Năm đó, khi quân Tây Sơn đánh thành Gia Định, chúa Nguyễn Ánh cùng hai vị quan hộ vệ phải bỏ thành mà chạy trốn. Đến làng Tây Sơn Nhì thì trời đã tối, chúa Nguyễn tìm đến một kiểng chùa. Quá mệt mỏi, phần thì quân Tây Sơn đang rượt phía sau, Chúa Nguyễn cùng hai vị quan hộ vệ đành vào chùa mà trốn. Trong chùa, lúc ấy có ông sư già đang tụng kinh. Sau khi nghe Chúa Nguyễn bày tỏ sự thật, sư cụ nói:
- Xin các vị vào phía sau thay xiêm đổi áo, y theo lời bần tăng, phải làm như vầy...!
Chập sau quân Tây Sơn kéo tới, xúm bao vây chùa và hỏi sư cụ:
- Nguyễn Ánh đâu rồi? Nói mau bằng không ta chém đầu.
Sư cụ điền đạm trả lời:
- Mô phật, xin các ông cứ lục xét chùa. Nếu có bần tăng cam chịu tội.
Viên chỉ huy bèn đem cây đèn trên bàn Phật xuống mà rọi từ trong ra ngoài. Bỗng nhiên, hắn dòm xuống bàn phật mà la lớn:
- Ba đứa nào đây? Quân đâu! Mau chém nó.
Chừng xét kỹ lại, thì rõ ràng là ba cốt phật. Hỏi sao không để trên bệ, sư cụ trả lời đó là mấy cốt Phật của chùa ở làng kế bên đem gởi, chùa bên đó vừa bị sập, chùa bên này không có chỗ trống nên để tạm dưới đất. Viên chỉ huy thấy hữu lý liền cho quân Tây Sơn rút lui. Sau đó, chúa Nguyễn Ánh cùng hai vị quan hộ vệ từ trên bàn Phật bước xuống, vô cùng mừng rỡ, khen gợi sư cụ. Số là khi nãy sư cụ có sáng kiến khiêng tượng Phật xuống đất. Thay vào đó, ba người tị nạn khoác áo cà sa leo lên bệ ngồi chắp tay không nhúc nhích giả như tượng thật.
Quân Tây Sơn nào có ngờ!
(Nghe thêm truyện xưa về Tây Sơn: Con voi với người quản tượng già)