ đó.