Bên dòng sông Thương êm đềm có một ngôi đến cổ kính, nhân dân vẫn gọi là đền Từ Mận, thuộc xã Xuân Hương, huyện Lạng Giang. Đền là trung tâm sinh hoạt văn hoá tín ngưỡng, nơi tôn thờ người có công với dân với nước. Ngôi đền thờ Ngọc Khanh công chúa và chồng là Phạm Đức Hóa, con trai vị khai quốc công thần Phạm Văn Liêu, đã có nhiều công lao theo Lê Lợi và nghĩa quân Lam Sơn gây dựng phong trào kháng chiến chống quân Minh ngay từ những ngày đầu.
(Đọc thêm Truyền thuyết về hồ gươm, rùa "thần" và thanh kiếm "thuận thiên")
Hiện ở Xuân Hương còn lưu giữ được nhiều tư liệu thành văn nói về công trạng với dân với nước của Ngọc Khanh công chúa. Cuộc đời bà đã gắn bó sâu sắc với nhân dân Xuân Hương. Bà được nhân dân tôn thờ, được nhà nước các triều đại Lê - Nguyễn ghi chép vào sự tích, ban sắc phong làm Thành Hoàng làng để nhân dân đời đời thờ phụng.
Trong gia phả chữ Hán, văn bản thứ 5 mục ghi dịch, nhà nghiên cứu văn hóa Trần Văn Lạng dịch: "Lê triều Thánh Tông thuần hoàng đế có con gái thứ tám là Thiều Dương Thiên Cực, Thái Trưởng công chúa Lê Thị Ngọc Khanh dự đánh giặc Liễu Thăng về đến đất Xuân Mãn (Xuân Hương) thì mất vào giờ tý ngày 22 tháng 2 được cấp ruộng thế nghiệp để trông nom giữ gìn tổ mộ, từ đường, lăng miếu. Trước đây con gái thứ tám của nhà vua thu binh đánh giặc Liễu Thăng vâng lệnh vua sai đến xứ Nghệ An và các trấn, lộ cùng các tùy tòng và các tướng uy danh lừng lẫy, binh giáp tinh nhuệ, tiến đánh giặc thù, chém tướng giặc vang danh hiển hách.... .giúp nước yên dân, ổn định xã tắc, được hưởng việc thờ phụng theo nghi thức nhà nước. Niên hiệu triều Lê Hiền Tông thứ nhất sắc tặng gia ban đệ bát công chúa Lê Thị Ngọc Khanh là Tối Linh Đại Vương"....
Đền Từ Mận nằm soi bóng bên bờ Bắc dòng sông Thương, nơi đây thuyền bè qua lại nhiều, đã một thời tấp nập cảnh trên bến dưới thuyền từ nhiều nơi qua lại. Quần thể di tích rộng đẹp, khuôn viên di tích cổ kính hơn bởi các cây cổ thụ xanh tươi tỏa bóng mát.Theo truyền lại ngôi đền xưa được xây dựng bề thế gồm nhiều hạng mục công trình với tổng thể 49 gian toạ lạc bên dòng sông Thương. Kháng chiến chống thực dân Pháp đền đã bị hư hỏng nhiều và theo thời gian đến nay các cấu kiện kiến trúc cổ cũng không còn bảo lưu được. Dấu tích của ngôi đền cổ còn thể hiện ở các tài liệu, hiện vật trong đền, như ngai thờ, bài vị, sắc phong, lệnh chỉ, sắc chỉ, kiệu thờ và nhiều đồ thờ tự khác từ thời Lê thế kỷ XVII-XVIII… Vết tích nền móng, các viên gạch, ngói cổ và các cây cổ thụ trong di tích cho biết dấu hiệu của một ngôi đền cổ. Đền Từ Mận hiện nayđã được tu sửa lại qua nhiều giai đoạn. Quần thể di tích gồm các hạng mục công trình cổng đền, khuôn viên sân vườn và khu nội tự đền chính. Bố cục tổng thể đền chính theo kiểu chữ đinh gồm toà tiền tế ba gian hai chái nối toà hậu cung hai gian. Phần liên kết vì mái toà tiền tế theo kiểu vì giá chiêng kẻ chuyền, xà cộc và vì mái kiểu cốn mê. Các cấu kiện kiến trúc không chạm khắc nhưng còn đượm màu thời gian cổ kính. Liên kết vì mái tòa hậu cung theo kiểu vì kèo trốn trụ, các cấu kiện không chạm khắc. Trong hậu cung bài trí hương án, trên đặt ngai thờ, bài vị và tượng Ngọc Khanh công chúa cùng các thị nữ hầu cận. Đôi câu đối treo ở đền nói rõ về ân đức của người được thờ: Con gái đế vương, tấm lòng trinh liệt, thành phúc thần là chuyện cũ/ Đất ấy mây núi mưa sông, nhận chiếu vua ban, truyền lại đền thiêng.Trong đền còn bảo lưu được nhiều tài liệu, hiện vật có giá trị khẳng định bề dầy lịch sử và giá trị của di tích như bộ kiệu bát cống thời Lê Trung Hưng thế kỷ XVIII, ngai thờ, bài vị, tượng thờ, bát hương cổ thế kỷ XIX, sắc phong năm Tự Đức thứ 33 (1880) và các tư liệu lịch sử, văn bản Hán Nôm có giá trị nghiên cứu khoa học.
Di tích là nơi tổ chức lễ hội truyền thống của nhân dân địa phương. Hội lệ hàng năm tổ chức ngày 22/2 và ngày 15/9 âm lịch với nhiều nghi lễ và các trò chơi dân gian mang đậm bản sắc văn hoá dân tộc thể hiện khát vọng tự do và tín ngưỡng nông nghiệp của nhân dân địa phương như: Đấu vật, đánh cờ, chọi gà, đánh đu, kéo co, hát quan họ, thi thả diều…Ngôi đền còn nằm trong quần thể di tích tôn thờ những nhân vật lịch sử thời Lê gắn liền với cuộc kháng chiến chống quân Minh trên đất Bắc Giang. Đó là đền thờ và khu mộ danh nhân văn hoá Phạm Văn Liêu - vị khai quốc công thần dưới triều Lê. Đình Cây Mai nơi thờ Phạm Đức Hoá là con trai Phạm Văn Liêu, phò mã dưới triều Lê, chồng của Ngọc Khanh công chúa. Đây là những di tích lịch sử văn hoá đã được Nhà nước xếp hạng bảo vệ. Đền Từ Mận cùng những điểm di tích nói trên tạo nên một quần thể di tích cổ kính phản ánh về truyền thống lịch sử đấu tranh yêu nước của dân tộc trên quê hương Bắc Giang.
(Đọc thêm truyện về Nguồn gốc cây lúa hay thuyền thuyết lễ hội lúa mới của người Tày)