Ở Chợ Lớn, tại góc đường Khổng Tử và Phùng Hưng có ngôi chùa Phước Kiến thờ ông Bổn, thành lập cách đây hơn một trăm năm.
Ông Bổn là ai?
Sử Tàu ghi rõ: Đời Vĩnh Lạc (1403 - 1424) vua Tàu sai quan Thái giám tên là Trịnh Hòa đi điều tra các nước ở miền Đông Nam Á. Quan Thái giám tuân lệnh, tìm cách liên lạc với những người Huê kiều hải ngoại, chăm sóc đến đời sống của họ, dạy họ phải giữ thuần phong mỹ tục. Chuyến trở về, quan Thái giám mua ngọc ngà châu báu, các sản phẩm miền nhiệt đới từ Ấn Độ, Nam Dương quần đảo, Chiêm Thành, Mã Lai, Xiêm, Việt Nam đem về dâng cho vua.
Khi đi du hành, ông Trịnh Hòa cố gắng giúp đỡ dân chúng, thi ân bố đức, giúp giới Huê Kiều tìm sinh kế,
Sau khi ông mất, giới Huê Kiều hải ngoại nhớ ơn ông, thờ ông làm phúc thần. Vua Tàu phong sắc cho ông chức tước "Bổn Đầu Công" gọi tắt là ông Bổn.
Ở những xóm đông đảo người Việt gốc Hoa, ngày nay còn nhiều người thờ ông Bổn và nhắc lại sự tích ông bổn đi chẩn bần thời xưa. Do đó nhiều người ngỡ ông Bổn là Bao Công!
Lễ hội miếu Ông Bổn được luân phiên diễn ra với phạm vi hẹp hơn miếu Bà Thiên Hậu. Tuy nhiên, lễ hội miếu Ông gắn liền với những người làm nghề lò chén, họ coi trọng nơi nhập cư, họ lập chùa lấy tên vị thần đất (Ông Bổn) nói chung và thờ các vị thánh nhân phù hộ nghề nghiệp cho họ.
Đối với người Hoa, Ông Bổn có nghĩa là "Ông tổ", "Bổn" có nghĩa là gốc. Ông Bổn chỉ là một biểu tượng, không phải là một nhân vật cụ thể. Đa số người Hoa đều quan niệm rằng "Ông Bổn" là "Phước Đức Chánh Thần". Tuy nhiên mỗi bang người Hoa đều có những quan niệm và tín ngưỡng riêng về Ông Bổn.