Cụ Đồ Chiểu là một bậc sĩ phu làm rạng danh cho nước Việt Nam ta.
Năm hai mươi sáu tuổi, cụ ra ngoài Huế để thi Hội. Dọc đường hay tin mẹ từ trần, cụ trở về thọ tang, than khóc đến mù cả mắt.
Năm 1861, Pháp chiếm miền Đông Nam Kỳ, dẫu bệnh tật, cụ vẫn hăng hái sung vào bộ tham mưu của nghĩa quân, bàn cơ mưu giết giặc với ông Đốc binh là ông Trương Công Định.
Sau đó, cụ về Bến Tre dạy học, soạn sách.
Quan chánh tham biện người Pháp ở tỉnh Bến Tre rất hâm mộ tài năng của cụ, đích thân đến tận nhà thăm viếng. Nhưng mỗi khi viên thông ngôn dịch lại, cụ giả đò không nghe như người điếc.
Lần đầu, quan tham biện cho cụ hay rằng:
- Điền đất của cụ ở Gia Định nay đã tra xét rồi, nhà nước mời cụ ra nhận.
Cụ nói:
- Tôi không dám nhận. Nước đã mất. Của riêng của tôi làm sao còn được.
Lần thứ nhì, quan tham biện ngỏ ý muốn cấp cho cụ một số tiền dưỡng lão. Cụ từ chối.
Lần thứ ba, quan tham biện đến nhờ cụ sửa lại bộ thơ Lục Vân Tiên mà quan đã sao lục để cho đúng bổn chánh. Cụ nhận lời.
Tục truyền rằng: Bình sinh không bao giờ cụ dùng xà bông, chỉ giặt quần áo bằng nước tro. Hỏi sao cụ mặc toàn đồ trắng, cụ nói:
- Tôi để tang cho đất nước.