Ông Tăng Chủ, tên thật là Bùi Đình Thân, không biết năm sinh năm mất, chỉ biết ông sống nửa cuối thế kỷ 19. Tuy có tên thật, nhưng từ khi ông làm đệ tử Đoàn Minh Huyên (tức Phật Thầy Tây An, gọi tắt là Phật Thầy), và được ban cho đạo hiệu là Bùi Thiền Sư, thì cái tên thật kia ít ai còn nhớ đến. Sau này, khi được thầy giao việc coi sóc trại ruộng tại chân núi Két, ông còn được gọi là Tăng Chủ (theo nghĩa ông sư làm chủ trại ruộng), và đây chính là cái tên còn được gọi cho đến hôm nay.
Ông là người có công phát triển giáo phái Bửu Sơn Kỳ Hương và là người có công khai phá sơn lâm, lập nên hai làng là Hưng Thới và Xuân Sơn mà sau này hợp thành xã Thới Sơn, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang, Việt Nam (Theo Wiki).
Nhiều người dân nơi ở xã Thới Sơn cho biết, lúc bấy giờ quanh núi Két hãy còn rừng rậm nên thú dữ rất nhiều. Vùng Bảy Núi nơi ông Tăng Chủ đến đó lập trại ruộng xưa kia cọp rất đông.
Tương truyền, theo hai nguồn tham khảo ghi bên dưới, thì một hôm ông Tăng Chủ đi thăm ruộng về, trong khi trời nhá nhem tối, ông gặp con cọp bạch đứng chực sẵn ngoài cửa. Nhìn kỹ, rõ ràng cọp nọ đau nặng, mình mẩy ốm nhom. Cọp hả miệng ra, ngước lên như cầu khẩn. Ông Tăng Chủ hỏi:
- Làm gì mà bạch hổ ngồi đây? Ờ ... Chắc là mắc xương hả?
Cọp gật đầu. Ông bảo cọp nọ cúi đầu xuống rồi ông vung tay đấm xuống ngay sau cổ nó. Cục xương văng ra.
Ông nói:
- Từ rày về sau bạch hổ đừng tham ăn nữa, nghe không!
Vài hôm sau, bạch hổ cõng lại một con heo để đền ơn.
Lần nọ, trên núi Bà Đội Om có con hạm rất dữ. Ông Tăng Chủ gọi bạch hổ đến để cùng với ông đi đánh hạm. Hạm phải té xuống hố mà chết.
Về sau, dân chúng nhớ ơn nên cất miễu thờ Bạch Hổ và xây mộ cho ông Tăng Chủ ở gần chùa Thới Sơn.