Nguyễn Bá Lân (1701-1785) người Hoài Bão, Tiên Du, Bắc Ninh. Ông là hậu duệ trạng nguyên Nguyễn Đăng Đạo thời Lê Huy Tông. Cha của Nguyễn Bá Lân là Nguyễn Công Hoàn, hay chữ có tiếng nhưng thi cử không hiểu sao chẳng đỗ đạt gì.
Nguyễn Bá Lân thi đậu Hội nguyên, Tiến sĩ, làm quan trải 4 đời vua, lên đến chức Thượng thư (hàm Thiếu Bảo). Ông là một trong "Tràng An tứ hổ” (4 con hổ hay chữ đất Thăng Long): Nguyễn Bá Lân, Đỗ Huy Kỳ, Trần Công Hân, Vũ Diệm. Lịch sử cổ kim, chỉ duy nhất có Nguyễn Bá Lân là người lần lượt được bổ nhiệm làm Thượng thư ở cả 6 bộ trong Lục bộ.
Chuyện học hành thi cử của bố con Nguyễn Công Hoàn và Nguyễn Bá Lân thực sự là những giai thoại.
I. MÀY ĂN TAO NHỊN
Nguyễn Công Hoàn tự tay dạy con học từ nhỏ. Đêm đêm thắp đèn đọc sách, ông thường để dùi đục ở bên cạnh, bảo con:
– Hễ mày ngủ gật thì tao đánh mày, còn tao ngủ gật thì mày đánh tao.
Khổ nỗi có đêm chính ông Hoàn ngủ gật, Bá Lân không dám đánh, chỉ khẽ lay gọi. Tỉnh dậy, ông Hoàn giận lắm, vớ dùi đục đánh con và mắng:
– Mày định "dưỡng phụ nhi ác”, làm hư tao à?
Khi tập văn, ông Hoàn hay bày ra thi để bố con so tài nhau, ông giao hẹn:
– Văn mày hơn thì đến bữa mày ăn, tao nhịn. Văn tao hơn thì đến bữa tao ăn, mày nhịn.
Bá Lân thông minh từ nhỏ, nên khi đã vào mạch văn rồi thì ông Hoàn không thể đấu lại. Rốt cuộc Bá Lân có lúc phải vờ làm bài cho kém để bố không bị đói.
II. BẮT CON ĐẨY MÌNH XUỐNG SÔNG
Một hôm hai cha con ông Hoàn đi thuyền sang bên kia sông Hồng, trước khi lên, vô tình thấy một bầy dê ăn cỏ trên bãi sông, ông Hoàn có hứng, liền giao hẹn với con rằng:
– Tao cùng mày làm phú chơi. Đề ra là "Dê”. Thuyền cập bến mà mày chưa làm xong, tao ném mày xuống sông. Tao chưa xong thì mày quẳng tao xuống. Cùng xong thì tính hòa.
Dĩ nhiên Bá Lân không dám cãi bố, phải nhận lời.
Một lát sau, thuyền rời bến. Sang đến bờ kia rồi, nhìn lại thấy Bá Lân đã viết xong bài "Dịch đình dương xa phú” từ lúc nào không rõ, còn ông Hoàn chỉ được phân nửa bài phú mà thôi. Y hẹn, ông bắt con đẩy mình xuống. Bá Lân lắc đầu. Lập tức ông Hoàn vớ gậy phang cho con một cái nên thân, rồi ra mạn thuyền nhảy tùm xuống. Bá Lân hoảng hồn, vội nhảy theo vớt bố lên.
III. CON CHẤM THI ĐÁNH HỎNG BÀI CỦA... BỐ
Nhiều năm sau, Nguyễn Bá Lân đã đỗ đạt và làm quan to. Khoa thi Hương năm đó, ông là quan Hoàng giáp, được cử làm chánh chủ khảo. Đề ra là "Tây bá trị Kỳ Sơn” (Tây bá Văn vương nhà Chu trị đất Kỳ Sơn).
Ông Nguyễn Công Hoàn khi đó đã cao tuổi, nhưng cũng lều chõng đi thi và đạp vỏ chuối như mọi khi. Thi xong rồi, chấm và yết bảng rồi, Bá Lân về nhà nghỉ. Ông Hoàn hỏi:
– Kỳ năm nay có bài nào khá không?
+ Thưa cũng được mấy bài, nhất là một bài viết rất hay, đúng ra nên cho đỗ thủ khoa. Nhưng tiếc là lỗi phải một câu rõ quá, nên con buộc phải đánh hỏng.
– Là câu gì thế?
+ "Lưu hành chi hóa tự Tây Đông Nam Bắc vô tư bất bặc. Thành tựu chi công tự Cảo Mân Kỳ Phong hữu khách tất tiên”
– Thôi, câu đấy là bố mày viết chứ ai. Câu của tao là "Lưu hành chi hóa tự Tây, Đông Nam Bắc vô tư bất bặc. Thành tựu chi công tự Cảo, Mân Kỳ Phong hữu khải tất tiên”. Sao ngu thế? Chấm thi như mày thì giết bao nhiêu sĩ tử rồi?
(Chú thích: lệ xưa, chữ viết liền mạch, không có dấu chấm hay phẩy. Người đọc tự ngắt câu và đoán nghĩa dựa theo kiến thức của mình. Câu của ông Hoàn có thể dịch sơ là: "Đức hóa lưu hành từ phương Tây, lan khắp các phương Đông Nam Bắc. Công thành tựu ở đất Cảo, là do công mở mang từ trước ở đất Mân Kỳ Phong”.)
Bá Lân nghe xong điếng người, không nói được câu nào. Còn ông Hoàn giận quá, gọi người nhà đến khiêng hương án ra sân. Ông mang tất cả cờ biển, sắc phong áo mũ của vua ban cho Bá Lân, đặt lên hương án, lấy lọng che cẩn thận. Ông vận khăn, đóng áo the chỉnh tề, thắp hương khấn rồi tuyên bố rằng:
– Chức Hoàng giáp và giám khảo của mày tao thờ ở trên đây. Còn mày, tao phải trị tội dốt này.
Rồi ông bắt Bá Lân nằm sấp xuống sàn, vụt cho mấy chục roi, y như hồi bé đánh con vì tội không thuộc bài.
Sau vụ đó, ông Hoàn không bao giờ đi thi nữa. Có người quen hỏi thì ông nói:
– Chúng nó chấm thi như cứt, đi thi làm gì? Đậu nhảm, hỏng oan, ích gì?
(Tham khảo: "Đối đáp thông minh”, NXB Hội nhà văn, 1999, tr.65-69)